Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện thiếu nhi "Chuyện chép xứ Linh Dương" của Thiên Giang
04/07/2023 12:00:00

Xưa ở xứ Linh Dương có người học trò họ Lý nổi tiếng hay chữ, và hiếu nghĩa. Cha mất sớm, mẹ góa con côi, nhưng người mẹ vẫn quyết tâm nuôi con ăn học, những mong sau này lấy chữ nghĩa làm chỗ dựa tinh thần, để tránh được nỗi gian hiểm cuộc đời, cũng có thể để thi thố với đời. Nhưng khổ nỗi quá long đong về thi cử. Hai khóa thi đều hỏng, mẹ chỉ biết thương con.

 
 
 
Minh họa: Tiến Quân

 

 
 
 
Đến mùa đông, mưa phùn gió lạnh, người mẹ trúng bệnh thương hàn, chả có thuốc nào chữa khỏi, bà cứ héo dần rồi mất.

Thư sinh họ Lý, nghĩ thương mẹ, không nỡ bỏ thi, sợ rằng mẹ ở suối vàng thêm khổ não. Chàng lại lều chõng một khoa thi nữa, nhưng cánh cửa số phận lại khép chặt với chàng.

Có người bảo chàng ở phía Bắc có ngôi chùa tục gọi Quang Nhãn tự, trên đó có vị đạo sĩ, tài năng siêu phàm, có khả năng nhìn thấu, biết hết việc nhân gian. Ngài chu du đây đó, từ rừng ra bể, xuống Nam lên Bắc, khắp mọi nơi, không ai lường trước. Nhưng mỗi năm người ta để ý ngài về đây một lần vào ngày hăm hai tháng Chạp. Ai thật sự chân thành, có gì u uẩn hỏi ngài, đều được phán bảo.

Chàng Lý khăn gói lên đường từ ngày đầu tháng Chạp. Ngày đi đêm nghỉ. Một ngày kia chàng nhỡ độ đường phải vào Thái Sơn trang nghỉ trọ. Quang cảnh khuôn viên đẹp đẽ, từ trong ra ngoài, có vẻ một gia đình phong lưu khá giả. Nhưng người trong nhà rất lễ phép, lịch sự khi có khách xa đến. Để ý thấy hình như gia đình đang có điều gì buồn phiền. Hỏi ra mới biết, trang chủ năm nay đã ngoài tám chục tuổi, vốn là người nhân hậu, có uy thế trong vùng. Tiếc thay cụ bị bệnh lạ, đã hơn mười năm nay không nói được, chỉ nằm trên giường, ra hiệu cho con cháu. Cụ có cô con gái, đã đến tuổi lấy chồng, nhưng từ chối các đám quan chức gần xa đến hỏi. Cô chỉ một niềm, vì thương cha, tình nguyện ở lại để sớm khuya chăm sóc. Có lần bị giục quá, cô nói cho qua chuyện: “Bao giờ cha khỏi bệnh, con mới đi lấy chồng”.

Biết rõ ý định của chàng, cô gái nhà Thái Sơn trang xin nhờ chàng hỏi giúp một câu, cha nàng bị bệnh gì mà bấy nhiêu thuốc được coi là thần dược, chưa một mảy may hiệu nghiệm?

Chàng Lý nhận lời, lại lên đường đi tiếp. Nắng, mưa, đói khát chàng không quản chi. Không sao kể xiết hiểm nguy, gian nan dọc đường, đã nhiều phen tưởng nằm bẹp không thể đi tiếp, chàng vẫn vượt qua. Đến chiều tà ngày hăm mốt tháng Chạp, chàng đến trước một quả núi lớn, có khắc dòng chữ Thiên Trụ Sơn. Quả núi cao chọc trời, dựng ngược lên, cao thăm thẳm, không một bậc đá có thể níu được bàn chân. Biết làm sao có thể trèo qua, khi mà bóng tối đang sập xuống. Còn đang lo lắng tìm cách thì ở đâu xuất hiện một con chồn lông trắng như tuyết. Con chồn hỏi chàng:

- Có phải chàng định vượt Thiên Trụ Sơn không?

- Đúng rồi, nhưng cao thế này, ta leo làm sao được? Nhưng bởi vì đâu mà chồn biết ta muốn vượt núi?

Con chồn bảo:

- Chỉ có ai muốn đến gặp đạo sĩ bên kia núi mới đi lối này.

- Vậy có cách nào, chồn giúp tôi không?

Chẳng ngờ con chồn biết nói tiếng người:

- Có cách đấy. Nhưng nhân tiện chàng hỏi giúp em câu này. Em vốn là tiên nữ ở trên thiên giới, vì phạm lỗi bị đầy xuống làm kiếp chồn trắng. Em đã hối cải tu tâm một trăm năm rồi vẫn chưa được luân hồi. Chàng nhớ nhé.

Chàng nhận lời, và trong nháy mắt, chồn cõng chàng leo vút trong mây sang bên kia quả núi.

Quang Nhãn tự đã hiện ra trước mặt. Phong cảnh nơi này tuy là hạ giới nhưng mỹ lệ thâm nghiêm như cảnh tiên bồng. Chưa kịp định thần thì trời nổi mây giông, gió bay lồng lộng. Một ánh hào quang lóe lên và sừng sững trước mặt là một ông già đầu râu tóc bạc, đạo sĩ tiếng nói sang sảng:

- Có phải ngươi là nho sinh họ Lý ở Linh Dương không, ta biết ngươi có điều u uẩn, vậy cho phép được hỏi ba điều.

Nghe thấy thế chàng Lý sung sướng quá, vái lạy đạo sĩ, mà hỏi lại:

- Dạ, Thưa đây có phải đạo sĩ biết hết chuyện nhân gian… không?

- Đúng vậy. Ta rất vội, nhà ngươi hỏi tiếp đi!

- Thưa đạo sĩ, tại sao cụ già ở Thái Sơn trang nhân hậu, quanh vùng ai đều khả kính mà mang bệnh lạ, bị câm không thuốc nào chữa được…?

- Bao giờ cụ gặp được tế tử.. thì hết bệnh.

- Thưa… thế con chồn trắng bên kia núi Thiên Trụ Sơn đã tu tâm hối cải tròn một trăm năm mà không được hóa kiếp luân hồi?

- Là bởi trong bụng nó còn một hạt ngọc Bảo Linh, chính nó nuốt được trong một lần kiếm ăn trong rừng lim. Nếu tự thổ ra, sẽ hết kiếp nạn….

Chàng Lý chưa kịp hỏi chuyện mình, thì đạo sĩ đã cười sảng khoái:

- Thế là ta đã trả lời ba điều rồi nhé. Chúc nhà ngươi trở về may mắn. Thôi ta bận việc đi đây.

Một đám mây vàng hạ xuống trước mặt, đạo sĩ bước lên mây bay vút vào trời xanh.

Chàng Lý sửng sốt, bàng hoàng. Bấy giờ nghĩ lại mới biết mình đã hỏi đúng ba câu. Câu đầu tiên chỉ có tính kính lễ với đạo sĩ. Chàng vui vẻ lên đường trở về.

Chồn trắng đã đứng chờ chàng ở chân núi, nó hồ hởi:

- Chào chàng! Đạo sĩ bảo chuyện của em thế nào?

- Chồn ơi, trong bụng ngươi có viên ngọc Bảo Linh. Nếu tự thổ ra được, mới nhẹ nhàng thanh thoát, trở về kiếp trước…

Chồn trắng mừng rỡ nói:

- Thế mà em không biết đó là viên ngọc. Vậy em sẽ làm ngay bây giờ.

Chồn trắng cõng người học trò vượt núi. Nó quẫy mạnh rồi nhẩy vọt lên cao, rồi há miệng nhè viên ngọc ra, tặng chàng làm kỷ niệm.

Cầm viên ngọc trên tay, bỗng nhiên cả một vùng sườn núi tỏa ra một thứ ánh sáng ảo huyền, lại có hương thơm rất lạ. Chồn nhảy nhót, tung bay trước mắt chàng Lý. Cái dáng hình của nó cứ biến hóa dần dần thành một con thiên nga, màu trắng như tuyết. Thiên nga lượn ba vòng như chào biệt chàng Lý, sau đó biến vào đám mây hồng, bay vút vào thiên không.

Chàng Lý mang viên ngọc trở về. Đến Thái Sơn trang thì thấy con gái chủ nhà đã chạy ra ngõ đón.

Chàng Lý xin phép gia đình vào phòng riêng thăm trang chủ. Thật như có phép tiên, cụ đã ngồi dậy được từ chiều hôm trước và hết cả bệnh câm. Cụ cho người nhà gọi con gái đến ngồi bên chàng Lý, mà bảo rằng:

- Nay cha đã khỏi bệnh, con lấy chồng đi cho cha mừng. Rồi cụ bảo Lý:

- Đời ta chỉ có mụn con gái này quý giá. Nếu anh không chê, thì ta gả nó cho anh, để giúp anh đèn sách. Ý các con thế nào?

Chàng Lý thì sung sướng, mà cô gái thì e lệ vâng lời. Chàng mang viên ngọc tặng cho vợ.

Thái Sơn trang hôm ấy như là ngày hội lớn. Từ trong ra ngoài giăng đèn kết hoa, chúc mừng trang chủ khỏi bệnh, mừng đôi trai gái nên duyên.

Mùa xuân năm sau, đúng vào năm Thìn, triều đình có khoa thi Hội, chàng Lý lên kinh, thi đỗ Đình nguyên được vinh quy bái tổ.

 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Trang Văn nghệ trẻ: "Tâm sự người lính" của Phạm Ngân Hà (Học sinh lớp Bồi dưỡng Năng khiếu Văn học trẻ 2022(07/06/2023)
Mục Sân khấu: "Lá thư chưa kịp gửi" của tác giả Trần Quang Hợp(07/06/2023)
Mục Văn nghệ dân gian: "Nông cụ xưa" của tác giả Tăng Bá Hoành(06/06/2023)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Ký ức tháng Tư..." của tác giả Bùi Việt Thắng(06/06/2023)
Mục Tác giả-Tác phẩm: "Nhà sử học Tăng Bá Hoành người say mê nghiên cứu sử học và dịch thuật"(05/06/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na