Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Ra mắt mùa Xuân" của Nguyễn Thu Hằng
10/03/2022 12:00:00

- Hôm này, anh đưa em về ra mắt các cụ nhé!

 
 
 
Tôi quen Hưng rất tình cờ. Chú Di hàng xóm làm nhà, Hưng và thợ đến xây, xin làm lán trọ luôn trong vườn nhà chú. Chú Di đồng ý ngay, càng có người trông nom nguyên vật liệu, vợ chú vẫn ở dưới quê với bố mẹ chồng, chú cũng còn phải đi làm, thỉnh thoảng rỗi lướt qua giám sát công trình mà thôi.

Chiều hôm ấy, tôi đi làm ca về sớm, công ty hết hợp đồng, tạm cho công nhân nghỉ chờ việc. Tôi ngao ngán nghĩ đến những ngày dài thất nghiệp không có tiền tiêu, hay như mấy chị cùng tổ bảo lại đói thối mồm. Chợt nhìn thấy Hưng đang lò rò vào cổng, tay xách một cái can nhựa, gặp tôi hỏi, bố tôi đâu? Tôi bảo, bố đi chơi cờ với mấy ông bạn già rồi, có việc gì không? Hưng gãi gãi đầu như cậu học trò lên bảng không thuộc bài, không, thôi, tôi về, tối bác về tôi sang. Bố về, tôi kể, có anh nào sang hỏi gì bố đó. Bố tôi bảo, anh Hưng đấy, là cánh thợ xây bên nhà chú Di, có phải anh sang xin nước mưa không? Con không thấy nói gì. Thì ra cái can là mục đích để đựng nước mưa, có thế mà không nói được một câu. Hay tại bởi cái mặt khó đăm đăm của tôi khiến Hưng e ngại.

Ăn cơm tối xong thì thấy Hưng sang thật, tay vẫn xách can không, bố tôi hồ hởi ra sân đón tiếp, nói chuyện gì đó. Lát sau Hưng về, bố tôi cũng đi theo, bảo sang uống trà với đánh cờ, tay Hưng đã trĩu nặng một can nước mưa, lúc đi qua cầu ao gặp tôi ngồi giặt áo, Hưng nhìn trộm một cái, rồi quay đi ngay. Tôi cũng cúi xuống không hỏi han gì.

Chẳng hiểu trà đạo của hai người bạn vong niên ra sao, mà chỉ khoảng nửa tiếng sau, khi tôi đang phơi chiếc áo cuối cùng lên dây thì thấy bên lán thợ có tiếng nhốn nháo, bố tôi chạy lại bờ rào gọi tôi ra vườn nhổ nắm rau má giã lấy nước mang sang ngay.

Tôi vội vàng làm theo mệnh lệnh, bê bát nước rau má sang lán, thì thấy Hưng đang ôm bụng vật vã chẳng khác gì bà chửa tới tháng đau đẻ. Bố tôi giục Hưng uống nhanh bát nước này, sẽ giảm đau ngay thôi. Hưng ngẩng lên, thấy tôi bê bát nước rau má đứng ngay đầu giường thì lại quay mặt vào tường nói, cháu sợ nước rau má lắm. Bố tôi mắng, có uống không hay là thích chết đây, say sắn không phải chuyện đùa!

Hưng đã không thích chết. Hưng ngồi dậy, cố nhắm mắt nhắm mũi uống hết bát nước rau má tôi đưa cho. Chục phút sau thì Hưng yên, nằm thẳng đuột như cây chuối trên giường, mặt mày đã bắt đầu tươi tỉnh trở lại. Cậu Tý, thợ phụ lúc bấy giờ mới hết run đi ra ngoài bàn dọn dẹp đĩa sắn luộc và bộ ấm trà đang uống dở mang đi rửa. Hai bố con về nhà, bố tôi mới kể. Cậu Tý đi ra phía cuối vườn, cạnh chỗ bờ ao thấy có bụi sắn trồng đã lâu, thế là đào về luộc. Tối nay chỉ còn hai thằng ở lại, lười nấu cơm, ngồi chén tì tì hết cả nồi sắn luộc. Lúc xin nước mưa về đun nước pha trà vừa uống được một chén thì thằng Hưng choáng váng lăn đùng ra giường, kêu đau bụng. Hỏi ra, cậu Tý kể chuyện ăn sắn, Tý không làm sao vì có thể trước đó cậu ta đã trèo lên cây ổi ăn no ổi rồi.

Sáng hôm sau, tôi đã thấy Hưng trèo trên giàn giáo gõ gõ xây xây. Lâu lâu không thấy sang nhà tôi xin nước mưa nữa. Bố tôi bảo, con mang sang cho nó một thùng đi, nấu bằng nước giếng thì ăn uống thế nào được. Tôi vẫn vô công rồi nghề, tâm trạng luôn khó chịu, mặt mũi luôn cau có, phậm phật cãi, bố đi mà xách. Bố tôi đi mà xách thật. Đến giữa cổng thì trẹo chân, bỏ thùng nước mưa xuống đất ôm đầu gối than thở, chết thật, cái đầu gối lại giở chứng rồi. Bố thậm thọp lê vào nhà. Tôi đành bấm bụng xách xô nước mưa sang. Không ngờ đúng phiên Hưng nấu cơm. Khói bếp bay mù mịt, mùi thịt quay khen khét bay ra khắp vườn. Hưng vừa xồ từ bếp chạy ra, định múc một ít nước giếng lên để rửa miếng thịt đang cháy. Thấy tôi xách xô nước mưa vào, Hưng trố mắt nhìn, có lẽ, tôi nghĩ thế, Hưng tưởng như tôi là một người hành tinh khác rơi xuống vườn.

- Chào… Thu.

- Mùi thịt sao mà khét thế?

- Có lẽ, tại tôi vừa đọc truyện vừa nấu cơm nên thịt bị cháy. Tôi đang định ra múc nước rửa.

Tôi nhòm vào chảo quan sát hiện trường, mặt dưới miếng thịt đang chuyển màu đen, nghĩ thầm, cho đói, thợ xây mà cũng thích đọc truyện, may mà không phải đang trên giàn giáo.

- Sao lại rửa, anh gắp ra, lấy dao cắt phần thịt cháy đi. Phần trên vẫn ăn tốt.

- Ừ nhỉ, có thế mà tôi cũng không biết. Cảm ơn cô Thu nhé.

- Bố tôi bảo cho anh thùng nước mưa. Mà lần sau hết nước ăn thì cứ sang mà lấy. Nước mưa là nước của giời, nhà tôi hứng được nhiều, anh không phải ngại.

- Cảm ơn cô, cô lại phải xách sang tận nơi thế này thì tôi ngại quá. Lần sau tôi tự xách.

Hưng nhòm vào trong bếp, kêu chết rồi, chạy vào dập lửa. Tôi nhòm theo, cuốn truyện để sơ ý đang bị rơm lẹm vào. Hưng cuống cuồng dập lửa. Cuốn sách bị cháy mất một góc bằng chiếc hộp diêm. Mắt tôi hoa lên khi khìn thấy chữ ký của mình trên cuôn sách. Cuốn “Gu-li-vơ du kí” của tôi được tặng trong lần đi thi luyện viết chữ đẹp năm lớp 5 đây mà. Cả gia tài sách vở của tôi chỉ có mỗi cuốn sách này là truyện, còn lại toàn sách giáo khoa, vở ghi. Giờ tôi nghỉ học đã lâu, sách giáo khoa thì cũng lần lượt tiêu tán hết, vở ghi cũng thất thoát dần theo thời gian, nhất là sau mỗi lần nhà có cỗ, chỉ còn mỗi nó, cuốn truyện này. Tôi gào lên:

- Sao anh lại lấy trộm sách của tôi?

Rồi giằng lại cuốn sách. Lòng dấy lên nỗi bực mình ghê gớm.

Hưng vẻ run rẩy, lắp bắp:

- Xin lỗi Thu, hôm nọ, tôi sang chơi đánh cờ với bác, thấy cuốn sách rơi xuống chân tủ, nhặt lên đọc hay hay, đã xin mượn bác để đọc.

- Sách quý của tôi, bây giờ thì bị anh làm cháy mất rồi.

- Để tôi đi tìm mua trả cho Thu.

- Không cần!

Tôi cầm cuốn sách bỏ về, lau sạch những vết cháy nham nhở, cho sách vào trong hòm khóa kĩ.

Hôm sau, đang bóp chân cho bố tôi thì thấy Hưng mang chai rượu thuốc sang, bảo bọn cháu làm nghề này leo trèo nhiều cũng hay trật trẹo nên bố cháu chuẩn bị sẵn cho chai rượu thuốc mang theo, bác dùng xem có hợp không?

Chẳng hiểu rượu ngâm lá gì mà hợp với cái đầu gối đang đau của bố tôi. Có ba buổi xoa bóp mà ông cụ đã hết đau hẳn, lại đạp xe đi chơi khắp xã, tối mới về, còn kể rằng đi thăm ông Hy đồng ngũ. Hai ông kể chuyện chiến trường cả buổi không chán, nào chuyện đánh nhau tay bo với mấy thằng lính dù, nào chuyện hết lương thực mấy thằng rủ nhau ra suối bắt cá, nào chuyện đào hầm, chuyện sốt rét rừng. Lại còn chuyện ba thằng thề nếu còn sống sau sẽ làm thông gia, thế mà bố với bác Hy chỉ sinh con gái, còn cậu Cá kia thì đã mất liên lạc, có lẽ chưa phải duyên… Bố cứ thao thao bất tuyệt… không hề biết tôi đang buồn não nề, chị tổ trưởng vừa thông báo, công ty đã tạm thời cắt hợp đồng với bốn mươi công nhân thời vụ, trong đó có tôi.

Chợt bố bảo:

- Anh Hưng nói, nhà đang cần hoàn thiện gấp, lại thêm thợ làm cầu thang, thợ lắp đồ gỗ, chú Di muốn tìm người nấu cơm cho thợ một thể. Bố nói, hay để con làm có được không? Nó đồng ý ngay đấy.

Tôi tặc lưỡi, thấy cũng được.

- Tạm thời con cũng chưa tìm được việc gì. Thế công xá tính thế nào?

- Bố chưa hỏi, cứ làm đi rồi tính. Ai người ta để con thiệt đâu.

- Chuyện này phải sòng phẳng, ngại gì không hỏi.

Một tháng trời trôi qua. Tôi nấu cơm, rửa bát dọn dẹp dưới chân công trình với những việc lặt vặt, còn xách nước mưa, nấu nước pha trà, thậm chí những lúc nghỉ ngơi thì ngồi xem đám thợ đánh cờ. Thợ mộc, thợ cầu thang xong việc cũng đã rút, việc của tôi dần nhàn hơn.

Hôm ấy, nấu cơm trưa xong sớm, thấy vỏ bao xi măng vứt bừa bãi với gỗ, tre, tôi đi thu lại, chẳng may dẫm phải cái đinh, máu chảy túa ra. Tôi ngồi thụp xuống ôm chân. Hưng từ trên giàn giáo nhìn thấy, leo vội xuống, túm lấy chân tôi mà nặn cho kì hết máu đen, máu xám, rồi lai vội lên bệnh viện bắt tiêm uốn ván. Tôi cảm nhận đầy đủ sự ân cần, lo lắng của anh. Chiều tối, nhìn thấy tôi sang chuẩn bị nấu cơm, chân bước thậm thọp chẳng khác gì lúc bố tôi đau đầu gối, Hưng bảo:

- Để anh làm giúp, chân đau thế kia Thu nghỉ ngơi đã.

Tôi bảo:

- Việc của tôi, để tôi làm.

- Anh đã bảo anh giúp cho mà.

Tôi nhận thấy giọng Hưng nổi nóng. Không hiểu sao lại nổi nóng. Tôi ngồi vào góc bếp, nhặt rau, nghĩ ngợi. Lát sau, Hưng lại gần, làm lành:

- Tại anh xót ruột vì lo cho vết thương của Thu. Em cứ nghỉ ngơi vài hôm đi không vết thương mưng mủ đấy.

- Anh…anh…không phải lo nhiều cho em đâu.

Tự dưng tôi đổi ngôi xưng hô, giọng rõ là báo hiệu tâm lí không ổn định.

Tôi thấy Hưng nhìn tôi đầy âu yếm, có lẽ ấy là do lời nói của tôi. Tôi không dám nhìn lại, tôi cúi xuống nhìn mớ rau, tôi thấy mặt đang nóng lên thì phải. Hưng nắm lấy tay tôi, vội vàng nói:

Anh muốn được quan tâm tới em nhiều hơn nữa, có được không?

Tôi không dám nói năng câu gì chỉ thấy mặt mình đỏ bừng bừng như say rượu. Hưng vội ôm ghì lấy tôi vào lòng. Tôi để yên, nghe lòng mình xốn xang. Hưng đặt một nụ hôn lên má tôi. Tôi cũng để yên. Rồi, xong, rồi tôi vùng chạy ra vườn cây. Kì lạ thấy bàn chân vừa bị đinh đâm mà chẳng còn tập tễnh gì cả.

Tháng sau, công ty đã gọi bốn mươi công nhận hợp đồng thời vụ đi làm trở lại. Nhà chú Di cũng hoàn thiện. Hưng sang xã khác nhận công trình, tôi lại đi làm may ở công ty, từ bảy giờ sáng tới tám giờ tối mới về. Hưng hay phóng xe máy về nhà tôi chơi cờ với bố, đợi tôi đi làm ca về.

Và bây giờ thì Hưng quyết định đưa tôi về quê ra mắt.

Trước khi ra về, Hưng vào xin phép và báo cáo chuyện hai đứa với bố mẹ tôi. Vẻ mặt bố mẹ tôi nở ra. Nhất là bố tôi, ông âm thầm chơi cờ để đợi câu này từ lâu. Tôi biết, bố mẹ tôi vẫn ngấm ngầm lo, dù sao thì tôi cũng đã hai bảy tuổi rồi, quê tôi con gái hai mươi bảy là mối lo lớn cho bố mẹ.

Hưng đến tìm hiểu đã một năm, nay mới chính thức ngỏ lời và muốn đưa tôi về quê ra mắt gia đình, sau đó chúng tôi sẽ làm lễ cưới. Hai đứa dự tính như vậy.

Hưng về, mẹ kéo tôi vào bếp nhắc:

- Thời gian không còn nhiều, con nhớ chăm sóc lại da dẻ cho tươi tắn, xem đã có bộ quần áo nào cho tươm tất mà mặc. Nếu không thì mai đi mua ngay.

- Chỉ là buổi ra mắt thôi mà mẹ nó quan trọng như đi thi hoa hậu vậy.

Bố tôi rít một hơi thuốc lào, nhả khói, thủng thẳng nói. Mẹ đối lại ngay:

- Còn quan trọng hơn cả thi hoa hậu chứ ông tưởng chuyện thường à. Thi hoa hậu cũng chỉ là thi sắc đẹp xong rồi về. Còn ra mắt mà suôn sẻ thì sẽ tiến tới hôn nhân, thay đổi hẳn cuộc đời người con gái.

- Bố chỉ dặn con, ra mắt không ăn cá.

*

Về tới đầu làng anh, lễ xuống đồng đang diễn ra, chúng tôi đỗ ngay ở đầu làng, hòa vào dòng người đông đúc, xem cảnh cánh đàn ông đồng loạt cho trâu xuống đồng cày bừa ruộng, còn cánh đàn bà con gái thì nhổ mạ, tát nước, be bờ, chuẩn bị đợi cày bừa xong thì xuống cấy. Hưng với tay chỉ con trâu đang cày nhanh nhất ở một thửa ruộng, bảo thằng cò nhà anh kìa, nó đã được phép xuống đồng với các bác lớn tuổi mới ghê chứ. Đường cày của thằng cò chắc, thẳng băng, khối cô gái trên bờ đang vỗ tay reo hò cổ vũ cho cò. Lòng tôi nhẹ bẫng như mấy hạt mưa xuân bay trong không gian. Nghi lễ xuống đồng hoàn tất thì Hưng lai tôi về nhà, bảo về trước giúp mẹ làm bánh giầy. Mẹ anh đang hấp bánh, sau khi chào hỏi xong, Hưng kéo tôi cùng chui vào bếp hấp bánh với mẹ cho ấm. Chỉ một lúc sau, mùi bánh chín đã thơm ngậy. Khi chúng tôi bê nồi bánh lên nhà thì bố và hai em trai Hưng cũng ở đồng về, mâm cơm cũng được mẹ anh dọn sẵn trên bàn. Mẹ Hưng bảo tôi pha nước chấm. Khi tôi bê bát nước chấm đặt vào mâm thì hoa cả mắt khi nhìn thấy rất nhiều món cá trên mâm. Không phải là một món mà là cá toàn phần luôn. Cá chép hấp xả, cá diếc nấu rau ngải, cá trê kho riềng, cá rô rin rán giòn, với một đĩa rau sống xanh biếc như ngọn núi, và một đĩa bánh giầy thơm tho. Cậu em trai vừa đi cày về lại bắt được con cá quả đang nhanh tay làm thêm món cá quả om rau cần. Tinh thần tôi bắt đầu bấn loạn, tim tôi đập thình thịch. Bố Hưng lên thắp hương. Còn chúng tôi xuống bếp thu dọn nốt và ra giếng rửa chân tay.

Tuần hương cháy hết, chúng tôi ngồi vào mâm. Hưng hình như nghe tiếng tim tôi đập to, cứ tưởng tôi run vì gặp bố mẹ anh, quay sang động viên khẽ, đừng lo, bố mẹ anh đều là nông dân hiền lành cả, có ai ăn thịt em đâu mà sợ. Tôi lại liếc lên nhìn bố mẹ anh, hai bác cũng cười nhìn tôi rồi giục, ăn cơm tự nhiên đi cháu, lời nói, ánh mắt, cử chỉ đều thật thà, gần gũi như bố mẹ tôi ở nhà. Tôi lí nhí vâng ạ, mà tim vẫn đập thình thịch, sâu xa vẫn là do những món cá. Hai cậu em Hưng thì hồn nhiên gắp cá nhai nhồm nhoàm. Mẹ Hưng bảo:

- Cháu ăn thử miếng cá chép này, để bác gắp cho nhé.

Tôi vội vàng lảng:

- Cháu thích ăn bánh giầy trước, bánh giầy bác làm thơm nức mũi. Anh Hưng kể bác làm bánh giầy là ngon nhất làng làm cháu thèm mãi, giờ mới được ăn.

- Thế thì cháu ăn đi.

- Tôi đã gắp một cái, mẹ Hưng lại gắp thêm cho cái nữa. Quả là bánh giầy gạo mới mẹ Hưng làm ngon thật. Tôi vừa ăn vừa khen. Mẹ anh hân hoan lắm. Tôi vừa ăn xong hai cái, bố Hưng lại định múc cho tôi thìa canh cá diếc nấu rau ngải, tôi lại vội vàng xua tay:

- Cháu không ăn cá đâu, cháu vẫn muốn ăn bánh giầy.

Mẹ Hưng nhỏ nhẹ:

- Ông Tiển, cứ kệ cháu nó tự nhiên.

Bố Hưng kệ tôi, không nói năng gì nữa. Vết sẹo to ở cổ bố Hưng bỗng đỏ tấy lên. Ở trong bếp, Hưng vừa kể với tôi, đó là vết sẹo do bố anh bị thương hồi đơn vị ông đóng trong rừng Trường Sơn.

Tôi bê mâm bát ra giếng rửa. Bụng thở phào một cái, nhìn đống xương cá lẫn trong bát đĩa nhủ thầm, cuối cùng thì mình cũng đã không phải ăn cá trong buổi ra mắt.

Trưa, Hưng dẫn tôi vào góc vườn, có sẵn hai cái võng dưới cây nhãn. Hưng bảo:

- Võng của hai thằng em trai nhường cho tụi mình đó.

- Sao không để hai em ra đây nghỉ?

- Anh muốn nói chuyện riêng với em thôi.

- Có chuyện gì à? Tôi bắt đầu lo lắng, hay buổi ra mắt đã không để lại ấn tượng tốt đẹp.

- Cũng không hẳn là có chuyện...

- Bố mẹ không thích em?

- Không hẳn. Bố mẹ thích em, bảo em trông xinh lắm, lại nhanh nhẹn.

- Thế thì chuyện gì?

Hưng cúi xuống chân, lấy cành nhãn vẽ lòng vòng dưới đất.

- Chuyện em không ăn cá trong buổi ra mắt.

- Em rất thích ăn cá nhưng trong buổi ra mắt này em không dám ăn vì em sợ…

- Em sợ cái gì chứ?

Hưng dịu dàng:

- Mình đã thương yêu nhau thì em còn phải giấu anh sao?

Tôi đành thú nhận:

- Em sợ hóc xương cá.

- Sợ xương cá?

- Anh đừng giận em nhé. Chuyện là thế này. Cách đây ba năm, có người họ hàng làm mối cho em một anh. Tuy chưa ngỏ lời, nhưng sau một tháng quen nhau, anh ấy hẹn em đến nhà chơi, cho bố mẹ biết mặt. Trong bữa cơm cũng có món cá trôi nấu canh chua. Em đã ăn và bị hóc xương cá, loay hoay mãi không tự lấy ra được, cũng không ai lấy ra được, anh ấy phải đưa đến bệnh viện nhờ bác sĩ gắp ra. Về sau, anh ấy bảo không hợp, rồi không đến nữa, người họ hàng bảo, bố mẹ anh ấy không thích em nữa, chỉ vì chuyện hóc xương cá vô duyên đó của em. Chuyện với anh ấy chưa có gì sâu sắc nhưng quả là em rất sợ…

Kể xong thì tôi òa khóc. Hưng ôm tôi vào lòng an ủi:

- Có thế thôi chứ gì, làm anh hoảng cả hồn. Thế là cái anh chàng kia với em là không có duyên thôi. Em không phải buồn, có gì quan trọng đâu.

- Lại còn đùa người ta. Muốn người ta mất duyên nữa chứ gì.

- Mất là mất thế nào. Nếu mà em ăn cơm trong nhà anh mà bị hóc xương cá thì bố mẹ anh còn cho là chúng mình phải duyên nhau từ lâu rồi cơ đấy.

Được nói thật nỗi lòng với Hưng, tôi thấy nhẹ cả người. Buổi chiều, chúng tôi ra đồng nhổ mạ, cấy cùng mẹ Hưng. Hàng xóm đã khối nhà cấy được nửa ruộng, thấy tôi, trêu Hưng, xuân đang đẹp cưới đi thôi, cho nhà có thêm thợ cấy. Tôi đỏ mặt xấu hổ. Hai cậu em trai bừa xong ruộng thì rủ nhau xuống sông bắt cá. Tới gần tối, mẹ Hưng giục về sớm, dù chúng tôi mới cấy được nửa ruộng. Hưng đi chậm lại, thì thầm vào tai tôi, không ngờ cô thợ may cũng biết cấy giỏi ra phết nhỉ, mẹ anh khen đấy. Em về làm dâu làng này, sang năm sẽ đăng kí cho em tham gia hội xuống đồng, thi cấy, khối tay cấy phải gờm cho xem. Tôi hứ anh một cái, anh đừng khinh người như thế, trước kia, làng em chưa bán ruộng cho các công ty, em cũng theo mẹ ra đồng cấy hái chứ. Thế mới bảo, anh đưa em về ra mắt bố mẹ đúng dịp xuống đồng là sáng suốt mà lị. Mẹ anh đi trước, giục, nhanh lên về nhà còn nấu cơm hai đứa.

Đến bữa tối, mâm cơm có thêm món thịt luộc bên cạnh những món cá. Mẹ Hưng gắp cho tôi món thịt, lại giục ăn đi. Còn cả nhà vẫn tập trung ăn món chủ đạo là cá. Tôi cũng quyết định gắp miếng cá chép. Bố mẹ Hưng nhìn tôi vui vẻ hẳn, giục ăn đi, ngon lắm con ạ. Tôi ăn. Quả là ngon thật. Cá sông, thịt đanh, ngọt lịm. Miếng cá chép đã giúp tôi bước qua nỗi sợ hãi ban đầu, tôi tự tin ăn tiếp những món cá khác. Tiếng cười nói vang cả nhà. Hai cậu em cầm con cá rô rán lên tay mà nhai cả xương nghe giòn tan như bánh đa. Hưng chan canh chua húp xì xụp. Bố anh uống rượu khà khà liên tục. Mẹ anh lại múc thêm những bát canh, còn chọn miếng cá ngon gắp cho tôi. Bị cuốn vào guồng, tôi cũng đánh chén nhiệt tình. Và cuối cùng, hấc, sơ ý tôi đã bị một cái xương răm mắc ngang họng thật. Khó chịu, đau rát, nuốt không trôi. Tôi cuống cuồng húp canh, nó không xuống, tôi lại gói rau sống nhai nhồm nhoàm, vẫn không xuống. Tôi gắp liền ba miếng thịt mỡ nhai cầu mong nhiều mỡ trơn, xương bị kéo xuống mà nó vẫn cứng cổ mắc cạn giữa họng tôi. Tôi uống nước, nó vẫn ương bướng không trôi xuống. Tôi rón rén vào phòng tắm, há miệng, soi gương, lấy tay móc cũng không được. Tôi ậm ọe ho khan. Vẫn bế tắc toàn phần. Mặt tôi nóng lên. Tôi đành bấm điện thoại cầu cứu Hưng. Gọi anh ra một góc khuất, tôi ấp úng khai báo sự thật. Hưng vừa định cất lời trấn an tôi thì bỗng nhiên bố anh xuất hiện ngay sau lưng chúng tôi, ông mắng một câu như tát nước vào mặt tôi:

- Thế mà bảo không ăn cá. Rõ là con gái vô duyên! Lần đầu tiên đến nhà con trai mà ăn tham chưa, đến nỗi hóc xương cá!

Tôi òa khóc tức tưởi. Vừa xấu hổ vừa đau khổ. Không ngờ bố Hưng ác khẩu đến thế. Càng giận Hưng đã lừa tôi. Còn hai thằng em Hưng cũng đột ngột xuất hiện, sau vài giây im lặng thì phá lên cười. Ánh mắt mọi người vẻ đầy giễu cợt. Tôi vùng chạy ra ngoài cổng, vừa chạy vừa khóc, tôi muốn chạy khỏi nhà Hưng ngay, chạy thẳng ra bến mà bắt xe về. Nhưng chạy một đoạn thì tôi chợt phát hiện ra cái xương cá đã trôi tuột xuống cổ họng tự lúc nào. Tôi nín khóc, nuốt nuốt lại lần nữa kiểm tra, hết hóc xương thật. Hưng cũng vừa đuổi kịp tôi. Tôi lí nhí khoe:

- Em hết hóc xương rồi.

Hưng kéo tôi lại, cười:

- Đó chính là bài thuốc chữa hóc xương cá của bố đấy. Chứ ông cụ mắng mỏ gì em đâu mà đã dỗi rồi.

- Thế mà em tưởng…

Tôi theo Hưng vào nhà. Bố mẹ và hai đứa em trai lại gắp thức ăn cho tôi, tiếng cười nói vang cả mấy gian nhà nhỏ. Bác Tiển trai kể, ngày xưa, bác gái đến chơi, ăn cơm cũng bị hóc xương cá rồi thì hai bác nên vợ nên chồng. Tôi nghe lại đỏ mặt.

Chừng mười giờ, lúc tôi chuẩn bị đi ngủ cùng với mẹ Hưng thì bố tôi gọi điện, hỏi, mọi việc ổn chứ. Tôi bảo ổn. Bố tôi lại hỏi, có món cá không? Con không ăn cá đấy chứ? Tôi bảo, con đã ăn, và cũng bị hóc. Đầu dây bên kia bố tôi kêu lên trời ơi đầy thảng thốt. Tôi cười hì hì trấn an, bố đừng lo. Tôi kể chuyện bố Hưng đã chữa hóc xương cho tôi. Bố tôi nghe, lặng đi một lúc, rồi hỏi, con hỏi Hưng, có phải ông ấy tên là Tiển, có một vết sẹo to ở cổ không? Không cần hỏi Hưng, tôi liền xác nhận với bố là đúng. Bố tôi kêu ồ lên trong điện thoại, thế thì đúng là thằng Tiển, anh bạn đồng ngũ mà bố vẫn gọi là Cá. Vậy ạ? Thì ra ông bạn bố gọi là Cá năm xưa bố thỉnh thoảng kể và mong muốn gặp mặt lại chính là bố Hưng. Bố tôi từng kể, một đợt, đơn vị bị vây, bom đạn dữ dội, cạn kiệt lương thực, ba thằng đi ra suối bắt cá về nướng cho mọi người ăn. Chẳng may, ăn nhanh, bố bị hóc xương, anh Cá cũng chửi tống cho bố một bài, thế là chữa được khỏi hóc. Bố tôi lại giục, con đưa điện thoại cho ông Tiển ngay đi. Tôi chạy ra nhà ngoài. Dưới ánh trăng mờ mờ, bố Hưng đang ngồi kiểm tra lại mấy cái rọ tôm, dáng ngồi uốn cong như vầng trăng non đầu tháng, tôi bối rối gọi bác, và bảo rằng bố tôi muốn nói chuyện với bác…

Các tin mới hơn
Cố hương(19/04/2024)
Tháng Ba tìm lối ta về (19/04/2024)
Tản văn "Đêm nay hoa bưởi dậy thì" của tác giả Lê Phương Liên (19/04/2024)
Đi và về(19/04/2024)
Truyện ngắn "Chị Lành" của tác giả Vũ Ngọc Thư(19/04/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Nhớ mùa" của Tống Phú Sa(09/03/2022)
Chùm thơ của các tác giả Việt Hòa, Nguyễn Thị Bích, Trần Thùy Linh, Khánh Ly(09/03/2022)
Giới thiệu tạp chí Văn nghệ Hải Dương số tháng 3- 2022 (09/03/2022)
Chùm thơ của các tác giả Vũ Minh Thoa, Phan Hoàng, Hoàng Anh Tuấn (02/03/2022)
Nghiên cứu, lý luận, phê bình: "Khi mùi hương gợi mở đường tìm nhân dạng" của Hoàng Đăng Khoa(17/02/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na