Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Những chuyển mình của văn học nghệ thuật Hải Dương
30/05/2023 12:00:00

Nghị quyết 23 - NQ/TW ra đời và được triển khai thực hiện trong thời kỳ cả nước chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; văn học nghệ thuật (VHNT) nước nhà đang đứng trước những thời cơ, cùng với thách thức mới. Nghị quyết nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của VHNT và của đội ngũ văn nghệ sỹ, góp phần xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Nhìn lại 15 năm triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW, “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới”, VHNT Hải Dương đã có những chuyển mình đáng ghi nhận.

 

Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc giao lưu văn hóa đã tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, nội dung và phong cách văn nghệ nước nhà; sự bùng nổ các phương tiện truyền bá sản phẩm VHNT cũng có tác động tích cực và tiêu cực đến đời sống thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân. Sự thay đổi nhanh chóng trong mọi mặt đời sống xã hội tác động trực tiếp và sâu sắc đến quá trình sáng tạo, truyền bá và thưởng thức VHNT. Nghị quyết 23 – NQ/TW là Nghị quyết đầu tiên, dành riêng cho văn học nghệ thuật được Bộ Chính trị ban hành thể hiện sự quan tâm, trân trọng của Đảng đối với một lĩnh vực “rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ra đời đã làm thay đổi tư duy nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với thực tiễn hoạt động của VHNT. Năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng cao, chú trọng thể chế hoá, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động VHNT. Các hội VHNT từ Trung ương đến địa phương tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, tập hợp, đoàn kết đội ngũ, đẩy mạnh hoạt động sáng tạo VHNT...

Nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng, có sự giao thoa về văn hóa và VHNT giữa các vùng miền trong và ngoài nước, những năm qua kinh tế xã hội của Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ đô thị hoá nhanh, giao lưu hội nhập văn hoá mở rộng. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương luôn nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng phát triển VHNT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đất nước. Sau khi Nghị quyết 23 -NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” ra đời và được triển khai, đã nhận được sự quan tâm sâu sát với hàng loạt chính sách về VHNT của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đã trở thành ngọn gió ấm giúp VHNT Hải Dương có sự chuyển mình rõ nét. Sau khi triển khai, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ban, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 34-CTr/TU, ngày 24/10/2008 về việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X). Đồng thời giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo, Sở Thông tin truyền thông triển khai Nghị quyết tại Hội nghị giao ban khối tuyên truyền, Hội nghị báo cáo viên hằng tháng, Hội nghị tập huấn chuyên đề về “Xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”,...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án Phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Hải Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” nhằm tăng cường sự chỉ đạo, định hướng cho VHNT phát triển đúng đường lối quan điểm của Đảng, quản lý của Nhà nước, tiếp tục phát huy, phát triển những giá trị bền vững của văn học, nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Đồng thời bố trí nguồn kinh phí và nhân lực xứng đáng cho lĩnh vực VHNT.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của các cấp các ngành, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 – NQ/TW, VHNT Hải Dương đã có sự phát triển, đạt được kết quả đáng ghi nhận; các hoạt động VHNT có tính chuyên nghiệp hơn, đa dạng các loại hình; hoạt động công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT có sự đổi mới cơ bản, nâng cao hình thức hoạt động, có hiệu quả trong việc nâng cao thưởng thức VHNT của nhân dân; công tác xã hội hoá các hoạt động VHNT được đẩy mạnh. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, phục vụ các hoạt động VHNT ở cơ sở được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh Hải Dương được quan tâm bồi dưỡng, phát triển nhất là lực lượng sáng tác trẻ, qua đó, nhiều tác phẩm VHNT giá trị ra đời, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị chung.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực VHNT được ban hành như Quy định về xét, trao tặng giải thưởng 5 năm về VHNT; nhiều chế độ đãi ngộ vật chất tinh thần cho các văn nghệ sĩ có tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác toàn quốc và quốc tế; tôn trọng và có cơ chế thích hợp cho các văn nghệ sĩ tham gia các diễn đàn chính trị của tỉnh như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để họ nói lên tiếng nói, nguyện vọng của lĩnh vực VHNT.

Động viên, hỗ trợ kinh phí để Hội VHNT tỉnh làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh, tạo môi trường thuận lợi giúp các văn nghệ sĩ phát huy tiềm năng sáng tác như: Đi thực tế, hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, các cuộc thi, liên hoan, triển lãm… Qua đó đại bộ phận văn nghệ sĩ của tỉnh đều gắn bó tâm huyết với sáng tạo VHNT, đạt giải cao tại các triển lãm, hội diễn, cuộc thi trong và ngoài tỉnh khu vực, toàn quốc, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Đồng hành cùng những bước phát triển của địa phương, Hội VHNT tỉnh luôn lấy nhiệm vụ chính trị làm trọng tâm, đồng thời khơi dậy sự tự do sáng tạo VHNT nhằm sáng tạo nên những tác phẩm VHNT vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương vừa đảm bảo tính nghệ thuật, hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, không khí dân chủ được mở rộng. Các hình thức tổ chức đầu tư, bảo trợ, tài trợ, hỗ trợ sáng tạo được vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Giải thưởng VHNT Côn Sơn tiếp tục vinh danh, động viên những tác giả có tác phẩm tiêu biểu, có chất lượng, có sức lan tỏa trong định hướng tư tưởng, thẩm mỹ về đất và người Hải Dương, qua đó ngày càng khẳng định được uy tín của giải cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển VHNT của lãnh đạo tỉnh.

15 năm qua, công tác xuất bản tiếp tục phát triển. Nhiều tiểu thuyết, tập thơ, tập truyện ngắn, tuyển tập… được xuất bản. Nhiều tác phẩm VHNT của hội viên được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, báo chí Trung ương và địa phương. Nhiều tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh tham gia triển lãm, liên hoan nghệ thuật khu vực, trong nước và quốc tế, gây tiếng vang lớn, được bạn đọc chú ý và giành được nhiều giải thưởng cao. Dòng mạch chính xuyên suốt các hoạt động VHNT những năm qua là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, niềm tự hào, tự tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, của tỉnh Hải Dương; nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống và lao động, sáng tạo của nhân dân. Nhiều tác phẩm đã thẳng thắn đấu tranh, phê phán cái xấu, cái ác, những tệ nạn xã hội, sự sai trái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; bảo vệ những giá trị đạo đức, nhân văn; khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó các tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc cũng được phổ biến và ứng dụng nhiều trong đời sống xã hội. Các tác phẩm, ấn phẩm văn hóa, VHNT ngày càng phong phú đa dạng, tăng đáng kể về số lượng và chất lượng. Tính riêng 5 năm gần đây, đã có 108 tập sách xuất bản; phát hành, triển lãm, trưng bày gần 550 tác phẩm, cụm tác phẩm thuộc các chuyên ngành nghệ thuật của các cá nhân, nhóm tác giả để tham dự các kỳ liên hoan, triển lãm khu vực, toàn quốc và quốc tế. Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, cơ quan ngôn luận của Hội duy trì định kỳ xuất bản, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, ngày càng được bạn đọc yêu quý và ngày càng có nhiều cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Tạp chí vừa làm nhiệm vụ phát hiện, tập hợp những tài năng văn học, nghệ thuật vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần cùng giới báo chí trong tỉnh tuyên truyền cho các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong 15 năm qua, bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, Hội VHNT còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các địa phương (huyện, xã) trong tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, VHNT với mục tiêu nâng cao nhận thức của văn nghệ sỹ cũng như nhân dân trong việc xây dựng hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, trách nhiệm công dân, trách nhiệm bản thân với cộng đồng, xã hội và đất nước. Đơn cử, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy động viên văn nghệ sỹ tích cực sáng tác quảng bá các tác phẩm báo chí VHNT về “Học tập làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”. Kết quả đã có 1 tác phẩm đoạt giải A chuyên ngành văn học; 2 tác phẩm đoạt giải C, 3 tác phẩm đoạt giải giải Khuyến khích chuyên ngành mỹ thuật tại cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động về chủ đề “Học tập làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”. Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động sáng tác Thơ về Đất và người Hải Dương, viết về du lịch Hải Dương, ảnh nghệ thuật du lịch Hải Dương, sáng tác tiểu phẩm sân khấu phòng chống bạo lực gia đình, phối hợp tổ chức các triển lãm tranh cổ động, ảnh thời sự nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của tỉnh; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổng kết trao giải cuộc thi thơ đề tài “Người lính và chiến tranh cách mạng”; phối hợp với Công an tỉnh hưởng ứng cuộc thi viết về hình tượng người chiến sỹ công an vì bình yên cuộc sống… Bên cạnh đó, cùng với các sở, ban ngành hữu quan tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác, thực tế sáng tác góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác VHNT phát triển sâu rộng vào đời sống xã hội. Từ những hoạt động phối hợp đã có nhiều tác phẩm chất lượng ra đời, bám sát những đề tài trọng điểm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đội ngũ hội viên của Hội luôn đoàn kết, yêu nghề, phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo, xâm nhập thực tiễn sinh động của đời sống xã hội để sáng tác những tác phẩm VHNT có giá trị nghệ thuật, có sức lan tỏa, được công chúng đón nhận, góp phần tuyên truyền, quảng bá quê hương, con người Hải Dương với bạn bè cả nước và quốc tế. Phát huy truyền thống và thế mạnh, hội viên Hội VHNT Hải Dương đã thường xuyên bám sát thực tế cuộc sống lao động sản xuất và xây dựng quê hương để sáng tác, nhiệt tình hưởng ứng, chủ động tham gia các cuộc thi, triển lãm, liên hoan khu vực, trong tỉnh, trong nước và quốc tế, tích cực cộng tác với các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Thông qua đó nhiều tác phẩm VHNT của các tác giả Hải Dương được quảng bá, vinh danh. Nhiều tác phẩm nghệ thuật của hội viên đã đạt các giải thưởng cao, góp phần tuyên truyền, ca ngợi vẻ đẹp và thành quả xây dựng quê hương Hải Dương. Hội viên Hội VHNT tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, chủ động tìm đầu ra cho tác phẩm của mình, tích cực hội nhập với xu hướng phát triển chung xã hội, tổ chức và tham gia các triển lãm cá nhân, các buổi hội thảo, ra mắt, giới thiệu sách, mở rộng quan hệ giao lưu, đối ngoại, đặc biệt nhiều hội viên còn tự nguyện đứng ra thành lập các tổ chức triển lãm từ thiện, hoặc tham gia các hoạt động thiện nguyện tại nhiều địa phương trong cả nước. Từ đó đưa hoạt động VHNT có hiệu quả thiết thực đối với đời sống văn nghệ sỹ, đồng thời, khẳng định được vị thế của VHNT Hải Dương trong đời sống chính trị xã hội tỉnh Hải Dương, trong khu vực và toàn quốc…

Trải qua 15 năm triển khai Nghị quyết 23- NQ/TW của Bộ chính trị khóa X, VHNT tỉnh Hải Dương có bước phát triển đáng kể, đóng góp tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, quê hương Hải Dương nói riêng; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp những tư tưởng, tình cảm nhân văn, đạo đức tốt đẹp; bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán quý báu của cha ông; làm phong phú đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân...

Bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận, sau 15 năm triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW, VHNT ở Hải Dương còn nhiều mục tiêu chưa đạt kỳ vọng. Hoạt động VHNT có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ giữa sáng tác và phổ biến tác phẩm. Số lượng tác giả sáng tác nhiều nhưng tác phẩm tiêu biểu có giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng cao còn ít. Trong số các tác phẩm được công bố, xuất bản, còn ít những tác phẩm VHNT phản ánh một cách sâu sắc, sinh động và hấp dẫn hiện thực cuộc sống của nhân dân Hải Dương, của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hoạt động của các chuyên ngành chưa đều, bên cạnh các chuyên ngành có thế mạnh và thuận lợi như thơ, văn xuôi, nhiếp ảnh, mỹ thuật, các chuyên ngành như kịch bản sân khấu, điêu khắc, kiến trúc, lý luận phê bình, chưa có tác phẩm thật sự nổi trội, xứng tầm với công cuộc đổi mới của tỉnh và của đất nước, chưa thể hiện được nét tiên tiến và bản sắc văn hoá của một vùng quê có truyền thống văn hiến lâu đời.

Nhuận bút dành chi trả cho các tác phẩm trên Tạp chí Văn nghệ Hải Dương chưa được thực hiện theo Nghị định mới của Chính phủ nên rất thấp, không thu hút được tác giả, cộng tác viên gửi bài đóng góp với tạp chí, công tác xã hội hoá góp phần xây dựng và phát triển tạp chí chưa đạt yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng không ít văn nghệ sĩ tận dụng những lợi thế của những trang mạng cá nhân, các Blog, tài khoản Zalo, trang mạng xã hội Facebook để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan; thiếu ý thức trong phát ngôn. Một số hội viên chưa hoạt động tích cực, trong sáng tác còn nhiều hạn chế, chưa phản ánh được hết những vấn đề lớn của đất nước và địa phương, các hoạt động sáng tác VHNT còn đơn điệu, quy mô nhỏ dẫn đến việc phổ biến, biểu diễn còn mang tính nội bộ, chưa được đông đảo công chúng biết đến...

Để Nghị quyết 23 tiếp tục trở thành ngọn đuốc soi đường cho VHNT phát triển cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp VHNT; tăng cường công tác quản lý nhà nước về VHNT. Tiếp tục hoàn thiện cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về VHNT; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Hội VHNT tỉnh; đẩy mạnh việc công bố, giới thiệu quảng bá các tác phẩm, công trình nghệ thuật có chất lượng tốt để định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Xây dựng cơ chế quản lý với chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm VHNT có nội dung, tư tưởng ảnh hưởng xấu tới xã hội. Thực hiện xã hội hóa hoạt động VHNT với lộ trình phù hợp với từng loại hình. Tăng cường sự phối hợp của các ngành, các địa phương, tích cực huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển VHNT của tỉnh.

- Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho hoạt động VHNT. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kinh phí cho các hoạt động VHNT. Có chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài và chăm lo đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng, gắn bó và cống hiến lâu dài... Tăng cường các hoạt động liên kết, phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho văn nghệ sĩ. Khắc phục những hiện tượng mất dân chủ đối với hoạt động VHNT cũng như xu hướng thả nổi, không phê phán những tác giả, tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị tốt đẹp của dân tộc và cách mạng.

- Đảng và Chính phủ tiếp tục duy trì, nâng cao mức kinh phí cho hỗ trợ sáng tạo VHNT, có các cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ, động viên, khuyến khích cho tài năng VHNT có điều kiện phát triển trong tương lai.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực VHNT.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục tổ chức tập huấn, trại sáng tác VHNT để lãnh đạo Hội, văn nghệ sĩ Hải Dương học hỏi, trao đổi nghiệp vụ, nắm bắt được các xu hướng sáng tác VHNT mới.

Người đứng đầu các cấp hội VHNT, ngoài năng lực quản lý còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đời sống VHNT, hiểu tâm lý văn nghệ sĩ, có uy tín, bản lĩnh nghề nghiệp, có đạo đức, tư cách đúng mực, trong sáng, tạo được niềm tin đối với hội viên và nhân dân. Tăng cường kết nối, phối hợp giữa các cấp hội từ Trung ương đến địa phương (cấp tỉnh) và giữa các hội chuyên ngành của các địa phương; trao đổi thông tin giữa các vùng, miền, nhất là những nơi thường có các vụ, việc nhạy cảm, phức tạp, vùng biên giới... để kịp thời nhận diện âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch và quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận văn nghệ sĩ. Là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, mỗi văn nghệ sĩ cần xác định rõ sứ mệnh của mình, luôn đặt lợi ích chung của tập thể, đóng góp xây dựng cho Tổ quốc, cho quê hương trên hết; có tinh thần đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng tự học hỏi để vượt lên chính mình. 
 
VNHD 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Về quê thăm mẹ(12/05/2023)
Truyện ngắn "Giọt nắng bên thềm" của tác giả Đỗ Xuân Thu(12/05/2023)
Tháng Ba(09/05/2023)
Em có còn về kịp tháng Ba xưa? (09/05/2023)
Dưới ánh sáng soi đường của Đề cương Văn hóa(08/05/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na