Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Biển gọi" của tác giả Hồng Diên
02/06/2022 12:00:00

Sở thích, tính cách, hoàn cảnh gia đình và cả ước mơ của Dũng và Tài không hề có nét tương đồng. Ấy vậy mà họ vẫn là bạn thân của nhau suốt thời cắp sách tới trường. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Tài không thi vào đại học, cũng không thích gắn bó thời trai trẻ của mình ở nơi chôn rau cắt rốn. Tài muốn ước mơ làm giàu của mình được bắt đầu từ xứ người. Được người anh họ định cư bên Mỹ giúp đỡ, Tài nhanh chóng thực hiện được ước mơ của mình. Thực ra, Tài không có ý định định cư bên Mỹ. Anh chỉ muốn bồng bềnh khoảng mươi năm bên đó, tích lũy chút vốn kha khá rồi về nước tiếp tục ước mơ làm giàu của mình.

 
 

 

 Minh họa: Tiến Quân
 
Dũng lại khác. Anh quyết định chọn con đường binh nghiệp. Anh muốn nối nghiệp cha. Dù không biết mặt cha nhưng qua những câu chuyện mẹ kể, anh luôn tự hào về người cha của mình. Cha anh cũng là lính hải quân, nhiều năm gắn bó với muôn trùng sóng nước Trường Sa. Ông là một trong số 64 chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma trước sự chiếm đóng vô cớ của Trung Quốc năm 1988. Hy sinh vì nghĩa lớn, người lính ấy đã để lại nơi quê nhà người vợ trẻ và đứa con thơ hai tuổi là Dũng. Mẹ góa, con côi, dù nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, gia đình Dũng vẫn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.

Không còn may mắn có được sự che chở của tình cha, Dũng vẫn còn may mắn lớn lên trong vòng tay yêu thương từ người mẹ hiền, tần tảo, giàu đức hy sinh. Người mẹ ấy hiểu con mình hơn ai hết. Bà biết rằng khi con trai đã quyết điều gì thì không ai có thể làm thay đổi được. Chính vì thế, khi biết con quyết định chọn con đường binh nghiệp, bà chỉ ngậm ngùi thuận theo ý con, trong lòng không tránh khỏi bao trăn trở, lo âu. Dũng thấu hiểu lòng mẹ lắm nhưng đó là ước mơ, hoài bão mà anh ấp ủ từ lâu. Anh không muốn từ bỏ ước mơ, hoài bão đó dù biết rằng những tháng ngày còn lại của cuộc đời mẹ sẽ khó khăn chồng chất khó khăn, nỗi trăn trở lo âu không thể vơi đi mà sẽ ngày càng dày thêm trong tâm can người mẹ ấy.

Là người phụ nữ giàu đức hy sinh, bà luôn biết cất giữ nỗi niềm riêng tư ấy, cốt để anh an tâm với con đường đã lựa chọn. Những lúc vui đùa, tếu táo, bà thường nhắc con:

- Thôi! Đi đâu thì đi! Làm gì thì làm! Nhưng phải lấy vợ ngay, sinh cho mẹ một đứa cháu, mẹ mới an lòng.

Bà nhắc thế không biết bao nhiêu lần. Đến mức Dũng còn gọi đó là “bài ca không quên” của mẹ. Mỗi lần nghe mẹ nhắc, anh chỉ cười vui và cũng đáp lại mẹ bằng một “bài ca không quên” của mình:

- Con... còn... trẻ lắm mẹ ơi!

Thế rồi, thời gian thấm thoắt trôi đi... Chẳng biết do cơ duyên hay là do Dũng ngấm ngầm quyết định mà nơi anh nhận công tác lại là Trường Sa đầy sóng gió. Ngày Dũng cho mẹ biết quyết định đó chính là ngày bà mẹ ấy có cảm giác như vừa nhận được tin dữ. Bà không giấu nổi nước mắt nữa. Chính bà cũng hiểu được rằng gia đình bà thuộc diện chính sách, rằng con trai bà cần nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Ấy vậy mà, tại sao...

Biết không thể nào thay đổi được quyết định của con, bình tâm trở lại, bà tổ chức một buổi liên hoan nhẹ, mời bà con trong họ, trong làng đến dự. Căn nhà của mẹ con bà chật cứng người. Không có chuyện trên trời dưới bể, tất cả chỉ là những lời động viên, khích lệ và cả niềm tự hào không giấu nổi trên gương mặt những người đến dự buổi liên hoan đó. Họ tự hào vì trong họ, trong làng có một người con sắp đi làm nhiệm vụ hết sức thiêng liêng với Tổ quốc. Đó là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Niềm vui lan tỏa khắp căn nhà nhưng mẹ Dũng vẫn không quên đem chuyện chính sách ra để tâm sự với mọi người và tranh thủ phát vấn con về chuyện đó. Dũng lặng người đi rồi gục đầu vào đôi vai gầy của mẹ:

- Mẹ ơi! Con có lỗi với mẹ! Đó là quyết định của con. Con đi rồi, mẹ đừng sợ cô đơn. Bà con họ hàng, làng xóm và toàn xã hội luôn bên mẹ. Mẹ con mình hãy gác tình riêng vì nghĩa chung mẹ nhé! Hãy để con đi! Biển đang gọi con...

Cả căn phòng bỗng lặng đi vì xúc động. Bác trưởng họ từ từ đứng lên, dõng dạc:

- Thôi được! Mẹ con cháu vì nghĩa chung nhưng không được gác tình riêng! Cháu phải cưới vợ trước khi lên đường!

Cả căn phòng nhỏ lại chộn rộn tiếng cười. Ai cũng giơ tay ủng hộ quyết định của bác trưởng họ. Dũng đỏ mặt, lễ phép thưa:

- Xin mẹ, xin bác và bà con cô bác cho con khất! Mọi người ở nhà cứ nhắm cho con một chỗ, khi về phép con sẽ cưới liền.

...Mới đó mà đã gần chục năm Dũng gắn bó với biển. Gần chục năm mà những lần về phép của Dũng cũng chỉ tính được trên đầu ngón tay. Chẳng biết bây giờ Dũng giữ cấp bậc gì, mọi người ở nhà chỉ quen gọi Dũng bằng cái tên trìu mến, mộc mạc – lính biển.

Hôm nay, biết tin người lính biển ấy được nghỉ phép thăm nhà, trong họ, ngoài làng ai cũng háo hức mong được gặp lại anh. Buổi tối, căn nhà của anh lại chật cứng người và đầy ắp tiếng nói cười. Trẻ con, người lớn, “nhà báo xóm”, “nhà báo làng”, “nhà báo họ” thi nhau phỏng vấn người lính biển ấy về chuyện biển đảo, chuyện phía Trung Quốc gây hấn, rồi cả chuyện đón Tết của người lính ở nơi chỉ có trời và sóng nước ấy. Thôi thì đủ thứ chuyện. Mệt nhưng Dũng rất vui vì được trở về với mái ấm gia đình, được đằm mình trong tình làng nghĩa xóm. Vui nhất là lần về phép này, Dũng được ngắm nhìn “ngôi nhà tình nghĩa” của gia đình mình. Ngôi nhà mới ấy thay thế cho ngôi nhà cũ kĩ, tồi tàn mà mẹ con Dũng chưa có điều kiện xây sửa lại. Anh được biết, ngôi nhà ấy được dựng lên bởi sự chung tay, góp sức của bà con họ hàng, làng xóm cùng anh em bè bạn gần xa của anh. Xúc động nhất là trong buổi hội ngộ này, người bạn thân thời cắp sách của anh là Tài cũng có mặt. Không chỉ là bạn thân, Tài còn là “nhà tài trợ” chính của ngôi nhà này. Điều đó ai cũng biết nhưng vì sao Tài có nghĩa cử cao đẹp ấy thì đến lúc này, mọi người mới vỡ lẽ. Sau câu phát vấn của một người cao tuổi trong xóm, Tài nhỏ nhẹ, chân thành:

- … Vì con với Dũng là bạn thân của nhau. Cuộc sống của con may mắn hơn Dũng cả về vật chất lẫn tinh thần. Bây giờ, con xin được “thú tội trước bình minh” đây!

Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Dừng một lát, Tài lại tiếp:

- Ngày ấy… con đã tìm mọi lí do để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong khi bạn con là Dũng đây luôn biết “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” thì con lại chỉ lo vun vén cho cuộc sống cá nhân. Ngẫm lại, con thấy xấu hổ với chính mình, xấu hổ với bà con chòm xóm. Tuy ở xa, nhưng con luôn dõi theo từng bước Dũng đi, từng việc Dũng làm. Con vô cùng khâm phục Dũng. Nơi đầu sóng ngọn gió, bạn con đang ngày đêm bám biển. Việc con làm mà bà con gọi là “nghĩa cử” ấy thấm gì với sự hy sinh thầm lặng của Dũng và đồng đội của cậu ấy nơi khơi xa. Con làm theo sự mách bảo của trái tim, con làm cũng một phần vì biết, ở ngoài kia, biển cũng đang gọi con mà!

Cả căn nhà lại bỗng dưng lặng đi trong sự xúc động nghẹn ngào bởi tình cảm ấm nồng của người hậu phương.

- Khuya rồi, mọi người cũng chuẩn bị ra về để cho vợ chồng người lính biển này hưởng “đêm tân hôn” chứ!

Giọng vui đùa, tếu táo của bác trưởng xóm khiến cả căn phòng lại rộn rã tiếng cười. Dũng bẽn lẽn:

- Không sao! Cháu còn được ở nhà vài ngày cơ mà. Mọi người cứ ở lại vui với gia đình cháu!

Bác trưởng họ giờ mới lên tiếng:

- Cái thằng “ăn sóng nói gió” là thế. Ấy vậy mà hễ cứ nhắc đến chuyện yêu đương, vợ chồng là lại thẹn thùng đỏ mặt. Chả trách ngày trước, tôi đã “nhắm” cho nó một cô giáo trẻ, chờ ngày nó về phép để tìm hiểu con người ta. Ai dè, gặp nhau rồi, nó nấn ná, không dám tỏ tình. Kì nghỉ phép ấy của nó nhanh như gió thổi. Nó lại đi trong sự hẫng hụt của cả họ. Tôi trách nó, nó chỉ cười: Biển gọi con! Thế rồi, sau đó, nó “tán” con người ta qua điện thoại. Lễ thành hôn của đôi vợ chồng ấy cũng được tiến hành vội vã, chóng vánh theo kiểu nhà binh “đánh nhanh, thắng nhanh” vì kỳ nghỉ phép có hạn, làm gì có diễm phúc hưởng tuần trăng mật như các anh, các chị bây giờ.

Nhấp giọng ngụm nước chè xanh, bác lại tiếp:

- Được cái, vợ chồng chúng nó biết cảm thông và yêu thương nhau lắm. Cặp bé trai song sinh kháu khỉnh kia là kết quả của tình yêu mặn nồng, nhiều gia vị của đôi vợ chồng trẻ ấy... Lần này, thấy bố về, hai đứa trẻ ấy còn chạy ra đón bố, quấn quýt bên bố chứ mấy lần trước, chúng cứ nghĩ bố là người lạ, gọi bố là bác. Rõ tội! Bố muốn bế các con, nó phải đem kẹo ra nịnh. Hết kẹo, chúng lại không cho bế nữa. Đến lúc các con có vẻ quen quen bố thì bố lại phải lên đường. Bọn trẻ còn nhỏ, biết gì đâu. Ấy vậy mà trước khi đi, đưa tay tạm biệt các con, ông bố ấy vẫn dí dỏm:

- Các con ở nhà với mẹ, với bà! Bố đi đây! Biển đang gọi bố!

Bác trưởng họ cười sảng khoái, nhắc đi nhắc lại mấy lần cái câu:

- Biển gọi bố… Biển gọi bố…

Đêm dần về khuya. Mọi người chia tay gia đình người lính biển ấy để ra về mang theo dư vị ngọt ngào của một buổi tối hội ngộ đẹp như cổ tích. Chỉ còn đôi vợ chồng người lính biển... Họ bên nhau... Vẫn ngượng nghịu như thuở ban đầu. Vẫn nồng nàn, say đắm như đêm tân hôn. Và hơn ai hết, cả hai đều hiểu được rằng thời gian họ dành cho nhau sẽ không có nhiều. Mấy trăm ngày nơi đầu sóng ngọn gió của người lính biển cũng là mấy trăm ngày vợ anh ở nơi quê nhà mong mỏi, đợi chờ. Tình cảm dồn nén, tích tụ trong mấy trăm ngày đó càng khiến cho tình cảm của vợ chồng người lính biển ấy có thêm hương vị mặn mà khác biệt. Chỉ ít ngày nữa thôi, họ lại phải xa nhau. Nhớ lắm! Thương lắm! Nhưng vợ người lính biển ấy hoàn toàn vững lòng bởi chị biết, ở nơi xa kia, biển vẫn đang gọi anh! 
 
 
 
Các tin mới hơn
Kiến trúc: "Thành phố Hải Dương và những kỳ vọng"(02/05/2024)
Sân khấu: Kịch bản "Phương thức làm giàu" của tác giả Phương Hạnh(02/05/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: "Ngày đầu tiên" của Ngân Thuận(02/05/2024)
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Sân khấu: Kịch bản "Đoàn quân tóc trắng" (hay "Lão du kích") của tác giả Lộng Chương(01/06/2022)
Quê hương mãi là máu thịt của nhà viết kịch Lộng Chương(01/06/2022)
Truyện ngắn "Tiếng rao đêm" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(31/05/2022)
Ngân cùng tiếng ve(31/05/2022)
Đi ngang mùa hạ(31/05/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na