Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Kiến trúc vì cộng đồng - Nhìn từ ba phía kiến trúc sư tư vấn, cộng đồng xã hội và chính quyền quản lý đô thị
23/05/2024 12:00:00

Tác giả: KTS Nguyễn Phương Liên

Kiến trúc vì cộng đồng được Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động từ năm 2016 tới nay đã được gần chục năm. Nhìn lại nội hàm của chương trình, những vấn đề cần giải quyết để thực hiện chương trình trên và với góc nhìn của những người hành nghề kiến trúc tại Hải Dương, tôi thấy đã có nhiều biến chuyển trong việc tạo dựng không gian công cộng, phục vụ sinh hoạt cộng đồng được ghi nhận.

Trước hết, giới kiến trúc sư đã hiểu hết nội hàm của kiến trúc vì cộng đồng là gì? Từ đó, mọi hoạt động nghề kiến trúc đều nhằm vào cải thiện đời sống của cộng đồng cư dân; từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, sinh hoạt, làm việc, học tập v.v… của người dân Hải Dương đều được nâng cao đáng kể, nhất là ở các đô thị lớn và thành phố. Các kiến trúc sư đã hiểu thấu đáo các đối tượng họ cần hướng tới, các điều kiện tác động nhanh, sớm và bền vững đến cho cộng đồng. Đó chính là cộng đồng cư dân trong các đô thị được đề xuất nghiên cứu và thực hiện.

Các điều kiện tác động sớm trước tiên đến cộng đồng là các bản vẽ quy hoạch và dự kiến phát triển đô thị. Tiếp đến là các công trình kiến trúc và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các kiến trúc sư đã đề xuất ra cách giải quyết ổn thỏa mối tương quan trên để làm nên một đô thị. Họ, các kiến trúc sư coi sự nghiên cứu để giải quyết các vấn đề trên như là một nguyên lý: "Xây dựng và phát triển đô thị phải vì người dân”. Từ đó để tạo dựng một đô thị mới, một môi trường đáng sống cho người dân. Vậy câu hỏi đặt ra: Thế nào là môi trường đáng sống? Các kiến trúc sư đã trả lời được câu hỏi trên có tính nhắm thẳng từ trong nguyên lý nghề nghiệp:

- Môi trường đáng sống là môi trường sống đáp ứng, giải quyết được cơ bản những yêu cầu của con người. Nhà ở trong môi trường đáng sống là nhà ở có kết cấu an toàn, vật liệu xây dựng an toàn; đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, luyện tập, vui chơi, giải trí, vị trí gần hồ nước, công viên, cây xanh v.v…

- Môi trường đáng sống có không gian sống tiện nghi, đảm bảo từ tiện nghi sinh hoạt thường nhật thực sự thoải mái.

- Giao thông công cộng được thuận tiện để người lao động học tập từ nơi ở đến nơi làm việc, học tập được thực sự thoải mái; vì với tinh thần thực sự thoải mái thì làm việc hiệu quả cao, học tập tiếp thu cao, chất lượng tốt.

- Hạ tầng khác trong môi trường đáng sống cũng đáp ứng cho người dân một cách thuận tiện và hoàn hảo nhất.

Căn cứ những nắm bắt nội hàm của kiến trúc vì cộng đồng, thời gian qua các đồ án quy hoạch phát triển đô thị tại Hải Dương đã có sự thay đổi, đạt chất lượng về tạo dựng không gian công cộng và thiết kế các công trình kiến trúc.

Về quy hoạch tạo dựng không gian công cộng, không gian chung, các kiến trúc sư đã có sự nghiên cứu chu đáo, tỉ mỉ đến toàn diện mọi vấn đề liên quan đến cộng đồng cư dân. Từ đó, họ đề xuất ra các đồ án có chất lượng tốt, nhất là giải pháp tốt thực hiện mọi vấn đề phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, các kiến trúc sư đã chú ý tới các ý kiến tham gia của cộng đồng, tuy chưa tuyệt đối tiếp thu nhưng cũng không tuyệt đối áp đặt ý kiến của kiến trúc sư tư vấn cho việc tạo dựng không gian công cộng của cộng đồng.

Về thiết kế và tạo dựng các mẫu nhà cho phù hợp, những năm qua về mặt chủ trương, tỉnh Hải Dương đã không còn tồn tại nhà ở kém chất lượng, kém an toàn và điều kiện ở thấp được xây dựng mới. Đây là chủ trương rất phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở lâu dài của Việt Nam. Hơn thế, bên cạnh đó các kiến trúc sư đã nghiên cứu tạo ra các mẫu nhà tốt, đẹp phù hợp với điều kiện và nhu cầu của cộng đồng, nhóm cộng đồng và cư dân trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, đi dọc các con phố ở Hải Dương hiện nay, ta thấy phong phú về mẫu nhà, ngăn nắp, kỷ cương về sự sắp đặt. Nhìn chung đã không còn sự lộn xộn, nhức mắt vì các công trình xấu, kém chất lượng được xây dựng. Song, còn một vấn đề tồn tại không nhỏ trong “Kiến trúc vì cộng đồng” là các mẫu nhà chia lô đơn lẻ đang được đem từ thành phố về nông thôn xây dựng. Hiện tượng này là do các thợ thủ công xây dựng mẫu nhà trên thành phố tự ý đem về nông thôn xây dựng theo ý gia chủ đặt hàng. Dĩ nhiên là những mẫu nhà này không phù hợp bởi lẽ, nhà ở nông thôn là phải có sân, vườn, mặt nước… và không gian sử dụng cũng khác nhà ở đô thị. Đi đôi với việc sáng tác nhiều mẫu nhà tốt, các kiến trúc sư đã áp dụng tiêu chí kiến trúc xanh cho các công trình trong đô thị. Từ hai yếu tố trên, các công trình xây dựng tại Hải Dương đã tương đối đa dạng về mẫu mã, phong phú về không gian sử dụng. Nhìn từ góc độ quản lý đô thị, chúng ta thấy con đường hướng tới kiến trúc bền vững của các đô thị Hải Dương đang rất gần.

Trong thiết kế và tạo dựng kiến trúc vì cộng đồng tại Hải Dương có lẽ sẽ hoàn hảo hơn, chất lượng hơn nếu chúng ta chú trọng đến kiến trúc vùng đặc thù, vùng núi, trung du và vùng trũng thấp ven sông do ảnh hưởng thiên tai, nhất là công tác tái định cư phục vụ cho các dự án. Đặc biệt, chúng ta cần tạo điều kiện cho người dân tái định cư, có đủ điều kiện sống và sinh sống thỏa mãn được nhu cầu ở, sinh hoạt, làm việc, học tập và vui chơi…

Trong thực hiện kiến trúc vì cộng đồng, đối tượng mà các kiến trúc sư hướng tới chính là các cư dân. Vậy cộng đồng cư dân có trách nhiệm thế nào để thực hiện tốt chủ đề “Kiến trúc vì cộng đồng”. Câu trả lời tuy chưa giải đáp trọn vẹn nhưng chúng ta thấy tương đối rõ ràng: Thời gian qua, người dân đã từng bước cải thiện sự hiểu biết về quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị. Quy hoạch là tạo dựng không gian chung phục vụ cộng đồng. Cộng đồng cư dân có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng không gian chung đó. Vậy thì, mỗi người dân trong cộng đồng phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến cho kiến trúc sư từ bản vẽ quy hoạch. Việc lấy ý kiến người dân tuyệt đối không làm qua loa, làm ngay từ khâu đầu tiên là quy hoạch. Cũng từ đó, người dân hiểu rõ về quy hoạch, về chính sách pháp luật mà họ đang chuẩn bị bước vào thực hiện. Các kiến trúc sư và chủ đầu tư đã nói chân thực, rõ ràng ý đồ phương án quy hoạch cho cộng đồng cư dân hiểu và tham gia ý kiến. Trên cơ sở đó, từ ý kiến tham gia của cộng đồng cư dân để đơn vị tư vấn giải quyết các vấn đề tồn đọng trong đồ án quy hoạch. Công tác này, trong thời gian gần chục năm qua, việc lấy ý kiến người dân đối với các đồ án quy hoạch đang dần vào nề nếp và có hiệu quả.

Chính quyền các cấp và cơ quan quản lý đô thị những năm qua tại Hải Dương, nhất là thành phố Hải Dương đã có tiến triển tốt, rất nhanh. Công tác quản lý đô thị được chính quyền dựa vào dân để giữ trật tự đô thị, thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Đã không còn hiện tượng xây dựng lộn xộn trái phép hoặc sai phép được duyệt, cấp. Tôi thấy đây là bước tiến đáng kể trong công tác quản lý đô thị tại Hải Dương. Bên cạnh quản lý tốt, công tác hướng dẫn, thuyết phục được thay thế cho xử phạt. Đi đôi với hướng dẫn, thuyết phục là nâng cao nhận thức người dân về quy hoạch, kiến trúc và nhận thức đô thị. Có lẽ sự thành công của quản lý phát triển đô thị nằm ở đây. Có những đô thị đã được cộng đồng cư dân tham gia ý kiến rất tích cực, xác đáng, nhất là khi tham gia với bản vẽ quy hoạch về bảo vệ cây xanh, mặt nước các đô thị.

Chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều để chúng ta - các kiến trúc sư, cộng đồng cư dân, chính quyền quản lý và phát triển đô thị mới chạm tới mục đích kiến trúc vì cộng đồng. Đây là đề tài rộng và đòi hỏi kiến thức uyên thâm, bền vững. Song nhìn lại công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, việc sáng tác công trình tại Hải Dương đã cho thấy sự tiến bộ của cộng đồng dân cư, của những nhà quản lý, nhất là những kiến trúc sư, những người hoạt động trong ngành xây dựng tại Hải Dương đã có trách nhiệm, nâng cao thực hiện “Kiến trúc vì cộng đồng”. Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm, trí thức của mình để góp sức cùng cả nước xây dựng môi trường sống bình đẳng, an toàn và hạnh phúc cho mọi người. Đó cũng là trách nhiệm của các kiến trúc sư, của cộng đồng cư dân và cơ quan quản lý tại các đô thị Hải Dương, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng và Chính phủ trong lãnh đạo nhân dân, trong sự nghiệp phát triển đất nước.
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Sân khấu: Kịch ngắn "Đoàn tụ" của tác giả Xuân Ba(22/05/2024)
Văn nghệ Trẻ: "Bức tranh của con" (22/05/2024)
Khúc giao mùa(21/05/2024)
Truyện ngắn "Từ bờ bên kia" của tác giả Lê Vũ Trường Giang(21/05/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Cảm thức thời gian, thiên nhiên - vũ trụ trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga"(21/05/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na