Văn học
Những người làm sách trẻ
25/03/2022 12:00:00

Bài viết nhỏ này sẽ chia sẻ đôi dòng tâm sự, quan điểm lẫn trải nghiệm làm sách của vài đại diện trẻ măng và thú vị trong làng xuất bản Việt.

 
Bộ sách những chuyện kể của Thornton Burgess với những tranh minh họa bởi các họa sĩ Việt Nam. Ảnh: Crabit Kibooks

Hiện nay, ngoài các NXB lớn và uy tín như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Giáo dục… hay các công ty sách tư nhân đã quen mặt với độc giả như Nhã Nam, Đông A, First News – Trí Việt, Alphabooks… sự xuất hiện của các gương mặt trẻ và độc đáo đã và đang đem lại nhiều gia vị mới lạ cho thị trường sách trong nước.

Làm sách để không cố dạy ai điều gì

Đầu tiên, xin được kể đến Du Bút, một công ty sách độc lập với trọng tâm là các tác phẩm sáng tạo của tác giả và họa sĩ Việt Nam.

* Bắt đầu từ đâu và lý do gì khiến Du Bút dấn thân vào nghề làm sách này?

– Du Bút: Tụi mình là một nhóm người trẻ, mỗi người một nghề mà tình cờ tập hợp lại với nhau, tạo thành đủ một quy trình xuất bản. Thành lập từ 2016, khi nhận thấy thị trường sách sáng tạo tại Việt Nam hầu hết là các tác phẩm từ nước ngoài trong khi nghệ sĩ, họa sĩ Việt dù rất tài năng nhưng lại chưa được nhiều độc giả trong nước biết đến, tụi mình lập ra Du Bút như một cầu nối giúp tác phẩm chất lượng tiếp cận nhiều người đọc hơn. “Du Bút” nghĩa là những chuyến du hành bắt nguồn từ ngòi bút; mở ra những thế giới thông qua câu chuyện, qua tác phẩm, qua tranh vẽ của các tác giả.

Du Bút có hai thành viên thường trực là Duy Nguyễn và Thanh Quỳnh, kết hợp cùng mạng lưới cộng tác viên đa dạng và đa tài.

* Đối với các đơn vị xuất bản tư nhân, việc tạo dựng cá tính riêng rất quan trọng, vì khi tiềm lực có hạn, không thể trải rộng đủ thể loại sách như các NXB lớn. Vậy đặc tính riêng của sách Du Bút là gì?

– Chúng mình tự thành lập công ty cũng là để có được sự tự do và độc lập này đây. Du Bút muốn đem tới những cuốn sách không để dạy ai điều gì, chỉ muốn khơi gợi những ý tưởng, những xúc cảm, những cuộc thảo luận, thách thức các định kiến (mà đôi khi bạn không nhận ra).

Chúng mình lựa chọn các bản thảo dựa trên việc nó có thể giúp thay đổi cái nhìn một chiều nào hay không. Ví dụ tác phẩm Về nơi có nhiều cánh đồng (tác giả Phan, 2019) kể câu chuyện bỏ phố về vườn chân thật của những người trẻ với nhiều khía cạnh vất vả, khổ ải chứ không chỉ lãng mạn, nên thơ. Hay cuốn Ê có khi nào…? (tác giả Sói ăn chay, 2020) là một tuyên ngôn nhỏ về việc dân làm sáng tạo Việt Nam không thua kém gì nước ngoài: một ấn phẩm có ý tưởng độc đáo, sử dụng tiếng Việt thật hay và đẹp, cũng như thiết kế những trải nghiệm hiện đại, thẩm mỹ và thú vị. Hoặc cuốn Mùa hè bất tận (tác giả Lâm Hoàng Trúc, 2021) là một câu chuyện trần trụi khác về học đường, áp lực học hành thi cử hay những kỳ vọng vô lý của phụ huynh. Việc lựa chọn làm các ấn phẩm có hình ảnh cũng là để “phản pháo” lại quan điểm sách ít chữ nhiều hình thì kém giá trị.

Mỗi cuốn sách của Du Bút đều như giao thoa giữa tổ chức bản thảo truyền thống và một dự án thiết kế sáng tạo. Đối với chúng mình, mỗi tác phẩm không chỉ đơn thuần là một cuốn sách giấy. Nếu có thể làm được điều gì để góp phần tạo một trải nghiệm trọn vẹn cho độc giả khi đến với tác phẩm, chúng mình sẽ không ngần ngại tìm cách thực hiện. Đó có thể là xây dựng bộ lọc (filter) hiệu ứng thực tế ảo và sắp tới là ứng dụng điện thoại riêng cho những tranh vẽ trong Ê có khi nào…?, là triển lãm mô hình đất sét tái hiện bối cảnh truyện Thị trấn hoa mười giờ (tác giả Phan, 2020) thu hút hơn 3000 lượt khách tham dự trong ba tuần, cũng như các sản phẩm đi kèm như thiệp, lịch, cài áo, móc khóa… Đối với chúng mình, đó không chỉ là công cụ marketing mà là một phần mở rộng của tác phẩm. Tất cả tạo thành một tổng thể thống nhất, nâng tầm cho cuốn sách.

Ngoài ra, Du Bút cũng đang tập trung một phần lực vào việc phát triển mảng truyện tranh & graphic novel dành cho người trưởng thành. Ai bảo lớn rồi thì không được đọc truyện tranh?

* Trong quá trình làm sách, các bạn gặp nhiều khó khăn với khâu nào nhất?

– Để đạt được những yêu cầu về kỹ – mỹ thuật cũng như tính thương mại riêng của tác phẩm, đôi khi chúng mình phải sử dụng nhiều nơi cung cấp dịch vụ khác nhau cho từng khâu trong quá trình in ấn thành phẩm, chứ không khoán hoàn toàn cho một nhà in. Có rất nhiều lỗi có thể xảy ra ở khâu thành phẩm này: xếp lộn trang, xén lố, xén thiếu, lệch gáy, tay gấp thừa /thiếu, dính trang, đóng nhầm giấy in nháp, dư keo đóng gáy,…

Trong suốt quá trình in ấn và thành phẩm, tụi mình thường chia nhau túc trực tại xưởng in nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều, cũng như can thiệp ngay khi có vấn đề, giảm thiểu nguy cơ xảy ra lỗi. Lúc nhận sách in xong thì cũng phải thực hiện kiểm phẩm từng cuốn. Tuy vậy, vẫn đôi lần bị sót lỗi, khó tránh khỏi. Bên cạnh lỗi in ấn thì cũng có lỗi nội dung, biên tập. Tất cả những vấn đề này chúng mình đều đang cố gắng cải thiện từng ngày.

* Trong năm 2022 này, Du Bút có dự án nào thú vị sắp ra mắt không?

– Năm nay chúng mình vẫn giữ định hướng phát triển mảng truyện tranh cho người trưởng thành của các tác giả Việt và các sáng tác của giới sáng tạo, nghệ thuật. Cụ thể là sẽ có các ấn phẩm truyện tranh cho người trưởng thành (graphic novel) với đề tài thách thức người đọc, buộc độc giả phải suy tư hơn nữa – như về lịch sử chẳng hạn. Phần còn lại xin phép giữ bí mật một tí.

* Cảm ơn Du Bút đã tham gia buổi trò chuyện!

Làm sách để thay đổi cách đọc sách

Một cái tên mới mẻ khác cũng đang dần khẳng định tiếng nói trên thị trường sách Việt là Crabit Kidbooks. Ra đời cách đây bốn năm, Crabit là nhà sách tập trung nghiên cứu và phát triển những đầu sách thiếu nhi phù hợp với đối tượng từ 0-12 tuổi. Nổi bật nhất là các tựa sách tranh (picture book) bìa cứng, in ấn chỉn chu không khác gì sách bản gốc ở nước ngoài, đi cùng bản dịch với ngôn ngữ phong phú, biểu cảm.

* Riêng về sách thiếu nhi thì thị trường trong nước sẵn đã có nhiều đơn vị đã và đang làm, vậy Crabit nhận thấy thị trường còn thiếu điều gì mà lại quyết tâm theo đuổi mảng sách này?

– Crabit Kidbooks: Mình nhận thấy điều thị trường Việt Nam còn thiếu có thể không phải là các tựa sách hay, mà là cách sử dụng chúng. Đó không chỉ là một cuốn sách đơn thuần, mà nó nằm trong một bức tranh tổng thể của nền công nghiệp xuất bản, lẫn giáo dục.

Cuốn sách “Ê có khi nào…?” và hiệu ứng AR (thực tế ảo) khi chiếu ứng dụng di động vào trang sách. Ảnh: Du Bút

Theo như quan sát và trải nghiệm cá nhân của mình, ở Việt Nam thường trẻ được để tự đọc sách hoặc đọc để học. Một cuốn sách có nhiều hơn một cách đọc, cách chơi. Mục tiêu các sản phẩm của bên mình là lấy trẻ em làm trung tâm, đem lại những trải nghiệm thẩm mỹ, giáo dục, văn hóa, kỹ năng tốt đẹp nhất. Nhưng bên cạnh đó, mục tiêu quan trọng không kém nữa là cung cấp phương pháp để phụ huynh có thể cùng tận hưởng, đồng hành với trẻ.

* Các bạn có thể đưa ra ví dụ cụ thể về phương pháp khai thác một cuốn sách được không?

– Hệ thống sách của Crabit phân loại theo lứa tuổi và đối tượng phù hợp rất rõ ràng. Sản phẩm của bên mình có hai nhóm chính: vật phẩm giáo dục (như sách dạy số đếm, màu sắc, trò chơi ngôn ngữ…) và sách cho trẻ em (sách tranh, sách minh họa, sách tương tác, sách khổ lớn cho hoạt động thư viện…). Hệ thống này sẽ giúp phụ huynh lựa chọn sách dễ dàng hơn.

Lấy ví dụ đối với các độc giả nhí mới tiếp xúc với con chữ, sách tranh với nhiều hình ảnh rất phù hợp để các em làm quen. Nhiều bậc phụ huynh còn bối rối, sách ít chữ như thế này thì đọc 5-10 phút là hết mất rồi. Thậm chí có những sách còn hoàn toàn không có chữ nào. Nhưng có nhiều cách để chúng ta đọc đi đọc lại một cuốn sách.

Ngoài ra, Crabit thường xuyên giới thiệu các hoạt động có thể đi kèm với quyển sách. Sau khi đọc sách xong, các em có thể cùng bố mẹ, người lớn bàn luận, cùng chơi các trò chơi (đóng vai các nhân vật trong sách, tự kể lại phiên bản chuyện của riêng mình…) với sách.

Kèm theo các sản phẩm, Crabit còn cung cấp miễn phí các tài liệu chuyên môn về giáo dục, nuôi dạy trẻ, cũng như chia sẻ nhiều bài viết review sách chất lượng, tư vấn khách hàng trên fanpage và trang web chính thức.

* Crabit có định hướng như thế nào để tạo dựng bản sắc riêng cho mình?

– Crabit dùng hình thức truyện kể để mang đến cho trẻ em những kiến thức cơ bản về tự nhiên và xã hội, đồng thời khơi gợi trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Crabit muốn các em và cả cha mẹ, người chăm sóc các em cũng tận hưởng, thích thú với việc đọc những cuốn sách ấy.

Bên cạnh phần nội dung thì Crabit cũng đầu tư mạnh vào hình thức, không ngừng cải thiện chất lượng gia công. Crabit có nhiều tựa với quy chuẩn tương đương sách nước ngoài, khổ lớn, bìa cứng, có box set hộp đựng chỉn chu, in màu toàn bộ… Nếu sản phẩm in ra mà không đẹp thì chúng mình cũng không đành cho ra, sẽ hủy luôn.

* Sách nói chung và đặc biệt là sách thiếu nhi nói riêng, dịch thuật luôn là yếu tố độc giả cân nhắc cẩn trọng trước khi chọn mua. Vậy Crabit có bao giờ bị phê bình bản dịch không?

– Tất nhiên là có rồi. Các phản hồi như vậy thường chia thành hai nhóm. Một là những phản hồi chung chung như tôi thấy dịch chưa hay, đọc lên thấy không bằng bản gốc. Trường hợp này thì Crabit xin ghi nhận và chỉ biết nỗ lực hơn.

Trường hợp thứ hai là những phản hồi rất cụ thể, như chữ này là gì, có bị sai hay tối nghĩa. Với tình huống này thì Crabit trước tiên sẽ phải đi kiểm tra lại, tra từ điển, tra tài liệu chuyên môn. Nếu sai thật, Crabit xin cảm ơn những góp ý và sẽ ghi chú lại để sửa chữa. Còn cũng có những trường hợp, từ cũ hoặc hiếm một chút, như “ta thán” hay “đoan chắc” chẳng hạn, độc giả chưa quen tai thì Crabit sẽ giải thích theo từ điển. Trên fanpage Crabit có một chuyên mục giải nghĩa những từ hay, thú vị xuất hiện trong sách của Crabit.

Có vài phản hồi như dịch không sai nhưng đọc không mượt và khó cho trẻ con. Nhưng quan điểm của bên mình cho rằng khái niệm “đọc mượt” cũng rất vô chừng. Tùy theo từng cuốn sách mà văn phong đặc thù khác nhau. Ví dụ có cuốn chú trọng hơn đến những âm tượng thanh, để đọc lên nghe thú vị, buồn cười, nên có vài chữ hơi khó. Đặc thù của từng ngôn ngữ khác nhau, khó mà có bản dịch sao y bản gốc được. Quan điểm của ban biên tập của Crabit cho rằng đọc sách là một cơ hội để phát triển ngôn ngữ, cho nên thông thường chúng mình sẽ cân nhắc có lượng từ vựng mới phù hợp cho lứa tuổi tương ứng. Số này chiếm khoảng 10% lượng từ vựng trong một quyển sách.

Tóm lại, tôn chỉ của Crabit là cởi mở, trao đổi cùng độc giả trên tinh thần xây dựng. Kiên định nhưng cũng chịu khó lắng nghe.

* Có cuốn nào của Crabit được độc giả khen ngợi nhiều nhất về phần dịch không?

– Có vài cuốn như Cuộc phiêu lưu của cô gà mái Louise (tác giả Kate DiCamillo & Harry Bliss) do Đông Phong biên dịch, hay cuốn Sally hạt tiêu và điều nhỏ bé phi thường (tác giả Justin Roberts & Christian Robinson) do Anh Tô dịch thành thơ, nhận được nhiều cảm tình từ độc giả.

* Crabit có thể bật mí một vài dự định sắp tới không?

– Song song với các tác phẩm chất lượng chọn lọc từ nước ngoài thì Crabit cũng muốn đẩy mạnh sách của các tác giả trong nước. Mới đây Crabit vừa phát hành cuốn Ngày nào em bé cỏn con về đồng dao, ca dao, hát ru, văn hóa dân gian Việt Nam. Và năm 2022 hứa hẹn sẽ là một năm Crabit phát hành thêm nhiều tác phẩm của các tác giả, họa sĩ Việt Nam.

* Xin cảm ơn Crabit!

Nguồn: https://vanvn.vn/
 
 
Các tin mới hơn
Tương lai nào cho trinh thám Việt Nam?(23/09/2022)
Delia Owens đã viết ‘Xa ngoài kia nơi loài tôm hát’ trong 10 năm(31/08/2022)
Cơn gió lạ từ tiểu thuyết gia 12 tuổi Cao Việt Quỳnh(31/08/2022)
Những bí ẩn vẫn chưa có lời giải của văn học Anh(31/08/2022)
Ngày càng vắng những tác phẩm viết về công nhân mỏ(31/08/2022)
Các tin cũ hơn
Giúp các cuộc thi văn chương địa phương hay hơn (24/03/2022)
Khát vọng đất nước hùng cường trong tiểu thuyết của Lại Văn Long (24/03/2022)
Thói siêu nịnh, tật hư danh(16/03/2022)
Văn học Việt Nam trong con mắt thế giới(14/03/2022)
Gogol nghĩ gì?(10/03/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na