Dưới con mắt của những người nông nổi, luận án trên bị soi moi, phán xét là dở hơi, vì họ cho rằng thiếu gì đề tài hay ho, lớn lao, cấp thiết hơn mà không nghiên cứu, lại hao tâm tổn trí, tốn công mất sức đi nghiên cứu cái hành vi chẳng mấy tốt đẹp của con người.
Đối với các nhà khoa học, nhà văn hóa và chuyên gia ngôn ngữ học sau khi đọc kỹ luận án này đều khẳng định đây là đề tài bổ ích, thiết thực, vì nó đề cập đến một vấn đề tồn tại dai dẳng bấy lâu nay trong đời sống xã hội. Việc nghiên cứu hành vi nịnh trong tiếng Việt không phải để cổ xúy cho thói xấu này, mà thực chất để chỉ ra nguyên nhân, làm rõ bản chất chữ nghĩa, cách thức thể hiện nịnh của con người trong việc dùng từ, giao tiếp, ứng xử, từ đó chỉ ra những lệch chuẩn của các hành vi nịnh đều ít nhiều có động cơ trục lợi không trong sáng của người nịnh.
Cứ tưởng chế độ phong kiến thuở xưa, xã hội phân chia giai cấp sâu sắc giữa kẻ thống trị và người bị trị, giữa bề trên và tôi tớ, giữa bậc quan lại và tầng lớp dân đen, chỉ những người thấp cổ bé họng và mang thân phận con sâu cái kiến mới phải cung kính, cưng nựng, tung hô bề trên với những mỹ từ “có cánh”; nhưng thời nay, hầu như nơi nào cũng đề cao tinh thần cởi mở, trên dưới đoàn kết thương yêu lẫn nhau thì những hành vi nịnh sẽ không còn “đất sống” và dần lùi vào dĩ vãng. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Có người nói vui mà có phần chua chát rằng, thời đại “4.0” công nghệ tinh vi bao nhiêu thì người ta cũng có những biểu hiện nịnh nhau siêu tinh vi bấy nhiêu, nhất là cấp dưới nịnh cấp trên. Thời nay, người ta không chỉ trình bày/ báo cáo/ thưa gửi/ cung kính với bề trên bằng những ngôn từ đã được trau chuốt, bóng bẩy, ngon ngọt, mà còn thông qua/ thể hiện bằng những “bổng lộc tinh thần” không kém phần hấp dẫn và cũng rất hợp “khẩu vị” người trên.
Thượng cấp muốn “đánh bóng” hình ảnh để muôn dân biết mặt, cả nước biết tên, thì hạ cấp nhã nhặn mời truyền thông đến ngợi ca để thượng cấp có cơ hội tỏa sáng lung linh “cả hình lẫn tiếng”. Bề trên muốn “lưu danh cùng hậu thế” thì bậc dưới dù là trí thức, chuyên gia, nhà khoa học chữ nghĩa “đầy bồ” cũng không eo hẹp gì khi đưa bề trên là tác giả chủ biên hàng đầu của nhiều cuốn sách, dẫu bề trên chả phải lao tâm khổ tứ viết nên một chữ nào! Rất nhiều công trình về khoa học, văn hóa, nghệ thuật do các cơ quan, viện nghiên cứu, khoa giáo viên tổ chức nghiên cứu, biên tập, xuất bản thành sách, thành phim ảnh, thành sản phẩm văn hóa mà chúng em ghi tên “bác cả” (người đứng đầu) vào vị trí số 1 trong tập thể tác giả cũng nhằm làm sang trọng cho công trình thôi mà!
Đấy, kể ra vài ba điều như vậy để thấy, cái nịnh thời nay đối với cấp trên tỏ ra “nhẹ nhàng, tinh tế, biết điều” lắm, chứ đâu phải mấy câu nịnh thô thiển nghe đến chối tai. Thế nên, người ta xì xào với nhau, không ngẫu nhiên mà bao người phải chạy vạy khổ sở để được sở hữu chức này, quyền nọ. Bởi khi được cất nhắc, bổ nhiệm vào vị trí chủ chốt, nhất là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan không chỉ đứng trên uy quyền “nói có người nghe, đe có người sợ”, mà có vô vàn cơ hội để được các cấp hạ thuộc vây quanh vừa trân trọng, nâng niu, vừa sẵn sàng chiều chuộng, cưng nựng cấp trên hết mực ở nhiều phương diện, khía cạnh, miễn sao làm cấp trên hài lòng.
Tất nhiên, trong cuộc sống không phải thượng cấp nào cũng thích nịnh, không phải hạ cấp nào cũng khéo nịnh, biết nịnh. Nhưng những đấng quân tử cương trực, giàu lòng liêm sỉ, ghét thói nịnh bợ hình như không nhiều bằng những người chỉ thích say sưa, ham mê với “lời ngon ý ngọt” của hạ cấp. Ngạn ngữ Pháp có câu “Tâng bốc là đồng tiền giả lưu hành dựa trên sự phù phiếm và hư danh của con người”. Tiếc thay, thời nay tinh thần dân chủ của xã hội văn minh đang lên ngôi, mà không ít người vẫn đắm chìm vào hư danh, phù phiếm, khiến cho vấn nạn nịnh bợ làm suy giảm tính uy nghiêm, chuẩn mực của văn hóa công quyền và đạo đức công vụ.
Nguồn: https://vanvn.vn/