Văn học
Khát vọng đất nước hùng cường trong tiểu thuyết của Lại Văn Long
24/03/2022 12:00:00

Cuộc chiến giữa Nga – Ukraine đang cuốn hút sự chú ý của cả thế giới, khát vọng hòa bình lại bùng lên trong tâm thức những con người yêu hòa bình. Trong tình hình đó, tình cờ tôi đọc tiểu thuyết Người khổng lồ đội mồ kể chuyện (NXB Hội Nhà văn 2019) của Lại Văn Long, lại bắt gặp những cuộc chiến trong tác phẩm này. Nổi lên trong đó là khát vọng hòa bình cho mỗi dân tộc được chung sống bình yên và yêu thương nhau, là khát vọng hùng cường cho non sông đất nước mà nhà văn Lại Văn Long gửi gắm vào trang viết của mình.

 
 

Người khổng lồ đội mồ kể chuyện – tiểu thuyết Lại Văn Long

Kết hợp, pha trộn giữa thể loại huyền thoại, huyền sử và cả chính sử đã được “chuyển hóa”, nhà văn Lại Văn Long đã tạo ra tiểu thuyết Người khổng lồ đội mồ kể chuyện một câu chuyện độc đáo, một thế giới kỳ lạ vừa huyền bí vừa gần gũi, ly kỳ hấp dẫn nhưng vẫn đầy ắp tính thời sự. Những dấu mốc của thế cuộc và cả dấu ấn lịch sử dân tộc đã được “ẩn giấu”, làm “mờ” đi, từ đó giúp tác phẩm chuyển tải nhiều thông điệp, nhiều ẩn dụ và bài học có tầm vóc và đầy ám ảnh.

Từ ngôi mộ cổ Hàng Gòn ở Long Khánh, Đồng Nai, nhà văn Lại Văn Long đã tưởng tượng ra nhân vật người khổng lồ – chiến binh anh hùng ArMy vĩ đại và đáng yêu, một nhân vật huyền thoại mà gần gũi và giàu chất người vô cùng với những khát vọng cao đẹp dành cho dân tộc và đất nước Ma Y Cổ Tỳ. Trong tác phẩm này, nhà văn đã dựng lên nhiều nhân vật giàu tính biểu tượng, biểu trưng, nhiều ẩn dụ để biểu đạt các ý đồ, tư tưởng của mình vào từng nhân vật có tính đại diện. Họ vừa hư vừa thực, vừa có nét hư cấu, vừa như thấy tồn tại ở đời, hay từng có trong lịch sử.

Đó là sự sáng tạo độc đáo của nhà văn Lại Văn Long. Chẳng hạn, nhân vật Thượng sư Kiều Chân Như – đại diện cho tham vọng dùng Thánh giáo Bà la môn thống trị, bị giáo lý tôn giáo mê hoặc đến mê muội với khát vọng “Thánh giáo đại đồng”. Hay nhân vật Rị Thi Ân Điền – quốc vương của Hoàn vương quốc, kẻ thù to lớn của đất nước Ma Y Cổ Tỳ, đại diện là tầng lớp vua chúa độc tài, tham vọng bành trướng, gian xảo và nham hiểm, luôn muốn xâm lăng thống trị Ma Y Cổ Tỳ để biến thành quận huyện của nước mình…

Chính những mâu thuẫn trong hàng ngũ lãnh đạo của đất nước Ma Y Cổ Tỳ, chính đường lối sai lầm của Kiều Chân Như về tôn giáo, đã làm đất nước suy yếu, giúp cho mưu kế của Ân Điền có cơ hội phát tác. Nhân vật Ân Điền này quen thuộc như chúng ta đã từng gặp trong lịch sử. Những ấn tượng về vị quốc vương tham vọng bành trướng này gây ra khiến người đọc căm thù và cảnh giác.

Để chống lại âm mưu và sự thôn tính của Ân Điền, ArMy và những đồng đội của mình đã anh dũng đứng lên đánh lại quân xâm lược và giành thắng lợi. Vị anh hùng khổng lồ này thấy rằng, cần làm cho đất nước giàu mạnh lên, thoát khỏi tư tưởng dùng tôn giáo thống trị, phân chia giai tầng gây chia rẽ và thù hận trong lòng dân tộc của Kiều Chân Như, phải để cho nhân dân tự do, phải có dân chủ… thì mới tạo nên sự phát triển, mới có sức mạnh để chống lại kẻ thù, để đất nước trường tồn và yên ổn.

Với tôi, đây là một tác phẩm mang tính ẩn dụ, ẩn chứa những tư tưởng nhân sinh, những suy tư về nhân thế, đất nước và dân tộc. Đó là một tiểu thuyết luận đề day dứt và gợi nhiều suy tưởng lớn cho sự tồn tại, phát triển của con người, của mỗi dân tộc và đất nước.

Nhà văn Lại Văn Long

Từ trong các trang viết này, tôi nhặt ra nhiều “hạt vàng” tư tưởng, triết lý gần gũi, sâu sắc và thiết thực. Tôi tìm thấy những lý giải thoạt nghe như đơn giản mà thấu triệt và hợp lý đến ngỡ ngàng, bất ngờ vỡ òa thú vị và tâm đắc. Đó là bài học không thể dung hợp giữa quyền lực chính trị và tôn giáo, là sự vi diệu của đạo Phật trong việc giải thoát sân si khổ nạn của kiếp người và sự bao dung độ lượng với câu nói của Đức Phật: “Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn”. Đó là bài học về sự bình đẳng, tự do: “Hãy để mọi người yêu nước theo cách của mình, đừng gộp họ như bầy cừu dưới roi vọt và chuồng trại…”.

Không phải là người trải đời, không yêu con người, không trăn trở với đời sống và dĩ nhiên là cái vốn văn hóa, cái nền kiến thức và cả sự suy tư, suy tưởng đầy trách nhiệm, thì không thể có những trang viết trí tuệ và đau đáu nhân tình như thế! Nó cuốn hút và quyến rũ, thấm vào lòng người đọc gây thổn thức, yêu thương, khao khát.

Tiểu thuyết này còn sử dụng thủ pháp kết hợp hiện tại qua lời kể của nhân vật nhà báo, kết hợp, kết nối với những hồi tưởng quá khứ 2000 năm trước qua lời kể của dũng tướng ArMy, lời văn dung dị, mộc mạc nhưng nhiều cảm xúc, nhiều tầng nghĩa. Đặc biệt, trong truyện, tác giả dụng công sáng tạo nên một số loại vũ khí độc đáo, kỳ dị như: Thiết giáp hạm, máy bắn đá, diều bay chở “bom cháy”… dù là hư cấu của nhà văn, nhưng vẫn gây ấn tượng như thật, có thật!

Gấp những trang sách này lại, những điều trăn trở về sự tồn vong, về cái ác, về sự đấu tranh sinh tồn, chiến tranh – hòa bình giữa nước nhỏ với các cường quốc… sẽ khiến người đọc ám ảnh và suy ngẫm không ngừng, nó truyền đi những thông điệp, bài học, khát vọng sống, khát vọng hòa bình cho con người, giúp con người lên án, loại trừ cái ác.

Đằng sau những trang viết của anh, tôi đọc được khát vọng hùng cường cho dân tộc, đất nước mình, ước ao sẽ có những người khổng lồ trí tuệ để xây dựng và bảo vệ biên cương, giúp dân tộc Ma Y Cổ Tỳ nhỏ bé được phát triển, trường tồn.

 Nguồn: https://vanvn.vn/
 
 
 
Các tin mới hơn
Tương lai nào cho trinh thám Việt Nam?(23/09/2022)
Delia Owens đã viết ‘Xa ngoài kia nơi loài tôm hát’ trong 10 năm(31/08/2022)
Cơn gió lạ từ tiểu thuyết gia 12 tuổi Cao Việt Quỳnh(31/08/2022)
Những bí ẩn vẫn chưa có lời giải của văn học Anh(31/08/2022)
Ngày càng vắng những tác phẩm viết về công nhân mỏ(31/08/2022)
Các tin cũ hơn
Thói siêu nịnh, tật hư danh(16/03/2022)
Văn học Việt Nam trong con mắt thế giới(14/03/2022)
Gogol nghĩ gì?(10/03/2022)
Nhặt chuyện văn nhân: Ông Đỗ Chu(07/03/2022)
Khúc ca Trường Sơn(04/03/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na