Đài "Tổ quốc ghi công" tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang (Ảnh: P.C)
Với những địa danh lịch sử như: Nghĩa trang Vị Xuyên, điểm cao 468, cung đường mang tên Hạnh Phúc, Đèo Mã Pì Lèng và đặc biệt là “Mỏm tột Bắc”, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn… sẽ mãi là niềm tự hào đối với bất cứ người Việt Nam nào.
“…Đường về biên giới
Tình đất nước đẹp núi đồi
Cánh rừng với dòng sông
Mỗi tấc đất ngàn năm
Gian khó đau thương vẫn ngời sắc hương…”.
Ca khúc “Chiều dài biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung đã theo suốt chúng tôi, những cựu chiến binh Hải Dương cùng dòng người lên với Hà Giang. Qua hết địa phận tỉnh Tuyên Quang, điểm đầu tiên ai cũng mong sớm được tới, đó là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Nghĩa trang nằm bên Quốc lộ 2, thuộc tổ 18 thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm huyện lỵ 2km và cách TP Hà Giang 18km về phía Nam, tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, hướng ra phía trước là dòng Lô Giang lịch sử. Nghĩa trang được xây dựng năm 1990, hoàn thành năm 1991, ngay sau khi kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc ác liệt, diễn ra trong khoảng 10 năm (từ 1979-1989).
Ông Thiều Văn Bốn- nguyên Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) huyện, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên cho biết: đây là nơi yên nghỉ của trên 1700 anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của 32 tỉnh, thành phố từ Bình-Trị Thiên trở ra (trong số đó có 26 liệt sĩ người Hải Dương). Tại nghĩa trang Vị Xuyên cũng có hơn 300 ngôi mộ đã được quy tập, nhưng chưa xác định được thông tin.
Nghĩa trang hiện nay được tỉnh Hà Giang cùng sự giúp đỡ của cả nước, tu bổ, tôn tạo rất khang trang. Hệ thống bia mộ được xây đẹp đẽ, bề thế. Đài Tổ quốc ghi công với kiến trúc uy nghiêm, được mô hình hóa bởi 3 nén hương trầm và 7 vòng khói hương. Chân đài được thiết kế cách điệu của 3 cây súng AK giá vào nhau, khi các anh chiến sĩ nghỉ ngơi giữa các trận chiến…
Nghĩa trang Vị Xuyên ngày càng có nhiều người, nhiều đoàn tới dâng hương, làm ấm áp những linh hồn dưới mộ cùng cả những người còn sống!
Trong hành trình về vùng đất lịch sử Hà Giang, chúng tôi được gặp gỡ ông Nguyễn Ngọc Bài- Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Vị Xuyên: Các trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ở địa phận tỉnh Hà Giang có hàng loạt điểm cao là những trận địa bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Các chiến sĩ đều chung lời thề: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử!”. Trong đó, trận đánh ngày 12/7/1984, là trận chiến khốc liệt nhất tại biên giới Hà Giang, với mật danh MB84. Chỉ trong 1 ngày, tại khu vực Điểm cao 468 (thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên), có tới 600 chiến sĩ Sư đoàn 356 hi sinh. Ngày 12/7 trở thành ngày giỗ trận của sư đoàn.
Cũng do tính chất ác liệt của cuộc chiến và địa hình núi cao, thung sâu, đạn pháo cày xới, thời gian cũng đã làm địa hình địa vật thay đổi, bom mìn còn dày đặc, không có sơ đồ vị trí… vì thế, riêng trên tuyến biên giới Vị Xuyên-Hà Giang ước tính còn hàng nghìn liệt sĩ chưa được tìm thấy, chưa được cất bốc, quy tập vào các nghĩa trang với đồng đội hoặc đưa về với quê hương. Mới đây đã lại có thêm 2 chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tìm hài cốt liệt sĩ khu vực này.
“Anh ngủ im ở cánh rừng nào.
Để mẹ và em nhắn tìm đồng đội.
Mẹ vẫn giữ lá thư anh viết vội.
Tấm ảnh hoen màu đôi mắt còn trong”
Những câu thơ nức nở này vẫn sẽ là sự thôi thúc đối với những người còn sống hôm nay, trong hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ!
Hiện, trên Điểm cao 468, theo sáng kiến và đề nghị của các cựu chiến binh Sư đoàn 356, tỉnh Hà Giang cùng với sự ủng hộ của cả nước đã xây dựng ngôi đền tưởng niệm 4.047 chiến sĩ là người con của nhiều tỉnh thành hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới (từ 1979-1989)... Ngôi đền thờ đã được dựng lên bề thế, là ngôi nhà chung của các anh hùng liệt sĩ và là nơi để các thế hệ người Việt Nam từ nay và mãi về sau tới tri ân.
Vì thế bây giờ, ai đến Hà Giang đều cũng lên đây làm lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ, nghe kể về những tháng ngày oanh liệt năm nào, để rồi mọi người được lặng lẽ nhìn xuống thung sâu, hình dung ra sự điên cuồng của quân xâm lược, sự kiên cường giữ đất của bộ đội ta, để rồi được nghe tiếng chuông đồng dội vào vách núi, quyện hòa với giai điệu bi hùng của lời ca “Về đây đồng đội ơi” của nhạc sĩ Trương Quý Hải, như tiếng gọi của hiện tại với các liệt sĩ hãy tụ về nơi này để chứng kiến tình cảm của người còn sống với người đã hi sinh.
“… Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa. Nhìn kìa, đồng đội tôi 1509 máu thắm quân kỳ; 772, 685 anh em đang về. Và kia 1100, 233, Cô Ích, Bốn Hầm, bờ suối, dốc núi, anh em về dần. Hãy về đồng đội ơi!...” (Lời ca khúc “Về đây đồng đội ơi” của Trương Quý Hải).
“Hỡi các anh hùng liệt sĩ!
Các anh còn đang ở quanh đây, trên các điểm cao 233, 685, 772, Cô Ích, Bốn Hầm, 812, 1509,… những địa danh đã đi vào lịch sử, hay còn nằm trong hang đá, dưới thung sâu trên mảnh đất Vị Xuyên anh hùng, xin hãy tụ về đây Ngôi nhà chung – Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên…” (Trích văn tưởng niệm Liệt sĩ tại cao điểm 468).
Nghìn vạn câu ca, bài báo, triệu triệu con chữ viết về cao điểm 468 mấy thập kỷ qua, đã được cô lại để rồi trở thành văn tế các anh – những linh hồn bất tử. Để bất kỳ ai, dù tới một hay nhiều lần, khi nghe xướng lên, đều cảm thấy như có luồng điện lan tỏa khắp người, cay cay sống mũi và nước mắt cứ ứa ra, rưng rưng. Trước khung cảnh trầm mặc, linh thiêng ấy, khó ai có thể ngăn nổi niềm xúc động dâng trào.
Những chiến công của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi biên giới Vị Xuyên-Hà Giang mãi mãi là những dấu sử hào hùng, những bài ca bất tử của người lính. Họ đã sống, hi sinh trọn vẹn với Tổ quốc và tên tuổi các anh sẽ còn mãi với lịch sử dân tộc này!
Về với Hà Giang, sau khi thăm viếng các địa danh gắn liền với các chiến công của quân và dân ta, ai cũng hẹn nhau tụ về Lũng Cú để ngắm nhìn “Mảnh đất Cực Bắc” từ trên Cột cờ, được hát vang Quốc ca trong Lễ chào cờ Tổ quốc…
“Đỉnh Lũng Cú” là đỉnh Núi Rồng (tức Long Sơn) thuộc bản Thèn Pả (xã Lũng Cú, huyện đồng Văn). Đây chưa phải là nơi cao nhất của Việt Nam, nhưng lại là địa đầu của Tổ quốc. Nơi mà người dân nước Việt nào cũng mơ ước một lần được đặt chân tới.
Theo sử sách còn ghi lại được, tiền thân của Cột cờ Lũng Cú ngày nay đã có từ thời Lý cách đây trên 1000 năm. Sau này, đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược nhà Thanh đã nhận thấy tầm quan trọng của vùng đất viễn biên hiểm trở này, nên đã cho xây dựng một đồn gác tại đây.
Sau này, vào năm 1978, các chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Cú cùng dân quân tự vệ địa phương đã khênh một cây sa mộc lên đỉnh núi, để dựng lên làm cột cờ cao 12m và được treo một lá cờ 1,2m².
Tới năm 2000, tỉnh Hà Giang đã đồng ý cho huyện Đồng Văn làm chủ đầu tư xây dựng công trình Cột cờ Lũng Cú mang quy mô quốc gia, bằng bê tông cốt thép thay cho cột bằng gỗ. Trên đỉnh treo lá Quốc kỳ dài 9m, rộng 6m.
Đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Hà Giang được trùng tu, nâng cấp cột cờ mới, to đẹp bề thế như ngày hôm nay, có tổng chiều cao 34,85m. Giữ nguyên kích thước Quốc kỳ dài 9m, rộng 6m, bằng 54m2. Tượng trưng cho 54 dân tộc của đất nước Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam là vậy, được xây dựng kế thừa yếu tố lịch sử và phong thủy vùng đất, để lựa chọn vị trí, kiểu dáng và quy mô tầm vóc công trình. Hiện tại ở Cột cờ quốc gia Lũng Cú có Ban Quản lý di tích cùng 1 trạm của đồn biên phòng.
Gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Cú, Trung tá, Đồn trưởng Đỗ Đăng Nhiệm cho biết: Biên chế của đồn không đông, nhưng địa bàn rất rộng và khá phức tạp. Xã Lũng Cú có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó chủ yếu là người dân tộc Mông và người dân tộc Lô Lô.
Noi gương sự hy sinh của thế hệ đi trước, cùng với thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị cùng hợp tác phát triển, đồn còn có nhiệm vụ giúp đỡ bà con vùng biên giới. Bởi ở đây, đồng bào trong các bản làng biên giới 2 bên, nhiều gia đình vẫn có mối quan hệ họ hàng hoặc là thông gia với nhau. Thanh niên nam nữ vẫn có những hoạt động giao lưu văn hóa… nên rất có thể các thế lực thù địch, lực lượng phản động lợi dụng để tuyên truyền, chống phá nước ta, nhất là thông qua các hoạt động gắn với phong tục tập quán. Hơn nữa, đồng bào dân tộc vùng cao cùng con em họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trong đời sống sinh hoạt, học tập. Các chiến sĩ đồn biên phòng thường xuyên tới các bản làng, các trường, điểm trường để giúp đỡ đồng bào, các thầy cô giáo và học sinh các cấp về cơ sở vật chất, xây dựng nhà cửa, trường, lớp học, kịp thời hỗ trợ bà con khi gặp thiên tai, dịch bệnh.
Vùng đất viễn biên này thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Nắng thì khô rang, rám cháy thịt da. Rét thì nhiệt độ chạm mức 0°, băng giá, cắt da cắt thịt. Vậy mà khi biên cương bất ổn hoặc nơi đồng bào gặp khó là luôn có mặt các chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an, bộ đội biên phòng. Vùng tột Bắc, nơi bắt đầu nét vẽ bản đồ đất nước ấy, vì thế mà không đơn độc, vẫn vững chãi như ngàn năm đã trải!
Cũng theo Trung tá, đồn trưởng Đỗ Đăng Nhiệm: Từ khi Cột cờ quốc gia Lũng Cú được xây dựng bề thế, uy nghi, đã thường xuyên được đón tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách trung ương, khách quốc tế. Hàng năm còn có tới hàng chục triệu lượt đồng bào đến từ khắp mọi miền đất nước tới tham quan. Ban quản lý luôn bận rộn tiếp đón và hướng dẫn du khách. Trạm biên phòng thì làm nhiệm vụ tổ chức nghi lễ chào cờ cho tất cả các đoàn, đồng thời tiếp nhận những kỷ vật tặng cho di tích, trong đó là những lá quốc kỳ…
Để được đắm mình vào cảm xúc của những người con nước Việt hãy tới Lũng Cú! Trong không gian mênh mang và không khí trang nghiêm, dưới Quốc kỳ tung bay kiêu hãnh, biểu tượng của sức mạnh dân tộc, tất cả được cùng hát vang Quốc ca, được ôm hôn lá cờ Tổ quốc nơi này… sẽ thấy lòng tự hào dân tộc được dâng cao, mới thấm thía sâu sắc sự hi sinh của bao thế hệ vì sự tồn vong của dân tộc, vì sự vẹn toàn của non sông, gấm vóc. Cảm phục lớp lớp cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, lực lượng biên phòng cùng đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới Hà Giang đã chịu bao gian nan, vất vả để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Lũng Cú - mảnh đất địa đầu. Ai tới đây cũng sẽ ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước!
“… Chiều dài biên giới
Từng tấc đất lộng gió ngàn
Đất mẹ đất Việt Nam
Nuôi ta lớn lên từ đây
Gắn bó yêu thương tấm lòng chúng con khắc sâu…
Chiều dài biên giới chúng tôi đã qua
Bảo vệ biên giới chúng tôi đứng đây
Cho đất mẹ nở hoa
Trong tình yêu bao la!”.