Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Giọt nắng bên thềm" của tác giả Đỗ Xuân Thu
12/05/2023 12:00:00

Trang vật vã trở mình hết bên nọ đến bên kia. Đã quá nửa đêm từ lâu, hết cả giờ đài Tiếng nói Việt Nam rồi mà nàng vẫn không sao chợp mắt được. Đêm thu mát dịu. Trăng sáng ngời ngời. Không gian yên tĩnh quá. Một mình nàng, căn nhà ba gian càng như thênh thang hơn. Mấy hôm nay Khánh không về. Anh đi công tác với sếp. Là thư ký của giám đốc nên giờ giấc đối với Khánh cũng thất thường lắm. Có lệnh là đi. Có khách là tiếp. Đi sớm, về muộn là chuyện thường tình. Khánh thường điện thoại cho Trang báo những lần đột xuất như thế. Đã biết vậy mà đêm nay sao Trang lại khó ngủ đến nhường này. Chừng như không thể chịu được nữa, nàng vùng dậy ngồi bó gối. Qua ô cửa sổ, ánh trăng lênh láng chảy tràn khắp nơi như trêu ngươi. Khung cảnh thanh bình nên thơ thế mà lòng Trang nổi sóng.

 
 
Minh họa: Hà Huy Chương

 

 
“Phải bỏ cái thai ấy thôi Trang ạ. Đừng vì nó mà khổ cả một đời. Hãy nghe tôi, Trang ơi!”. Văng vẳng đâu đây tiếng của người ấy. Nó nhẹ nhàng lắm, ngọt ngào lắm mà sao Trang cảm thấy cứ như ai cứa vào tim vào cật mình thế? Trời ơi! Trang yêu anh thật lòng và anh cũng yêu Trang lắm lắm. Nàng biết mà. Sao nỡ đoạn tình với nhau thế hả anh? Tình yêu có tội lỗi gì đâu anh ơi!

Từ một cô bé mười bốn tuổi, đang học dở lớp tám, đùng cái, Trang mất cả cha lẫn mẹ trong một vụ tai nạn giao thông. Đang tuổi ăn tuổi lớn, hồn nhiên vô tư như thế, thế mà phút chốc Trang bỗng trở thành kẻ mồ côi! Trang nhớ mãi ngày người ta đưa em về gặp bố mẹ lần cuối. Bố tắt thở từ lâu. Mẹ vẫn đang thoi thóp trên giường cấp cứu. Vợ chồng dì Thảo từ Phú Thọ nghe tin dữ cũng kịp về. Nắm tay dì, mẹ thều thào: “Chị chỉ được có mỗi mình cháu Trang... Trăm sự cậy nhờ em. Các em cố nuôi cháu nên người… nhé”. Dì Thảo giàn giụa: “Chị yên tâm… Đừng nghĩ nhiều mà mất sức”. Chú Khánh, chồng dì đứng bên cạnh cũng nhìn sâu vào mắt mẹ gật đầu. Mẹ buông tay dì, vội vàng sờ nắm lấy bàn tay Trang: “Con ngoan nghe lời… chú… dì… nha!”. Nói xong, mẹ buông thõng hai tay, trút hơi thở cuối cùng. Úp mặt vào ngực mẹ, Trang gào khóc nức nở.

Mới đó mà đã mười năm.

Sau biến cố ấy, Trang theo vợ chồng dì Thảo về xuôi học tiếp lớp chín. Đằng mẹ Trang chỉ có hai chị em gái. Ông bà sinh mẹ Trang rồi sa sẩy ba bốn bận nữa, cuối cùng mới được thêm dì Thảo. Mẹ hơn dì Thảo cả chục tuổi. Mẹ lấy bố ở quê. Ngày cưới mẹ, dì Thảo mới có hơn mười tuổi. Dì càng lớn càng xinh đẹp. Dì quen biết chú Khánh trong một chuyến chú đi du lịch bụi qua bản. Họ thương yêu nhau rồi nên vợ thành chồng. Từ Bắc Hà, dì về làm vợ chú ở thành phố Việt Trì. Chú lại là con trai độc nhất của dòng họ Nguyễn dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Vợ chồng dì cưới nhau ba năm rồi vẫn chưa có con. Thế nên, họ coi Trang như con.

Trang được vợ chồng dì Thảo hết mực cưng chiều. Ngôi nhà dưới chân núi Sim đã không còn lạnh lẽo nữa. Thêm Trang, thêm tiếng học bài. Thêm bạn bè của Trang, thêm tiếng nói cười của lũ trẻ. Chúng ríu rít rủ nhau đi học. Chúng tụ tập ở nhà dì Thảo học nhóm. Vợ chồng dì bố trí hẳn một gian cho Trang. Dì buôn bán nhỏ ở chợ. Chú làm ở công ty. Tối đến, căn nhà ấy tràn ngập tiếng nói cười.

Học xong phổ thông trung học, Trang thi đỗ cao đẳng. Trường Cao đẳng Y cách nhà dì hơn cây số. Trang tiếp tục ở nhà dì để theo học. Chú dì vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Trang. Đúng là “sểnh cha cậy chú, sểnh mẹ bú dì”, quả không sai. Trang chỉ thương chú dì ngần ấy năm trời mà vẫn không có em bé. Hai người chạy chữa khắp nơi, ai bảo đằng nào quào đằng ấy, điều mà họ muốn không vẫn hoàn không. Học ngành y, lại cùng phái nữ, Trang càng hiểu sự khao khát làm mẹ của dì Thảo. Mà chú dì có làm sao đâu cơ chứ. Không khiếm khuyết gì cả. Dì xinh đẹp, nữ tính. Chú phong độ, điển trai. Nhìn bề ngoài như thế ai cũng bảo “họ chỉ cần chạm nhau là có con”. Vậy mà…

Ngỡ tưởng cứ yên lành như thế để Trang học hành, nào ngờ lại một biến cố nữa đến. Sang năm học thứ ba, dì Thảo đột ngột sụt cân. Người dì gầy sọp hẳn đi. Bữa dì đang nhóm củi nấu cơm trưa, bỗng lăn đùng ra, ngã dúi dụi vào bếp. May mà lửa chưa bén, không thì dì bị cháy trụi tóc là cái chắc. Cũng may, hôm đó Trang nghỉ học. Đang nhặt rau ngoài sân, nghe dì kêu ối lên một tiếng, Trang chạy vào thì thấy dì đã nằm quay lơ. Miệng sùi bọt mép ú ớ. Hai con mắt vô hồn. Trang vội ôm dì vực dậy rồi luống cuống gọi điện cho chú Khánh. Chú hấp ha hấp hổi chạy về. Hai chú cháu vội đưa dì đi bệnh viện. Khám tổng thể, bác sĩ bảo với chú Khánh: “Cô ấy bị ung thư phổi đã di căn lên não”. Chú Khánh nhìn Trang rụng rời.

Không tin bệnh viện tỉnh, chú Khánh xin chuyển dì lên tuyến trên. Kết quả sinh thiết của bệnh viện trung ương vẫn như chẩn đoán của bệnh viện tỉnh. Cuộc chiến với căn bệnh ung thư quái ác của dì thực sự bắt đầu. Hết xạ trị, truyền hóa chất, qua tất cả các đợt, đầu tóc dì rụng hết, trọc lông lốc. Chú Khánh phải xin công ty nghỉ phép, rồi nghỉ không lương cả tuần để đi viện chăm sóc vợ. Trang bảo xin nghỉ học, thay chú dăm bảy ngày, chú nhất định không nghe. Cứ hai vợ chồng chú dắt díu nhau đi viện, hết đợt nọ đến đợt kia. Chú thương dì lắm. Nghỉ hè, Trang nói mãi chú Khánh mới cho đi thay vài ngày.

Dì Thảo càng ngày càng yếu hơn. Nhiều cơn đau vật vã đã phải dùng tới mooc-phin. Nhìn dì quằn quại với bộ xương teo tóp, Trang không cầm được nước mắt. Rồi bệnh viện cũng trả dì về. Mạch dì xẹp hết, không thể truyền được nữa. Chú Khánh liên tục bên dì an ủi, động viên. Ai bảo cách gì, gặp thầy nào, chú cũng làm theo họ. Cứu dì là mục đích tối thượng. Người chú cũng gầy rộc hẳn đi. Nhìn vợ chồng chú dì thế, Trang thương lắm.

Trước hôm dì đi mấy ngày, nhân lúc chú Khánh ra ngoài đi mua thuốc, dì Thảo nắm tay Trang, nhìn sâu vào mắt Trang và nói: “Có lẽ dì…đi... Cháu cố học giỏi mai sau… đỡ khổ. Chứ như dì… vất vả lắm. Chú Khánh… là người tốt. Hãy trông nom… chăm sóc… chú… thay dì”. Mấy câu cuối, dì nói chậm rãi, rành rọt từng tiếng một. Nói xong dì bóp chặt tay Trang. Hình như dì cố dồn sức còn lại của mình cho cái bóp tay này. Trang ngẹn ngào: “Dì ơi! Dì phải sống. Cháu chỉ có mỗi mình dì là chỗ dựa thôi, dì ơi! Dì đừng bỏ cháu. Nghe dì”. Đợi cho Trang bớt xúc động, dì Thảo làm ra vẻ bình thản nói: “Bậy nào… Còn chú đấy… Chú sẽ… lo… cho cháu. Cháu lớn rồi… hãy cứng rắn lên. À… chú Khánh thế thôi nhưng mà đoảng lắm. Cháu… thay dì… chăm sóc… cho… chú ấy. Dì… chỉ có chú ấy… với cháu thôi”. Trang ôm dì giàn giụa nước mắt.

Vừa lúc đó thì Khánh về. Thấy hai dì cháu vậy, anh hốt hoảng. “Em lại lên cơn đau à? Để anh tiêm thuốc nha?”. “Không. Em không đau đâu. Em… chỉ dặn Trang… nó… mấy việc thôi mà”. Dì nói và cố mỉm cười. Rồi dì tiếp tục thều thào cùng chú Khánh: “Nếu em… có mệnh hệ gì… anh phải chăm lo… cho Trang đấy. Nhà em… chỉ còn có mỗi nó thôi… Anh đừng… bỏ… nó… nghe… anh!”. Chú Khánh nhìn dì Thảo rồi nhìn Trang: “Bỏ là bỏ thế nào. Em đừng nói gở”. Dì Thảo lần tìm bàn tay chú Khánh, cùng bàn tay Trang, kéo đặt lên ngực mình và nhìn sâu vào đôi mắt hai người. Cái nhìn của dì thăm thẳm, vời vợi, rất khác lạ. Trang rùng mình.

Ba ngày sau, dì Thảo vĩnh viễn ra đi. Căn nhà ven đồi vốn đã yên tĩnh, sau đám tang ma giờ chỉ còn lại có hai người lại càng yên tĩnh hơn. Biến cố quá lớn với chú Khánh. Lại thêm một biến cố nữa với cuộc đời Trang. Đã mất một lúc cả bố lẫn mẹ, giờ Trang lại mất nốt cả dì. Những người ruột thịt thương yêu nhất đều đã bỏ Trang mà đi.

Đau thương nào rồi cũng nguôi ngoai. Cuộc sống của hai chú cháu Trang cũng ổn định dần. Trang lao vào học nốt năm cuối. Khánh tiếp tục đi làm ở công ty. Nhờ thông minh, chịu thương chịu khó, chu đáo với công việc và mọi người, Khánh đã được giám đốc lấy lên làm thư ký riêng. Không như các giám đốc khác, họ toàn lấy thư ký là những cô gái trẻ trung xinh đẹp để tạo mốt, tạo dáng, ông giám đốc này lại lấy Khánh - một đàn ông góa vợ, thạo chuyên môn. Hơn ba mươi tuổi, Khánh đang độ sung sức. Sau nỗi đau mất vợ, anh hòa nhập dần. Công việc mới cuốn hút anh.

Trang gần như thay dì Thảo lo mọi việc nội trợ gia đình. Hết giờ lên giảng đường học tập, Trang ở nhà làm đủ các việc. Từ nấu nướng cơm nước đến quét dọn nhà cửa. Từ xới cỏ vườn rau đến đi chợ mua sắm. Từ giặt giũ quần áo đến chăm sóc đàn gà, con lợn… Việc nào Trang cũng chăm chỉ, chu đáo. Nhiều lần thấy cháu tất bật thế Khánh định bán lợn đi, chỉ nuôi mấy con gà, dành thời gian để cho Trang tập trung học tập. Thế nhưng Trang không chịu. Trang bảo cố chăn nuôi con gà, con lợn thêm thắt đồng nào hay đồng ấy. Mai kia, bán lợn còn có tiền món để lo các việc. Nguyên khoản nợ tiền chữa bệnh cho dì cũng còn hơn chục triệu. Chả trông vào bán lợn chứ trông vào đâu. Tiền lương chú nhặt bao giờ cho đủ. Còn tiền ăn của hai chú cháu, tiền đóng học của mình nữa chứ. Bao nhiêu khoản phải chi. Cái tính chịu thương, chịu khó của nàng y hệt như dì Thảo. Từ dáng dấp đến việc làm sao lại giống Thảo đến thế. Chú Khánh thi thoảng vẫn giật mình rồi nén tiếng thở dài.

Nhà có hai chú cháu, chỗ ngủ nghỉ cũng được sắp xếp lại. Ngày trước, vợ chồng Khánh ở trong buồng. Hai gian nhà ngoài thì gian giữa để bàn thờ và kê bộ bàn ghế tiếp khách. Gian bên, kê cái giường, cái bàn con và một cái ghế làm góc học tập cho Trang. Tối đến, kéo ri đô ngăn gian giữa và gian này để Trang ngủ. Từ ngày dì Thảo mất, chú Khánh bảo đổi lại. Chú ra gian ngoài, Trang vào gian buồng. Con gái lớn rồi cần phải kín đáo. Chú thế nào cũng xong. Trong buồng yên tĩnh thuận cho việc học tập. Trang thấy cũng phải. Mấy đêm đầu trong này, Trang không tài nào ngủ được. Nàng có cảm giác sờ sợ. Cứ nhắm mắt lại, nàng lại thấy dì Thảo hiện về. Dì cứ lặng nhìn Trang, không nói gì. Ánh mắt dì thăm thẳm. Sau rồi, Trang cũng quen. Nàng có thế giới riêng của mình trong buồng.

Thực ra, đôi lần Trang cũng đã có ý định chuyển vào ký túc xá hoặc thuê nhà trọ ở. Nàng nghĩ, nhà có hai chú cháu, một nam, một nữ ngày thì chẳng sao chứ đêm đến thì ngại quá. Chú cháu thật đấy nhưng về tuổi tác hơn kém nhau không nhiều. Chú ba tư, cháu hai hai. Chú phong độ thế, cháu lại hơ hớ thế. Nhiều đêm nghe gió thoảng họ cũng giật mình. Khánh nghe cháu nói ý định đó, anh gạt ngay. Nhà cửa rộng rãi, gần trường học thế này, cháu đi thuê nhà trọ để cho thiên hạ họ chửi chú à? Chắc chú phải thế nào với cháu để cho cháu phải bỏ nhà mà đi chứ gì? Trang bảo: “Nhưng mà…”. Chú chặn lại: “Không nhưng nhị gì hết. Cháu cứ ở đây. Còn phải trông nom cửa nhà, gà lợn cho chú. Dì dặn cháu, dặn chú thế nào cháu còn nhớ chứ? Chú đi suốt ngày, cháu mà đi nữa thì cái nhà này thành nhà hoang à?”. Nghe chú nói vậy, Trang không còn ý định ra ngoài nữa.

Trang rất thương chú Khánh. Dì mất đã yên phận dì nhưng chú ấy còn quá trẻ. Công việc công ty bộn bề. Chú vừa nguôi ngoai việc dì mất, kịp bắt nhịp lại với công việc, giờ mà mình bỏ chú ấy đi thì tội quá. Trông chú ấy thế thôi chứ Trang biết chú Khánh cũng yếu đuối lắm. Nhiều lần, Trang bắt gặp chú ngồi thẫn thờ nhìn mãi tấm hình dì trên ban thờ. Hình ảnh dì Thảo đã choán ngợp trong tâm trí chú. Chú lại mắc bệnh hen phế quản nữa. Những hôm trái gió trở trời, chú lên cơn, so vai rụt cổ thở, Trang thương lắm. Học nghề y, Trang như thầy thuốc ở trong nhà. Nhiều đêm Trang phải dậy xử lý cơn hen cho Khánh.

Trang lao đầu vào học. Nàng nghĩ: học tốt mai sau ra trường mới hành nghề được. Với ngành y, sơ sẩy một tí là rất nguy hiểm, mất mạng như chơi. Nếu có nghề y trong tay, phát hiện bệnh tật sớm, phòng ngừa kịp thời thì đỡ tốn kém mà lại an toàn, hiệu quả. Như dì Thảo đấy, nếu khám sớm, tìm ra bệnh sớm thì đâu đến nỗi. Mình phải học, phải nắm vững chuyên môn. “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Phật cũng đã dạy như thế.

Cuối cùng, Trang cũng đã tốt nghiệp. Ra trường, cầm tấm bằng đỏ trên tay, nàng lặn lội đi khắp nơi xin việc. Đến đâu người ta cũng lắc đầu. Chẳng những chẳng được tích sự gì, nhiều kẻ thấy nàng xinh đẹp còn buông ra những lời cợt nhả. Có kẻ còn gạ tình. Nhiều kẻ nhận hồ sơ rồi dây dưa hẹn hết lần nọ đến lần kia mà không vẫn hoàn không. Đi xin việc thời nay mà tiền không, tình lại càng không (với Trang, nàng không bao giờ đánh đổi cái giá này được) thì có đến Tết Công gô vẫn chẳng được. Sau rồi, nhờ các mối quan hệ của Khánh (qua giám đốc của anh), Trang cũng đã kiếm được chân y tế học đường ở một trường học nọ. Chưa đạt như ý lắm song Trang cũng đành chấp nhận. Khánh động viên: “Cứ vào biên chế đã rồi tính sau”.

Có việc làm, Trang vui lắm. Nàng sắp xếp việc nhà để vừa công tác tốt vừa chăm lo cho chú Khánh. Sáng sáng, hai chú cháu ríu rít đi làm vui đáo để. Chiều về, Trang về trước nấu nướng, chuẩn bị bữa tối chờ Khánh. Nhiều hôm, tám chín giờ tối Khánh vẫn chưa về. Nàng ngồi đợi, cơm canh nguội hết cả. Khi về, biết Trang vẫn chờ anh, Khánh cảm động lắm. Về sau, những hôm bận tiếp khách hay hội nghị, Khánh đều điện về nhắc cho Trang chủ động.

Cuộc sống ổn định, công nợ xong xuôi, hai chú cháu ngày càng thoải mái hơn. Trang càng ngày càng xinh đẹp. Bao nhiêu trai làng, trai phố theo đuổi vậy mà nàng vẫn chẳng ưng ai. Nàng cứ hồn nhiên vô tư trong căn nhà ngoại thị với người chú trẻ của mình. Ai ở xa đến không biết lại cứ nghĩ họ là vợ chồng. Mà cái chú Khánh của Trang cũng vậy. Vợ chết hơn hai năm rồi vẫn chả thấy tục huyền cùng ai.

Trang bắt gặp Khánh mấy lần nằm ngủ trưa ngoài nhà quên kéo ri-đô. Trời mùa hè nóng nực, anh mặc mỗi chiếc quần đùi áo lót vô tư ngáy. Trang đỏ mặt vội ngoảnh đi chỗ khác. Rồi những lần nàng tắm, thi thoảng lại thấy bóng Khánh đi qua. Có lẽ chỉ vô tình thôi nhưng sao nàng cũng cứ đỏ mặt lên cơ chứ.

Những hôm thay đổi thời tiết, nàng mới thấy mình mâu thuẫn lạ. Vừa mong cho Khánh thở đều, ngủ yên lại vừa mong cho anh lên cơn hen. Khi Khánh lên cơn hen, Trang vừa như người mẹ, người chị. Nàng thuốc thang, xoa bóp, nàng đấm lưng, vuốt ngực cho Khánh. Hơi thở hai người, một đằng khò khè khó chịu, một đằng cố kìm nén mà vẫn cứ hổn hển, đã quyện vào nhau tạo thành một cảm giác rất lạ. Người Trang bâng lâng, chênh chao. Khi Khánh vừa dễ thở trở lại thì anh xua Trang ngay: “Ổn rồi. Cứ mặc chú. Cháu đi ngủ đi!”. Nằm trong buồng, Trang vẫn cố lắng nghe xem ngoài kia Khánh có biểu hiện gì không. Rồi nàng nghĩ vơ vẩn miên man...

Đêm ấy, hơn mười giờ Trang nghe tiếng gọi từ ngoài cổng. Nàng nhỏm dậy nghe ngóng. Chắc chú Khánh về? Phải cảnh giác nghe cho chính xác đã. Thân gái một mình không thể vội mở cửa được. Tiếng gọi càng gấp gáp hơn. “Cô Trang đâu? Ra giúp tôi đưa chú ấy vào nhà cái!”. Tiếng bác lái xe cho giám đốc. Trang mở cửa. Bác tài xế xốc nách Khánh: “Tiếp khách. Chú ấy uống thay cho giám đốc. Rõ khổ! Say quá mà”. Trang cùng bác tài dìu Khánh vào trong nhà. Đặt Khánh lên giường xong, bác tài vội ra xe về. Khánh ọ ọe ra hiệu nôn. Trang vội chạy đi tìm cái chậu. Chưa kịp mang chậu tới thì Khánh đã nôn thốc nôn tháo, phun hoa cà hoa cải ra nhà. Trang ngồi ôm đỡ Khánh. Miệng anh tiếp tục ộc ra đủ thứ. Hết mật xanh, mật vàng, Khánh ra hiệu cho mình nằm xuống.

Khánh mê man thiếp đi. Trang dọn dẹp đống nôn. Phải thay quần áo chứ lỡ cảm lạnh thì chết. Nghĩ sao làm vậy, Trang lật Khánh bên nọ bên kia, lần lượt cởi áo rồi cởi quần cho Khánh. Xong quần dài đến quần lót cũng ướt nhầy nước bẩn. Nàng ngần ngừ. Cởi tiếp. Có ai đâu mà sợ. Say thế này còn biết gì nữa mà xấu hổ. Khánh trần như nhộng. Nàng lấy nước ấm lau người cho anh. Đến chỗ nhạy cảm, nàng run quá. Có cái gì đó chạy rần rật trong người nàng. Mặc dù học y, đã đôi ba lần thực hành rồi đấy, nhưng một mình trực tiếp tiếp xúc với cơ thể đàn ông thì đây là lần đầu tiên của Trang. Trang lóng nga lóng ngóng. Nàng vươn người qua Khánh, với tay, nhấc chân anh. Bất ngờ, Khánh vòng tay qua đầu Trang kéo nàng đổ ập xuống. Và rồi, họ quấn lấy nhau.

Sau cái đêm động trời ấy, cả Trang và Khánh đều ngượng ngùng. Thậm chí, có hôm, Khánh còn chủ động đi sớm, về muộn, không dám nhìn mặt Trang nữa. Cả tháng trời, không khí gia đình trầm hẳn. Gặp nhau, hai người thường rất ít nói với nhau. Có nói, thường chỉ nói trống không. Mỗi người quan tâm nhau theo một cách khác. Khi biết mình có thai, đấu tranh mãi, Trang mới cho Khánh biết. Khánh tròn mắt nhìn Trang. Anh vừa vui lại vừa lo lắng. Vui vì mình đã có con. Thì anh chả đã từng mơ mãi điều đó là gì? Lo vì Trang còn trẻ, đời còn dài, còn phơi phới ra thế. Sao phải vì ta với một phút nông nổi mà tiêu tan hết cả? Không. Ngàn lần không. Trang ơi! Phải bỏ cái thai này thôi.

Chủ nhật, Khánh đến công ty. Trang ở nhà dọn dẹp với những việc thường ngày. Gần trưa, nàng nằm ngả lưng. Buồn tình, Trang với tay mở đài nghe. “Vâng, tôi năm nay ba mươi sáu tuổi. Vợ tôi đã mất được hai năm”. Trang giật mình. Hình như giọng của Khánh? Chuyên mục “Cửa sổ tình yêu” trong chương trình Phát thanh Thanh niên của đài. Trang thích chương trình này lắm. Chuyên gia gỡ rối tơ lòng đây. Lặng nghe xem có phải là Khánh không.

Trang vặn to đài lên thêm một tí nữa. “Tôi có câu hỏi xin gửi tới chương trình”. “Vâng. Mời anh đặt câu hỏi. Chúng tôi xin sẵn sàng”. “Tôi… tôi đang có điều khó xử mà không biết ngỏ cùng ai”. “Anh cứ mạnh dạn chia sẻ cùng chúng tôi”. Người hỏi ấp úng. Nhà đài khích lệ. Lặng đi một lát, tiếng người hỏi dồn dập. “Trong một lần say rượu tôi đã ngủ với đứa cháu gái con của chị vợ. Vợ tôi chỉ có hai chị em gái. Vợ chồng chị ấy đã mất vì tai nạn giao thông. Họ chỉ có một đứa cháu gái này. Vợ chồng tôi đón cháu về nuôi từ lúc cháu mười bốn tuổi. Đến nay, cháu hai bốn tuổi đã học xong cao đẳng ra trường. Tôi đã xin việc cho cháu. Cháu đi làm được hơn năm nay”. “Vậy là anh với cháu cách nhau đúng một giáp?”. “Vâng ạ”. “Thế vợ anh có biết việc này không?”. “Dạ, báo cáo anh, vợ tôi đã mất cách đây hơn hai năm do mắc bệnh ung thư”. “Thế hả? Xin chia buồn cùng anh. Thế anh chị được mấy cháu?”. “Lấy nhau nhiều năm nhưng chúng tôi không được cháu nào anh ạ”. “Thế cháu gái kia có thai lâu chưa?”. “Hơn bốn tháng”. “Tình cảm giữa anh và cô cháu gái đó ra sao?”. “Báo cáo anh, rất tốt đẹp ạ”. “Rất tốt đẹp là sao?”. “Là… là… tôi rất yêu cô ấy và… cô ấy cũng… cũng… rất yêu tôi ạ. Tuy nhiên, chúng tôi không ai nói ra điều này mà chỉ thể hiện bằng việc làm hàng ngày thôi”. “Ý anh bây giờ sao?”. “Tôi khuyên cháu phá bỏ thai để còn lấy chồng. Tương lai cháu còn dài. Tôi thương cháu lắm. Tôi không muốn vì tôi mà cháu khổ. Nhưng cháu kiên quyết không phá thai. Tôi phải làm sao bây giờ hả chương trình?”. “Anh như vậy là rất trách nhiệm và thực lòng tốt với cháu gái của mình. Tuy nhiên, tôi hỏi anh, anh có thật lòng thương yêu cháu không?”. “Dạ. Có chứ ạ! Thương yêu hơn cả cuộc đời tôi ấy chứ”. “Vậy thì hai người lấy nhau được không?”. “Sao lại thế ạ? Thế là loạn luân, là phạm pháp ạ?”.

Chuyên gia tư vấn giọng điềm đạm: “Anh bình tĩnh nào. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có sáu trường hợp cấm kết hôn, trong đó điểm D quy định cụ thể như sau: “Cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”. Như vậy, anh chị không phạm điều cấm nào cả. Anh không phải là cha nuôi cô gái và ngược lại, cô gái không phải là con nuôi của anh. Không có quan hệ pháp luật nào ở đây cả. Về mặt tuổi tác, hai người chênh nhau không nhiều. Chỉ một giáp thôi. Vợ chồng như vậy là ổn. Người ta còn chênh nhau ba bốn chục tuổi cơ. Tuy nhiên, chắc anh còn lấn cấn về dư luận xã hội. Về mặt này, theo như anh cho biết thì họ hàng nhà vợ anh không còn ai, lại ở xa. Họ nhà anh thì anh là trai duy nhất. Thế nên, việc có tổ chức cưới xin hay không, không quan trọng. Hai người nếu thực sự yêu nhau thì chỉ cần đến ủy ban nơi gần nhất đăng ký kết hôn là xong”. “Vâng, anh đã nghe rõ rồi chứ? Cảm ơn anh đã gọi điện tới chương trình - tiếng cô phát thanh viên MC xen ngang - Chúc anh chị hạnh phúc”.

Từ đó trở đi, Trang như không nghe thấy gì nữa. Tai nàng ù lên. Người nàng lâng lâng. Tuy người hỏi không xưng tên và quê quán nhưng đúng là Khánh rồi. Giọng ấy thì lẫn vào đâu được. Người đâu mà kỹ tính thế không biết. Tự nhiên Trang lấy tay xoa bụng và khẽ mỉm cười một mình. Đêm nay, phải cho Khánh nghe chương trình này mới được. Đài phát lại lúc khuya mà.

Khoảng nửa tiếng sau thì Khánh về. Nhìn anh có vẻ tươi tỉnh lắm. Vừa cởi áo khoác, Khánh vừa hỏi Trang: “Lúc nãy Trang có nghe đài không?”. Trang giật mình liến thoắng: “Không”. Khánh nhìn Trang và nhìn cái đài đang oang oang trên giường. Trang chột dạ. Rồi nàng chủ động: “Có nghe. Cửa sổ tình yêu. Có phải… anh…hỏi không?”. Trang buột miệng gọi anh. Đến lượt Khánh lúng túng: “Hỏi gì?”. Trang làm bộ giận dỗi: “Nếu vậy thì… không nói nữa”. Hai người đần ra cùng im lặng.

Khánh lên tiếng: “Bây giờ Trang tính sao?”. “Tính sao là sao ạ?”. “Tính như đài ấy?”. “Vậy là… đã nghe?”. Khánh gật đầu và giơ chiếc điện thoại: “Nghe lúc ở phòng làm việc. Bằng cái này”. Đôi mắt Trang long lanh ngước nhìn Khánh. “Tùy… anh. Còn Trang… Trang cứ đẻ”. “Trang không sợ khổ, sợ gì nữa ư?”. “Không!”. “Thật chứ?”. “Lại còn hỏi!”. “Quyết tâm chứ?”. “Đi mà hỏi mình í?”. “Nếu vậy thì… Nhé?”. Khánh vừa hỏi vừa nhìn thẳng vào mắt Trang. Trang lặng lẽ gật đầu.

Quên phắt những điều băn khoăn trước đây, Khánh chạy tới ôm chầm lấy Trang rồi bế thốc nàng lên. Đôi chân Trang chới với. Hai tay Trang đập đập vào đầu, vào vai Khánh: “Đừng… đừng anh!”. Vừa nói Trang vừa chỉ tay lên ban thờ. Khánh vội vàng đặt Trang xuống. Anh lặng lẽ lại ban thờ rút ba nén nhang châm lửa đốt. Cắm nhang vào bát hương xong, chắp hai tay, anh cúi đầu trước di ảnh vợ. Trang răm rắp làm theo như một cái máy. Trên ban thờ, trong di ảnh, đôi mắt Thảo nhìn hai người bao dung. 
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Đọc sách hội viên: "Vẻ đẹp của những vần thơ "Vụn"" (Đọc tập thơ “Vụn” của nhà thơ Hà Cừ -NXB Thông tin và Truyền thông, tháng 12/2023) (03/05/2024)
Kiến trúc: "Thành phố Hải Dương và những kỳ vọng"(02/05/2024)
Sân khấu: Kịch bản "Phương thức làm giàu" của tác giả Phương Hạnh(02/05/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: "Ngày đầu tiên" của Ngân Thuận(02/05/2024)
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tháng Ba(09/05/2023)
Em có còn về kịp tháng Ba xưa? (09/05/2023)
Dưới ánh sáng soi đường của Đề cương Văn hóa(08/05/2023)
Trang văn nghệ trẻ: Truyện thiếu nhi "Ước mơ mùa xuân" của Đoàn Ngọc Minh(15/02/2023)
Én ơi!(14/02/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na