Văn học
Ngày càng vắng những tác phẩm viết về công nhân mỏ
31/08/2022 12:00:00

Khoảng chục năm gần đây, chúng ta thấy thưa vắng những tác phẩm về đề tài công nhân mỏ. Đề tài thợ lò càng hiếm thấy hơn. Từ khi đội ngũ công nhân mỏ hình thành, những tác phẩm viết trực tiếp về thợ lò chỉ tính được trên đầu ngón tay. Đó là các tiểu thuyết Mở hầm của Nguyễn Dậu, Đất không giấu mặt của Ngô Xuân Hội, Người cõi âm của Trần Chiểu, Ánh đèn lò của Vũ Thảo Ngọc… Gần đây nhất là Sập hầm của Nguyễn Cao Thâm…

 

Cuộc sống luôn luôn thay đổi. Hình ảnh người thợ lò đã và đang đổi khác rất nhiều theo chiều hướng tích cực. Trước ngày giải phóng, họ là những cu li cõng than, địu than từ hầm lên, từ lò nông choèn và tối tăm chật chội ra. Người nhỏ quắt, đen đúa, nhọc nhằn, thậm chí bẩn thỉu. Họ đều không biết chữ. Không nói, không hiểu được những cậu nói dài quá bảy từ. Vào lò, họ chỉ biết làm. Ra lò, người như nhộm bùn than đất. Đàn ông đàn bà con trai con gái gầy đen như nhau. Khổ nhất là chị em phụ nữ. Họ bị làm nhục mà không dám kêu ai. Tôi vẫn nhớ bà Đ. người gần nhà tôi, cao to lừng lững. Bà đi làm bị cai chủ lò, cu li lò làm nhục thường xuyên đến mức có chồng không sinh nở được. Người cao như cây sào mà khô đét. Tay mặt chằng chịt những vết chàm than xanh xanh lằn sâu trong da. Ăn thô, nói tục, rượu húc, gái xơi là hình ảnh chung và là nét văn hóa của thợ lò những năm xa xôi ấy. Họ chỉ mong đủ áo cơm đắp đổi qua ngày, thời thế ra sao không cần quan tâm. Cách mạng đã nhen nhóm niềm tin cho họ.

Thời chúng tôi, những người phụ nữ không được vào lò. Trong những đường lò càng vào sâu càng nhỏ hẹp, những người đàn ông nối đuôi nhau tiến sâu vào bên trong. Từng tốp, từng tốp lần lượt rẽ sang khu vực làm việc của mình. Tối tối, họ trở về những căn nhà, căn hầm tránh bom đạn Mỹ hủy diệt. Căn hầm tối om om được thắp sáng bởi vài chiếc đèn đốt bằng dầu ga doan. Giấc ngủ và những câu chuyện ấm lạnh đủ làm khô bớt những giọt mồ hôi hòa lẫn với bụi than. Đâu đó chung quanh phản kê, lót lá là tiếng nước ngầm tí tách từ trong lòng khe than ra. Mặt công nhân than vẫn đen đúa, vai vác cái búa lò một đầu bập vào một đoạn gỗ lò thừa, một đầu khoác chiếc đèn đất. Trong nắng sớm đã lên, ngọn đèn đất vẫn còn cháy xi xeo. Họ cắm cúi đi trên phố. Về nhà rửa ráy qua loa, nằm vật ra ngủ tới chiều. Sau rồi đèn đất được thay bằng đèn lò. Người thợ hết ca, cởi bỏ quần áo, tồng ngồng dưới những tia nước nóng chảy trên đường ống được đục lỗ. Tắm giặt xong, họ vắt quần áo ướt lên vai vội vã về nhà. Những người thợ thuộc thế hệ chúng tôi ngày ấy không có mấy ai tính toán thiệt hơn. Nó trong sáng, vô tư, thoải mái, nhẹ nhàng nhưng chất chứa một sự nhọc nhằn đầy khốn khó. Những thanh niên nông thôn ở nhiều vùng quê được tuyển chọn ra mỏ học nghề, ai cũng nghĩ mình gắn bó lâu dài với mỏ. Nhưng rồi, có người phải xa mỏ ra chiến trường tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc để rồi không bao giờ được trở lại. Họ đã hóa thân vào đất chiến trường, góp phần làm tươi thắm cho mầu xanh đất đai. Đất mỏ lại tiếp đón những lứa thanh niên mới, trẻ trung hơn, sôi nổi hơn, học lực hơn bổ sung và thay thế. Họ sẵn lòng hy sinh vì đồng nghiệp bởi cái nghề thợ lò thật vô cùng gian khổ, yếu tố nguy hiểm luôn rình rập. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng đã khẳng định Ngành sản xuất Than cũng như quân đội đánh giặc... Bác nói vậy để thấy sự hy sinh cao cả những người thợ trên mặt trận khai thác than làm giầu cho Tổ quốc. Nó đã thấm đẫm biết bao sức lực, trí tuệ và cả máu xương của người thợ để làm cho những dòng than tuôn chảy không nghỉ không ngơi. Chỉ có những người trong lò mới hiểu được giá trị cao quý của từng hòn than được lấy từ lòng đất. Họ thầm lặng hi sinh, luôn sống giản dị như bao người, không đòi hỏi gì nhiều cho riêng mình. Họ mơ ước cho đất nước, cho đồng nghiệp và gia đình có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Những người thợ lò hôm nay, cuộc sống đã thay đổi một trời một vực. Ăn cơm công nghiệp tự chọn, tắm nước nóng, xe đón xe đưa. Quần áo thay ra có người giặt giũ. Lương cao ngất ngưởng. Có người thợ lương tới ba trăm triệu một năm. Những công nhân ở tập thể được công ty lo chu đáo về chỗ ăn ở. Đãi ngộ thu hút học sinh học nghề, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội; môi trường làm việc với chế độ đãi ngộ... Trong đó, giải pháp thu hút học sinh học các nghề mỏ hầm lò là một trong các giải pháp ưu tiên đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua. Bằng nhiều chính sách, đãi ngộ tốt như hỗ trợ 100% học phí và tiền ăn, ở cho học sinh; hỗ trợ chi phí đi lại khi nghỉ hè, nghỉ tết; chi trả 70% lương sản phẩm khi học sinh thực tập; bố trí việc làm khi tốt nghiệp... Tại sao những thợ lò vẫn bỏ việc. Trình độ được nâng cao, kém nhất cũng đã qua phổ thông, Người thợ lò trình độ văn hóa không khác gì so với những công dân bình thường. Các đơn vị ngành than vẫn phải tìm cách giữ chân họ để họ gắn bó với than. Họ sống, suy nghĩ thế nào trong công việc. Hoàn cảnh gia đình, tâm tư tình cảm của họ ra sao với nghề, với những đổi thay lớn lao của địa phương, của đất nước. Đừng thấy không gian làm việc của họ là màu tối của hang đá, xen lẫn ánh sáng của đèn pin, của máy phát… ngày cũng như đêm. Đừng thấy quần áo, mặt mũi họ lúc nào cũng lấm lem, đen xì bụi than do thường xuyên phải tiếp túc với các chất độc hại như bụi than, bụi đá, kim loại… khi bước ra khỏi lò. Những mái đầu còn vương giọt nước sau mấy lần tắm rửa mới sạch mà chỉ thấy sự vất vả. Họ còn bao nhiêu ước mơ, khao khát đến cao đẹp, lãng mạn khác. Điều này đang đợi những nhà văn công nhân trực tiếp sống và làm việc như người thợ mới có thể thể hiện được.

So với thực tế trong sản xuất, số lượng các tập tiểu thuyết, truyện ngắn viết về thợ lò còn rất mỏng. Mặc dù có nhiều nhà văn ở vùng than, trong công nhân, làm công nghiệp đã được khẳng định. Nhắc tới họ, chúng ta nhớ ngay đến những sáng tác đã làm nên tên tuổi họ; nhưng còn bao người vẫn suốt đời cặm cụi tìm tòi, vẫn âm thầm mải miết với những giấc mộng không cùng. Những nhân vật như Đào Văn Đáo, như Hóa thợ lò có khát vọng học lên nữa để trở thành kỹ sư, như Lợi, thản nhiên đến với mỏ lại bỏ về quê hương nhưng nhớ bạn bè, đồng nghiệp không chịu được phải quay về với “ than đen - chuột cống”. Như ông Nhâm, quản đốc công trường đầy kinh nghiệm làm mỏ “… đi lại trong đường lò thực sự là một niềm vui của ông hàng ngày…”. Ông hết lòng ưu ái, chia sẻ với công nhân những vất vả, khó khăn.

Rồi cả những phụ nữ vùng Than kiêu hãnh, dạn dĩ và cũng rất mực đoan chính…

Cuộc sống tốt đẹp được thể hiện dưới ngòi bút của nhà văn như chính từng vỉa than nông sâu, uốn lượn; như chính những hầm lò khúc khuỷu, quanh co và đầy bất trắc. Nó khác xa, đối lập hoàn toàn với cuộc đời phu lò tăm tối, khốn khổ, nhọc nhằn của Thuật trong Lầm than của Lan Khai. Nó cũng khác xa những nhân vật của Võ Huy Tâm, của Nguyễn Dậu. Người thợ lò hôm nay (dù là công nhân hay người quản lý) đều ở vị trí và tâm thế khác hẳn so với ngày hôm qua.

Rất nhiều khó khăn trở ngại đặt lên vai người sáng tạo viết về công nhân mỏ, viết về thợ lò. Dù thế nào, họ đều có chung tình yêu tha thiết con người. Cuộc sống còn nhiều phức tạp, họ không nản lòng, vẫn hăng say sáng tác, coi văn chương nghệ thuật như một đền đài để tôn vinh, ngưỡng vọng con người. Hạnh phúc hay khổ đau, những người nghệ sĩ vẫn tìm đến văn chương bằng một tình cảm tha thiết và trong sáng.

Lịch sử công nhân nhân mỏ đã trải qua hơn một thế kỷ nhưng Than Khoáng sản Việt Nam ra đời mới được hai mươi năm nay. Trong đó, một nửa thời gian vật lộn với khủng hoảng to nhỏ. Sản xuất tiêu thụ nhiều lúc đình đốn trước thách thức nặng nề, thu nhập đời sống của người lao động, của công nhân mỏ cũng ảnh hưởng không nhỏ. Vượt lên tất cả, đáng quý hơn tất cả là đời sống thợ mỏ đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Bên cạnh đó, ngành Than đã chăm sóc, giúp đỡ các cây bút trong và ngoài ngành, tích cực góp phần tạo dựng một đội ngũ sáng tác, làm nền cho một phong trào sáng tác văn học, một vùng văn chương độc đáo vì những người lao động, vì nền văn học công nhân. Các nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ lao động, với độ nhạy bén về nghệ thuật, vốn sống dày dặn và luôn được bồi đắp. Đó là một điều kiện để ra đời các tác phẩm có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc. Việc sưu tầm tái bản những đầu sách viết về người thợ có giá trị của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam là một việc làm cần thiết và hữu ích nhằm tôn vinh những người viết, những người thợ chân chính, cần lao và giúp bạn đọc hiểu biết thêm về sự hình thành, quá khứ, hiện tại và tương lai một ngành công nghiệp lớn của đất nước.

Trong tình hình hiện nay, việc khai thác than đang dịch chuyển sang hầm lò. Tập đoàn và các đơn vị tích cực triển khai tái cơ cấu, cổ phần hoá theo đúng lộ trình; không ít đơn vị sản xuất than lớn thay đổi tổ chức, song trong toàn Tập đoàn, tuyệt đối không xảy ra xáo trộn lớn mà tiếp tục ổn định và có bước phát triển mới. Việc làm, đời sống mọi mặt của thợ lò về cơ bản bảo đảm và được quan tâm nhiều hơn, tốt hơn. Sáng tác về người công nhân mỏ (nhất là thợ lò) và cả đội ngũ văn nghệ sĩ xuất thân từ ngành than đều trầm lắng và thiếu. Thiếu những tác phẩm hay và những nhân tố mới. Đó là một điều bình thường trên chặng đường vận động phát triển của văn học. Một thử thách rất gay gắt về sự tồn tại hay không tồn tại của phong trào văn học công nhân. Sáng tác về người công nhân là vấn đề của đề tài nhưng vấn đề không phải là viết về đề tài gì, mà là viết ra sao. Cũng như việc tài trợ, hỗ trợ là cần thiết nhưng tác phẩm hay không nhất thiết sinh ra từ những cái đó mặc dù đó là những thứ rất quan trọng và cần thiết. Để những trang viết thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, có cuộc đời có số phận có hồn vía, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của bạn đọc hôm nay và hội nhập được với cả thế giới là vấn đề lâu dài, bền bỉ không thể trông chờ vào một hai hay mấy chục năm. Có khi nó đang ấp ủ, đang ra đời. Chỉ có điều, sự chia sẻ, sự giúp đỡ của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam với đội ngũ sáng tác văn học trong công nhân là không hề nhỏ và cần thiết. Là những người sáng tạo văn hóa nghệ thuật, chúng tôi trân trọng và biết ơn các cấp lãnh đạo của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam với bề dày lịch sử của sự nghiệp làm than đã đồng hành cùng với chúng tôi…

Đối với Quảng Ninh, việc duy trì Giải thưởng Hạ Long cho các tác phẩm viết về đề tài công nhân trong nhiều năm là một trong những sự quan tâm lớn lao đối với VHNT. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, giá trị cao. Chỉ tiếc việc sáng tác về người thợ nói chung và thợ lò nói riêng không đều và quảng bá các tác phẩm được giải đến công chúng, đến những người công nhân còn rất nhiều hạn chế, chưa thực sự tốt. Chúng tôi mong được sự quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn. Trong sáng tác nhất là tiểu thuyết và trường ca, mối tình duyên trai gái thường xuyên có mặt nhưng đó chỉ là một cái cớ để nhà văn khai thác nhiều khía cạnh khác của cuộc sống vùng Than. Có lẽ không ở đâu trên đất nước này lại có cuộc sống, lao động vừa nguy hiểm, cực khổ lại vừa lãng mạn đến như vậy. Tuy nhiên, viết về thợ lò là một công việc khó khăn, nhiều thách thức với nhà văn. Thời gian để tìm hiểu, tiếp cận, nắm bắt công việc đã không thể đạt được trong ngày một ngày hai mà mục tiêu hướng tới của văn học là con người. Họ sinh hoạt ra sao, ý nghĩ riêng tư, tâm tư tình cảm về mọi mặt cuộc sống thế nào mới là vấn đề cốt lõi. Qua đó, chúng ta tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của họ mà đại diện ở đây là nhân vật bằng xương bằng thịt. Chúng ta mong đợi các tác phẩm lớn với chất lượng cao thì sự quan tâm, chăm sóc, thúc đẩy của Hội VHNT địa phương là một động lực to lớn. Nhất là việc mở các cuộc thi viết về thợ lò, viết về những vấn đề mà người công nhân hầm lò, người thợ cần quan tâm giải quyết. Tiến hành trao giải thường xuyên cho những tác phẩm xứng đáng, những sáng tác của các cây bút trẻ trong và ngoài ngành. Tiến hành sưu tầm, tập hợp những tác phẩm đã được thời gian kiểm chứng để tái bản, lưu trữ cho các thế hệ sạu.

Để cho ngắn gọn và cụ thế, chúng tôi mong được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về việc xây dựng và hoàn thiện hình ảnh những người công nhân mỏ (trong đó có thợ lò) bằng hình tượng văn học, sinh động và có sức lan tỏa. Mở những cuộc thi tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… về văn học công nhân cho những người trong và ngoài ngành. Một số nhà văn có uy tín, có nhiều sáng tác về công nhân mỏ, về thợ lò cần được hỗ trợ cả về tinh thần lẫn kinh phí giúp họ xuất bản. Tổ chức các cuộc thi dành riêng cho lứa tuổi trẻ, các thế hệ tương lai. Phổ biến rộng rãi những tác phẩm tốt trong quần chúng lao động. Sưu tầm, tập hợp những tác phẩm có chất lượng bền vững với thời gian để xây dựng lên những thư viện có đầy đủ những sáng tác lâu bền về người lao động, về thợ mỏ và những người thợ lò.

Làm được những điều ấy, chúng ta đã có công rất lớn trong việc góp phần tàng trữ, làm mới, xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật của những người lao động, vì những người lao động.

Nguồn: http://baovannghe.com.vn/

 
 
 
 
Các tin mới hơn
Tương lai nào cho trinh thám Việt Nam?(23/09/2022)
Các tin cũ hơn
Tiểu thuyết dưới góc nhìn của nhà văn (30/08/2022)
Kể chuyện chưa biết về nữ sĩ Xuân Quỳnh (29/08/2022)
Hàn Mặc Tử: Thiên thần bị đầy đọa(26/08/2022)
Món quà đẹp dành cho thiếu nhi(25/08/2022)
Văn học mạng trong thời đại hôm nay(24/08/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na