Cảm xúc trong tôi cứ dào lên, khi lần đầu tiên được nhạc sĩ Trần Minh mở cho nghe băng âm thanh ca khúc “HẸN ƯỚC TÌNH QUÊ”.
Đây là bài hát thứ ba anh viết về quê hương Hải Dương. Băng âm thanh tôi vừa nghe cũng vừa được anh hoàn thành với sự tham gia của ca sĩ Anh Thơ và tốp ca nữ cùng dàn nhạc nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Một bản ballad dịu dàng, được viết bởi một trái tim yêu thương, cùng ân tình da diết của con người cả cuộc đời gắn với mảnh đất xứ Đông, địa danh không phải nơi anh được sinh ra và lớn lên, nhưng tất cả những gì anh có bởi yêu thương hờn giận lại cũng ở mảnh đất này.
Vậy là sau “HÁT VỀ HẢI DƯƠNG”, một ca khúc mà bất kỳ người Hải Dương nào đều cũng thể ngân nga, khi nhớ tới nơi chôn rau, cắt rốn của mình và “THÊM YÊU MẢNH ĐẤT QUÊ MÌNH”, bài hát đã được UBND tỉnh Hải Dương tặng bằng khen và giải thưởng riêng trong vận động sáng tác ca khúc về tỉnh Hải Dương năm 2011-2012, thì hôm nay, Trần Minh bằng “HẸN ƯỚC TÌNH QUÊ” một lần nữa khiến bao trái tim người Hải Dương và cả những người khao khát gắn bó với mảnh đất Hải Dương sẽ thêm khắc khoải và yêu thương...
Ca khúc bắt đầu bằng một đoạn tự sự, như lời dẫn chuyện, như lời giao đãi trong mỗi buổi gặp mặt của một người đang nhớ một người, cùng giai điệu âm nhạc duyên dáng, du dương, mang âm hưởng chèo cổ:
“Hẹn cùng anh ta về quê hương
Được cùng anh hát lời vấn vương
Về miền quê xa nhớ gần thương
Là bài ca đất mẹ bao dung”...
“HẸN ƯỚC TÌNH QUÊ” mở ra câu chuyện bằng giai điệu mộc mạc giản dị cùng với sự nhấn nhá của câu hỏi mà không cần trả lời:
“Anh có về quê mẹ với em không?
Nơi đồng bằng mỡ mầu vùng châu thổ
Lục Đầu Giang sóng nhịp cùng lịch sử
Vạn kiếp muôn đời vang dội bao chiến công”...
Những lời ca dãi dề như gợi mở ra bức tranh cả một vùng châu thổ mỡ mầu, bát ngát màu xanh cây trái. Giai điệu nhịp nhàng khiến người nghe thấy cả một không gian của truyền thống xưa, của những giá trị văn hoá được chuyển tải qua giai điệu du dương, trầm mặc, da diết và ngân nga để giới thiệu những tên sông, tên núi linh thiêng của tỉnh Hải Dương thân yêu: Sông Kinh Thầy, Lục Đầu Giang, Vạn Kiếp, Côn Sơn, và cả vùng thiêng Ngũ Nhạc Linh Từ lưng trời vờn mây...
Cứ thế âm hưởng tha thiết trong đoạn một của ca khúc cứ vấn vít quanh câu hỏi không có câu trả lời “Anh có về với mẹ quê ta”, dẫn dụ, mời gọi, níu buộc người nghe về một vùng quê với bao tên đất, tên người vời vợi yêu thương mà độ lượng, vấn vương...
Nếu đoạn một của ca khúc là vẻ đẹp trầm tư, tiềm ẩn sự huyền thoại của hồn thiêng sông núi, của truyền thống văn hiến đất và người, được vẽ lên qua giai điệu du dương, nhẹ nhàng, có sức lan tỏa, mang nét huyền bí thì đoạn 2 của ca khúc là sự chuyển nhịp đầy biến tấu của những giai điệu tiết tấu mới vừa trẻ trung vừa thôi thúc biểu lộ sự khao khát vươn tới hội nhập của “Cung đường Hải Dương trong náo nức những cung đường” trên đất mẹ Việt Nam. Khao khát bùng cháy của hiện tại là nhịp đập rộn ràng của những trái tim trẻ với điệp khúc ngân rung, gấp gáp như vòng xoay, cuộn chảy rộn ràng của những bánh xe trên những cung đường đổi mới, vút lên bởi tiết tấu âm nhạc rộn ràng tươi sáng mà trữ tình, theo dòng chảy cuộn trào, cuốn hút, mời gọi giữa “Quê mình Hải Dương như con tàu đang vươn tới khát vọng quê hương: Văn minh - hiếu học - đẹp con đường, con đường ta đi, con đường hôm nay, con đường tương lai, thêm rộng dài, rực rỡ ánh dương soi...”.
Ca từ của ca khúc được nhạc sĩ Trần Minh khéo léo chọn lọc ý thơ từ bài thơ “QUÊ MẸ” của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà, một nữ bác sĩ điều dưỡng trẻ quê ở huyện Thanh Hà. Trong những vần thơ mộc mạc giản dị gần như lời kể trong thơ của bác sĩ Việt Hà, nhạc sĩ Trần Minh đã tinh tế chọn những vần thơ giàu cảm xúc, giàu chất thơ để đẩy lên, thổi hồn, gắn buộc vào những giai điệu âm nhạc, khiến ca từ của ca khúc nghe miên man, lôi cuốn. Cung thức bay bổng, nhịp điệu biến chuyển linh hoạt giữa đoạn 1 và đoạn 2 của giai điệu bài hát, khiến ca từ được mở rộng, lan xa những ý nghĩa văn học của lời ca. Từ lời thơ mộc mạc “Ngũ Nhạc linh từ còn đây”, nhạc sĩ Trần Minh đã trau chuốt đổi thành “Ngũ Nhạc linh từ muôn thuở vờn mây”, đã ngân rung mở ra một vùng núi non linh thiêng, huyền bí và rợn ngợp của không gian Côn Sơn hùng vĩ trên mảnh đất Chí Linh huyền thoại. Thơ kết hợp với nhạc đã đem đến âm hưởng dư ba, mờ ảo như hồn cốt cha ông ngàn đời, từ đỉnh thiêng ngũ Nhạc, lan tỏa rộng dài cả một vùng Chí Linh bát cổ của đất trời Côn Sơn yêu dấu.
Kể từ ngày tái lập tỉnh năm 1997, người Hải Dương đã tự tin và tự hào để giới thiệu về quê mình mỗi khi giai điệu, ca khúc “HÁT VỀ HẢI DƯƠNG” của nhạc sĩ Trần Minh ngân vang. Và hôm nay, với “HẸN ƯỚC TÌNH QUÊ”, chúng ta không chỉ hát về Hải Dương mà chúng ta sẽ nói những lời hẹn ước rằng sẽ về quê hương Hải Dương trong nồng nàn, say đắm tình quê hương xứ sở. Dù rằng Hải Dương không phải là nơi nhạc sĩ Trần Minh được sinh ra, nhưng bao yêu thương, khát vọng, mê đắm của tuổi trẻ, bao ghềnh thác trăn trở cả một đời anh đã gắn bó với mảnh đất này.
“HẸN ƯỚC TÌNH QUÊ”, lời hẹn ước đó sẽ càng thêm sâu nặng bởi như nhạc sĩ Trần Minh chia sẻ: Anh đã bắt đầu thai nghén, cấu tứ nội dung và hình thức nghệ thuật tác phẩm từ ý tưởng, cùng sự gợi mở của một người con cũng không được sinh ra và trưởng thành trên quê hương Hải Dương nhưng đã và đang mang cả tâm sức và nhiệt huyết để xây dựng Hải Dương - người hiện nay đang giữ trọng trách lớn cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đưa quê hương Hải Dương đi lên. Chính động lực này đã trực tiếp, nhắn nhủ nhạc sĩ Trần Minh viết ra giai điệu mới, ngân lên những nhịp điệu sống mới trong hành trình khát vọng, xây dựng quê hương trên con đường phát triển rực rỡ trong ánh dương soi...