Tác giả Nguyễn Thế Trường sinh năm 1940 tại thôn Tân Mạc, xã Quang Khải (Tứ Kỳ). Ông kể, thời kỳ đó rất thiếu giáo viên nên khi vừa rời ghế nhà trường, ông được cử đi học một lớp sư phạm rồi trở thành nhà giáo. Mặc dù đứng trên bục giảng song đam mê cháy bỏng trong ông là viết. Ngoài công việc dạy học, ông viết báo, thơ, truyện cộng tác với nhiều tờ báo ở trung ương và địa phương. Ông được biết đến là cộng tác viên thân thiết của tờ Tin Hải Dương (Báo Hải Dương bây giờ) với các bài viết về phong trào tiêu biểu ở địa phương và mục ca dao.
Chính đam mê viết lách đã đưa ông đến với nghiệp chữ nghĩa khi năm 1963 ông chính thức chuyển về công tác tại Báo Hải Dương. Với cách viết đầy lôi cuốn, những bài viết của ông trên các trang báo không chỉ có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua mà còn có sức lay động bạn đọc. Trong đó, nhiều gương người tốt, việc tốt ông phát hiện viết bài đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Một kỷ niệm khiến ông nhớ mãi là lần được cơ quan cử về xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) viết về mô hình cải tiến quản lý của HTX. Lần đó, ngoài lấy tư liệu cho bài viết được giao, ông còn tình cờ phát hiện hai tấm gương đặc biệt: một thanh niên khiếm thị vẫn tích cực tham gia làm thủy lợi và một cô giáo mầm non thương các bé như con. Sau khi những bài viết về hai nhân vật đăng báo, cả hai đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Trong đó bài báo: “Hết lòng vì các cháu” có bút phê của Bác được in trang trọng trong quyển “Bác Hồ với Hải Dương - Hải Dương với Bác Hồ” xuất bản năm 2008.
Từ ngày về công tác tại Báo Hải Dương, niềm đam mê văn chương của ông có dịp thăng hoa. Ông thường xuyên có thơ, truyện ngắn đăng tải trên tạp chí Văn nghệ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ngoài ra, các tác phẩm văn chương của ông còn thường xuyên xuất hiện trên các báo chuyên ngành trung ương và các tỉnh bạn. Chia sẻ một kỷ niệm, tác giả Nguyễn Thế Trường kể, năm 1971,
truyện ngắn “Cái nút” của ông được đăng trên Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Truyện được trả nhuận bút 17 đồng, bằng một nửa tháng lương của ông khi ấy. Nhưng điều đặc biệt hơn, tác phẩm là tiếng nói đòi dân chủ trong sản xuất nông nghiệp đang bị trói buộc bởi những rào cản cơ chế thời bấy giờ.
Cũng vì đam mê văn chương, năm 1983, ông chuyển công tác về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Phát huy thế mạnh của người làm báo, ông vừa đảm trách nhiệm vụ phóng viên, biên tập viên tạp chí Văn nghệ, vừa tích cực sáng tác. Ông viết đa dạng các thể loại từ thơ, truyện ngắn, tản văn, tạp văn… Ông viết nhiều về nông thôn. Điểm dễ nhận thấy ở các tác phẩm văn chương của ông là ngồn ngộn chất liệu và thực tế đời sống. Đề tài mà các tác phẩm đề cập đến những vấn đề thời sự nóng hổi. Có lẽ chính những năm tháng làm báo đã giúp ông tích lũy được vốn sống thực tế ăm ắp truyền tải vào tác phẩm. Đọc thơ, tản văn hay truyện của ông đều có cảm nhận ông là người kể chuyện đời bằng văn chương.
Nặng lòng với văn chương, đến nay, ông đã xuất bản 4 tác phẩm: “Ký ức thời gian”, tập truyện ngắn và tạp văn, Hội VHNT tỉnh Hải Dương xuất bản năm 2005; “Giữa đời thường”, tiểu phẩm và phiếm luận, Báo Hải Dương xuất bản năm 2005; “Gương mặt thân yêu”, tập thơ, NXB Văn học năm 2007; “Đêm trước bình minh”, tập truyện ngắn-tản văn, NXB Hội Nhà văn năm 2014. Ngoài ra, ông còn in chung tập thơ “Những nẻo đường thơ” do NXB Lao động ấn hành năm 1997 và có tác phẩm văn, thơ, khảo cứu… in ấn trong gần 30 ấn phẩm của các nhà xuất bản trung ương và địa phương.
Ông cũng giành nhiều giải thưởng trong lĩnh vực văn chương, báo chí như: Giải C, câu chuyện truyền thanh “Trước ngày đại hội xã viên” Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1984; Giải C câu đối Tết Hội Báo xuân toàn quốc năm 1966; 3 lần được trao tặng giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng của UBND tỉnh Hải Dương; nhiều giải thưởng báo chí, thơ do các báo, tạp chí trung ương và địa phương tổ chức; Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam…
Ngoài hoạt động sáng tác văn học, tác giả Nguyễn Thế Trường còn được biết đến là người có những đóng góp quý báu trong xây dựng phong trào của Hội. Ông là lớp hội viên đầu tiên đóng góp tích cực xây dựng ban Văn xuôi khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành lập năm 1978. Năm 1983 chuyển công tác về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, ông có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tạp chí Văn nghệ. Ông cũng thường xuyên có các bài viết giới thiệu về gương mặt các văn nghệ sĩ tiêu biểu của Hội đến bạn bè trong ngoài tỉnh. Ông còn là người tích cực tìm tòi, phát hiện, bồi dưỡng nhiều cộng tác viên trở thành hội viên của các ban thơ, ảnh… Đặc biệt, trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Hội, ông cùng các thế hệ đi trước đã khắc phục những khó khăn, gian khổ cống hiến hết mình cho phong trào chung, chèo chống con thuyền VHNT tỉnh Đông có được sự phát triển vững chãi như ngày nay.
Nghỉ hưu năm 2001, tác giả Nguyễn Thế Trường vẫn miệt mài sáng tác và tiếp tục cống hiến cho phong trào chung. Để các nhà báo cao tuổi đã về nghỉ hưu tiếp tục tham gia sinh hoạt, cống hiến, năm 2003, ông tham gia vận động thành lập Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi và đảm trách vai trò chủ nhiệm tới năm 2015. Đến nay, Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi đã sắp bước sang tuổi 20 và trở thành lực lượng quan trọng, đông đảo của Hội Nhà báo tỉnh.
Đặc biệt, giờ đã vượt ngưỡng tuổi “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” từ lâu nhưng tác giả Nguyễn Thế Trường vẫn miệt mài viết. Những tác phẩm văn chương, báo chí của ông xuất hiện đều đặn trên mặt báo chính là tấm gương về sức lao động, sáng tạo vượt tuổi tác của người cầm bút.