Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Ghi chép "Về miền non nước Cao Bằng" của tác giả Nguyễn Thị Lan
09/01/2024 12:00:00

Cao Bằng- miền biên viễn của Tổ quốc, nơi chứa đựng nhiều di tích lịch sử quý báu và những di sản thiên nhiên tuyệt mỹ. Vào một ngày cuối thu năm 2023, từ quê nhà đoàn văn nghệ sĩ Hội VHNT Hải Dương đã có chuyến đi thực tế sáng tác ở nơi đây và đã có những trải nghiệm đáng nhớ

1. Miền non nước

Về với Cao Bằng lần này, ngoài việc đến viếng thăm khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó- nơi “cội nguồn” cách mạng, chúng tôi còn có nhiều trải nghiệm với non nước nơi đây.

Không biết tự bao giờ Cao Bằng được gọi là miền “non nước”? Có lẽ bắt nguồn từ câu ca dao xưa:

“Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Chàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trảy nước non Cao Bằng”

Cho đến năm 2018, khi được UNESCO công nhận là Di sản địa chất của thế giới thì Cao Bằng cũng là “Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng”. Cái “công viên địa chất ấy” có diện tích 3390 km2, chiếm hơn nửa diện tích tỉnh Cao Bằng (6700,39 km2), bao gồm diện tích của thành phố Cao Bằng và 8 huyện. Vùng đất này có lịch sử phát triển địa chất kéo dài hơn 500 triệu năm, độ cao vùng sát biên giới phía Bắc từ 600-1300m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống của 8 dân tộc anh em: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ, Kinh, Hoa. Nơi đây đất rộng người thưa, mật độ dân số năm 2021 chỉ 81 người/ km2.

Nằm tại vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng không có những kiến trúc độc đáo, những khu du lịch được đầu tư lớn. Cao Bằng hôm nay vẫn giữ được nét hoang sơ với núi rừng, sông suối, hồ thác, hang động… Thiên nhiên Cao Bằng hùng vĩ mà nên thơ, lộng lẫy mà vẫn thanh thoát dịu dàng giữa đất trời. Bức tranh “non nước” xanh thẳm ấy đã cuốn hút lòng người.

2. Một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ với những kiệt tác hùng tráng, uy vũ

Đường đi

Ấn tượng về Cao Bằng có lẽ phải bắt đầu bằng đường đi.

Ngày nay, dù đường sá đã rất thuận tiện để đi đến Cao Bằng nhưng những cung đường hiểm trở vượt qua nhiều đèo dốc vẫn là một thử thách đối với mỗi du khách.

Từ thành phố Hải Dương đến thành phố Cao Bằng ngót 300 km. Để đi đến Trùng Khánh chúng tôi phải đi ngót 100 km nữa. Không chỉ vượt qua bao núi non trùng điệp, còn phải vượt qua ít nhất 5 con đèo nhất là đèo Mã Phục. Địa hình nơi đây hiểm trở vì phải men theo các sườn núi của đại ngàn, một bên là vực thẳm, một bên là những ngọn núi đá vôi cao chót vót. Đường hẹp và quanh co uốn lượn. Do có những khúc cua tay áo, những khúc ngoặt nguy hiểm nên phải đặt gương cầu và những đoạn ta luy dài ngăn cách với vực sâu. Nhiều đoạn phải đi thật chậm. Tài xế phải trổ tài tay lái “lụa”, đánh lái diệu nghệ. Xe liên tục lắc lư suốt dặm dài thiên lý. Khởi hành từ quê nhà lúc 5h10, vừa đi vừa nghỉ đến Trùng Khánh lúc 16h, đường đi đến “tình yêu” của chúng tôi quả là khá vất vả, gian nan.

Núi

Ấn tượng thứ hai khi đến với Cao Bằng là núi. Ở đây núi non trùng điệp.

Tên gọi Cao Bằng (Cao+ Bằng) đã bao hàm một vùng đất phẳng nằm giữa miền núi cao. Ở Cao Bằng, trên 90% là núi rừng. Từ đó hình thành ba vùng rõ rệt: miền Đông có nhiều núi đá, miền Tây núi đất xen núi đá, miền Tây Nam phần lớn là núi đất có nhiều rừng rậm. Trên đường đi, chúng tôi rất ít gặp những thị tứ, bản làng… thỉnh thoảng chỉ gặp những chiếc ô tô đi ngược chiều trên con đường xa ngái.

Núi ở đây nhiều đến nỗi đã đi vào thơ:

“Núi đi trong sương lạnh

Núi đi trong gió cuốn

Núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu

Núi bí ẩn đàn đàn voi phục

Núi trùng trùng muôn vạn hùng binh.”

Đường đi chỉ thấy những dãy núi đá trùng trùng điệp điệp, những đỉnh núi san sát tưởng kéo dài vô tận. Núi sừng sững bên đường, núi giăng thành trước mặt, núi bên phải, bên trái, sau lưng. Núi với những vách đá hoang sơ, những hang động huyền bí, những dòng suối ngầm. Núi muôn hình vạn trạng với nhiều dáng hình. Càng lên cao mật độ núi càng dày đặc. Có lẽ, ít nơi nào trên đất nước ta núi lại nhiều như thế.

Đèo

Cao Bằng là tỉnh có nhiều con đèo đẹp ở Việt Nam. Có thể kể đến đèo “Khau Cốc Chà” với độ dốc ấn tượng gồm 15 tầng và 14 khúc cua tay áo, được đặt biệt danh là đoạn đèo “đáng sợ nhất Việt Nam”; đèo “Nà Tềnh” với 20 khúc cua uốn lượn qua các bản làng.

Để đi đến những điểm du lịch nổi tiếng như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần, hồ Thang Hen… thì du khách phải vượt qua đèo Mã Phục- một di sản địa chất vô cùng độc đáo đã xuất hiện khoảng 200 triệu năm trước. Đèo chỉ dài khoảng 3,5 km, cao gần 700m so với mực nước biển nhưng nổi tiếng ở vùng Đông Bắc bởi sự hiểm trở cũng như những đoạn đường tương đối ngoằn ngoèo. Đèo Mã Phục còn có tên là đèo Bảy Tầng, bởi chinh phục con đèo này du khách phải trải qua bảy tầng dốc với nhiều vòng xoáy gấp khúc và uốn lượn quanh co theo triền núi đá vôi, một bên là núi cao một bên là vực sâu. Con đèo hiểm trở nhưng xinh đẹp vào loại bậc nhất của vùng Đông Bắc đã tạo nên một nét kỳ thú có một không hai ở đây. Đến đây, ta cảm nhận được một không gian rộng lớn, thoáng đãng và cực kỳ yên bình, êm ả. Từ trên đèo nhìn xuống là những đoạn đường ngoằn ngoèo không khác gì một con trăn khổng lồ đang uốn lượn giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp, là những thung lũng với ruộng lúa ngô, những ngôi nhà nhỏ nép mình trong bản dưới ánh nắng chiều, tất cả đẹp như tranh vẽ.

Tên đèo là Mã Phục nghĩa là Ngựa Quỳ bắt nguồn từ truyền thuyết người anh hùng dân tộc Tày: Nùng Chí Cao- một con người thuộc về lịch sử và huyền thoại của dân tộc Tày Nùng nơi biên cương hùng vĩ này.

Thác

Đi Cao Bằng đến Trùng Khánh không thể không đến thác Bản Giốc. Thác được vinh danh thuộc top 4 thác xuyên quốc gia lớn nhất thế giới, một trong 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới, top 7 kỳ quan thiên nhiên ở châu Á và là danh thắng quốc gia.

Thác Bản Giốc được ví như “Nàng công chúa ngủ trong rừng”, “Viên ngọc xanh”, hay “Dải lụa trắng kỳ vĩ” giữa núi rừng Đông Bắc. Thác chia làm hai phần: phía Nam là thác phụ, phía Bắc là thác chính. Mỗi thác đẹp một vẻ. Thác chính có địa hình thấp, sức tuôn mãnh liệt, với nhiều tầng bậc thác. Từ độ cao hơn 50, trải dài 300m những khối nước cuồn cuộn chảy xuống tầng đá vôi, rồi xuống dòng Quây Sơn- biên giới tự nhiên Việt Nam- Trung Quốc. Dưới chân thác: dòng Quây Sơn hiền hòa xanh ngắt, hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng rậm xanh. Thác phụ là dải nước rộng phía bên trái với rất nhiều “dây” nước mảnh đan xen, uốn cong như một bức rèm vĩ đại đầy ngẫu hứng của thiên nhiên. Vì vậy, thác được ví tựa như tóc nàng tiên bị bỏ quên vắt ngang sườn núi. Thác Bản Giốc là một báu vật tinh khôi, một tuyệt phẩm mà thiên nhiên đã ban tặng giữa đại ngàn Cao Bằng xanh thẳm. Ngọn thác hùng vĩ khiến du khách đến đây phải choáng ngợp.

Động

Cao Bằng còn là xứ sở của hang động. Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng đã được phát hiện gần 200 động. Đó là hệ thống hang động kỳ thú dưới lòng đất, được hình thành cách đây vài trăm triệu năm, trong đó tiêu biểu là động Ngườm Ngao (theo tiếng Tày có nghĩa là Hang Hổ) có một vẻ đẹp vừa rộng lớn hùng vĩ tráng lệ, vừa huyền bí độc đáo và vô cùng thú vị. Động có chiều dài tới 2144m và có lịch sử hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm, đến nay vẫn giữ được trọn vẹn nét hoang sơ, được coi là vào loại đẹp nhất nước. Đến đây, du khách sẽ thấy được sự kỳ diệu của tạo hóa, như lạc vào một thiên đường, một thế giới kỳ ảo.

Bên trong động chia thành nhiều buồng, tầng, bậc thang, hành lang khác nhau; cùng với hệ thống nhũ, măng, cột, rèm, riềm đá vô cùng đồ sộ, phong phú, đẹp mắt. Những nhũ đá trong động do lượng can-xi pha nhiều tạp chất, phản chiếu ánh sáng lung linh kỳ ảo, tạo nên bức tranh đa màu sắc tuyệt đẹp, trải khắp lòng động như một mê cung kỳ diệu, làm du khách phải ngất ngây. Đặc biệt, trong động có dòng suối ngầm chảy từ sông Quây Sơn, đi suốt chiều dài của động chảy ra ngoài nên trong động luôn có tiếng róc rách, không khí mát lạnh ôn hòa suốt bốn mùa.

Đến khám phá động Ngườm Ngao, du khách phải đi qua các khe đá hẹp khó đi, những tảng đá lớn chắn ngang lối, những chỗ trơn trượt… Nhưng khi đi hết chiều dài của động, ra đến cửa hang bạn sẽ có cảm giác nhẹ nhõm, vui sướng của một người chiến thắng.

3. Một tuyệt tác thiên nhiên tráng lệ, giàu màu sắc

Màu xanh

Không phải ngẫu nhiên người ta gọi Cao Bằng là “Viên ngọc xanh của núi rừng Đông Bắc”. Ở Cao Bằng, màu xanh phủ khắp nơi: từ núi rừng, hang động, thác nước, ao hồ, sông suối, cánh đồng, cây cối. Tất cả hòa quyện với nhau để làm nên một viên ngọc xanh tuyệt đẹp.

Tháng Mười, khi tiết trời chớm lạnh bạn hãy lên Cao Bằng ngắm màu xanh của nước. Tất cả ao hồ, sông suối nơi đây đều đổi màu mới- màu xanh ngọc bích. Sắc xanh của nước đẹp đến nao lòng. Đó là suối Lê nin “trái tim xanh của núi rừng Pác Bó” với làn nước trong xanh tựa ngọc lục bảo dưới những tán lá rừng. Đó là thác Bản Giốc- một kiệt tác của thiên nhiên. Trên nền bức tranh tĩnh lặng của núi rừng, thác tuôn bọt trắng xóa xuống mặt sông mà khi thu sang có màu xanh lục đầy huyền ảo. Trông xa, mặt sông như viên ngọc ai đó bỏ quên.

Không chỉ những địa điểm nổi tiếng, mà ngay cả bất kỳ mỏ nước nhỏ, dòng suối nhỏ nào đều khiến du khách ngây ngất với màu xanh huyền bí mỗi độ thu về.

Rồi những ngọn núi đá vôi phủ màu xanh mướt của rừng cây nhiệt đới. Rồi khung cảnh xanh như đổ mực của những cánh rừng với sắc xanh của ngàn cây lá. Rồi màu xanh mướt mát của những cánh đồng lúa, nương ngô; những đồng cỏ, thung lũng cỏ rộng mênh mông; màu xanh rì của rêu phủ kín những hang sâu… Tất cả tạo nên một khung cảnh thanh bình, tươi mát vô cùng. Có lẽ ít nơi đâu trên đất nước này có nhiều màu xanh như thế.

Màu vàng

Tháng Mười cũng là tháng Cao Bằng và các tỉnh phía Bắc khoác lên mình chiếc áo vàng của mùa lúa chín. Màu vàng ấy chúng tôi đã gặp ở những thửa ruộng ven đường nơi xe qua, ở thung lũng dưới chân đèo Mã Phục, ở những kiệt tác ruộng bậc thang với những đường nét uốn lượn khéo léo bên các sườn núi. Những kỳ quan này vừa kỳ vĩ, vừa gần gũi được tạo bởi bàn tay của những con người mà cả cuộc đời gắn bó với núi rừng. Cái màu vàng ấy là màu của mùa màng bội thu, của ấm no sung túc. Những không gian bao la, rực rỡ màu vàng của tháng Mười ấy làm mê mẩn du khách.

Và còn nữa những màu trắng, hồng, đỏ, tím, vàng… của muôn ngàn hoa dại xinh xắn, rung rinh trong nắng, gió nơi xe chúng tôi đi qua.

4. Những nơi bình dị, đơn sơ với sức hút ghê gớm

Đó là những ngôi nhà cổ với mái ngói âm dương; những nếp nhà cũ kỹ với những bậc thang lên xuống mòn vết chân người; những đường làng nhỏ hẹp đầy vết chân trâu; những rừng hạt dẻ với cây hạt dẻ cổ thụ di sản; những vườn hồng trĩu quả…

Rồi góc rừng hoang vắng cạnh bản nhỏ có ngôi mộ gió Thâm Tâm, chiều Đông năm ấy chúng tôi đến viếng thăm. Rồi khu di tích mộ Kim Đồng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, với tượng đài Kim Đồng mặc bộ quần áo Nùng, tay nâng cao chú chim bồ câu đưa thư.

Rồi nữa thành phố Cao Bằng thơ mộng, đêm về ở phố đi bộ Kim Đồng lung linh tráng lệ với ánh đèn nhiều màu sắc, với nhiều cửa hàng cửa hiệu, với nhịp sống thật sôi động, náo nhiệt. Và con sông Bằng Giang hiền hòa (một trong hai con sông chảy ngược ở Việt Nam) chảy giữa lòng thành phố, đêm ấy chứng kiến buổi “giã bạn” của đoàn chúng tôi với các bạn văn nghệ sĩ Hội VHNT Cao Bằng, với ước mong có ngày gặp lại.

Ra về và nhớ. Cao Bằng đó, một vùng đất tuyệt đẹp, miền biên ải phía Bắc của Tổ quốc. Cao Bằng đó, vừa hùng vĩ dữ dội, vừa mơ mộng hiền hòa trữ tình sâu lắng, vừa quyến rũ bình yên. Cao Bằng đã gieo vào lòng lữ khách niềm yêu mến tột cùng và nỗi nhớ không nguôi, để rồi mong một ngày không xa được trở lại “miền non nước”.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ký "Phu Bia những đỉnh cao thử thách" của tác giả Chu Đức Hòa(08/01/2024)
Cây đa làng(08/01/2024)
Tú Lệ(08/01/2024)
Tản văn: Nhớ "Áo mùa đông" của tác giả Nguyễn Thế Trường(08/01/2024)
Vườn nhà(04/01/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na