Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Bút ký "Cảm phục nông dân thời nay" của Phạm Chức
12/03/2022 11:45:29

Đi trên Quốc lộ 37, đoạn qua xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, đều dễ dàng nhận thấy một ngôi làng mà ở đó đa số là những tòa biệt thự nhô cao. Đấy là làng An Xá. Theo tìm hiểu, có được cơ ngơi như thế là do người dân ở xã Quốc Tuấn nói chung và làng An Xá nói riêng đều có nghề trong tay. Bằng chính nghề của mình những người nông dân ở đây đã biết cách xóa nghèo, rồi từng bước vươn lên làm giàu.

 
 
 Góc sản xuất chậu hoa của ông Nguyễn Bá Đông Ảnh: P.C

 

An Xá là một làng có quy mô diện tích trung bình của xã Quốc Tuấn. Người dân ở đây có nghề làm hương và trồng hành tỏi. Hàng trăm năm qua, chỉ bằng nghề làm hương thôi cũng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong làng, nhất là thời điểm nông nhàn. Hiện nay, bằng chính uy tín, chất lượng sản phẩm của mình mà hương của Quốc Tuấn đã vươn xa tới các thị trường trong nước và ngoài nước. Chỉ với riêng nghề này cũng đã nuôi sống và làm giàu cho nhiều người dân ở đây và nhiều vùng lân cận.

Như bao vùng quê có điều kiện giao thương phát triển kinh tế, “cận lộ, cận giang”, nên thường được lựa chọn để quy hoạch, nhường chỗ cho phát triển công nghiệp. Vì vậy mà diện tích canh tác, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Quốc Tuấn là một vùng quê như thế!

Trước thực tế ấy, nông dân ở các thôn làng của Quốc Tuấn đã chọn hướng đi, đó là phát triển mạnh mẽ hơn nghề truyền thống. Không những thế, họ còn phát huy cao nhất tính cần cù, sáng tạo, để làm ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ở làng An Xá, nhìn cơ ngơi của các hộ gia đình, sự giàu có như được phô bày ra cả. Theo người dân, hiện làng có tới hàng chục “đại gia” cỡ tỷ phú. Còn triệu phú thì nhiều lắm, không kể hết được. Cơ bản họ điều làm giàu trên chính quê hương của mình. Điều đáng trân trọng ở đây chính là sự năng động, sáng tạo trong lao động của những người nông dân. Ở vào thời kỳ hội nhập khi mà nghề nông dần dần nhường chỗ cho công nghiệp, họ đã động viên, khuyến khích cho con em, lực lượng lao động trẻ vào làm việc trong các công ty, doanh nghiệp… còn những người lớn tuổi lao động tại quê thì tự tìm tòi, suy nghĩ để có thể làm ra những sản phẩm vừa quen, vừa lạ cung cấp cho nhu cầu thị trường, vừa vui, vừa giúp gia đình có thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Bá Đông là một trong những nông dân chính hiệu của làng An Xá. Ông cũng có con đi làm nơi này nơi khác. Nhưng với phương châm sống, không dựa vào con, nên cùng với cấy trồng vài sào ruộng, hai vợ chồng ông bà còn tự tạo ra nghề để duy trì khả năng “tự cung-tự cấp” như ông Đông nói vui.

Được biết, mấy chục năm về trước, ông Đông theo bố cùng hai phần ba người thân trong gia đình mình đi khai hoang, lấn biển tại vùng ngập mặn thuộc Đầm Hà (Quảng Ninh). Vất vả bao nhiêu năm nhưng cuộc sống khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Sau khi bố bị tai nạn giao thông mất, ông Đông cùng mấy anh em trở lại quê nhà. Chỉ còn vợ chồng hai cô em gái ở lại Đầm Hà cho tới tận bây giờ.

Ngày ấy, về quê, ruộng ít, ông đã phải lăn lộn làm đủ nghề để kiếm sống. Với bàn tay khéo léo, ông Đông đã tự mày mò và làm nghề đúc nhôm. Khoảng 15 năm trước, với chiếc xe đạp cùng một số dụng cụ tự tạo, ông đã rong ruổi khắp các làng quê trong tỉnh, ngoài tỉnh để thu mua nhôm đúc nồi xoong và các dụng cụ sinh hoạt tại chỗ cho các gia đình. Bằng sự sáng tạo của mình, cùng với đúc các đồ dùng cho bếp núc, ấm đun nước, cối giã cua, ông Đông còn đúc các vật dụng sinh hoạt bằng nhôm theo mẫu mã riêng mà ông tự sáng tác, được người dùng lúc bây giờ rất yêu thích, bởi vừa độc lạ, vừa bền và an toàn. Ông Đông cho biết: đồ của ông được nhiều người thích vì không bao giờ đúc bằng nhôm cặn, nhôm tận dụng, nên càng dùng càng sáng bóng. Tuy nhiên, sau ông cũng thôi nghề này vì khá vất vả, chi phí đi lại nhiều, thu nhập chẳng cao, hơn nữa đồ dùng sinh hoạt bị đồ nhựa lấn át. Chẳng nói thì ai cũng hình dung ra, để tới một nơi có người đặt hàng ông Đông đã phải toòng teng đi bao nhiêu đường đất. Hơn nữa, dù yêu thích nhưng khi có tuổi, việc đi lại nhiều cũng không phù hợp và thiếu an toàn. Vì thế, việc đúc đồ, nếu có ai đến nhà đặt vì bức thiết và yêu thích thì ông mới nhận làm.

Tại quê, ông Nguyễn Bá Đông lại xoay đủ nghề để có thu nhập. Ngoài làm ruộng, cấy trồng, ông làm thêm nghề cắt tóc. Đặc biệt, được bố truyền cho những bài thuốc dân gian hay để chữa một số bệnh về tiêu hóa, về gan thận, nên thi thoảng ông Đông dành thời gian vào các vùng núi ở Quảng Ninh, Bắc Giang, Chí Linh, thậm chí còn xa hơn để tìm hái những cây thuốc quý tự nhiên. Hiện nay, nhiều bệnh phát sinh từ cuộc sống, sinh hoạt thời hiện đại, trong đó có các bệnh như: máu, gan nhiễm mỡ; viêm gan, xơ gan do siêu vi hoặc lạm dụng rượu bia… Có nhiều người khỏi bệnh khi được uống thuốc của ông Đông cắt. Tuy nhiên, theo ông, trong khi những bệnh trên ngày càng có nhiều người mắc, nhưng cây thuốc ngày càng khó tìm kiếm, do rừng nguyên sinh cũng ngày càng mất dần đi.

Ngày nay, khi cuộc sống đủ đầy thì nhu cầu về văn hóa tinh thần ngày càng cao, cây cảnh trang trí tại các di tích, công trình công cộng, nơi công sở và ngay trong các gia đình tăng, kéo theo nhu cầu về các loại chậu hoa, chậu cây cảnh cũng tăng. Cho nên, cùng với những việc làm trên, hiện ông Đông còn tự nghĩ ra cách làm những chậu hoa, cây cảnh đủ kích cỡ bằng phương pháp thủ công, được rất nhiều người ưa thích.

Để làm ra những chiếc chậu cây cảnh, ông Đông đã tự chế ra những dụng cụ rất đơn giản nhưng lại hiệu quả, chỉ gồm một chiếc thang hàn từ tuýp nước kẽm, một trục đứng định vị và các nẹp gạt bằng thép, được cắt uốn lượn theo kích thước, kiểu dáng các loại chậu. Bằng những vật dụng đơn giản, có thể đều là những vật liệu tiết kiệm hoặc được sử dụng đa chức năng, nhưng ông Đông đã tạo ra những chiếc chậu cảnh đẹp mỹ mãn. Nhiều khách đến đặt hàng và rất thích thú khi được trực tiếp xem “công nghệ” chế tác của ông.

Ông Đông tạo khuôn trực tiếp bằng cát. Cát được đắp thành đống, nện kỹ, rồi dùng các nẹp sắt xoay gạt, định hình thành khuôn phía trong của chậu. Sau đó, nẹp sắt được tháo lắp rộng ra, theo đúng độ dày của chậu được ấn định. Xi măng được pha theo đúng cách rồi ông vừa đổ và cầm nẹp sắt đi xung quanh để quay gạt. Sau đó, cốt thép được đặt vào theo thứ tự và khoảng cách như hình vanh nón, rồi tiếp tục đổ xi măng và quay. Chiếc chậu cứ như vậy mà từ từ hình thành. Ông Đông nói vui: Làm phải “có võ”. Xi măng pha thế nào và rót ra sao cho bám từng lớp, dày dần lên, nếu loãng quá sẽ trôi hết và đặc quá thì bã không quay được, hơn nữa nếu quá dày tạo sự nặng nề, nhưng mỏng thì lại không bao kín được cốt thép. Thời gian nghỉ giữa các lớp phải vừa đủ, xi măng ráo mặt phải quay tiếp ngay, nếu quá sẽ làm các lớp xi măng không gắn kết nhau. Phải dùng loại xi măng mác cao, có độ dẻo, tránh loại có độ giòn và không được sử dụng chất phụ gia bê tông, chậu dễ bị vỡ, nứt. Ông Đông còn nghĩ ra cách pha và rót quay lớp xi măng ngoài cùng tạo vân rất đẹp, như vân gỗ. Đây là công đoạn cực kỳ quan trọng và động tác tay cũng phải rất thuần thục mới có thể tạo ra được các lớp vân phía bên ngoài chậu. Ông Đông cho biết, có rất nhiều người muốn để chậu mộc, không muốn phủ màu, nên tạo vân từ xi măng họ rất thích. Kể cả nếu phủ một lớp sơn mỏng thì vân xi măng vẫn nổi, rất đẹp.

 

Sản phẩm chậu hoa cỡ đại sắp hoàn thành  - Ảnh: P.C

 
Nếu chỉ nhìn sản phẩm mà không trực tiếp xem công đoạn “chế tác” của ông Đông thì ít ai có thể hình dung ra được, làm một chiếc chậu đẹp như tiện bằng gỗ lại chỉ đơn giản với những dụng cụ như vậy. Càng không thể không khâm phục khi bàn tay của ông lại điêu luyện đến thế. Theo ông Đông, vì muốn nhanh và tiện thể, nên nhiều người hiện nay thường mua cây kèm luôn các loại chậu xi măng cát đúc ép hoặc chậu nhựa. Tuy nhiên nhược điểm thường là xù xì, xấu hoặc không bền, do không chịu được nhiệt độ, nắng mưa và sức đẩy của rễ cây, nên nhanh bị thoái hóa và vỡ. Nhiều người cẩn thận và kỹ tính vẫn chọn loại sản phẩm của ông.

Ông Đông cho biết thêm, nếu làm loại chậu có đường kính gần 1m, một ngày làm liên tục thì được khoảng 4 chiếc. Giá bán tại chỗ khoảng trên dưới 500 nghìn/chiếc, trừ chi phí cũng được lãi trên 1 triệu đồng. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được số lượng như vậy và không phải lúc nào cũng có khách đặt mua. Với khoảng sân rộng, hàng ngày ông Đông duy trì làm đều đặn cho vui và để có thể đáp ứng ngay khi có khách tới mua nóng. Hiện, hàng của ông khá đắt khách, nhiều khi phải tận dụng mọi thời gian để làm mới đủ đáp ứng…

Có thể nói, để làm ra những chiếc chậu cây cảnh theo phương pháp của ông Đông khá vất vả, thu nhập cũng không cao, bởi phụ thuộc vào tiêu thụ và việc sản xuất không thể đáp ứng được nhu cầu cao do thủ công. Nhưng theo khách hàng thì những chiếc chậu kiểu này được đặt tại các cơ sở tôn giáo, trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp rất trang trọng, bề thế và bền.

Cho dù thu nhập không thực sự cao, song với ông Đông không quan trọng bằng việc người nông dân phải có một nghề chân chính để làm “cho nó khỏe người” và có đồng ra đồng vào. Thông qua nghề sản xuất chậu hoa, chậu cảnh, ông Đông còn mở mang, kết bạn thêm với nhiều người, mà chủ yếu họ là những người yêu thiên nhiên, yêu thích sự làm đẹp, làm phong phú cho cuộc sống tinh thần. Vì vậy mà lúc rảnh rỗi, họ thường đến nhờ ông Đông cắt cho cái tóc, đặt làm cái chậu, nhâm nhi chén trà, rít điếu thuốc lào cho sảng khoái rồi cùng đàm đạo về cuộc sống, để rồi thấy cuộc đời này thật ý nghĩa biết bao!

Càng nói chuyện với ông Đông, tôi càng thêm trân trọng những người nông dân thời nay. Họ đã không chịu ngồi yên, không chịu ngừng nghỉ để cuộc sống cuốn đi hoặc chấp nhận sự vô vị. Vốn là những người nông dân lam lũ, hay lam hay làm, họ đã tìm ra thú vui và giá trị cuộc sống từ chính công việc thường nhật, bằng chính sự lao động chân chính của mình, khi tuổi dần cao.

Có lẽ đó cũng là cách nghĩ của rất nhiều người nông dân đã có tuổi ở các vùng thôn quê. Họ muốn níu giữ những gì là truyền thống, những gì là nét đẹp bình dị của mỗi miền quê, của mỗi người lao động chân chính, để những đồng tiền họ làm được, những sản phẩm họ làm ra đều thực sự đáng giá và thực sự đáng trân trọng, nâng niu.

Khi cuộc sống thời hội nhập đang bị xáo trộn, những giá trị truyền thống văn hóa cái thì nguy cơ mai một, hòa tan, cái thì đang bị xói mòn… nhưng vẫn còn đó những thứ đang được giữ gìn và phục hưng mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người nông dân lam lũ, quanh năm “chân lấm tay bùn”…

“Hì hì! Bác viết về nhà em làm gì. Người như em, ở cái làng An Xá này đầy, sợ bác không đủ giấy mực!” - Đó là lời ông Nguyễn Bá Đông nói với tôi lúc chia tay.
Các tin mới hơn
Ra Giêng(29/03/2024)
Hào khí nước Nam(29/03/2024)
Nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng(29/03/2024)
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy(27/03/2024)
Tình khúc bánh chưng(27/03/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Ra mắt mùa Xuân" của Nguyễn Thu Hằng (10/03/2022)
Truyện ngắn "Nhớ mùa" của Tống Phú Sa(09/03/2022)
Chùm thơ của các tác giả Việt Hòa, Nguyễn Thị Bích, Trần Thùy Linh, Khánh Ly(09/03/2022)
Giới thiệu tạp chí Văn nghệ Hải Dương số tháng 3- 2022 (09/03/2022)
Chùm thơ của các tác giả Vũ Minh Thoa, Phan Hoàng, Hoàng Anh Tuấn (02/03/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na