Nhân tháng kỉ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2023), sáng ngày 5/12/2023, tại Trung tâm Triển lãm tỉnh Hải Dương đã diễn ra Khai mạc Triển lãm Ảnh của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hoàng Hiệp, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức (triển lãm diễn ra trong 5 ngày- từ ngày 5 đến ngày 10/12/2023).
Triển lãm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người xem, không chỉ ở trong mà cả ở ngoài tỉnh và đã để lại ấn tượng tốt trong dư luận.
Những ai đã đến dự và thưởng thức 100 bức ảnh với chủ đề “Bình yên Trường Sa” của Hoàng Hiệp trong ngày đầu khai mạc sẽ có cảm nhận về tình cảm của công chúng dành cho cuộc trưng bày này. Với tôi, sau buổi khai mạc, tâm trí còn vương vấn mãi, khiến tôi không thể không dành thêm một buổi nữa để đến với phòng trưng bày.
Không gian lặng lẽ của khán phòng, mỗi bức ảnh của Hoàng Hiệp như một câu chuyện tâm tình, sâu lắng và cảm động. Ảnh về Trường Sa hay về biển đảo nói chung thì đương nhiên không gian nghệ thuật trong đó là vùng biển, đảo và vùng trời bao la, cùng các đoàn tầu của lực lượng hải quân bảo vệ, canh giữ. Tuy nhiên, thể hiện dưới một góc nhìn và cảm xúc như thế nào, lại tùy thuộc vào phong cách cùng sự khám phá, sáng tạo của mỗi nghệ sĩ.
100 bức ảnh của Hoàng Hiệp, mỗi bức ảnh là những góc nhìn, khoảnh khắc khác nhau về biển: biển lúc bình minh, biển khi hoàng hôn; biển lúc lặng sóng, biển khi triều dâng; biển có tầu rẽ sóng tuần tra, biển có con tầu neo đỗ như một tòa nhà lung linh ánh điện trong đêm... Nổi bật trên không gian biển cả mênh mông là hình ảnh của các chiến sĩ hải quân trên biển, trên đảo. Nhấn mạnh hình ảnh các chiến sĩ luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác bảo vệ biển, trời của Tổ quốc, nhiều ảnh tập trung thể hình ảnh người chiến sĩ nắm chắc tay súng, mắt dõi nhìn xa xôi trên mặt biển khơi. Hình ảnh các chiến sĩ canh giữ biển đảo xuất hiện nhiều nhưng không lặp lại về không gian, địa điểm và con người nên không nhàm, có tác dụng xây dựng được một hình ảnh mang tính biểu tượng rõ nét: mỗi chiến sĩ như những cột mốc di động, mỗi mảnh đất trên đảo như một pháo đài, bức thành đồng, đang bảo vệ vùng trời biển thiêng liêng của Tổ quốc. Hoạt động của các chiến sĩ trên đảo được ghi lại qua nhiều bức ảnh khá phong phú và sinh động: ảnh luyện tập, ảnh tuần tra canh gác, lao động, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao... và một số ảnh ghi lại các hoạt động giao lưu, gặp mặt, tâm tình, chia tay, thể hiện tình cảm gắn bó quân dân, giữa hải đảo với đất liền.
Điều dễ nhận thấy là, vượt lên trên những ảnh mang tính báo chí thông thường, những bức ảnh của Hoàng Hiệp trưng bày tại triển lãm thể hiện rõ trình độ xử lý kỹ thuật, sự nhạy bén, khám phá, phát hiện của một tay máy già dặn kinh nghiệm. Người xem bị hấp dẫn bởi sức sáng tạo, sự tìm tòi của Hoàng Hiệp qua một số ảnh đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Anh tỏ ra là một nhiếp ảnh gia đạt nhiều thành công về bố cục. Có thể kể ra ở đây một số bức ảnh tiêu biểu. Bức ảnh có phụ đề “Vòng tay Trường Sa”, tác giả thể hiện hình ảnh các chiến sĩ và người dân đứng đan xen nhau, kết tay lại thành một vòng rộng xung quanh cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn, đứng vững chãi, uy nghi, như để thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc giữ biển đảo quê hương. Bức “Che chở”, tác giả lựa chọn lá quốc kỳ đang tung bay trên tàu tiến đến nhà giàn vào đúng “điểm rơi”: lá cờ được chụp cận cảnh, như một tán cây cổ thụ trùm lên mái “nhà giàn”, hình ảnh như gửi một thông điệp mang tính ẩn dụ: Tổ quốc đang che chở cho mỗi ngôi nhà nhỏ trong bình yên! Bức “Thế trận Bạch Đằng”, Hoàng Hiệp chụp những cọc bê tông cắm xung quanh gia cố cho hòn đảo đứng vững trước sóng gió gợi cho người xem liên tưởng đến những chiếc cọc trên cửa sông Bạch Đằng lịch sử trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, qua đó tạo được kết nối giữa truyền thống với hiện tại. Bức “Khắc ghi lời cha ông”, anh chọn lúc mặt trời vừa nhô lên khỏi phiến đá lớn khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà”, như là ánh hào quang từ “thiên thư” (sách trời) chiếu rọi xuống, khiến cho hình ảnh vừa chuyển tải được ý thơ, vừa tạo được sự ẩn dụ thiêng liêng. Một số ảnh “chân dung nhân vật”, ống kính của Hoàng Hiệp cũng ghi được những khoảnh khắc ấn tượng, giàu ý nghĩa. Bức “Nối tiếp” chụp một “lão tướng” cùng một lính trẻ hải quân như hai cha con nắm chặt tay nhau với cái nhìn tin tưởng và ấm áp. Người lính trẻ quay hướng về cầu cảng, lão tướng quay mặt vào trong đất liền, như một cuộc bàn giao, chuyển tiếp giữa hai thế hệ. Một số thủ pháp ẩn dụ được Hoàng Hiệp sử dụng khá sáng tạo, gây bất ngờ và tạo hứng thú cho người xem. Bức “Mắt nhà giàn” chụp một nhà giàn ở xa được thu gọn trong khoảng không của một phao cao su màu đen. Hình ảnh nhà giàn bên trong hệt như cảnh trong một đôi mắt đen láy, đang mở to, canh chừng! Tương tự, ở bức có phụ đề “Pháo đài qua ô cửa”, tác giả ghi lại cảnh Trường Sa nhìn qua ba lỗ bê tông khiến người xem như đang đứng nhìn từ trên một pháo đài của thời trung cổ!
Ảnh là nghệ thuật của thị giác. Nhưng Hoàng Hiệp khéo lấy hình để gợi âm thanh (cái mà Nhiếp ảnh không thể hiện trực tiếp được), tạo nên nhiều cung bậc của cảm xúc đồng thời cũng thể hiện được nhịp điệu của thiên nhiên, âm thanh của cuộc sống. Đó là nghi lễ thiêng liêng viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh (bức “Tưởng niệm”); đó là lúc chiếc chuông đại đang được các nhà sư gióng lên trong không gian của buổi chiều tà (bức “Vọng giữa Trường Sa”); đó là những vũ điệu hòa cùng lời ca tiếng hát của quân dân trên đảo trong niềm vui họp mặt (bức “Nối vòng tay lớn”); hoặc sự hòa tấu giữa từng đợt sóng biển tung lên trắng xóa cùng đèn đỏ và còi tầu đang rú lên, báo hiệu tầu cập bến (bức “Trường Sa biển hát”). Đặc biệt, Hoàng Hiệp đã ghi lại những giây phút trầm lắng và bình dị ở giữa đảo xa ầm ào sóng gió: hình ảnh các vị sư đang tụng niệm bên đài liệt sĩ uy nghi trầm lắng; hình ảnh người chiến sĩ đang chăm chú trong một cuộc điện đàm; hoặc không gian yên tĩnh trong một căn phòng có người lính đảo đang đọc thư nhà; những chiến sĩ đảo đang truyền tay nhau đọc Tạp chí Văn nghệ Hải Dương. Không thể kể hết ra đây những sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện bằng hình ảnh của Hoàng Hiệp.
Bên cạnh những hình ảnh hào hùng, hoành tráng của biển, trời Trường Sa, ảnh của Hoàng Hiệp không kém phần tinh tế trong quan sát, tạo nên những khung cảnh giàu chất thơ. Anh tỏ ra rất kỳ công trong miêu tả nét lấp lánh như dát bạc, hắt lên từ mặt sóng biển mỗi chiều tà hay lúc bình minh. Anh rất nhạy bén trong việc “chớp” được hình ảnh tầu cập bến rất sinh động: các chiến sĩ trên tầu tung dây leo, bay trên không trung trông như rồng cuốn; ở dưới hàng chục cặp mắt đang tập trung nhìn theo để đón bắt. Hình ảnh vừa tạo nên ý nghĩa về sự phối hợp ăn ý giữa các chiến sĩ trong hoạt động trên biển vừa đem đến cho người xem sức hấp dẫn của bức ảnh giàu tính tạo hình, sinh động và bay bổng. Bức ảnh có phụ đề “Đảo nhỏ giữa trùng khơi”, cho thấy Hoàng Hiệp rất thành công trong sử dụng thủ pháp đối lập: chú chim nhỏ đậu hiên ngang trên mỏm đá nhô lên trên mặt biển màu xám chì, giữa muôn trùng sóng nước bao la. Đây là bức ảnh có nhiều sức gợi về triết lý và nhân sinh: cái hữu hạn và cái vô cùng; sự bất an và lòng can đảm... Một hình ảnh bông hoa bàng vuông bung nở trước ban mai; một hình ảnh một vườn rau nhỏ trên khoang tầu; hay hình ảnh một con chim đậu trên dây xích sắt trùng xuống như cánh võng... đặt trong những bức ảnh về biển trời bao la, rộng lớn vừa thể hiện sự chân thực về Trường Sa, vừa có sức gợi khát vọng về một cuộc sống giản dị và bình yên của người lính đảo, đồng thời tạo cho phòng trưng bày ảnh những góc nhìn đa dạng.
Không phải ngẫu nhiên mà trong 100 bức ảnh Hoàng Hiệp trưng bày, có nhiều ảnh về chùa chiền, về hoạt động phật sự của các nhà sư. Qua bức ảnh “Trầm mặc giữa trời xanh”, thể hiện: mái chùa cong vút như đóa sen, nhô lên trên tán hoa đại, in hình trên nền trời xanh mây trắng giữa Trường Sa, phải chăng Hoàng Hiệp muốn thể hiện một Trường Sa không chỉ có lãnh thổ mà người Việt Nam đang làm chủ, mà còn là một Trường Sa có chiều dài về lịch sử và bề sâu văn hóa.
Bước ra khỏi phòng trưng bày ảnh của Hoàng Hiệp, người xem không thể không suy ngẫm bởi những thông điệp nhiều tầng được gửi gắm trong đó. Nghệ thuật nhiếp ảnh của Hoàng Hiệp đã tạo được dư vị ngân vang. Cái tên “Bình yên Trường Sa” không chỉ nói lên hiện thực của ngày hôm nay, mà còn là khát vọng muôn đời của mỗi người dân Việt Nam muốn được sống trong hòa bình!
Trò chuyện với Hoàng Hiệp trong ít phút, được biết, bộ sưu tập 100 ảnh có chủ đề “Bình yên Trường Sa” anh vừa thực hiện trong chuyến đi hồi tháng 5 vừa qua (từ 13-19/5/2023). Trong vai trò là một thành viên của “Công ty Cổ phần 216 Hà Nội”, anh đến với Trường Sa thật là “nhất cử lưỡng tiện”: vừa để chuyển quà đến giúp đỡ cán bộ và chiến sĩ ở ngoài đảo, vừa là dịp được thỏa mãn ước vọng đến với Trường Sa với tư cách một nhiếp ảnh gia! Anh nói, chỉ tiếc là vì phải đi theo đoàn công tác, điều kiện tác nghiệp chỉ giới hạn trên một boong tàu hay một vài điểm trên đảo, nên chưa cho phép mình thực hiện được nhiều ý tưởng. Nhưng dù sao anh cũng rất hài lòng với chuyến đi này, vì đó là một dịp hiếm có đối với một nghệ sĩ nhiếp ảnh mà lại không phải là phóng viên.