Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Sân khấu: "Chung tay chống dịch" của tác giả Trần Phương Hạnh
17/03/2022 12:00:00

 
 

NHÂN VẬT

1. Dung (Thợ may, vợ Toàn, đang có bầu)

2. Toàn (Sĩ quan Quân đội)

3. Bình béo (Bán bánh)

4. Tốt (Bán mỹ phẩm, hàng xách tay)

Hai chiến sỹ công an và các nhân vật khác.

 

Màn mở: Tại khu vực chợ Đông, những ngày đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhà Tốt, Bình và Dung ở cạnh nhau. Một buổi sáng Tốt và Bình đang ra sức cãi nhau, bên cạnh đó là đống đồ tiếp tế của Bình…

Tốt: Ờ, tiếp tế đấy. Thì sao nào? Việc của nhà bà đâu mà bà quan tâm?

Bình: Liên quan đến dịch bệnh Covid là việc chung của toàn xã hội, không riêng của ai nhá!

Tốt: Gớm, nói hay như đài. Còn hàng bánh của bà ấy, cũng là nơi tụ tập đông người đấy! Sao còn chưa đóng cửa?

Bình: Dịch bệnh người ta vẫn phải ăn. Mà còn người ăn thì tôi còn bán, thế thôi.

Dung: (Bụng bầu khệ nệ ra) Mới sáng sớm mà hai chị đã tranh luận sôi nổi thế?

Bình: Cô Dung, cô nhìn cái đống đồ nhà Tốt kia kìa!

Dung: Chị Tốt chuyển đồ đạc đi đâu mà nhiều thế này?

Tốt: Con Ly nhà chị về nước hôm qua. Giờ đang ở chỗ cách ly. Chị mang ít đồ tiếp tế cho cháu.

Dung: Cháu cách ly ở đâu hả chị?

Tốt: Trên trường quân sự của quân khu. Chán thế! Giá mà nó được cách ly ở đơn vị chú Toàn nhà cô thì chị được nhờ.

Dung: Ôi! Tiếp tế hết chỗ này hả chị?

Tốt: Có gì đâu, chỉ là những thứ nó hay dùng.

Dung: Em thấy ở trong khu cách ly có trang bị những thứ này mà.

Tốt: Ồi, trang bị toàn đồ bình dân thôi. Con Ly nhà chị nó quen dùng đồ xách tay cao cấp rồi. Chị sợ nó dùng sữa tắm, dầu gội lạ bị khô da. Con gái mà.

Bình: Úi giời ơi... dễ con gái bà là vàng, là ngọc.

Tốt: Này, có phải chuyện nhà bà không mà chõ sang?

Bình: Tôi thấy ngứa tai, ngứa mắt thì tôi chõ thôi. Con mẹ đi cách ly, có nhà nước, có quân đội lo từ A đến Z rồi. Mẹ đừng có mang đồ tiếp tế đến mà bận việc người khác, nhá!

Dung: Thôi, em xin hai chị! Hai chị cứ ở gần nhau lần nào là lại có chuyện lần ấy.

Bình: Cô Dung nói xem, bà ấy xúc phạm tôi có quá đáng không?

Tốt: Được, cô Dung nói xem, nếu đặt cô vào trường hợp tôi, cô có con ở trong khu cách ly, cô có lo không? (Sụt sịt) Nó từ xa vạn dặm về nước để được gần gia đình. Ấy vậy mà phải đi cách ly những 14 ngày. Ở nhà chăn ấm đệm êm không được nằm, phải ăn ngủ ở doanh trại quân đội, ở phòng tập thể, ngủ giường cá nhân. Nhất nhất mọi giờ giấc sinh hoạt, từ thức, ngủ đến ăn uống đều giống bộ đội. Hức… hức thế thì làm sao nó chịu được cơ chứ.

Bình: Ối dồi ôi…trông kìa… mẹ làm như con mẹ đi tù không bằng ấy…

Dung: Chị Tốt à! Em nghĩ chị không cần lo lắng quá đâu. Cháu Ly xa gia đình, sang nước ngoài du học nghĩa là cháu đã biết tự lập rồi. Hơn nữa, điều kiện trong các khu cách ly tuy không bằng ở nhà nhưng cũng ổn lắm. Đồ dùng cá nhân như: bàn chải đánh răng, dầu gội, sữa tắm đủ cả. Đọc báo chị biết đấy, mọi người trong đấy sống vẫn rất vui vẻ, lạc quan. Nhiều người khen cơm bộ đội nấu ngon, có người ăn ngủ tốt còn tăng cân ấy chứ.

Tốt: Con Ly nhà chị thế nào chị biết. Nó từ bé đã kén ăn rồi. Bây giờ vào đấy, chị sợ nó ăn không quen, bị đói thì khổ. Sinh viên rồi đấy nhưng nó vẫn trẻ con lắm.

Bình: Nó trẻ con là tại bà không chịu để cho nó lớn đấy!

Tốt: Bà Bình bánh bèo này, sao chuyện gì bà cũng chõ mũi vào thế nhỉ?

Bình: Này, phòng chống dịch bệnh là việc của toàn xã hội nhá. Tôi thấy ngang tai trái mắt thì nói thôi.

Tốt: Bà…

Công an: Chào các chị!

Cả 3: Chào… các chú công an!

Công an: Cho tôi hỏi, trong ba chị, chị nào là chị Bình ạ?

Bình: Tôi, tôi là Bình đây.

Công an: Chị là chị Bình, có nick Facebook là Bình bánh bèo?

Bình: Đúng! Sao chú công an lại biết Facebook của tôi (Cười) Tôi có phải diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng gì đâu cơ chứ. À, hay chú là khách hàng của tôi? Đợt này, bánh trái, tôi vẫn bán nhưng chỉ bán online thôi chú nhá!

Công an: Không phải.

Bình: Thế chú gặp tôi có việc gì?

Công an: Chị Bình ạ. Thứ nhất, cách đây 3 ngày, chị đã đăng tải những thông tin sai lệch về dịch bệnh Covid-19. Thứ hai, trong những ngày cả nước thực hiện phòng chống dịch Covid, chị bán bánh bèo cho khách mà không thực hiện việc đeo khẩu trang. Vì thế, hôm nay, chúng tôi mời chị lên phường làm việc.

Bình: Ơ… Tôi có đăng thông tin sai lệch gì đâu? Còn khẩu trang, tôi sẽ rút kinh nghiệm. Bây giờ tôi đeo luôn (Rút khẩu trang ra đeo).

Công an: Đây là trang Facebook của chị đúng không?

Bình: Vâng. Làm gì có cái gì sai lệch hả chú công an?

Công an: Đây, bằng chứng vẫn còn. Vào lúc 8 giờ sáng thứ 3, chị đã đăng tin ở Gia Phú đã có người chết vì Covid-19. Còn nói thêm, người này giấu bệnh, đi lung tung giờ địa phương không khoanh vùng được để cách ly những người tiếp xúc gần. Chị còn khuyên mọi người hãy cẩn thận.

Bình: Ơ… sáng hôm ấy, tôi đi chợ, thấy mọi người kháo nhau thế. Tôi sợ quá, đăng lên phây để mọi người cảnh giác chứ tôi… chứ tôi không có ý gì.

Công an: Chị đăng thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang cho người dân, làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch của cộng đồng. Mời chị lên phường với chúng tôi.

Bình: Kìa, chú công an làm gì mà căng thẳng. Gớm, người ta đồn thế, không phải thì thôi. Tôi xóa đi là được thôi mà.

Công an: Không đơn giản như thế đâu chị. Chị đã đăng lên, bao nhiêu người đọc và chia sẻ lại thông tin này của chị rồi. Chị xóa bây giờ cũng không ích gì. Mời chị đi theo chúng tôi!

Bình: Ơ… tôi… tôi không cố ý. Chú tha cho tôi, chú nhé!

Dung: Anh ơi, chị ấy không cố ý. Lại vi phạm lần đầu. Các anh tha cho chị ấy được không ạ?

Công an: Không được! Mời chị! Lên phường rồi chị tha hồ trình bày!

Bình: Ơ… vâng…

Dung: Chị Bình, có gì a lô về cho em nhé!

Bình: Ừ… (Hai đồng chí công an dẫn Bình đi)

Tốt: Đấy, cứ chõ mũi vào chuyện người khác, ra cái điều văn minh trong phòng dịch. Trong khi mình thì như thế đấy!

Dung: Tội nghiệp chị Bình! Lên phường chắc sẽ bị phạt hành chính.

Tốt: Chứ còn gì nữa. (Tiếng chuông điện thoại) A, con cái Ly gọi về. A lô! Mẹ đây! Mẹ đang chờ anh Phúc con mang xe về rồi chở đồ lên tiếp tế cho con đây. À, mẹ mang nhiều lắm. Đảm bảo con gái mẹ sống trong khu cách ly đầy đủ như ở nhà. Hả? Đủ rồi á? Không thiếu thứ gì á? Ôi dào! Ở trong đấy thế nào mẹ biết chứ. Mẹ chuẩn bị hết rồi, chỉ việc chở đi thôi! Hả? Chở đến con cũng không nhận á? Sao thế? Lớn gì mà lớn. Con gái mẹ thế nào mẹ không biết hay sao. Thiên hạ, dư luận thì kệ người ta. Cốt mình đã con ạ. Hả? Thế nhất định không nhận à? (Tắt máy, nói với Dung) Con bé nó không cần mẹ tiếp tế.

Dung: Cháu nói sao hả chị?

Tốt: Nó bảo trong ấy đủ hết rồi. Không thiếu thứ gì. Người ta dùng được, con cũng dùng được. Mẹ đừng coi con như đứa trẻ nữa. Đấy, vừa mới xa bố mẹ đi du học được nửa năm mà đã…

Dung: Chị phải mừng vì cháu dễ thích nghi với môi trường mới, trong mọi hoàn cảnh, cháu tự lập, không phụ thuộc vào bố mẹ nữa.

Tốt: Nhưng chị lo nó thiếu thốn, khổ sở...

Dung: Chị có lo được cho nó cả đời này không? Chi bằng, ngay từ bây giờ, chị nới lỏng vòng tay để nó cứng cáp dần khi đi ra ngoài xã hội chị ạ.

Tốt: Ừ. Cô Dung nói có lý. Thôi, vậy chị sẽ tặng hết chỗ hàng tiếp tế này cho chính quyền địa phương để cùng Nhà nước chung tay chống dịch.

Đèn - kết cảnh 1.

Cảnh 2: Tối - Tại nhà Dung.

Dung ngồi, tay xoa bụng…

Dung: (Nói với đứa bé trong bụng) Con à! Khả năng con sẽ chào đời vào giữa những ngày dịch Covid đấy. Mẹ con mình thì không sao, chỉ thương bố ở xa, trên tuyến đầu chống dịch, vất vả trăm bề. Con à, có nhớ bố không? Để mẹ gọi video rồi mẹ con mình cùng nói chuyện với bố nhé!

(Âm nhạc. Dung lấy điện thoại ra bấm)

Dung: Anh à! Nay anh có mệt không?

Toàn: (Xuất hiện phía sau sân khấu, đèn đặc tả) Một chút thôi. Hôm nay con có làm phiền mẹ không?

Dung: Tháng này con đạp ít hơn. Hình như ở trong ấy có vẻ chật chội với con rồi.

Toàn: Nếu anh ở nhà, anh sẽ bóp vai, xoa lưng cho em. Chắc chắn sẽ đỡ. Anh có đọc trên gu-gồ người ta bảo thế. Những cách làm cho bà bầu thấy dễ chịu ấy.

Dung: Anh đừng lo. Em chịu khó làm việc nhà, chịu khó đi lại, vận động để cho máu lưu thông tốt nên cũng đỡ. À, kể với anh, em đã may xong 300 chiếc khẩu trang và phát hết cho khu phố mình rồi.

Toàn: Hoan nghênh vợ!

Dung: Ai cũng khen khẩu trang màu sắc đẹp, đeo thoáng, không bị bí. Nhiều người còn đặt em may thêm rồi gửi tiền. Nhưng em tặng thôi, không lấy tiền. Hiện nay cả nước chung tay chống dịch. Người góp tiền, người góp công. Em rảnh, lại có sẵn máy may, em cũng muốn đóng góp một chút gọi là.

Toàn: Em đúng là một chiến sĩ trên mặt trận chống Covid rồi đấy. (Cười) Dung này… Từ nay đến ngày sinh, em nhớ ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe! Đặc biệt hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc.

Dung: Em biết rồi. Chăm sóc cho mình là chăm sóc cho con. Cũng là để chồng yên tâm công tác. Việc quan trọng như thế sao em lại không thực hiện cơ chứ.

Dung: Em ở nhà, lướt mạng, đọc nhiều bài báo viết về sự tận tâm của cán bộ, chiến sĩ ở những nơi cách ly dành cho những người bị cách ly và ngược lại, tình cảm những người bị cách ly dành cho cán bộ, chiến sĩ. Nhiều bài khiến em đã khóc. Trước mỗi lần dẫn bộ đội đi dân vận về, anh thỉnh thoảng nói với em về “tình quân dân cá - nước”. Nhưng bây giờ em mới cảm nhận được. (Xúc động).

Toàn: Kìa, em khóc đấy à?

Dung: Anh Toàn! Nhìn những tấm ảnh trên báo, khi là anh bộ đội tranh thủ ăn tạm suất cơm trưa lúc thời gian đã sang chiều. Khi là những chàng chiến sĩ lưng ướt đẫm mồ hôi khuân đồ đạc, hành lý giúp người đến cách ly là em lại như nhìn thấy anh đang làm những điều đó. Em thương anh lắm!

Toàn: Thôi nào! Có gì đâu. Trong đại dịch, cả đất nước xác định chống dịch như chống giặc. Mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi cá nhân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm chống dịch bệnh cơ mà. Đâu riêng gì quân đội bọn anh.

Dung: Anh này, sáng nay tiễn mấy trăm người về thì từ mai ở trên đó nhàn hơn rồi chứ?

Toàn: Nhàn sao được. Cả ngày nay khử khuẩn hết tất cả. Mai lại đón đoàn mới đến. Nghe nói đợt này đông hơn đợt trước.

Dung: Thế ạ.

Toàn: Dung! Trước anh tính lúc em sinh con, anh sẽ xin nghỉ phép để chăm sóc cho hai mẹ con. Nhưng tình hình dịch bệnh thế này chắc chắn ngày em sinh anh không về được. Anh đã bảo mẹ sắp xếp lên với em trước ngày dự kiến sinh 1 tuần.

Dung: Vâng. Thôi, anh ngủ đi! Lấy sức cho ngày mai!

Toàn: Ừ. Hai mẹ con ngủ ngon nhé!

(Dung bỗng khó chịu. Cô vội vã bấm điện thoại).

Dung: Chị Bình à! Hình như em sắp sinh, chị sang với em nhé!

Tiếng Bình: Rồi, rồi… Tôi sang ngay…

(Dung lại bấm điện thoại) Alo, phòng trực cấp cứu ạ? Cho tôi một xe đến số nhà 12, phố An Chinh nhé! Tôi… có dấu hiệu sắp sinh con.

(Dung ôm bụng ra mở sẵn chốt cửa, sau một lát Bình vào).

Bình: Cô Dung, thế nào rồi? Đau bụng à?

Dung: (Vật vã) Chị ơi, hình như em vỡ ối rồi.

Bình: Hôm qua, cô bảo còn 3 tuần nữa mới sinh cơ mà.

Dung: Vâng, dự kiến là thế. Chị ơi, chị đến bệnh viện cùng em được không?

Bình: Lại còn phải hỏi? Gọi xe chưa?

Dung: Em gọi nãy giờ mà vẫn chưa được. Làm thế nào bây giờ hả chị?

Bình: Dịch bệnh thế này, lại còn đêm hôm… gọi xe khó là phải. A, nhà bà Tốt có xe. Sang bảo thằng Phúc chở đi vậy.

Dung: Muộn rồi, chắc cả nhà chị Tốt đã ngủ.

Bình: Hàng xóm cần nhau lúc này. Để chị sang nhà. Tốt gọi cửa!

(Âm nhạc)

(Tiếng chuông cửa gấp gáp)

Tốt: (Ra, giọng ngái ngủ) Đêm hôm rồi ai còn gọi cửa đấy?

Bình: Bà Tốt ơi, mở cửa!

Tốt: Bà Bình bánh bèo à? Lại chuyện gì nữa đây? Đêm hôm rồi có để cho người ta ngủ không?

Bình: Cô Dung chuyển dạ, cần phải đến bệnh viện ngay. Nhưng không gọi được xe. Vì thế tôi sang...

Tốt: Thôi chết. Đêm hôm thế này mà chuyển dạ à? Thế giờ thế nào?

Bình: Bà bảo thằng Phúc lấy xe chở cô ấy đến bệnh viện giúp có được không?

Tốt: Được, được. Để tôi lên gọi thằng Phúc.

(Âm nhạc - kết cảnh 2).

Cảnh 3: Sáng hôm sau, tại bệnh viện. Tiếng trẻ sơ sinh khóc.

Dung: (Bế cháu bé hát ru) Ả à ời, ả à ơi...

Con ơi con ngủ cho ngoan

Cha còn chống giặc cô vi tuyến đầu

Con ơi hãy ngủ giấc sâu

Mai này thắng giặc cô vi cha về

Ả à ời, ả à ơi...”

Tốt: (Lại bên mẹ con Dung) Nín, nín đi con… Mẹ tròn con vuông rồi. (Đứa bé nín khóc). Trộm vía, thằng cu trông y đúc bố! Cô Dung gọi cho chú Toàn chưa?

Dung: Em chưa. Đêm qua em không dám gọi sợ anh ấy đang ngủ bị đánh thức. Rồi nghe tin vui lại không ngủ được, cả ngày hôm nay lại mệt.

Tốt: Khổ thế đấy. Giờ gọi được rồi. Báo cho chú ấy vui.

Dung: Vâng. Thật sự, đêm qua không có hai chị giúp, em không biết phải làm sao nữa.

Tốt: Hàng xóm nhờ cậy nhau những lúc như thế chứ còn lúc nào, phải không bà Bình?

Bình: Đúng quá! Thế này nhé, chú Toàn đang ở trong khu cách ly giúp bao nhiêu người trong lúc bệnh dịch thế này. Các chị phải có trách nhiệm giúp đỡ vợ con người lính nơi tuyến đầu chứ, đúng không bà Tốt?

Tốt: (Cười) Đúng, đúng.

(Tiếng chuông điện thoại của Dung)

Dung: Anh Toàn nhà em gọi. Anh Toàn!

Toàn: (Xuất hiện, đèn đặc tả) Em! Tự dưng hôm nay anh sốt ruột quá nên mới gọi em buổi sáng.

Dung: Em cũng đang định gọi cho anh. Em có một bất ngờ cho anh đây này. Chị Tốt ơi, cho anh Toàn nhìn cu Thóc nào!

Tốt: Đây, đây… cu Thóc chào bố đi nào!

Toàn: (Xúc động) Trời ơi! Em sinh từ lúc nào? Sao không gọi cho anh?

Dung: Đêm qua em trở dạ. Chị Tốt và chị Bình đưa em đến bệnh viện. Cu Thóc được gần 3 cân. Giống bố như đúc!

(Tiếng em bé khóc)

Toàn: (Xúc động) Con trai bố…bố xin lỗi vì không có mặt lúc con chào đời! Chị Bình, chị Tốt! Mẹ em chưa kịp lên, có gì em nhờ hai chị giúp đỡ vợ con em ạ!

Tốt: Chú cứ yên tâm lo việc trên đơn vị cho tốt. Nhà có các chị rồi.

Bình: Ở trên đấy, chú cứ yên tâm nhé!

Toàn: Vâng. Chị quay cu Thóc để em khoe với anh em đồng đội trên này. Anh Tiến, anh Đông ơi, vợ em sinh rồi. Con trai em đây này. Cu Thóc đấy! Trông nó có giống em không?

(Phía hậu sân khấu xuất hiện những đồng đội của chồng Dung, họ đeo khẩu trang, nhiều người còn mặc đồ bảo hộ kín mít nhưng ai cũng cười, vui chung với niềm hạnh phúc của vợ chồng Dung).

Dung: Anh Toàn ơi! Các anh ơi… Các anh ở tuyến đầu chống dịch vẫn bình an, mạnh khoẻ là em yên tâm rồi.

Bình: Hàng ngày chị em chúng tôi vẫn xem ti vi, theo dõi thông tin diễn biến dịch bệnh Covid ở Việt Nam và thế giới. Mặc dù đất nước mình chưa giàu về vật chất, nhưng chính sách của Đảng và Nhà nước ta lại vô cùng nhân văn và giàu tình người các chú ạ.

Tốt: Các chú biết không, cháu Ly con tôi là du học sinh ở Mỹ trở về, cháu đã được Chính phủ Việt Nam giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện cách ly. Cháu nó gọi điện về nói, hàng ngày các chú bộ đội, các anh chị tình nguyện viên phục vụ rất chu đáo, từng bữa ăn, miếng nước... Mỗi lần nói chuyện với con, tôi càng thêm tự hào về các chú.

Dung: Các anh ơi! Vì dịch bệnh, cả xã hội phải thực hiện các biện pháp phòng chống. Nhưng giờ đây, hơn lúc nào hết, em cảm nhận rõ tình người thật gần gũi và ấm áp.

Cả ba: Dịch bệnh nhất định sẽ sớm chấm dứt. Cuộc sống yên bình sẽ trở lại như xưa. Nhà nhà, người người sẽ được đoàn tụ.

Những người lính: Phải! Tất cả chúng tôi cũng tin là như thế! Chỉ cần chúng ta đoàn kết một lòng, chung tay chống dịch… thì dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt ở Việt Nam và mọi quốc gia trên thế giới!

(Âm nhạc - Kết vở - Các diễn viên ra chào khán giả).

 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Tác giả, tác phẩm: "Nghệ sĩ của đồng quê"(16/03/2022)
Văn nghệ dân gian: "Bảo tồn và phát huy giá trị của trò chơi dân gian" của tác giả Lê Thị Dự(15/03/2022)
Chùm thơ của các tác giả Thanh Dạ, Nguyễn Phú Ninh, Phạm Ánh Sao, Nguyễn Khắc Hiền(14/03/2022)
Nghiên cứu, lý luận, phê bình: "Về tiểu thuyết “TỪ DỤ THÁI HẬU” của TRẦN THÙY MAI" của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga (14/03/2022)
Chùm thơ của các tác giả Bùi Hải Đăng, Khúc Kim Tính, Nguyễn Thế Trường, Tiêu Hà Minh(12/03/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na