Văn học
Giúp các cuộc thi văn chương địa phương hay hơn
24/03/2022 08:32:32

Giải thưởng văn chương địa phương không còn là miếng bánh để luân phiên chia phần trong một phạm vi hẹp nữa, mà cần là sân chơi chung, sòng phẳng, công bằng cho tất cả người yêu văn chương trong cả nước.

 
 
 

Phải tạo không khí

Nhiều hội văn học, nghệ thuật địa phương đã và đang tổ chức các cuộc thi văn chương, kỳ vọng tạo uy tín và tiệm cận, phát triển thành những cuộc thi văn chương lớn.

Các hội văn học nghệ thuật Tuyên Quang, Thanh Hóa, Phú Thọ… vừa phát động cuộc thi truyện ngắn năm 2022, công bố rộng rãi, kỳ vọng thu hút được các tác phẩm có chất lượng tốt. Đây cũng là những đơn vị liên tiếp tổ chức các cuộc thi văn chương trong những năm qua. Trước đó, qua một số cuộc thi của các hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, An Giang, Đà Nẵng và Hải Phòng…, không ít tác giả đã tự tin hơn bước ra “sân chơi lớn”, nhận được sự chú ý của bạn đọc.

Nhà thơ Tạ Bá Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang, Tổng Biên tập tạp chí Tân Trào chia sẻ: Từ nhiều năm nay, mỗi năm hội đều phát động từ một đến hai cuộc thi sáng tác về văn học, nghệ thuật. Có năm dành cho chuyên ngành nhiếp ảnh, hoặc âm nhạc, hoặc mỹ thuật, có ưu tiên nhiều hơn các cuộc thi văn chương, vì số hội viên, tác giả đông đảo hơn so các chuyên ngành nghệ thuật khác.

Nhà thơ Tạ Bá Hương cũng nhận xét, sự đa dạng trong phong cách sáng tạo của mỗi tác giả đã góp phần không nhỏ cho những cuộc thi. Mỗi người một vẻ, mỗi người một giọng. Vừa qua, cuộc thi thơ Tuyên Quang năm 2021 đã có 110 tác giả, với gần 800 tác phẩm tham gia, giúp ban tổ chức lựa chọn được những tác phẩm có chất lượng cao hơn so các cuộc thi trước đây.

Còn theo nhà thơ Thy Lan, Tổng Biên tập tạp chí Xứ Thanh (Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa), năm nào tạp chí cũng có ít nhất một cuộc thi. Ngoài thơ, truyện, bút ký…, còn có thi ảnh nghệ thuật. Nhà thơ cho rằng, việc quy tụ người viết hay các nghệ sĩ là việc thường niên, không chỉ chờ khi có cuộc thi, nhưng các cuộc thi bao giờ cũng quy tụ tốt và kích thích sự sáng tạo. Quan trọng là phải tạo được không khí hào hứng cho đông đảo cộng tác viên, nhà văn, nhà thơ trong và ngoài địa phương. Qua đó, các cuộc thi sẽ như những ngọn gió, làm bùng lên ngọn lửa, truyền năng lượng tích cực.

Trao giải cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” trong đêm thơ Nguyên tiêu Nhâm Dần 2022 ở Thái Nguyên

Đầu tư để thúc đẩy chất lượng

Việc nâng cao chất lượng các cuộc thi cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Song, có một thực tế là không phải cuộc thi nào cũng nhận được nhiều tác phẩm chất lượng tốt. Có cuộc thi, trong thể lệ giải chỉ nhận tác phẩm của tác giả sinh sống, làm việc trong địa phương nên không thu hút đa dạng các gương mặt từ các vùng miền tham gia. Một số cuộc thi dù công bố mời tất cả các tác giả trên mọi miền đất nước nhưng vì quy mô, mức tiền thưởng thấp nên chủ yếu chỉ có người trong nội tỉnh tham dự. Và tất nhiên cuộc thi cũng dễ chìm vào… lặng lẽ.

Từng có băn khoăn rằng, khi mở rộng, mời người trong cả nước dự thi, tác giả ngoài tỉnh có nội lực trội hơn, tác phẩm chất lượng hơn sẽ lấn át tác giả địa phương, khiến sự xuất hiện của các cây bút địa phương thưa vắng, khó tìm kiếm được tác giả cho văn chương tỉnh nhà. Vậy, nên có cuộc thi quá ưu ái, trao giải cao cho tác giả nội tỉnh rồi nhận những phàn nàn từ dư luận. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, chấp nhận cái “thiệt” này sẽ giúp các tác giả trong nội tỉnh vươn lên, không thể trông chờ vào sự “ưu tiên” hay “sân nhà”.

Nhà văn Thy Lan thổ lộ: “Tác phẩm sau được giải chúng tôi đều có tổng kết và đánh giá. Chúng tôi cũng mời các nhà phê bình, nhà văn vào ban giám khảo chấm tác phẩm. Khi làm đúng, chọn chuẩn thì “hữu xạ tự nhiên hương”. Chúng tôi đã tự hào làm “bà đỡ” cho nhiều tác phẩm đến với đông đảo bạn đọc và tác giả đó cũng như được “tắm nước mê” nên say hơn nghiệp viết. Từ đó, nhiều tác giả trở thành hội viên văn học ở địa phương và trung ương. Nhiều tác giả được giải tạp chí Xứ Thanh giờ đã thành giám khảo các cuộc thi”.

Nhà văn Lê Quang Trạng (An Giang) từng giành nhiều giải thưởng văn chương từ các cuộc thi địa phương, cho rằng: “Muốn lan tỏa và nâng cao chất lượng các cuộc thi văn chương của địa phương, trước tiên cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành để nhiều đối tượng được biết, đa dạng về đối tượng và số lượng các tác giả dự thi. Song song đó, ban tổ chức cần quảng bá cuộc thi rộng rãi hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để chất lượng cuộc thi đạt kết quả tốt, các hội địa phương cũng nên phối hợp, tổ chức các trại sáng tác hoặc các chuyến đi thực tế, nhằm kích thích sáng tạo và có được các tác phẩm sát chủ đề, đạt chất lượng cao hơn”.

Nguồn: https://vanvn.vn/ 
 
 
Các tin mới hơn
Tương lai nào cho trinh thám Việt Nam?(23/09/2022)
Delia Owens đã viết ‘Xa ngoài kia nơi loài tôm hát’ trong 10 năm(31/08/2022)
Cơn gió lạ từ tiểu thuyết gia 12 tuổi Cao Việt Quỳnh(31/08/2022)
Những bí ẩn vẫn chưa có lời giải của văn học Anh(31/08/2022)
Ngày càng vắng những tác phẩm viết về công nhân mỏ(31/08/2022)
Các tin cũ hơn
Khát vọng đất nước hùng cường trong tiểu thuyết của Lại Văn Long (24/03/2022)
Thói siêu nịnh, tật hư danh(16/03/2022)
Văn học Việt Nam trong con mắt thế giới(14/03/2022)
Gogol nghĩ gì?(10/03/2022)
Nhặt chuyện văn nhân: Ông Đỗ Chu(07/03/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na