Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Cánh tay dài" của tác giả Vũ Tuyết Mây
20/04/2022 12:00:00

“0 giờ rồi sếp ơi! Kéo xế lô về thôi, mai lại đi tiếp nhé!”.

 
 
 

 Minh họa của Bùi Quang Đức

 
Tôi nói đùa trong điện thoại với vị Chủ tịch, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 của phường cho vơi bớt nỗi nhọc của một ngày: quần quả, ngược xuôi thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để ngăn chặn hiểm họa từ dịch Covid -19.

Sáng ra còn chưa tỉnh ngủ, đã văng vẳng bên tai tiếng “tít tít” liên hồi. Mắt nhắm nghiền vì ngái ngủ, tôi vội quờ tay, vơ lấy cái điện thoại đưa lên tai. Từ dạo có dịch bệnh Covid-19, điện thoại gắn liền với người như khẩu súng với người lính ngoài mặt trận:

- Ai gọi đấy?

Vừa dứt câu, đã nghe một giọng hấp tấp:

- Bác ơi, chết cháu rồi, vợ chồng cháu cùng bị F0 rồi!

Thế là tỉnh hẳn. Tôi vùng dậy:

- Cháu là đứa nào? Ở đâu? F0 từ khi nào? Đi đâu mà F0?

Giời ơi, cháu là thằng Chưởng, quán Bún cá rô cây quéo đây ạ! Chúng cháu nào có đi đâu, thằng F0 nó đến quán cháu ăn sáng hôm qua. Giờ đến lượt vợ chồng cháu. Thế có chết không bác ơi!

- Cái thằng này - Tôi trấn an thằng chủ quán bún, tuổi bằng đứa con út của tôi- Chưa đâu vào đâu, đã thấy chết với chết. Đừng có gở miệng. Đang lúc dịch bệnh căng thẳng thế này, tránh từ chết ra, hạn ách nó đến rồi nó đi. Chết. Động một tí đã chết. Thế thì chết hết à?

- Vâng. Cháu không nói từ chết nữa. Bây giờ vợ chồng cháu nói đến chuyện nhờ cậy các bác Tổ Covid khu phố đây ạ. Là chúng cháu nhờ các bác về chuyện lũ trẻ, trong thời gian chúng cháu đi cách ly ạ!

- Được. Nhờ cái gì, nói mau, kẻo người khác gọi, lại rối lên. Thế là cả con phố này lại bị quây chặt rồi. Khốn khổ rồi đây.

Trong lúc bối rối, tôi quên vợ chồng nhà bún cá đang run như cầy sấy, buột miệng nói những câu đụng chạm, khiến thằng chồng mếu máo, bảo tôi vô cớ oán trách chúng nó. Con vợ đứng bên thấy vậy giật lấy điện thoại, giọng ai oán:

- Giời ơi là giời, bác nói thế chẳng hóa, vợ chồng cháu là tội đồ, là dắt con Covid về cái xóm phố này hay sao? Cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo, mới ra nông nỗi. Bây giờ chắc gì vợ chồng cháu đã qua được đận này, F0 là cửa tử đấy bác ơi. Bây giờ hai đứa trẻ nhà cháu, chỉ cần mở mắt thức dậy mà biết bố mẹ đã đi cách ly, chắc chúng nó tán loạn lên mất? Hu hờ…

- Ôi thôi chết! Là thuận mồm bác nói thế thôi, chứ không có ý trách móc bọn bay đâu, bỏ đi! Mấy đứa trẻ bây giờ thế nào, chúng nó đang ở đâu?

Thấy tôi xuống giọng, con vợ tỉnh queo:

- Các cháu trên chục tuổi cả rồi, cũng may hôm qua hai đứa phải học Onlie, không ăn cơm cùng bố mẹ, tối mỗi đứa lại ngủ một phòng, lấy mẫu xét nghiệm âm tính rồi. Nên chính quyền chỉ “bốc” hai vợ chồng cháu đi chữa bệnh cách ly thôi. Chết nỗi, ông bà cháu ở dưới quê, mà tuyến phố này, chính quyền đang làm rào chắn mất rồi. Thế nên nhà cháu trông cả vào các bác Tổ Covid cộng đồng một thời gian, bác tính sao?

- Còn tính sao nữa. Yên tâm mà đi chữa bệnh cho khỏi, hai đứa đã lớn, tự nấu nướng, tắm giặt được rồi, bác sẽ cử cô Vẻ, cùng ngõ bên ấy qua lại trông nom cơm cháo. Còn cần mua bán gì, cứ nói với mấy ông bà Tổ Covid cộng đồng. Thế là yên tâm chứ gì?

Con vợ hấp tấp:

- Ôi! Vâng! Thế thì không còn gì phải lo lắng nữa ạ. Vợ chồng cháu cảm ơn các bác khu phố ạ. Thôi chúng cháu đi đây, mọi người đang đợi chúng cháu ngoài cửa rồi!

“Chúng cháu đi đây”, ruột gan tôi bỗng dưng buồn thương. Đúng là lúc lâm nguy mới biết lòng dạ thế nào. Con bé này ruột để ngoài da, nói mà chẳng nghĩ. Nếu bình thường, thể nào hôm nay tôi cũng mắng vào mặt nó vài câu. Giờ thì không, tôi chỉ đành tặc lưỡi và lẩm bẩm: “Đi đây là đi chết à. Rõ là cái giống dở”. Tôi phải giữ mồm giữ miệng, bởi, nói thêm câu nào vào lúc này, chửa biết chừng, con vợ nó mà tru tréo lên, thiên hạ sẽ cười vào mặt cái lão đại tá già, đi bắt nạt cái đứa trẻ ranh.

“Choét choẹt”. Lại ai nữa thế này. Trời vẫn tối mù mù, đọc thế đếch nào được mà nhắn với nhủ. Tôi quay lại, bật công tắc điện cho sáng lên, rồi ngoặc cái kính lão lên sống mũi xem tin nhắn nói gì. Trời! Lại là mệnh lệnh của Chủ tịch phường: “Các bác tổ trưởng Tổ Covid chú ý nhé, từ giờ đến 3 giờ chiều nay, các bác phải gửi lên phường danh sách những người làm công nhân trong các công ty nhé! Cảm ơn các bác”.

Trời ạ, tôi bấm máy bật lại:

- Các cậu vừa phải thôi, U70 rồi, cái gì cũng “ngay và nhanh”. Các cậu làm như bọn tớ có cái túi của Tôn Ngộ Không, muốn cái gì, chỉ cần thò tay vào là lôi cổ nó ra được ngay. Đêm qua làm việc đến tận nửa đêm, thế mà mới bảnh mắt đã lại danh sách. Mà lại chỉ cho có mấy tiếng đồng hồ đòi lôi được tất tật tên, tuổi công nhân, rồi công ty… trong cái thành phố này. Có mà tôi xin chắp tay vái cả nón nhà phường!

Trưởng Ban Phòng chống dịch dường như không hề đả động đến tâm trạng của tôi, giọng hắn tỉnh queo:

- Ấy, không không bác ơi! Không phải em muốn làm các bác vất vả đâu, mà là cái con Covid, là lệnh của trên, của thành phố đấy chứ! Các bác đọc công văn rồi, toàn là lệnh trên nhé, em nào dám lạm quyền, thêm một chữ em cũng chả dám! Hí hí!

Giữa lúc mệt mỏi, bực tức, nghe cái giọng nói ồm ồm, tiếng cười kha khá khinh khích của tay chủ tịch, lòng tôi thấy mềm lại.

- Cấp nào thì người đứng đầu cũng phải mạnh dạn phản ảnh cái bất cập lên trên chứ - Tôi chưa buông, vì công việc quá với sức của bọn người cao tuổi chúng tôi.

- Nhưng mà các bác cũng không quên, chống dịch như chống giặc cơ mà. Thôi, vất vả, nhưng anh em mình vẫn còn được thở, được nói và được đi ra đường là cái lãi, cái sung sướng hơn cả chán vạn người khác rồi bác ạ! Hí hí. Ở trong kia (Ý hắn ta nói tới cái chỗ đang bị kéo rào, chăng dây ngang dọc, chằng chịt hai đầu đường “ai ở đâu ở yên đấy” với nỗi lo mất mật F0, F1… đang khốn khổ đến thế nào). Tóm lại, vẫn phải “ngay và nhanh” đấy “cụ” nhé!

Ô lạ thật. Rõ ràng, tay Chủ tịch phường mới nói có mấy câu, mà vẫn là: “ngay và nhanh”, vậy mà chẳng hiểu sao, đang bực tức, đầu tôi đã bớt nhiệt, lại còn thấy phấn chấn trong lòng. Chẳng thế mà mấy chục ông bà thành viên Tổ Covid cộng đồng ở cái phường này, ai cũng vui vẻ chấp nhận cái lệnh: “ngay và nhanh” như một lẽ tự nhiên, không một lời ca thán, không kể công, trong khi họ chẳng được hưởng một chế độ gì, tự mình nhận vai trò đi đầu, tự mình đứng vào đội ngũ “Tổ Covid cộng đồng” rồi đến “Tổ chăm sóc F0 tại nhà”...

- Bác ơi, cứu chúng cháu với. Hai ngày nay chúng cháu mỗi đứa chỉ có một gói bim bim. Bây giờ không chịu nổi nữa rồi ạ!

-Ai? Các cháu là ai? Làm gì? Số nhà bao nhiêu, nói rõ bác mới biết được chứ?

- Bọn cháu ở Sơn La xuống đây kiếm việc làm. Chưa tìm được việc thì thành phố phong tỏa. Hiện giờ chúng cháu có bốn đứa, bị kẹt trong xóm trọ Gốc Me ạ!

- Ôi trời, sao khốn khổ thế. Bây giờ cứ ở yên đấy, các bác kêu gọi, nhất định bà con sẽ san sẻ thôi. Nhất định có đấy, đừng lo lắng nhé!

- Vâng! Bác nói vậy là bọn cháu yên tâm rồi, chúng cháu sẽ chờ ạ!

- Ờ. Được, được. Chỉ nội trưa nay là có gạo mắm thôi. À mà phòng số mấy?

- Dạ, dãy nhà trọ này chỉ còn mấy bọn cháu quê xa bị kẹt lại, dồn vào hai phòng, còn những người xung quanh, họ đã rút đi hết rồi ạ!

- Được rồi, yên tâm đấy nhé!

Giao kèo xong với thằng bé quê Sơn La, trong lòng tôi như có thêm năng lượng, cái ý nghĩ mình đi giúp người sao nó phấn chấn lạ. Vừa đi, tôi vừa nghĩ, có khi nào, chính cái gian khổ lại thổi vào lòng con người ta một tinh thần mạnh mẽ hơn, một bản lĩnh vững vàng, một tinh thần vì nhau.

- Sáu giờ sáng mà còn sớm á? Chúng cháu có mặt ở trụ sở phường từ năm giờ sáng cơ. Bây giờ cháu đang đứng ở quán bún Huế đây. Sếp phường nhắn, bác xuống ngay cùng bọn cháu giải quyết vụ này ạ!

- Ôi giời! Lại “ngay”. Chuyện gì nghe hình sự thế, các cậu nói qua xem nào. Với lại tớ cũng còn phải chuẩn bị áo sống cho tử tế tí chứ, ai lại đi ra đường với bộ dạng bùng nhùng thế này coi sao được…!”.

Bất ngờ cái giọng khàn của tay Chủ tịch phường nửa gần gũi, nửa như ra lệnh:

- Không cần chải chuốt đâu bác ơi. Bác cứ vậy mà đi hộ em! Ngoài đường chẳng có ma nào đâu “Nhà nào ở yên nhà ấy” rồi còn gì!

- Ôi giời! Giật bắn cả người! Chủ tịch cũng đứng ở đấy à? Đi ngay đây! Còn lo ra đường không có lý do chính đáng bị Trưởng Ban Phòng chống dịch phường bắt nộp phạt ấy chứ, nói gì đến lôi thôi lếch thếch!

- Bây giờ thì em phải về ủy ban giải quyết công việc rồi, hôm nay chỉ nhờ bác giải thích để họ nhận sai là được. Rồi quán triệt cái tinh thần không có lần sau đâu nhé!

- Nhưng mà nhà này trước nay, nó vẫn chấp hành tốt cơ mà!

- Xin thưa với bác, không phải ai hết, mà đích danh em vào nhà, bắt tận nơi mấy ông trẻ lịch lãm, đang ăn tận tầng hai cơ đấy!

- Ôi trời. Thế chủ tịch đi rồi, nó cãi trắng thì làm sao?

- Cãi thế nào được với em. Có ảnh chụp rồi nhé. Quan trọng là em nhờ các bác Tổ Covid cộng đồng khu phố vận động, tuyên truyền cho họ hiểu, để họ không tái phạm nữa là được. Còn chuyện đúng, sai, cãi cự, bác bảo họ lên phường gặp em.

Tôi tò mò, vớt vát mấy câu:

- Này, thế cậu lên tận phòng ngủ nhà nó thật đấy à? Con mẹ này hay lu loa lắm, vậy mà bây giờ nó chịu à?

- Thế mới làm chủ tịch phường được chứ bác -Mặt anh ta hơi vênh lên - Ban đầu bà ta cũng định lu loa. Nhưng khi biết em đã chụp ảnh, nên bà ta nhũn ngay. Lại cái đám thực khách đang xì xoạp, cũng định bỏ chạy, nhưng thoát sao được. Các bác nhớ bắt họ ký cam kết không tái phạm. Lần sau họ mà tái phạm, ít nhất cũng phải mất với em ba tháng tiền công, chống đối đã có luật. Thế bác nhé! Thư thả em mời bác uống trà!

Ối trời! Váng cả đầu. Thôi, thế là hắn trao tuột cái “gánh nhân gian” vào vai lão già, tổ trưởng Tổ Covid khu phố. Mà sao hắn lấy ở đâu ra lắm năng lượng thế cơ chứ. Nửa đêm hôm qua còn oai oái điện thoại đòi báo cáo tình hình, đòi danh sách, số liệu, hôm nay mới năm giờ sáng, trời thì lạnh, đã xộc lên tận tầng hai nhà người ta, rồi lại cong mông đạp xe giữa phố. Đúng là tuổi trẻ, là cái anh cán bộ cơ sở ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

***

Trong lúc chờ ấm nước sôi, tôi tranh thủ ăn tạm vài miếng cơm chan tí nước cáy Thanh Hà, định bụng còn có thời gian thong thả pha ấm trà uống cho tỉnh táo, đã lại có tiếng chuông điện thoại. Vợ tôi đánh mắt nhìn sang tôi vẻ căng thẳng:

- Lại có chuyện gì rồi.

Tôi chưa kịp đáp lại vợ, đã thấy tiếng mụ Tý lùn, Tổ Covid. Trong điện thoại, giọng mụ vẫn the thé:

- Ông Cù ơi, thằng Đổng chết rồi.

- Cô đùa ác vừa chứ. Làm gì có chuyện chết nhanh thế được? Đau có tí chân, mới nhập viện được hai hôm nay, đã chết là chết thế nào?

Mụ Tý xuống giọng trầm trầm. Mà quái, nghe cái giọng của mụ hôm nay, tôi bỗng có cảm giác như quanh mình có mùi quết trầu và mùi hương, lành lạnh, bùi ngùi:

- Không phải thằng Đổng què, mà thằng Đổng rượu cơ. Nó chẳng có biểu hiện gì, chiều hôm qua còn nhờ bà Cử mua hộ mấy củ khoai lang, bảo hôm nay người mệt, chỉ thèm mỗi củ khoai lang, chả thiết gì đến cơm. Thế mà sáng nay đã chết còng queo ra rồi. Ai cũng tưởng nó phải gió, không ngờ y tế vào làm xét nghiệm, ối giời ơi, nó chết vì con Covid. Rụng rời cả chân tay. Từ lúc biết tin con Covid vào xóm, người nào người nấy, mặt xanh như đít nhái, chui tiệt vào nhà đóng cửa chặt rồi. Tiên nhân nhà nó, sống làm con ma rượu, chết lại làm con ma mắc dịch. Sợ chết khiếp. Thế này ai còn dám khâm liệm cho nó.

Nói đến câu này, giọng mụ Tý có vẻ ngắc ngứ, nghe sởn cả gai ốc. Tôi vội trấn an:

- Nó sống độc thân trong cái ngách cụt, có mấy khi ai dòm vào đấy, lại được phường phun khử trùng rồi, chắc không có ai bị lây bệnh đâu. Còn khâm liệm thì đã có ý tế phường, lo gì.

- Vẫn biết là thế, nhưng nhiều người mắc thế này, nghe nói y tế còn chẳng đủ người để lo cho người bệnh, lại còn có người mà lo được cho cả người chết nữa. Theo tôi, Tổ Covid cộng đồng ta cứ chủ động trước, bí quá là phải ra tay chứ còn ai vào đây - Ý mụ Tý ám chỉ, biết đâu tôi lại là người khâm liệm cho thằng Đổng.

Tôi cắt dòng trạng thái của mụ Tý lùn:

- Giờ bên xóm ấy thế nào, có tìm được người thân của thẳng Đổng mà báo cho họ biết không.

Câu nói của tôi làm mụ cụt hứng, gắt gỏng:

- Đã bảo nhà nào nhà nấy đóng cửa chặt mà lại, giờ có bố chết cũng chẳng ai dám thò ra. Cái xóm này bây giờ u ám rợn cả người. Ngoài những người có trách nhiệm, bố bảo cũng chẳng ai dám vào đây. Ô mà người của phường đã đến chăng dây, chắn ngõ và phun khử trùng rồi đây này. Thế nào Chủ tịch phường chả réo ông ngay bây giờ.

Một chút ớn lạnh thoáng qua người tôi. Nghĩ đi rồi nghĩ lại. Thằng Đổng bệnh đầy người, chả biết ở đâu dạt về đây, thuê gian nhà mươi mét vuông tường gạch tróc lở, ai gọi làm gì thì làm việc đó, ai cho cái gì nó cũng nhận, đứt bữa cũng được, nhưng rượu thì phải đủ ba đỏ mỗi ngày. Nghe nói, nó mới chỉ lửng dửng hai ngày hôm nay, thế mà đã lăn ra chết. Chết cô quạnh. Con người thật khổ. Có bảo mình khâm liệm nó cũng chẳng sao. Mình sống đến bảy tám chục năm rồi có cái gì đánh đổ được mình đâu. Không sao. Tinh thần tôi như có làn gió sớm thổi qua, xua tan nỗi ưu phiền.

Bỗng có tiếng chim lảnh lót, ríu ran ngoài cửa sổ. Nhìn ra ngoài, trời đã sáng. Một ngày mới với tôi bằng những âm thanh của chương trình thời sự buổi sáng trên ti vi, toàn những hình ảnh về đại dịch Covid… Mặc. Quen rồi. Bình thường rồi. Bây giờ mình phải cắm điện, đun một ấm nước, pha một ấm trà thật ngon, uống một chén nóng ròn cho đã, để sẵn sàng cho một ngày giữa đại dịch. Mới nghĩ đến đấy, trong lòng đã có cảm giác vui vui, cuộc sống đầy bận rộn, âu lo, nhưng lại có ý nghĩa làm sao.

Mới uống đến chén trà thứ hai, bất chợt tiếng chuông điện thoại bàn ở phía sau lưng chợt réo vang khiến tôi giật mình:

- Bác ơi, em là Thanh, ở Sài Thành về nhà tối hôm qua, giờ em báo để bác biết!

- Về từ tối qua, giờ mới báo. Chậm đấy. Bây giờ cậu phải báo lên trạm y tế ngay đi. Số điện thoại chúng tớ đã dán ở cánh cửa nhà đấy. Gọi ngay nhé.

- Ôi thôi, em tiêm đủ hai mũi rồi. Em báo để bác biết thôi, không cần dài dòng thế đâu, em thuộc văn bản rồi.

- Ơ này. Ở đâu có quy định ở đấy. Cậu khai báo để được nhân viên y tế hướng dẫn, chả tốt hơn sao?

- Bác cứ làm quá lên.

- Này cậu. Cậu ở Sài Thành, là nơi có ổ dịch, bây giờ mới về, khai báo là tất nhiên, còn tớ, tớ đã làm đúng trách nhiệm rồi nhé.

- Thôi được. Việc của bác xong rồi, còn lại là việc của em - Hắn cụp máy.

Tôi há hốc miệng, người nóng bừng vì hụt hẫng. Tôi giận vì mấy câu cụt lủn của một tay kém mình đến cả chục tuổi. Giận còn vì hắn là đại gia, từ thành phố lớn về mà coi thường cái nơi mình đang sống. Giận…

Chuyện tay giám đốc doanh nghiệp từ Sài Thành về chưa đầy một tiếng đồng hồ, chiếc điện thoại cầm tay của tôi đã sè sè báo có cuộc gọi. Lại có chuyện gì rồi. Tôi lẩm nhẩm trong đầu.

- Bác lên nhà tay quốc dân Sài Thành với các em Đội Quy tắc ngay nhé- Chủ tịch trao đổi xong có vẻ đang bận bịu.

Tôi vẫn nài được một câu:

- Có chuyện gì mà gấp thế sếp ơi!

- Em phải phạt tay quốc dân này một “nhát” làm gương. Hắn về từ tối hôm qua, từ vùng đỏ. Đã cho qua cái đận không khai báo kịp thời, sáng nay, nhận được thông tin trên nhóm phòng chống Covid, nhân viên y tế gọi lên xét nghiệm, hắn ta cứ khăng khăng bảo tiêm rồi, không cần xét nghiệm, tốn tiền. Ngãng. Cứ làm như ông lớn quốc dân, một mình một bầu trời, coi thường cơ sở. Coi thường cơ sở thì cơ sở phải chấn chỉnh cho đến chỗ thượng tôn pháp luật mới xong.

Tôi đạp xe hộc tốc, trong đầu ủ cái mưu nói khéo, để chuyện của tay Sài Thành nhỏ lại. Vậy mà đến nơi, đã thấy ba, bốn tay bảo vệ đứng bên ngoài cửa nhà cậu Sài Thành. Tôi nhỏ nhẹ, nhưng rành rọt từng tiếng:

- Tôi đã nói với chú rồi nhé, chỉ một cuộc điện thoại, nó ngốn mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền bạc mà chú cứ…

- Thôi. Bác không cần phải nói. Em nộp phạt rồi.

Nói xong, hắn đóng cánh cửa đánh rầm, chẳng nhìn tôi lấy một lần.

***

Thời gian trôi đi, dịch bệnh cũng lui xuống. Tôi gặp hắn trong cuộc tổng kết Hội Cựu chiến binh phường. Tôi không tin vào mắt mình, bởi khi trước hắn to béo phục phịch. Vậy mà bây giờ, người hắn tọp hẳn, mắt lại còn chầm chậm kiểu mệt mỏi. Vừa nhìn thấy tôi từ đằng xa, hắn đã quay mặt đi nơi khác. Tôi đứng lặng nhìn theo cái lưng của hắn, trong lòng ngập tràn một nỗi buồn. Suốt buổi họp trong đầu tôi cứ luẩn quẩn với những tiếc nuối rằng: “Giá như đừng có con Covid! Giá như con người trên thế gian này đừng chỉ biết đến lợi ích của bản thân, mà có những hành động làm băng hoại môi trường, tạo cớ cho dịch bệnh phát triển, làm hại cộng đồng! Và giá như mỗi hành động của con người, đều nghĩ đến xung quanh, thì làm gì tôi và hắn, người cùng xóm phố, từng là đồng đội của nhau, bỗng chốc trở thành người xa lạ thế này. Làm gì tôi phải nhận một nỗi buồn không đáng có ở cuối cuộc đời”! 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Bút ký "Người về từ Trường Sa!" của tác giả Trần Quỳnh Nga(19/04/2022)
Ký ức xanh(19/04/2022)
Truyện ngắn "Phía chiều dậy hương" của tác giả Vũ Thị Thanh Hòa(18/04/2022)
Nhật ký đường ra trận(18/04/2022)
Tùy bút "Việt Nam chiến tranh và hòa bình" của tác giả Văn Duy(15/04/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na