Cùng với thiên nhiên, mùa xuân chiếm vị trí quan trọng trong tập thơ “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi. Ở đây, mỗi bài thơ là một bức tranh xuân, một vẻ đẹp tâm hồn, một nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian thi nhân ẩn cư tại quê nhà.
1. Nguyễn Trãi (1380- 1442) hiệu Ức Trai, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông là một nhân vật toàn tài, hiếm có trong lịch sử dân tộc: một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị nhà ngoại giao tài ba, nhà thơ nhà văn kiệt xuất, một nhân cách lớn.
Với “Quốc âm thi tập” (*) gồm 254 bài, Nguyễn Trãi được xem như nhà thơ lớn đầu tiên viết thơ chữ Nôm, đồng thời cũng là người sáng tác thơ Nôm đoản thiên có số lượng nhiều bậc nhất trong nền thơ cổ điển dân tộc.
Khác với bộ phận thơ chữ Hán (tập “Ức Trai thi tập”), “Quốc âm thi tập” tập là tập thơ Nôm, thơ tiếng Việt. Vì lẽ đó mà lời thơ uyển chuyển, dung dị, gần gũi đời thường, gần với nếp cảm nếp nghĩ dân tộc. Mặc dù mỗi bài thơ không đề năm tháng viết, nhưng căn cứ vào nội dung có thể tập thơ được sáng tác lúc Nguyễn Trãi về Côn Sơn ở ẩn. Nội dung tập thơ ngoài việc nói lên tâm sự, hướng đến việc ca ngợi thú nhàn thì thiên nhiên- trong đó có nhiều bài viết về mùa xuân - là nội dung lớn trong “Quốc âm thi tập” . Tập thơ có nhiều bài toàn viết về mùa xuân.
2. Quãng thời gian lui về ẩn cư ở quê ngoại giúp Nguyễn Trãi có dịp hòa nhập với thiên nhiên, khi “Công danh đã được hợp về nhàn”. Những cảm nhận về cỏ cây, hoa lá cũng cho thấy mùa xuân trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi thật đẹp, thật trẻ trung, tươi tắn, tràn đầy sức sống. Trước hết là hoa. Thơ xuân của Nguyễn Trãi “đầy” hoa: “Đông phong từ hẹn tin xuân đến/ Đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi” (Hoa xuân). Trong thế giới hoa rực rỡ của mùa xuân, hoa mai hoa đào mới thực sự là sứ giả của mùa xuân, là nhân chứng của thời gian và ước vọng của con người.
Từ ngàn xưa, mai đã được xem là quý nhất trong “tứ quý”: “Mai, lan, cúc, trúc”. Hoa mai biểu tượng cho những gì cao đẹp, thuần khiết, tuyệt vời nhất. Trong “Quốc âm thi tập” Nguyễn Trãi đã cảm tác năm bài về hoa mai: Thơ mai, Mai già, Mai (bài 1,2,3). Có lẽ vóc dáng gầy guộc mà cốt cách thanh cao của mai có phần nào giống với tâm hồn và tính tình của Nguyễn Trãi.
Hoa mai đẹp, sang trọng, thanh khiết lại đứng đầu các loại hoa xuân nên chiếm “bảng xuân”: “Huống lại bảng xuân xưa chiếm được? So tam hữu chẳng bằng mày” (Mai, bài 3).
Mai không chỉ đẹp mà còn có “cốt cách”, “tinh thần” và “tiết sạch”:
-“Càng thuở già càng cốt cách
Một phen giá, một tinh thần” (Thơ mai)
-“Ưa mày vì tiết sạch hơn người” (Mai, bài 1)
Mai đã được thi nhân nâng lên thành bậc hiền sĩ, con người xuất chúng:
-“Gác Đông ắt đã từng làm khách
Há những Bô tiên kết bạn chơi”. (Mai, bài 1)
Hoa đào xưa nay vẫn được xem là biểu tượng của mùa xuân, của Tết. Phần “Môn hoa mộc” của tập thơ có 34 bài, Nguyễn Trãi đã dành cho hoa đào sáu bài, đủ thấy ông ưu ái với Đào hoa như thế nào. Trong Đào hoa thi, bài 1, Nguyễn Trãi đã ca ngợi hoa đào không chỉ có sắc mà còn có hương. Mùi hương của hoa khiến thi nhân ngẩn ngơ, bồi hồi, xao xuyến:
“Một đóa hoa đào khéo tốt tươi
Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười
Đông phong ắt có tình hay nữa
Kín tịn mùi hương dễ động người”
Ở Đào hoa thi, bài 2 Nguyễn Trãi còn ca ngợi cốt cách tinh thần của hoa “Động người hoa khéo tỏ tinh thần”
Trong văn hóa của người Việt, cây trúc là loài cây dáng đơn giản, thân thuộc lại biểu tượng cho đấng nam nhi, quân tử với lối sống ngay thẳng, chính trực, hiên ngang giữa trời xanh. Trong bốn loại cây của “Tứ quý danh hoa” thì trúc đứng thứ hai: “Mai, trúc, cúc, tùng”. Trong “Quốc âm thi tập”, cây trúc cũng là nguồn cảm hứng lớn cho Nguyễn Trãi, ông đã có ba bài về trúc.
Về quê nhà, trong “Ức Trai thi tập”, trúc vàng, trúc ngọc ở Thanh Hư động ùa vào “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi. Hình tượng cây trúc biểu tượng cho đời sống tâm hồn thanh tịnh, tự do, phong thái ung dung của ông: “Trong rừng có bóng trúc râm? Dưới màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàn”. Trong “Quốc âm thi tập”, cây trúc tượng trưng cho người quân tử với “tiết thanh”, “tiết cứng”.
- “Ưa mày vì bởi tiết mày thanh” (Trúc, bài 1)
- “Trượng phu tiết cứng khác người thay” (Trúc, bài 2)
- “Từ thuở hóa rồng càng lạ nữa
Chúa xuân ngẫm càng huyền thay” (Trúc, bài 3)
Nói cây trúc để nhà thơ nói về con người.
Về quê sống cuộc đời bình dị nên cảnh xuân của Nguyễn Trãi cũng dân dã, đậm nét đời thường. Trong khi thơ đương thời tràn ngập những biểu hiện thanh cao, quân tử thì một cây chuối chân quê lại bước vào thơ Nguyễn Trãi:
“Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu, gượng mở xem” (Ba tiêu- Cây chuối)
Thấy cây chuối tốt tươi khi bén hơi xuân, lá chuối non còn đang cuộn lại mà thi nhân liên tưởng bức thư tình còn phong kín nhờ gió “gượng” (nhẹ) mở xem. Ở đây có một thiên nhiên rất giàu cảm xúc, rất tươi trẻ, háo hức, tràn đầy nhựa sống. Bài thơ thấm đượm vẻ tình tứ, tỏ ra phẩm chất thi nhân của người viết. Nguyễn Trãi đã vượt trước thời đại mình biết bao nhiêu.
Rồi “cỏ xanh”, rồi “trúc rợp”, rồi “đường tuyết”, rồi “én ngọc”, rồi “đông phong”, rồi cả cảnh “cầm đuốc chơi xuân”. Tất cả làm nên một bức tranh xuân thật đẹp tươi, sinh động, đủ đầy, ấm áp.
- “Cỏ xanh, cửa dưỡng để lòng nhân
Trúc rợp, hiên mai, quét tục trần” (Ngôn chí, bài 11)
- “Đường tuyết thông còn giá in
Đà sai én ngọc lại cho nhìn” (Đầu xuân đắc ý)
- “ Đông phong từ hẹn tin xuân đến
Đầm ấm hoa nào chẳng tốt tươi.” (Hoa xuân)
- “Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân” (Tiếc cảnh, bài 6)
Đậm hồn quê, cách cảm xuân của Nguyễn Trãi còn đậm phong tục quê nhà ngày xuân. Cảnh thức khuya chờ giao thừa và đang đêm tĩnh mịch bỗng đùng lên tiếng pháo tre chát chúa được Nguyễn Trãi ghi lại thật sinh động trong bài “Đêm trừ tịch”: “Chong đèn chực tuổi cay con mắt/ Đốt trúc khua na đắng lỗ tai”.
Tôn trọng quy luật tồn tại và phát triển của cái đẹp nên với Ức Trai nếu như: “Xuân đến tự nhiên mọi vật tươi” (Bảo kính cảnh giới, bài 11) thì cũng đến lúc: “Xuân muộn hoa nào chẳng rụng rơi” (Thuật hứng, bài 14). Quy luật vận hành của vũ trụ là “sinh, trưởng, diệt”. Nắm được bản chất, quy luật tồn tại, phát triển của tự nhiên, người thơ ấy đã tạo ra một cuộc sống hài hòa, hòa hợp với tự nhiên.
3. Nhưng cảnh nào mà chẳng có tình, nhất là với một thi nhân đa cảm, đa tình, ưu thời, mẫn thế như Nguyễn Trãi. Những bài thơ dân dã, nôm na về mùa xuân đã bộc lộ con người Nguyễn Trãi thật bình dị, gần gũi. Ta nhận ra chân dung tâm hồn và cả những triết lý nhân sinh, những cảm quan về vũ trụ mà ông gửi gắm.
Nguyễn Trãi rất yêu mùa xuân, ông đã từng “cầm đuốc chơi xuân” bởi: “Tiếng chuông chưa đóng ắt còn xuân” (Cuối xuân). Với Nguyễn Trãi, mùa xuân là sự hô ứng tuyệt vời giữa con người và tạo vật: “Lầu hồng có khách cầm xuân ở/ Cầm ngọc tay ai dắng dõi thêm” (Tiếc cảnh, bài 2). “Cầm xuân” tức là giữ xuân lại.
Mùa xuân đồng nghĩa với hạnh phúc. Trong “Tự thán”, bài 32- một bài bát cú, với Nguyễn Trãi hạnh phúc là tự mình lao động trong cảnh hòa bình yên ổn, sống giữa thiên nhiên “lều một gian”, xa cuộc sống phàm tục có “nghìn hàng cam quýt”, có bạn bè “ngư tiều” chân chất, không quan tâm tới thời gian “nhìn hoa nở mới hay xuân”, yên phận với cuộc sống bình dị: “Cây ăn, đào uống yên đòi phận”. Thú xuân của Nguyễn Trãi hợp với thú nhàn, làm dịu bớt nỗi đau, trở nên nhẹ nhàng thanh thoát. Điều này lý giải “Quốc âm thi tập” có nhiều chữ “nhàn” nghiêng về “nhàn tâm”, không bon chen danh lợi, không vướng lụy tục.
Biết rằng mùa xuân của đất trời là vô tận, mùa xuân của cuộc đời là hữu hạn, cho nên con người yêu mùa xuân ấy hay nói đến “tiếc xuân”. 13 bài “Tiếc cảnh” là 13 lần tiếc. Bởi xuân cũng như tuổi xuân của đời người- cái tuổi đẹp nhất, trôi qua nhanh quá: “Xuân xanh chưa dễ hai phen lại/ Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên” (Tiếc cảnh, bài 3), cho nên phải tranh thủ “Tiếc xuân cầm đuốc mải chơi đêm” (Tiếc cảnh, bài 7), lại miệt mài sống: “Lại mong chiếm cả hết hòa xuân” (Tự thán, bài 11).
Nhận thức được sinh mệnh của mình khi mỗi độ xuân về, những cảm xúc hiện sinh ấy cho thấy Nguyễn Trãi đã sống hết mình với sức xuân trong tâm hồn, trí tuệ. Cái tình xuân trong những câu thơ cổ kính ấy của thi nhân mà thật mới mẻ, hiện đại.
Trong thơ xuân của Nguyễn Trãi còn có một con người tiên phong đạo cốt, vui thú điền viên:
“Quê cũ nhà ta thiếu của nào
Rau trong nội, cá trong ao
Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch
Kề nước cầm đưa tiếng Cửu Cao
Khách đến vườn còn hoa lạc
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào
Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào”
(Mạn thuật, bài 35)
Thiên nhiên tạo nên niềm vui, giúp ông vượt lên nỗi niềm riêng. Nguyễn Trãi thật tự do, phóng khoáng giữa đất trời, cốt cách người thơ ấy thanh cao, giản dị biết bao: “Quét trúc bước qua lòng suối/ Thưởng mai về đạp bóng trăng” (Ngôn chí, bài 35).
Tuy vậy, không phải bài thơ xuân nào của Nguyễn Trãi cũng nhẹ nhàng, thanh thản như thế. Là thi nhân, Nguyễn Trãi còn là một nhà tư tưởng. Loáng qua thơ ông là những nỗi niềm tâm sự ẩn hiện khó nói, những bộc bạch ưu tư, những ngậm ngùi tiếc nuối, những ưu thời mẫn thế, những nỗi đau…
- “Những lệ xuân qua tuổi tác thêm” (Tiếc cảnh, bài 7)
-“ Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân
Lãng thưởng chưa lìa lưới trần” (Quê cũ)
- “Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi” (Tự thuật, bài 9)
- “Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Thuật hứng, bài 5)
Tất cả đan cài hòa quyện với nhau, tạo nên vẻ đẹp đa chiều trong thơ ông.
4. Vui với mùa xuân của đất trời, nhưng cũng luôn nhìn thấu lòng mình, nhà thơ người anh hùng đầu bạc thuở “Bình Ngô” ấy suốt đời khao khát được cống hiến và cũng suốt đời day dứt, đau khổ. Thơ xuân nhiều và tình xuân cũng thật chứa chan, mảng thơ xuân chính là một góc đẹp trong tâm hồn Nguyễn Trãi, nó hoàn thiện thêm chân dung người anh hùng vĩ đại.