Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Sân khấu: Kịch ngắn "Đoàn tụ" của tác giả Xuân Ba
22/05/2024 08:42:16

NHÂN VẬT

1. Ông Quang

2. Việt

3. Quân

4. Phương

5. Hương

Và các chiến sĩ trong tiểu đội đồng chí Việt.

CẢNH 1

(Một buổi sáng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hương: Tiếng xe ô tô, tiếng người giục giã gọi nhau xuống các công trình để làm việc. Tại phòng làm việc của Giám đốc Việt)

Việt: (Gọi điện thoại) A lô! Cậu Quân đấy phải không? Cậu về phòng làm việc của tôi có chút việc nhé! (Gọi điện tiếp) A lô: Tôi là Việt, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hương đây. Dạ vâng! Tôi muốn hỏi về dự án xây dựng một trung tâm dành cho các cháu bị khuyết tật và trẻ mồ côi cơ nhỡ mà công ty muốn đầu tư xây dựng tại tỉnh nhà. Dự án đó lãnh đạo tỉnh đã phê duyệt chưa ạ? Sao? Xong rồi ạ! Tỉnh đã đồng ý phê duyệt rồi ạ! Thay mặt cho công ty, tôi xin chân thành cảm ơn các anh ạ. Vâng! Chào anh! Chúc các anh mạnh khỏe ạ! Tốt quá rồi! Vậy là ý nguyện của tôi đã được thực hiện rồi!

Quân: (Vào) Chào chú! Chú cho gọi cháu ạ!

Việt: Ngồi đi cháu.

Quân: Dạ vâng! Có việc gì vậy chú?

Việt: Trước hết, chú báo cho cháu một tin rất quan trọng đã.

Quân: Tin gì vậy chú?

Việt: Dự án đầu tư xây dựng trung tâm khuyết tật và trẻ mồ côi, cơ nhỡ của công ty. Tỉnh Hải Dương đã đồng ý phê duyệt và tỉnh sẽ hỗ trợ 1/3 kinh phí cho dự án của chúng ta.

Quân: Tốt rồi! Tốt quá rồi! Cháu xin chúc mừng chú.

Việt: Còn việc này, tớ muốn hỏi cậu đây.

Quân: Có việc gì chú cứ hỏi ạ.

Việt: Ngôi nhà tình nghĩa của 2 vợ chồng cựu quân nhân có 2 cháu trai bị tàn tật, dị dạng vì chất độc da cam do chiến tranh để lại. Hiện giờ tiến độ xây dựng đó đến đâu rồi?

Quân: Chuyến công tác phía Nam vừa rồi, trên đường về qua miền Trung cháu có rẽ vào xem cụ thể rồi ạ. Đây là những bức ảnh cháu đã chụp để chú xem.

Việt: Đưa chú xem nào (Một lúc) thực trạng như thế này thì làm sao khánh thành được trước tết âm lịch đây!

Quân: Cháu cũng nói mục đích, yêu cầu của chú đối với ngôi nhà này. Nhưng anh Đông chịu trách nhiệm ở đó nói là không thể thực hiện được ạ!

Việt: Tại sao? Vì lý do gì chứ?

Quân: Dạ vì lý do nhân lực ít quá ạ!

Việt: 10 công nhân xây dựng mà vẫn còn kêu ít à.

Quân: Nhưng giờ chỉ có 5 công nhân thôi ạ?

Việt: Vậy còn 5 công nhân nữa đi đâu rồi?

Quân: Dạ, 5 công nhân đã điều sang công trình khác rồi ạ.

Việt: Điều sang công trình nào vậy?

Quân: Dạ! Công trình trường học ở huyện bên ạ!

Việt: Rút 5 công nhân đó về vị trí cũ ngay. Công trình trường học thời gian chậm lại một chút cũng được, cậu hiểu không?

Quân: Nhưng …

Việt: Không nhưng gì hết, đây là lệnh của giám đốc, việc gì cần thì phải làm ngay, phải ưu tiên làm bằng được, làm cho xong. Ngôi nhà này là tấm lòng đồng đội của những người lính chúng tôi đấy? Người đồng đội của tôi cũng chỉ vì chiến tranh, vì dân, vì nước mà phải chịu hoàn cảnh đau lòng như bây giờ, cậu hiểu không?

Quân: Dạ! Cháu hiểu rồi ạ!

Việt: Hiểu rồi thì hãy báo vào trong đó thực hiện ngay, làm ngày không kịp thì phải tăng ca làm cả đêm. Bằng mọi giá ngôi nhà đó phải được khánh thành trước tết âm lịch. Cậu hiểu chứ.

Quân: Dạ vâng! Cháu xin phép chú đi điện báo để trong đó họ thực hiện ngay ạ! (Định đi)

Việt: Khoan đã!

Quân: Còn việc gì nữa thưa chú?

Việt: Những thứ vật dụng trong nhà như giường, chiếu, chăn màn, tủ, bàn ghế… cháu báo cho bên hành chính mua sắm luôn, để khi khánh thành chú muốn gia đình được đầy đủ tiện nghi, không phải thiếu thốn gì nữa. Bao năm sống khổ sở, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần đối với họ như thế là quá đủ rồi? Giờ chú có điều kiện, chú muốn bù đắp thêm với chế độ Nhà nước cho người đồng đội của chú.

Quân: Dạ vâng! Cháu rất hiểu ý của chú mà.

Việt: Ngày mai cháu có phải xuống các công trình không?

Quân: Ngày mai cháu phải ở công ty để làm cho xong mấy thủ tục giấy tờ thôi ạ!

Việt: Việc đó có cần phải làm gấp không?

Quân: Dạ không ạ! Nhưng cháu muốn làm cho xong để có thời gian xuống các công trình, vì tất cả đều vào giai đoạn cuối năm mà chú.

Việt: Chú hiểu rồi! Vậy ngày mai chuẩn bị xe để hai chú cháu đi Hải Dương một chuyến.

Quân: Chắc có việc gì cần lắm hả chú.

Việt: Tất nhiên là rất cần nên chú mới bảo cháu đi cùng. Chuyến đi này không phải vì công việc của công ty đâu.

Quân: Nghĩa là không vì việc công?

Việt: Đúng vậy.

Quân: Thế nghĩa là việc riêng của chú phải không ạ?

Việt: Cháu nghĩ thế cũng được!

Quân: Thảo nào, cháu thấy tâm trạng của chú có vẻ bồn chồn, hồi hộp và phấn chấn một điều gì đấy!

Việt: Đúng vậy! Gần 30 năm rồi còn gì! Thế mà bao kỷ niệm của một thời vẫn còn in đọng mãi trong tâm chú cho đến hôm nay đấy.

Quân: Một thời đó của chú chắc oanh liệt và máu lửa lắm phải không chú!

Việt: Rất oanh liệt và máu lửa!

Quân: Thế cho nên chú không quên được là phải rồi. Chú! Cháu hỏi thật điều này, chú phải nói thật nhé.

Việt: Được! Cháu hỏi đi.

Quân: Ngày đó chú có ăn, ngủ với người ta không.

Việt: Có chứ! Còn gối mật nằm sương hàng tháng trời nữa chứ.

Quân: Chú đã có một thời kỳ lãng mạn thật đấy. Thảo nào, bao năm rồi mà vẫn phấp phỏng chờ đợi. Người ấy hình thể phải hấp dẫn và đẹp lắm phải không chú.

Việt: Hình thể cao, to, cân đối, chân dài…

Quân: Cháu biết ngay mà, tên người ấy là gì hả chú?

Việt: Là Phương!

Quân: Ôi! Cái tên nghe cũng rất hay… Phương! Đệm là gì Phương hả chú?

Việt: Hoàng Đình Phương!

Quân: Cái gì? Đệm sao mà nghe như đàn ông thế ạ?

Việt: Ờ thì người đó là đàn ông mà, cậu nghĩ là ai vậy?

Quân: Thế mà suốt từ nãy đến giờ cháu cứ nghĩ người đó là Hoàng Thị Kiều Phương của chú cơ đấy.

Việt: Ô hay! Nói thế nào thì cậu cũng hiểu sang vấn đề đó là sao nhỉ?

Quân: Lúc nào cháu cũng mong cho chú điều đó mà. Thực sự chú không muốn sao?

Việt: Muốn, nhưng không phải lúc này, cậu hiểu không?

Quân: Năm nay chú bao nhiêu tuổi rồi mà chú vẫn còn chểnh mảng về vấn đề này thế không biết. Chú còn đợi đến lúc nào không làm ăn được gì nữa mới nghĩ tới chắc.

Việt: Chú sẽ không để đến lúc đó đâu, cháu đừng lo.

Quân: Vậy người bạn chú là ai, ở đâu? Tại sao bao năm trời xa cách bây giờ mới tìm đến nhau là sao hả chú.

Việt: Người đó là một trong những đồng đội thời chiến tranh chống Mỹ của chú. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, các chú chia tay nhau mỗi người một phương: Người thì ở lại quân ngũ, người thì tham gia công tác nhà nước, người thì về quê sớm hôm vui với ruộng đồng. Còn chú thì xin đi lao động ở nước ngoài làm kinh tế. Cho mãi đến bây giờ, các chú mới tìm được nhau. Nhờ chuyên mục Nhắn tìm đồng đội của Đài Tiếng nói Việt Nam đấy.

Quân: Quý hóa quá chú nhỉ. Mà sao chú không mời mọi người về công ty để mọi người được gặp nhau hoan hỷ dăm bữa nửa tháng cho nó đã hả chú.

Việt: Chú muốn lắm chứ nhưng điều kiện của mọi người không cho phép. Họ còn vất vả mưu sinh với cuộc sống này lắm, cháu hiểu không? Cho đến hôm nay, vì có hai mục đích: Thứ nhất, là anh em đồng đội về để mừng cho chú Phương vừa rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã. Thứ hai là vấn đề quan trọng nhất: Anh em đồng đội về với nhau nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12 hàng năm.

Quân: Vậy thì tốt rồi! Đây cũng là chuyến đi trải nghiệm và ghi nhận tình đồng chí, đồng đội của những người lính cụ Hồ đối với cháu.

Việt: Muốn vậy thì mọi công việc của cháu phải hoàn thành trong ngày hôm nay. Để sáng mai chú cháu mình xuất phát lên đường. Rõ chưa?

Quân: (Phấn khởi) Dạ! Rõ

(Âm nhạc - Kết cảnh)

CẢNH II

(Một buổi sáng ngày 22/12 tại nhà cựu chiến binh Đình Phương, mọi người đều nghe thấy tiếng cười nói râm ran của những người lính cùng chung chiến hào đánh giặc. Họ đang cùng nhau ôn lại những kỷ niệm chiến đấu, những mất mát hy sinh, những niềm vui chiến thắng của một thời chống Mỹ cứu nước. Ở ngoài sân, Đình Phương vẻ sốt ruột như trông ngóng, chờ đợi một ai đó…)

Phương: (Chợt phát hiện, rồi reo lên). Trời ơi! Thủ trưởng! Chúng em mong thủ trưởng mãi, mọi người cứ nghĩ là thủ trưởng chưa chắc đã đến.

Ô. Quang: Phải đến chứ! Nhận được giấy mời của các cậu từ hôm qua đến hôm nay, tớ cứ phấp phỏng, háo hức lắm, đêm qua không ngủ được, chỉ mong trời sáng để đến ngay với các cậu.

Phương: Đường xá xa xôi, những 30km từ huyện bên sang đây, thủ trưởng có thấy mệt không ạ?

Ô. Quang: Có 30 cây số chưa là gì với lão tướng đây nhé. Ngày xưa cả đại đội còn hành quân hàng trăm cây số kia mà.

Phương: Bây giờ tuổi tác cao, thủ trưởng bì làm sao được với thời chống Mỹ.

Ô. Quang: Điều đó cậu nói cũng phải nhưng tớ có tài xế riêng chở sang đây nên có thấy mệt mỏi gì đâu.

Phương: Tài xế của thủ trưởng chắc là cháu gái này đây phải không ạ?

Ô. Quang: Đúng vậy, đây là cháu gái tôi.

Hương: Dạ cháu chào chú ạ!

Phương: Chú chào cháu. Thủ trưởng! Đây là cháu nội hay cháu ngoại của thủ trưởng mà xinh thế ạ?

Ô. Quang: Cái cậu này rõ thật… Thời buổi nào rồi mà vẫn còn nội với ngoại hả. Cháu nào thì cũng là cháu mình mà, có đúng vậy không nào?

Phương: Dạ vâng. Thủ trưởng nói đúng quá ạ! Giờ thì mời thủ trưởng và cháu vào cả trong nhà nghỉ ngơi, xơi nước ạ!

Ô. Quang: Cứ từ từ không đi đâu mà vội, cậu ở đây cho tớ hỏi đã.

Phương: Dạ vâng! Có việc gì thủ trưởng cứ hỏi ạ!

Ô. Quang: Anh em đồng chí hôm nay về đây là những ai, có bao nhiêu anh em tất cả.

Phương: Dạ! Báo cáo thủ trưởng. Hôm nay, em chỉ mời các đồng chí còn sống sót trở về của tiểu đội thôi ạ!

Ô. Quang: Vậy là về được bao nhiêu anh em rồi, còn bao nhiêu anh em không về được?

Phương: Dạ, 4 đồng chí của 4 tỉnh đã về đây từ hôm qua. Còn 01 đồng chí ở Nam Định chắc về muộn một chút ạ!

Ô. Quang: Dù muộn một người cũng phải đợi, giờ mới có 9 giờ sáng, thời gian còn sớm chán. Gần 30 năm xa cách, giờ mới lại được gặp nhau, được như thế này quý lắm đấy.

Phương: Kìa! Thủ trưởng xem những chiến sĩ của tiểu đội, những người lính năm xưa của thủ trưởng, họ đang ùa cả ra đây để đón thủ trưởng đấy ạ! (Phương vội hô) Các chiến sĩ của Tiểu đội 1! Nghiêm! Chào!

(Tất cả đồng thanh) Chúng em chúc thủ trưởng mạnh khỏe!

Ô. Quang: Thôi được rồi! Các cậu làm tớ không cầm được nước mắt đây này! Tôi thật bất ngờ bao năm xa cách, hôm nay tôi lại được gặp các đồng chí. Cậu Phương, mang bàn ghế ra đây! Chúng ta ngồi cả ngoài này cho nó thoáng mát. Kìa, ngồi cả đi chứ? Cứ đứng ỳ cả ra thế à! Ngồi đi! Các anh em ngồi cả xuống để chuyện trò tâm sự! Thế! Thế có phải thoải mái không nào (Ngừng một lúc)

Cả tiểu đội hiện nay chỉ còn 4 người đây và một người đến sau thôi sao?

Phương: Dạ thưa thủ trưởng. Cả tiểu đội có 12 đồng chí! 5 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu, 1 đồng chí bị thương, được đưa về hậu phương, vì vết thương quá nặng nên đồng chí đã không qua khỏi ạ!

Ô. Quang: Tiểu đội trưởng của các cậu tên là gì nhỉ, có còn không? Hôm nay có đến đây không?

Phương: Dạ báo cáo thủ trưởng Tiểu đội trưởng còn ạ! Tên là Việt, quê Nam Định.

Ô. Quang: Có phải Việt Ca không?

Phương: Dạ! đúng rồi ạ! Bao năm rồi mà thủ trưởng vẫn còn nhớ cái tên Việt Ca cơ đấy.

Ô. Quang: Ờ thì cái tên đó mình đặt cho cậu ấy mà. Quên làm sao được.

Phương: (Chợt phát hiện) Kia rồi! Thủ trưởng ơi! Đồng chí Việt Ca, Tiểu đội trưởng tiểu đội 1 đã có mặt!

- Ông này thiêng thật, thủ trưởng vừa nhắc đến tên là đã xuất hiện ngay.

Ô. Quang: (Phấn khởi gọi) Việt! Việt Ca Nam Định phải không?

Việt: (Sững sờ) Ô kìa! Thủ trưởng! Thủ trưởng Quang (Vội đến ôm chầm lấy ông Quang- Nói trong xúc động)

Thủ trưởng ơi! Con nhớ thủ trưởng! Con nhớ đồng đội! Gần 30 năm xa cách, gần 30 năm mỗi người một phương để mưu sinh cuộc sống. Vậy mà, nỗi nhớ lúc nào cũng da diết trong lòng (Chợt quay nhìn đồng đội) Các đồng chí lại cả đây cho mình ôm mỗi người một cái nào!

(Tất cả ùa đến và gọi) Tiểu đội trưởng Việt!

(Âm nhạc và những giọt nước mắt hạnh phúc cứ lăn dài trên các gương mặt vẫn còn sạm nắng với thời gian)

Ô. Quang: Thôi được rồi! Gặp được nhau thế này là tốt lắm rồi. Giờ tớ muốn biết cuộc sống và hoàn cảnh gia đình của các cậu! Từng người một, hãy nói hết cho tớ nghe với được không? Xong, tớ sẽ nói về tớ cho các cậu nghe. Thế nào, tất cả có đồng ý như vậy không?

(Tất cả đồng thanh) Dạ! Đồng ý!

Ô. Quang: Người đầu tiên tớ muốn biết là Tiểu đội trưởng Việt. Nào, đồng chí Việt kể đi cho mọi người cùng nghe.

Việt: Vâng! Thưa thủ trưởng! Thưa các đồng chí!

Tôi vẫn còn nhớ năm ấy là năm 1978, tôi được ra quân, về hậu phương với gia đình vợ, con. Ở nhà được 6 tháng thì tôi xin đi lao động ở nước ngoài để làm kinh tế. Đến năm 1989, tôi được về phép rồi lại đi sang nước ngoài tiếp tục làm kinh tế. Một năm sau, vợ tôi sinh cho tôi một cháu gái.

Ô. Quang: Vậy là đến nay, cậu đã có cô con gái hơn 20 tuổi rồi còn gì!

Việt: Dạ đúng vậy! Nếu còn thì năm nay cháu tròn 23 tuổi ạ! (Mọi người đều ngạc nhiên, ông Quang hỏi luôn)

Ô. Quang: Cậu nói sao? Như vậy có nghĩa là cháu …

Việt: Dạ vâng! Cháu bị thất lạc và mất tích ạ!

Một người: Sao lại như thế được?

Một người khác: Đồng chí cứ bình tĩnh nghe anh Việt kể tiếp xem thế nào đã.

Ô. Quang: Việt này! Tại sao cháu lại mất tích và mất ở đâu?

Một người: Đúng là đau đớn quá.

Việt: Vâng! Ở nước ngoài 3 ngày sau nhận được tin này, tôi vô cùng đau đớn, tôi định lao về nước ngay để đi tìm con nhưng gia đình báo sang là không còn hy vọng, hơn nữa tôi bị kẹt giấy tờ thủ tục nên đành phải ở lại. Mãi đến 2 năm sau tôi mới về nước được.

Ô. Quang: Rồi sao nữa, cậu kể tiếp đi!

Việt: Vâng! Về đến nhà, con cũng chỉ được nghe mọi người kể lại thôi ạ!

Ô. Quang: Họ nói cụ thể sự việc xảy ra thế nào với cháu.

Việt: Ngày ấy! Hai mẹ con đưa nhau về quê ở Thủy Nguyên- Hải Phòng để giỗ ông ngoại. Trên đường đi, hai mẹ con có dừng chân ở Hải Dương rồi vào một cái chợ của thành phố để mua quà bánh. Khi vào chợ mua hàng, nhà con để cháu đứng ở cổng chợ chờ đợi. Khi mua hàng xong định quay ra thì nhà con bỗng nhiên bị ngất xỉu, mọi người thấy vậy vội đưa nhà con vào một bệnh viện gần đó để cấp cứu. Được cấp cứu kịp thời nên 2 tiếng sau nhà con đã tỉnh lại, chợt nhớ tới con. Cô ấy vội vàng ra viện đi tìm cháu. Cứ thế nhà con đi lang thang suốt đêm để tìm cháu mà vẫn không thấy cháu đâu. Sáng hôm sau, nhà con có đến đồn công an khai báo sự việc để họ tìm giúp nhưng đều bặt vô âm tín.

Ô. Quang: Rồi sau đó thì sao?

Việt: 2 ngày sau, khoảng 6 giờ chiều, mọi người thấy cô ấy thất thểu về nhà, thân hình tiều tụy, thần sắc không còn, tâm trí hoảng loạn và không còn nhớ được điều gì nữa. Suốt ngày chỉ gào khóc gọi con ơi! Tình trạng cứ như vậy được 3 tháng thì nhà con cũng qua đời vì sức tàn hơi kiệt!

Một người: Ôi đúng là bi đát và đau đớn quá!

Việt: Đúng thế. Chính vì vậy nên tôi đã quyết định về hẳn không ở nước ngoài nữa. Thời gian trôi đi, nỗi đau rồi cũng nguôi ngoai dần.

Ô. Quang: Cuộc sống rồi tiếp diễn ra sao, cậu kể tiếp đi!

Việt: Với số vốn bao năm làm ăn ở nước ngoài, con đã mạnh dạn đứng ra thành lập công ty TNHH chuyên đầu tư xây dựng các hạng mục công trình lớn nhỏ, mấy năm đầu còn gặp nhiều khó khăn nên con chỉ thi công xây dựng trong địa bàn của tỉnh. Nhưng bây giờ thì con đã vươn ra thị trường của cả nước rồi ạ!

Ô. Quang: Giỏi! Giỏi lắm! Biến đau thương thành sức mạnh để vượt lên. Đây mới đúng là tư chất của người lính. Công ty của cậu tên gọi là gì vậy?

Việt: Dạ! Con lấy tên công ty là Công ty TNHH Việt Hương ạ!

Ô. Quang: “Việt Hương” Hay! Cái tên nghe hay mà có ý nghĩa lắm. Tớ rất mừng cho cậu. Giờ cậu cho tớ hỏi thêm điều này nữa nhé!

Việt: Dạ vâng! Còn điều gì thủ trưởng cứ hỏi ạ!

Ô. Quang: Cháu bé bị thất lạc rồi mất tích. Ngày bé cháu có mang kỷ vật gì trên người không?

Việt: Khi nhà con sinh cháu được một năm, từ nước ngoài con có gửi về cho cháu quà sinh nhật. Trong đó có cái vòng bạc khắc tên của cháu ạ!

Ô. Quang: Tên gì! Cậu có thể nói rõ hơn được không?

Việt: Dạ! Con khắc tên của cháu là “Việt Hương” ạ!

Ô. Quang: (Giật mình) Sao, Việt Hương à? Cậu nhớ có chính xác không?

Việt: Vật kỷ niệm đó do chính tay con chạm khắc nên không thể quên được ạ!

Ô. Quang: (Nói một mình) Chẳng lẽ đây lại là sự thật ư? Hẳn vong linh của người vợ linh thiêng nên… nhưng tại sao mãi đến bây giờ mới mách bảo chứ. Không! Không thể khẳng định ngay được!

(Với Việt) Việt này.

Việt: Dạ! Con nghe đây ạ!

Ô. Quang: Thời gian từ đó đến nay, cậu có đi bước nữa không và được mấy cháu rồi?

Việt: Sự việc xảy ra của nhà con và cháu thật bất ngờ và đau xót. Hình như lúc nào con cũng bị ám ảnh nên con không còn tâm trạng nghĩ tới việc riêng tư cho mình nữa ạ.

Ô. Quang: Chẳng lẽ cậu chấp nhận sống với những kỷ niệm đã mất cho hết cuộc đời sao?

Việt: Con cũng chưa biết được thế nào, cái gì đến rồi cũng sẽ đến thôi ạ!

Ô. Quang: Còn cái chân của cậu, bao năm vào sinh ra tử với kẻ thù cậu vẫn giữ được nguyên lành kia mà, điều gì đã xảy ra vậy?

Việt: Sau khi về nước được mấy tháng, một hôm con ra đồng cuốc mảnh đất để trồng rau, không may con cuốc phải quả bom bi của giặc còn ẩn mình nằm sâu trong lòng đất, thế là nó cướp mất cái chân này đấy ạ.

Ô. Quang: Đúng là một bài học cảnh giác, đối vởi kẻ thù chúng luôn rình rập, hòng cuớp đi con người và đất nước của chúng ta.

Việt: Dạ vâng! Thủ trưởng nói không sai. Con cũng vô tình mất cảnh giác nên mới mất một chân thế này ạ! Cuộc đời con là như vậy, còn thủ trưởng cuộc sống thế nào, thủ trưởng có thể nói cho mọi người biết được không ạ?

Ô. Quang: Được! Trước khi kể về tớ, tớ phải gọi đứa cháu lên đây để cùng nghe mới được (Gọi) Hương! Hương ơi!

Hương: (Từ trong ra) Dạ! Cháu đây! Ông gọi cháu ạ!

Ô. Quang: Đúng rồi! Chả là các chú đây là lính của ông năm xưa, thời kỳ chống Mỹ. Mấy chục năm rồi, hôm nay mới được trùng phùng gặp nhau. Các chú đề nghị ông kể về những sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông cho các chú nghe. Bởi vậy, ông mới gọi cháu ra đây để cùng nghe ông kể, được không?

Hương: Dạ! Được chứ ạ! Cháu rất muốn nghe, ông kể đi ạ.

Ô. Quang: Cứ bình tĩnh, để ông giới thiệu về cháu cho các chú biết đã. Tôi xin giới thiệu, đây là đứa cháu mà tình cờ tôi nhặt được ở bên đường, lúc đó vào khoảng 7- 8 giờ tối, khi tôi trên đường từ thành phố về nhà.

Việt: (Vội nói) Khoan đã! Con xin lỗi đã ngắt lời ông! Ông cho con hỏi: Năm đó là năm nào ạ.

Ô. Quang: Năm 1992.

Việt: (Bàng hoàng) năm 1992?

Ô. Quang: Đúng vậy! khi tôi qua đoạn đường đó, chợt phát hiện một cháu bé đang ngồi khóc ở bên đường gọi mẹ. Tôi liền đến và nhẹ nhàng hỏi cháu: Tại sao cháu lại ngồi khóc ở đây? Bố mẹ cháu đâu? Đứa bé vừa khóc, vừa nói: Ông ơi, cháu sợ lắm! Ông tìm mẹ cho cháu đi. Lúc đó tôi trộm nghĩ: Chắc người mẹ nào vì hoàn cảnh… mà mang vứt bỏ con mình, để nhờ lòng hảo tâm giúp đỡ của mọi người. Hơn nữa, thấy cháu mặt mũi nhem nhuốc và có vẻ đói mệt nữa, sợ cháu không may làm sao nên tôi quyết định đưa cháu về nhà ngay, rồi sau này hãy tính. Miễn là cháu được an toàn đã. Mấy ngày sau, tôi cũng thông tin mọi nơi để tìm mẹ cho cháu nhưng chẳng hy vọng được điều gì.

Việt: Thế rồi ông phải vất vả nuôi dạy cháu lớn lên trưởng thành như ngày hôm nay, phải không ạ.

Ô. Quang: Hiện nay cháu đã học xong đại học tài chính kế toán và đang làm việc cho một công ty đóng trên địa bàn của huyện nhà (Với Hương) Hương.

Hương: Dạ! Ông bảo gì cháu ạ!

Ô. Quang: Chiếc vòng bạc ngày xưa của cháu, cháu có giữ bên người không?

Hương: Dạ có ạ! Lúc nào cháu cũng đeo nó ở tay đây này.

Ô. Quang: Cháu tháo nó ra, đưa đây cho ông?

Hương: Để làm gì hả ông?

Ô. Quang: Cứ đưa đây cho ông, rồi cháu sẽ rõ! (Cầm chiếc vòng đến bên Việt) Đây là chiếc vòng bạc mà cậu đã kể tôi nghe! Cậu xem xem nó có phải của cậu không?

Việt: (Cầm xem) Trời ơi! Đúng rồi! Chiếc vòng bạc có khắc hai chữ “Việt Hương” của con đây mà (Vội nhìn Hương) chẳng lẽ đây là … Ông ơi! Chiếc vòng này là của …

Ô. Quang: Của cậu đấy! Hương cho ông hỏi nhé.

Hương: Dạ vâng ạ!

Ô. Quang: Tại sao cháu không đứng chờ mẹ như lời mẹ dặn!

Hương: Cháu chờ mãi mà không thấy mẹ ra, cháu sợ! Cháu muốn đi vào trong đó với mẹ. Và rồi cháu đi tìm mãi mà không thấy mẹ đâu.

Việt: Trời ơi! Tội nghiệp con tôi! (Bật khóc)

Ô. Quang: Mẹ cháu thì ông không thể tìm được nữa! Nhưng bố cháu thì ông đã tìm được cho cháu rồi đấy.

Hương: Ông nói sao? Ông tìm được bố cho cháu rồi sao? Vậy bố cháu giờ ở đâu? Ông nói đi! Bố cháu hiện giờ đang ở đâu? Cháu phải đi tìm bố! (Định đi)

Ô. Quang: Cháu không phải đi đâu hết! Bố cháu đang ở đây, chính người đang ngồi gục xuống chiếc ghế kia là bố cháu đấy! Việt! Hãy bình tĩnh rồi ra nhận con đi!

Hương: Ông ơi! Đây chính là …

Ô. Quang: Là bố đẻ của cháu đấy! Hai bố con lại với nhau đi! (Hai bố con nhìn nhau rồi nước mắt cứ ứa ra chảy dài trên hai khuôn mặt…).

Việt: (Khẽ gọi) Con!

Hương: (Gọi trong nức nở) Bố ơi!

Việt: Con gái yêu của bố!

Hương: (Ào đến ôm chầm lấy bố rồi vừa nói, vừa khóc) Bố ơi! Bao nhiêu năm qua bố đã làm gì? Đi đâu mà đến giờ bố mới tìm con hả bố? Bố hãy trả lời con đi! Tại sao? Tại sao thế hả bố?

Việt: (Ghì chặt con vào lòng) Bố thật có lỗi! Chuyện dài lắm, bố sẽ kể cho con nghe sau, rồi con sẽ hiểu. Bây giờ, hai bố con hãy ra tạ ơn ông đi. Nào, quỳ xuống lậy ông đi con!

Ô. Quang: Thôi được rồi! Hai bố con hãy đứng dậy đi! Các đồng chí ạ! Cuộc đời con người ta sung sướng nhất, hãnh diện tự hào nhất là làm được việc có ích với quê hương, đất nước, với nhân dân. Niềm vui lớn nhất của tôi lúc này là đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của một người lính! Tôi nói vậy đúng chưa các đồng chí?

Tất cả cùng đồng thanh: Chúng tôi yêu thủ trưởng!

(Âm nhạc- Kết vở)

 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Văn nghệ Trẻ: "Bức tranh của con" (22/05/2024)
Khúc giao mùa(21/05/2024)
Truyện ngắn "Từ bờ bên kia" của tác giả Lê Vũ Trường Giang(21/05/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Cảm thức thời gian, thiên nhiên - vũ trụ trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga"(21/05/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người truyền lửa nghệ thuật chèo"(21/05/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na