Nhiều người đã biết, Thượng nghị sĩ John McCain - Ứng viên Tổng thống Mỹ 2008 - trong thời kỳ là phi công tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, đã bị ta bắn rơi ngày 25/10/1967 khi thực hiện phi vụ đánh bom Hà Nội. Sau này, trong một cuốn băng trả lời phỏng vấn, ông nói, ông không rõ máy bay của mình "bị dính tên lửa hay đạn phòng không". Chỉ biết, khi nhảy dù, ông rơi xuống một hồ nước và được người dân vớt lên, đưa tới bệnh viện. Cũng trong cuộc phỏng vấn McCain cho hay, ông được phía Việt Nam đối xử tốt.
Về việc xử sự với John McCain trong tư cách tù binh chiến tranh, ở bài bút ký "Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào" (Sau này được đưa vào tập bút ký "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi"), nhà văn Nguyễn Tuân đã phơi mở cho chúng ta thấy chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam trong việc đối xử với tù binh nói chung và với cá nhân Thiếu tá phi công John McCain nói riêng.
Trong bài bút ký, Nguyễn Tuân gọi McCain theo cách ông phiên âm ra tiếng Việt là Mích Kên. Ông kể, khi McCain ngỏ ý xin ông một điếu thuốc lá, thì nhà văn lớn của Việt Nam trực tiếp cầm thuốc và bật diêm cho McCain hút. Theo mô tả của Nguyễn Tuân thì hành động của ông đã khiến viên phi công Mỹ phải nhiều lần nghển đầu cảm ơn.
Cũng tại cuộc chất vấn này, Nguyễn Tuân đã có những trao đổi về văn học với viên phi công tù binh. Và khi McCain nói ông ta thích đọc tác phẩm của các nhà văn Mỹ John Steinbeck, Hemingway, và cho rằng Steinbeck sau này viết không hay vì "già rồi nên cỗi", ông ta đã được lão nhà văn Việt Nam chỉnh lại, rằng Steinbeck "lẫn mất phương hướng và sự thật lịch sử rồi", rằng đáng ra, người ta phải thu hồi cái sắc bằng (của giải Nobel) đã trao cho ông này vì những trang viết ca ngợi sự giết chóc của quân xâm lược Mỹ.
Nhân thể, Nguyễn Tuân đã nói cho McCain hay, việc ông ta còn sống sau lần máy bay bị bắn hạ không phải vì "Chúa Trời nào đã cứu sống anh đâu, mà chính là vì những người dân Hà Nội chân chính đó đã hết sức tôn trọng phép nước đối với tù binh Mỹ bị bắt sống". Theo phân tích của Nguyễn Tuân, những người bơi ra vớt McCain ở hồ Trúc Bạch hôm ấy hoàn toàn có thể giết chết ông ta vì họ từng là nạn nhân của bom đạn Mỹ. Cuối buổi trò chuyện, McCain thổ lộ: "Có lẽ sau này tôi sẽ xin đi làm quản lý ở một công ty nào" và "tôi là một người đang thấy cần phải có hòa bình và mong chiến tranh kết thúc". Ra về, Nguyễn Tuân đã để cả chỗ thuốc lá còn lại cho McCain.
Qua cuộc phỏng vấn nói trên, có thể thấy nhà văn Nguyễn Tuân đã thực hiện rất tốt việc mà ngày nay chúng ta gọi là "ngoại giao văn hóa".
GTVN