Đền Quát có tên chữ là “Yết Kiêu thần từ”, di tích tọa lạc tại thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Xã Yết Kiêu có 5 thôn: Hạ Bì, Thượng Bì, Vân Am, Hoàng Kim và Khuông Phụ. Vào thời Trần (thế kỷ 13-14), Hạ Bì thuộc huyện Trường Tân. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18) thuộc huyện Gia Phúc. Sang đầu thời Nguyễn (thế kỷ 19) thuộc tổng Phương Du, huyện Gia Lộc. Năm 1955, Hạ Bì trở thành một thôn của xã Yết Kiêu.
Hạ Bì vốn là một làng chài nằm ở tả ngạn sông Đò Đáy, cách thị trấn Gia Lộc khoảng trên 3 km về phía Tây. Làng xưa có 9 “hà” chài đi làm ăn trên sông nước ở các nơi: Lạc Thượng, Lai Hạ, Lạc Trung, Kinh Trang, Tăng Thịnh, An Bài, Kênh Tre, Tân Võng và Hà Vĩnh. Hàng năm, các “hà” này chỉ về quê vào dịp lễ hội đền Quát vào tháng Giêng và tháng Tám âm lịch.
Đền Quát thờ Yết Kiêu là một gia tướng của Trần Hưng Đạo (1228-1300). Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, con ông Phạm Hữu Hiệu quê ở Hạ Bì và bà Vũ Thị Duyên ở làng Lôi Động, nay thuộc xã Tân An, huyện Thanh Hà. Yết Kiêu trưởng thành trong một gia đình ngư dân nghèo, cha mất sớm. Từ nhỏ, đã phải lăn lộn mưu sinh trên sông nước để kiếm ăn, nuôi mẹ.
Truyền thuyết kể rằng: năm 15 tuổi, trong một lần đi gánh nước, ông chợt thấy hai con trâu trắng húc nhau ở bến sông Quát. Vốn là người có sức khỏe, ông đã dùng đòn ống đánh trâu, chúng hoảng sợ bỏ chạy. Tình cờ, ông nhặt được hai chiếc lông trâu, đặt xuống nước, lạ thay nước rẽ làm đôi. Ông cho rằng đây là lông trâu thần, liền nuốt vào bụng. Từ đó, ông có thân thể cường tráng, trí lực phi thường, có thể bơi lội dưới nước như trên đất bằng.
Giai thoại trên chỉ là sự “thần thánh hóa” tài bơi lội và trí dũng của Phạm Hữu Thế, người được rèn luyện trong cuộc sống ở một làng chài, rất thạo nghề sông nước. Tài năng của Phạm Hữu Thế ngày càng nổi tiếng và được Trần Hưng Đạo trọng dụng, đặt tên mới là "Yết Kiêu”. Ông cùng Dã Tượng làm gia nô cho Trần Hưng Đạo trong suốt cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288).
Yết Kiêu là người có công lớn trong sự nghiệp đánh giặc, giữ nước, có biệt tài thủy chiến, từng đục thủng thuyền tướng giặc, bảo vệ Trần Hưng Đạo vượt qua nhiều hiểm nguy. Kháng chiến thắng lợi, ông được vua Trần phong tặng “Trần triều hữu tướng, Đệ nhất bộ đô soái Thủy quân, tước Hầu”. Sau khi ông qua đời, triều đình cho lập đền thờ và tôn vinh làm Thành hoàng, được các triều đại phong sắc. Đền thờ Yết Kiêu có sức mạnh tâm linh đặc biệt, có thể thu phục lòng người, là nơi tổ chức phân xử oan sai, tranh chấp tài sản của nhân dân trong vùng.
Trước cách mạng tháng Tám (1945), tại đền Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương có “Lễ thề Cửa Cấm”. Nghi lễ được tổ chức trang trọng, có sự chứng kiến của chức dịch và nhân dân. Lý do tổ chức vì nghi vấn một vụ mất cắp hoặc tranh chấp lớn mà đương sự cũng như chính quyền sở tại không giải quyết được thì hai bên cùng đến Đền xin được tổ chức “Lễ thề”. Trước khi tổ chức, thủ từ cho gọi riêng từng người vào hỏi nội dung vụ việc, đương sự phải khai rõ họ tên, tuổi tác, quê quán, gia đình, họ mạc, gia sản và nguyên nhân xảy ra vụ việc. Thủ từ đề nghị đương sự nói có khả nghi ai không? Để nắm chắc thông tin, thủ từ thường phải hỏi đi, hỏi lại nhiều lần nhằm kiểm tra thái độ đương sự, sau cùng nêu rõ thủ tục và lệ phí tổ chức.
Lệ phí gồm có: trầu rượu, hương nến và một lá sớ trình bày toàn bộ nội dung nghi vấn. Sau đó, cho phép người tố cáo về nhà trọ nghỉ ngơi và cho gọi người bị cáo lên đền cũng chuẩn bị trầu rượu, hương nến và một lá sớ ghi nội dung bị nghi oan. Thủ từ phổ biến lễ thề gồm các chức dịch trong làng và toàn thể nhân dân chứng kiến, việc thề được hưởng tiền: người lớn 1 hào, trẻ em 5 xu, chức dịch 5 hào. Kinh phí do hai bên đương sự cùng chịu trách nhiệm đầu tư. Ngoài ra, còn có 1 cỗ quan tài và 1 tấm vải liệm 6 thước, 2 con dao phay, 2 con gà, 2 bát tô, 2 bát con, 1 hòm son và 2 đôi đũa. Người nào khởi sự thì được vào thề trước.
Trước khi vào thề thì sãi đền cắt tiết 1 con gà, mài son trộn tiết để đương sự uống. Nếu đàn ông thì phải bước qua 7 vòng: hồng, xanh, tím, vàng, xám nhạt, xám sẫm, đen. Nếu đàn bà phải bước qua 9 vòng (thêm 2 vòng xanh và tím nhạt). Các vòng thề làm bằng dây mây uốn tròn, được đặt lần lượt từ cửa tiền tế vào trong đến trước ban thờ trung từ, bước tới vòng đen thì mới được thề. Khi bắt đầu bước thì có hiệu lệnh của bản đền gồm một hồi chuông và một hồi trống. Khi đó, lực lượng chức dịch đứng hai bên cùng nhân dân chứng kiến. Trương tuần có trách nhiệm thống kê người chứng kiến lễ thề để sau này thanh toán lệ phí. Ngoài hai bên đương sự, còn có hai gia đình cùng chứng kiến lễ thề. Trước khi ăn son, uống máu thề, bản đền có động tác hô lớn: yêu cầu kiểm tra quan tài có chưa? Vải liệm có chưa? Huyệt đào sẵn chưa?
Trước chiếu thề, đương sự phải uống một bát son trộn tiết gà và rượu. Sau khi nghe dứt hồi chuông, trống và mõ cá thì người thề bước lên cầm con dao và nói rõ họ tên, quê quán, tuổi tác, con cái nhà ai và nội dung thề. Tiếp theo, đương sự chém một nhát đứt đôi chiếc đũa để khẳng định việc làm của mình là đúng. Sau đó, đương sự lần lượt bước qua các vòng thề. Song thực tế, không ai dám bước vào các vòng thề vì sợ “thánh vật”. Người được minh oan hưởng 15% lệ phí nộp bản đền. Nhiều trường hợp mới gặp cụ thủ từ, nghe nói về thủ tục và nguyên do thề thì đã xin thôi không tham gia nữa.
Theo các cụ cao niên cho biết: lễ thề cửa cấm đền Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương kéo dài hàng trăm năm. Về hình thức tổ chức tuy mang màu sắc tâm linh, thần bí... song về thực tiễn, thông qua lễ thề, chính quyền đương thời đã giải quyết không ít vụ tranh chấp, hóa giải được những mâu thuẫn làng xã, góp phần ổn định đời sống nhân dân trong vùng.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), thực hiện nếp sống văn hóa mới, chính quyền địa phương đã cho xóa bỏ lễ thề đền Quát.