1. Xưa, làng Thiên thuộc vùng bán sơn địa thuộc huyện Chí Linh. Ngôi làng nằm cạnh đường cái quan, và tuy chỉ là một làng nhỏ nhưng có yếu tố phong thuỷ, thanh long, bạch hổ, đầy màu sắc cổ tích. Giữa cánh đồng bằng phẳng như bình nguyên, bỗng có ngọn núi đột khởi bên bờ sông Nguyệt Giang mềm như dải yếm. Quả núi ấy hình con rùa, gọi là núi Quy sơn. Các cụ già nói rằng ban đêm có con rùa vàng từ núi thường bò ra sông uống nước, nên có tên như thế. Trên núi, cây cối xanh tươi, trẻ chăn trâu, người kiếm củi thường qua lại. Dưới chân núi là chợ, cách xa chợ vài trăm thước là bến sông, thuyền chài ra vào tấp nập. Vì thế ở chợ này có đủ thứ, như lâm thổ sản, có thuỷ sản từ vùng duyên hải đem vào. Những ngày chợ phiên, làng Thiên càng nhộn nhịp đông vui. Địa thế “đất thơm cò đậu” như vậy đã thu hút người tứ xứ về sinh sống rồi thành làng.
Trong làng, họ Nguyễn to nhất, lại nổi tiếng hiếu học và khoa bảng. Cụ Nguyễn Minh Thiện, 54 tuổi đi thi đỗ Tam giáp tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1577) triều Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Sùng Khang thứ 12, làm quan đến chức Hiến Sát Sứ đã làm cho nhà họ Nguyễn trở thành danh gia.
Ông nội vinh quy năm trước, năm sau Mậu Dần (1578) Nguyễn Minh Triết ra đời. Cả họ lại càng mừng vui khôn xiết, chỗ nào cũng thấy những lời chúc phúc: Thằng bé kháu khỉnh lắm, rồi lớn lên sẽ nối nghiệp gia đình.
Ông nội mừng lắm, đặt tên cho cháu là Nguyễn Minh Triết (阮明哲, có nghĩa là sáng sủa, rõ ràng). Chỉ có điều khi cậu lớn lên và trưởng thành đúng lúc nhà Mạc đang bị những đợt tấn công khốc liệt của nhà Lê - Trịnh. Gia cảnh cũng neo bấn, sa sút, nhưng cha mẹ cậu vẫn quyết tâm cho con đi học với những lời khuyến khích:
- Con phải gắng lên, học hành tấn tới sau này nối nghiệp nhà - Người cha của Nguyễn Minh Triết giảng giải -Ngày con còn trong bụng mẹ, thì ông nội con đỗ tiến sĩ vinh quy về làng. Cả tổng cả huyện lên trấn đón rước.
Từ nhỏ Nguyễn Minh Triết đã tỏ rõ một cậu bé thông minh, hiếu đễ và chăm chỉ. Nhà nông thức khuya dậy sớm, vất vả đồng áng, nhưng Nguyễn Minh Triết vẫn vừa học hành vừa phụ giúp gia đình. Cả một vùng từ cửa sông Lục Đầu Giang đến cuối sông Kinh Thầy, sang tận Kinh Bắc đều nức tiếng thần đồng làng Thiên. Gia đình, xóm làng đều hy vọng đặt niềm tin vào Minh Triết. Nhưng lạ thay, càng hy vọng bao nhiêu thì gia đình, họ tộc càng thất vọng bấy nhiêu. Nguyễn Minh Triết đi thi Hương lần đầu lúc 17 tuổi, rất hăm hở tự tin nhưng bị loại ở nhị trường. Ba năm sau lại thêm một lần đắng cay ê chề, chỉ vào tam trường rồi dừng lại. Cả họ nóng lên như bếp than hồng. Cha mẹ chàng đã bắt đầu nao núng, nhưng Minh Triết vẫn khăng khăng tin ở sức học của mình. Đến khi hỏng tới ba khoa liền thì nỗi thất vọng bao trùm trong toàn họ tộc. Cảnh nhà nghèo càng nghèo thêm.
Đến tuổi trưởng thành, mẹ cha ngày một có tuổi, cảnh nhà nghèo túng… Chàng phải nghe gia đình lấy vợ, để giúp việc cấy cày. Tuy công việc ruộng đồng khó nhọc, nhưng ý chí học hành thi cử vẫn như ngọn lửa âm ỉ trong lòng chàng mặc dù đã trượt 7 khoa thi Hương. Bạn bè đã nhiều người đỗ đạt đi làm quan hiển vinh, còn Minh Triết vẫn long đong. Vào mùa cày cấy, ông là lực điền tham công tiếc việc, sớm khuya lặn lội ruộng đồng. Đến vụ nông nhàn lại âm thầm đèn sách, văn chương.
Thời gian và nỗi nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh đã biến chàng thanh niên vạm vỡ Nguyễn Minh Triết nhanh nhẹn, thành một người chững chạc. Từ tên gọi anh khóa, rồi bác khóa từ bao giờ không rõ nữa. Đã có lần người vợ thương chồng nay đã vào tuổi ngũ tuần còn mộng lều chõng lập thân than thở bảo rằng:
- Thôi, âu cũng là số cả! Học tài thi phận. Ông nên ở nhà rèn cặp các con, còn thi thố làm chi cho nhọc lòng…
Ông cười bảo vợ:
- Thiên hạ khối người học kém xa ta còn đỗ ông nghè, ông trạng. Mẹ nó hãy chờ đấy.
Người vợ chỉ thở dài…
***
2. Mùa xuân năm Canh Ngọ (1630), Minh Triết đi hội Côn Sơn trước khi lên đường thi Hương một lần nữa. Tuy từ nhà đến nơi non xanh nước biếc này chỉ khoảng ba chục dặm, nhưng cảnh neo bấn, nên Minh Triết cũng rất ít khi đi chơi. Cảnh trí mùa xuân vùng tiểu khí hậu, có thông reo gió thổi chim hót, suối chảy róc rách làm cho tâm hồn ông thanh thản hơn nhiều. Ông nghe văng vẳng bài văn của Nguyễn Phi Khanh dào dạt chất thơ “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày; hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi; mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem; phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối tuôn reo, xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt tâm thần người ta ở đây đều có đủ cả”.
Minh Triết thong thả bước trên con đường đầy cỏ may. Ông hít thở khí trời cảm thấy vô cùng khoan khoái. Dãy núi Kỳ Lân khoác trên mình một tấm áo choàng xanh mát, những triền núi thông ngàn vi vút trong tiếng nhạc suối ngân nga. Muôn triệu hạt mưa xuân như bụi phấn bám trên cành lá thông, vương vãi trên từng vạt cỏ ven đường long lanh như hạt ngọc.
Mải suy nghĩ miên man, không để ý có hai người du khách từ phía sau vượt lên, đến lúc ngang hàng với Minh Triết thì một người dừng lại quay sang phía ông, đưa hai tay lên lễ phép:
- Xin chào nhân huynh, có phải lối này về chùa Côn Sơn?
- Đúng vậy, quý khách đi thêm non dặm nữa. Nguyễn Minh Triết đáp.
Và họ tiếp tục đi.
Người khách muốn làm quen, lại hỏi:
- Thưa, mạo muội xin hỏi tính danh nhân huynh thế nào, để tiện bề xưng hô cho phải?
- Thưa, lão phu là kẻ quê mùa, họ Nguyễn.
Vị khách đi đường nhìn Minh Triết rồi tủm tỉm:
- Tiên sinh chẳng nên giấu mình. Kẻ quê mùa nhưng nghiệp kinh bang.
Đến lượt Minh Triết giật mình:
- Đâu dám!
- Chỉ có điều… - Ông khách nói tiếp lấp lửng.
Minh Triết tò mò hỏi lại:
- Quý khách cứ nói. Có điều sao?
- Chỉ có điều “Độc thư đáo lão vị thành danh!” (Đọc sách đến già vẫn không thành danh được). Rồi vị khách cười to rẽ sang lối khác.
Minh Triết nghe câu thơ của ông khách du xuân bỗng giật thót mình.
3. Nguyễn Minh Triết có mấy người bạn học thân tình. Phạm Phúc Khánh người Mạn Nhuế, xã Thanh Lâm, Nam Sách cùng trang lứa với ông đã đậu tiến sĩ năm Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1623) dưới triều vua Lê Thần Tông. Nhưng hoàn cảnh ông gần gũi hơn với Nguyễn Bình quê xã Bồng Lai huyện Quế Dương, Bắc Ninh. Nguyễn Bình lớn hơn Minh Triết 7 tuổi, cũng lận đận thi cử, nhưng đến khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 đời Lê Thần Tông (1628) thì cả hai cha con cùng đậu tiễn sĩ Tam giáp. Khi ấy cha đã 58 tuổi và người con trai Nguyễn Tài Toàn vừa tuổi 31, làm xôn xao cả khu vực trấn Kinh Bắc.
Thấy ông đến, Nguyễn Bình vui mừng ra cổng đón vào nhà thù tạc. Rượu đã đến lúc tàn, Minh Triết mới mang chuyện đi hội Côn Sơn ra kể, giọng nhuốm chút bâng khuâng:
- Tôi sớm khuya đèn sách cùng tiên sinh, sức học cũng không nỗi gì mà sao lận đận mãi cuộc đời thi cử. Thấy các tiên sinh hoạn lộ thênh thang, ngẫm phận mình, đôi phần hổ thẹn.
Nguyễn Bình nghe tâm sự của bạn, chỉ cười không hề xúc động, mà rằng:
- Nào tôi và tiên sinh có khác nhau mấy đâu. Bậc quân tử như tiên sinh trên đời ít có. Thắng không kiêu, bại không nản, nghèo mà không hèn, chẳng tự ti. Cây ra hoa sớm cũng không phải là hoa quý. Cây bói quả muộn không phải quả thường. Thì đấy, cây nhãn năm năm bói hoa nhưng ngọt thơm hàng thế kỷ. Mướp lớn phổng từng khắc, bốn tuần trăng đã xác xơ rồi. Một ngôi sao băng, chớp loé trong bầu trời giây khắc mà sáng tận càn khôn, còn ánh sáng vàng vọt năm này sang năm khác cũng chỉ là thứ tầm thường, tạo cho đàn muỗi lợi dụng nhập nhoạng trời tối bay ra.
Biết đấy chỉ là những lời bạn động viên, nhưng Nguyễn Minh Triết cũng có phần dịu đi niềm tâm sự. Còn Nguyễn Bình thì vẫn đăm chiêu ngâm nga lại câu thơ của người khách du xuân nói về Minh Triết: “Độc thư đáo lão vị thành danh”, rồi bỗng “Ồ” lên:
- Phải rồi, đúng rồi! Tuyệt lắm, Nguyễn tiên sinh…
Thấy bạn bỗng sôi lên như vậy, Nguyễn Minh Triết hỏi cho có chuyện:
- Chuyện đã như thế thì còn cái gì mà tuyệt chứ?
- Đây, tiên sinh nhìn xem!
Nguyễn Bình vừa nói vừa lấy đẩu ngón tay, viết lên bàn uống nước chữ Vị. Và nói tiếp: Chữ này có hai âm, mà mỗi âm có nghĩa khác nhau. Khi ta dùng là âm Vị (未) có nghĩa là chưa, nhưng còn có một âm là Mùi (未) lại có nghĩa là năm Mùi. Câu thơ ấy phải hoá giải thế này mới đúng: Độc thư đáo lão vị thành danh tức là “Học hành đến khi già, nhưng năm Mùi mới thành danh…”.
Khoa thi Hội năm Tân Mùi (1631) đối với Nguyễn Minh Triết là một dấu ấn. Khi sĩ tử các nơi dập dìu về tới kinh thành dự thi, thì nhà vua ra cáo thị hoãn thi vô thời hạn. Nhà Mạc bấy giờ từ Cao Bằng mang quân tràn xuống phía Nam tiễu phạt quân Lê - Trịnh. Vua Lê sợ không bảo đảm được an ninh cho kỳ thi nên truyền chỉ báo hoãn. Các sĩ tử choáng váng, nửa muốn về nửa muốn ở lại đợi chờ. Nguyễn Minh Triết đành phải giả danh người đi làm thuê, tìm việc. Thật may mắn được vào một cửa hàng cơm ở ngoài thành làm chân phụ giúp: rửa bát, chẻ củi tá túc tháng ngày.
Khi vua báo tiếp tục thi Hội, ông lại hăm hở bước vào ứng thí. Nộp quyển cuối cùng cho quan trường, ông vội vã trở về nhà, khi trong túi chỉ còn vài hào bạc lẻ. Ông không ngờ rằng khoa thi năm Tân Mùi đã làm thay đổi cuộc đời ông…
Khi Nguyễn Minh Triết về triều mới biết: Vào thi Đình trước bệ rồng, Đức vua ra 12 đề mục, ông chỉ tập trung tinh lực làm có 4, bỏ hẳn 8 mục rồi nộp quyển. Các quan trường chấm thấy bài rất hay và lấy làm kinh ngạc bởi lối triết luận sâu sắc, trước những ý tưởng mới mẻ giúp vua, trị vì đất nước khai sáng cho chúng dân phù hợp với đạo trời lòng người.
Quan chánh chủ khảo muốn lấy đỗ, nhưng vẫn e ngại vì bài bỏ 8 mục. Đến khi dâng vua danh sách những người trúng cách, vua Lê Thần Tông hỏi:
- Các khanh đã kiểm tra kỹ chưa, còn sót quyển nào không?
Quan chánh chủ khảo tâu:
- Tâu bệ hạ! Thực ra còn một quyển nữa viết rất hay, nhưng chỉ làm 4 mục, bỏ 8 mục nên chúng thần…
Vua phán:
- Thơ một câu, phú một liên. Nếu xuất sắc thì một câu cũng lấy được huống hồ là 4 mục.
Quyển thi được trình lên ngay cho vua xem. Vua ngạc nhiên và phán :
- Ban cho Nguyễn Minh Triết học vị Đình nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám hoa).
Khoa thi Tân Mùi cả nước lấy 5 người đỗ đại khoa, trong đó có Nguyễn Minh Triết. Năm ấy ông 54 tuổi.