Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn: "Cái tổ chim" của tác giả Thâm Tâm
17/11/2022 10:24:53

LTS: Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1917 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương.

Ông tham gia viết báo, viết văn từ những năm 1940, và thường được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ... Ông từng thử sức trên nhiều thể loại nhưng thành công hơn cả vẫn là thơ. Ông nổi tiếng với bài thơ Tống biệt hành, với một phong cách thơ hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại, thể hiện hào khí rất cao. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thâm Tâm tham gia văn hóa Cứu quốc, ở trong Ban Biên tập báo Tiên Phong (1945-1946), sau đó ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (sau là báo Quân đội Nhân dân). Ông mất sau một cơn bệnh đột ngột ngày 18 tháng 8 năm 1950 trên đường đi công tác trong chiến dịch Biên giới, được đồng đội và nhân dân địa phương mai táng tại bản Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Tên tuổi và sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật của ông luôn là niềm tự hào đối với mỗi người dân Hải Dương. Hiện TP Hải Dương đã có đường phố mang tên Nguyễn Tuấn Trình. Nhân dịp người thân nhà thơ Thâm Tâm về thăm quê hương, tới thăm và tặng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương tuyển tập truyện ngắn Thâm Tâm, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Cái tổ chim” của ông đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy, Số Khai trường, 7-9-1941 viết về thuở học trò ở Hải Dương.

 
 Vào khoảng mười lăm năm về trước, thành phố Hải Dương còn là một nơi úng thủy mỗi kỳ nước lớn. Năm nào cũng vậy, suốt hai ba tháng trời, các phố xá đều bị ngập lụt, có chỗ sâu đến một thước rưỡi, nhà nào cũng phải bắc sàn, thuyền bè qua lại khắp tỉnh san sát như lá tre, có cái cảnh tượng một thành phố xây lên trên mặt nước.

Bấy giờ tôi còn là một cậu bé trong ngoài mười tuổi, được nuông chiều ở dưới mái một gia đình yên vui. Vụ nghỉ hè nhằm vào những tháng lụt lội. Không phải học hành bó buộc, đứa bé ham chơi tha hồ mà đùa nghịch với nước lớn, bằng một cái cần câu và một cái vó nho nhỏ mà bà mẹ chiều con đã làm cho.

Minh họa: Huy Chương 

 

 
Nghỉ hè đã hết, nhưng nước chưa rút đi được là bao nhiêu. Trường học hồi ấy còn là cái trường cũ ở trên một khu đất cuối phố hàng Lọng, một phố thấp nhất tỉnh, nước còn ứ đọng mấp mé thành giường. Ngày khai trường, tuy biết rằng thế nào cũng có lệnh nghỉ thêm ít buổi nữa, nhưng mẹ tôi cũng như các bà mẹ chu đáo khác, không đành lòng cứ để con nghỉ học một cách có thể gọi là mạn phép. Cho nên người đã thân chèo một chiếc thuyền nan, để đưa tôi đến nhà trường.

Quang cảnh lũ học trò vượt nước lụt đến tựu trường sáng hôm ấy cũng có vẻ hay ho, vui mắt. Chúng hỏi nhau về những thú vẫy vùng mặt nước, và hẹn hò những cuộc tinh nghịch nếu quả thật vẫn phải đi học mặc dầu mực nước còn to.

Tuy nhiên, ông trưởng giáo, theo lệnh ông đốc học, đã đi thuyền tới, để ban ra một hạn nghỉ thêm mười lăm ngày. Học trò vỗ tay và reo ầm lên, rồi thuyền ai lại quay mũi về nhà người ấy.

Nước dần dần rút xuống từng ngày.

Cái vó không cất được cá nữa, cần câu không nhử được một con rô, con diếc nào nữa, mặc dầu mồi thơm. Thế là thú chơi những ngày lụt lội đã hết. Tôi đương chán và buồn thì lại phải lo đến việc cắp sách tới trường để cúi đầu trước một ông giáo già nghiêm khắc.

Vì vậy mà đứa bé sợ học đã không còn cái hứng tựu trường như hôm được mẹ đưa đi bằng thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sáng sớm hôm rằm tháng Chín tây, là ngày nhất định nhập học, mẹ tôi gọi tôi dậy sớm, rồi sửa sang quần áo sách vở cho tôi, lại cho riêng tôi năm xu để ăn quà. Tuy rằng đã được điểm tâm bằng một bát cháo đường ăn lẫn với hai nắm xôi lạc. Tôi hí hửng nhận tất cả, nhưng đến giờ bước chân ra đi, thì tôi thấy ngại ngùng, thế là tôi chùn bước lại.

Mẹ tôi trước còn dỗ ngon dỗ ngọt, sau đến quát tháo lên. Tôi cũng vẫn đứng ỳ ở ngưỡng cửa, và tôi khóc.

Chỉ còn năm phút nữa thì trống vào học sẽ đánh. Mẹ tôi đến lúc cùng, không biết làm thế nào, phải phát cho tôi mấy roi vào mông. Tôi giẫy lên đành đạch và vứt tung cả sách vở xuống thềm nhà. Mẹ tôi càng thịnh nộ hơn. Thằng Nhỏ vội vàng nhặt hộ tôi sách vở, rồi cõng tôi mà chạy một mạch đến trường. Nó vừa đặt tôi xuống cổng trường, thì trống đánh lên. Tiếng trống có một hiệu lệnh ghê gớm, làm cho tôi không đủ can đảm bíu chặt lấy vai thằng Nhỏ nữa. Tôi phải rời nó ra, và cầm vội lấy sách vở, mà chạy vào xếp hàng với các bạn nhỏ nét mặt cũng đang còn vết lo buồn như tôi.

Tan học, tôi như con chim sổ lồng chạy vụt về nhà. Mẹ tôi đã chờ đón ở cửa, hỏi han tôi mọi sự, và không quên thưởng cho tôi ba chiếc bánh ngọt mà tôi vẫn thích ăn. Người còn săn sóc đến mâm cơm ngon lành cho tôi nữa. Nhưng dù sao, buổi chiều, tôi vẫn ngài ngại đến trường. Mẹ tôi không đánh tôi nữa, mà dùng hết cách êm ái để dắt được tôi đi. Tôi nghĩ quà cáp khi chiều về, cùng với lời mẹ tôi hứa thân đến đón tôi, nên tôi cũng thấy xuôi lòng, không sụt sịt nữa.

Dần dà, cái vui đánh bạn với những trò nghịch ngợm ở trường làm cho tôi đỡ nản về việc phải đi học mà thầy giáo dữ hơn yêu tinh trong truyện. Huống chi, bài học thỉnh thoảng lại có những đoạn vừa hay vừa vui như bài học thuộc lòng mà tôi còn nhớ sau này, đó là một bài ca trong một quyển tập đọc:

Tổ chim kia trên cây cao ngất,

Tơ trắng chùm coi thật là xinh.

Phất phơ như võng trên cành,

(Tôi quên mất mấy câu)...

Chim cái ấp, đực thường nằm cạnh,

Ló đầu ra, vỗ cánh hót chơi

Hót rồi, trông mặt cả cười,

Rằng: “Nhà ta đẹp nhất đời, ai đương!”

Bài này, tôi thường hay đọc ở nhà, trong những buổi tối sum vầy yên ấm. Tôi hay đọc, có lẽ vì tôi thấy mẹ tôi thích nghe.

Nhưng sang năm sau, cuộc đời đã thay đổi, làm cho tôi không còn thường đọc lại bài học trên kia.

Sang năm sau, nước lại to và thành phố lại lụt, ngày khai trường lại hoãn lại đủ mười lăm hôm. Tuy nhiên, sáng mùng Một tháng Chín tây, các bà mẹ vẫn phải đưa con cái đến trường để xem ông giáo ra lệnh cho làm sao đã. Bấy giờ mẹ tôi đã ốm rồi, phải nhờ bà hàng xóm cho tôi đi chung thuyền với con bà ta. Ông trưởng giáo vẫn làm lại cái việc đi mủng tới để bảo học trò trở về. Bà hàng xóm lại chèo thuyền cho chúng tôi trở lại nhà, nhưng bà ta không chịu được sự nghịch nước của tôi, nên đã mắng tôi mấy câu. Tôi lấy thế làm khổ lắm, và nghĩ đến mẹ tôi, bởi vì nếu mẹ tôi đưa tôi đi, thì tôi sẽ sung sướng hơn nhiều.

Tôi lại ở nhà để đùa với nước lụt. Nhưng mẹ tôi ốm, tôi không được ai làm vó cho nữa, tôi chỉ có một cái cần câu làm lấy, chẳng thú vị gì. Đến ngày rằm tháng Chín là ngày nhất định tựu trường, vì nước đã rút gần hết, chỉ còn phải lội ít quãng ngập độ nửa ống chân thôi. Buổi sáng ấy, tôi cũng ngần ngại không muốn đi học, nhưng không thấy mẹ tôi nói gì, ngoài hai đồng xu mà người đã bảo chị tôi lấy cho tôi. Tôi biết rằng mẹ tôi ốm nặng. Chị tôi cũng bảo tôi rằng: “Thôi, đi học đi, đừng vòi nữa, đẻ mệt lắm đấy”. Tôi không biết làm thế nào, đứng bần thần một lát, rồi tự nhiên bước ra đi thẳng. Dọc đường, tôi vừa lội nước một cách uể oải, vừa nghĩ đến mẹ tôi đang nằm dán mình xuống giường. Tôi toan quay về, nhưng trống vào học đã đánh. Tôi dẫm tung tóe cả nước mà chạy thốc đến trường, trong óc nghĩ nhiều đến cặp mắt quằm quặm của ông giáo già mà tôi sợ.

Từ đấy, tôi không còn được một lời dỗ dành ngon ngọt, nên cũng chán nản mỗi buổi bước chân đến trường, nhưng phần thì chị tôi cho ăn roi vọt, phần thì ông giáo già phạt nặng, phần thì không dám trái lời mệt nhọc của mẹ tôi nói vọng ra ngoài màn, tôi đành vẫn mỗi ngày hai buổi đi đúng giờ học, dù rằng lúc về học chẳng còn ai săn đón với những quà bánh ngon lành.

Cho đến tháng Mười ta năm ấy, thì mẹ tôi mất.

Cái tổ chim không còn nguyên lành. Cái nhà đẹp nhất đời, từ đó vương một mầu tang, và những con chim còn lại không còn “hót rồi trông mặt cả cười” như trước nữa.

Từ năm sau trở đi, tôi lên lớp khác, học ông giáo mới, và cũng không được nghỉ thêm mười lăm ngày sau vụ hè nữa vì thành phố không bị lụt lội như những năm về trước.

Nhưng giá nước cứ to, thì mẹ tôi cũng không còn để mà chèo thuyền cho tôi, để mà làm vó cho tôi. Cả sự chơi đùa và sự học hành của tôi đều thiếu hẳn một bàn tay thời thường săn sóc tới. Tôi kém vui đi, tấm lòng thơ ấu của tôi đã bắt đầu có một vết hoen ám ảnh.

Tôi thấy có thể ghét người chở thuyền nếu tôi còn được đi thuyền qua các phố lụt, tôi thấy không có gì là thiện cảm với những người cho tôi những tấm bánh, những đồng xu. Tôi chỉ muốn có một bàn tay gầy gầy mà xanh xanh của mẹ tôi. Rồi những khi tôi khóc, tôi không thể nín vì một lời dỗ dành nào. Có một lời êm ái nhất thì đời tôi không còn được nghe thêm lấy một lần nữa!

Nhưng tôi vẫn phải nghe thấy, để gạt ngay nước mắt đi.

Bài học thuộc lòng “cái tổ chim” tôi không còn đọc đến. Và cái tổ chim của gia đình tôi, về sau, chỉ thấy tới những ngày mưa gió bất ngờ.

Mưa làm cho xiêu đổ, và gió cuốn mang đi. Gia đình tôi lìa rễ trên đất cũ, qua những năm điêu đứng, rồi người cha già vững tay lại mà lập nghiệp ở một phương khác, không bao giờ trở lại nơi tôi đã chôn rau.

Tuy nhiên, trong những năm trời ấy, cái sức mạnh huyền bí nhất khiến cho tôi không dám xao nhãng việc học hành chính là cái hình bóng người mẹ đã mất đi, một hình bóng mảnh dẻ chèo một con thuyền qua nước lụt, một hình bóng êm ả lúc nào cũng như còn vừa cầm tấm bánh, kèm với đồng xu, đưa tôi đến tận cổng trường, một hình bóng bao giờ cũng nói một câu văng vẳng mãi: “Con ơi, con đừng khóc thế, con đừng tập cái thói làm một kẻ hèn!”.

Cho nên chẳng bao giờ tôi dám bỏ học nữa, chẳng kỳ khai trường nào tôi dám chán nản nữa. Bóng dáng mẹ tôi vẫn giục tôi thành được một người như ý mẹ tôi mong mỏi. Và trên đường đời, lúc nào tôi cũng đã tự bảo tôi: “Dù khổ đến đâu, cũng không được khóc. Cái tổ chim có xiêu dạt tới chốn nào, mà tiếng rin rít vẫn còn, ấy là niềm sung sướng chẳng hết”.
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
Chiều ấy(23/04/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền" (23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Ơn thầy cô giáo!(17/11/2022)
Nhớ trường xưa (17/11/2022)
Trang Văn nghệ Trẻ: "Con mèo hống hách" của Lâm Nguyễn Bảo Châu (Học sinh lớp Bồi dưỡng năng khiếu sáng tác Văn học, Mỹ thuật 2022)(31/10/2022)
Sân khấu: Kịch nói "Tháng 2 có 28 ngày" của NSƯT Khúc Hà Linh(28/10/2022)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Bí ẩn giếng đời" của tác giả Hoàng Đăng Khoa(27/10/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na