Đâu, đâu má? Bé hai đang chiên bánh tét dưới bếp lụi cụi chạy lên. Tiếng dầu nổ xèo xèo nhỏ dần, dĩa bánh nóng hổi thơm lựng được bày khéo léo với chén tương ớt đỏ lòm. Bé hai ngồi co cả hai chân lên bộ ghế gỗ đã lên bóng nhẵn thín, tay cầm đôi đũa kẹp bánh, miệng lia lịa, con mời má, ngon quá chừng luôn má ơi! Quân nhăn mặt, coi con gái con đứa, ngồi vầy lỡ ai thấy làm sao người ta chọn dâu. Thôi mợt mày ơi, tao ở vậy với má, má hen. Má cười hiền khô, mai mốt đây thôi hai đứa nó lại khăn gói lên đường. Trận dịch kinh hoàng đã cướp đi biết bao mạng người. May mắn sao các con má, chúng giữ được mạng sống sau cuộc tháo chạy lịch sử. Má biểu về với má, rau dưa đùm túm nuôi nhau. Khổ mấy cũng qua, cốt còn người còn của.
Bé Hai lật cuốn lịch để bàn tính tính toán toán, ây hông được rồi má ơi, chắc con phải vào sớm. Thằng Quân ở lại thêm với má ít hôm, con vào trước coi công việc như nào đã.
Má thở dài, nhăn mặt rút cái chân đang ở trên đùi Quân. Chưa đỡ đau luôn hả má? Đỡ nhiều rồi con, nhưng chân má kháng thuốc rồi, coi bộ phải sống chung với nó thôi. Quân mặt buồn như dây chão, nhìn mông lung ra ngõ.
Từ ngày có quyết định làm làng du lịch cộng đồng, làng Hương Trà như mặc một chiếc áo mới, cờ phướn điện đèn rực rỡ. Đường quang hơn, ngõ thoáng hơn, cái gì cũng vào nề nếp, tinh tươm sạch sẽ. Nhất là mấy ngày lễ hội, du khách nườm nượp kéo về chụp ảnh hoa sưa. Những chiếc áo dài dịu dàng thả dáng dưới làn mưa hoa. Những bước chân ngập ngừng qua mấy hàng ăn dân dã. Những đôi mắt tò mò nhìn mấy bác thợ rèn nung đỏ rồi giáng những chiếc búa thật lực đập dập những thanh sắt đang rừng rực. Họ tỉ mẫn gò, giũa, mài cho ra những món nông cụ phục vụ sản xuất. Những đôi mắt thích thú ngỡ ngàng bên những gốc cừa già nằm ngả nghiêng do mấy trận bão lớn. Chúng cứ nằm thế, kiên gan, như thách thức thời gian, như đón đợi những niềm hân hoan mới.
Con xóm bình lặng mỗi ngày bỗng nôn nao như trẻ con mong tết. Má kể hôm họp khu phố vui lắm, ai cũng nhiệt thành hồ hởi. Cứ nghĩ đến làng mình lên làng du lịch. Xóm mình mang tên phố hoa vàng, ngõ nhà mình lung linh trên những thước phim. Mặt ai cũng hân hoan vui sướng. Rồi làng nghề được tái hiện. Mỗi người đăng kí phụ trách một món ăn dân dã. Bà Sáu, miệng móm mém nhai trầu, bảo món bánh đúc của tui chưa có truyền nhân, chắc tui phải tuyển hậu sự. Mọi người được một phen cười nắc nẻ, người ta kêu tuyển nhân sự, chứ hậu sự là lo chuyện đã rồi Sáu ơi! Mà công ty bánh đúc của Sáu có tuyển bảo vệ không cho con xin một chân. Ờ thì nhân sự, bây coi có đứa mô chịu theo nghề Sáu truyền lại cho. Thôi, chỉ mỗi Sáu làm là ngon nhất á. Vậy tui cũng già cũng phải nghỉ chứ trời. Thôi có ai chê Sáu già đâu, có gì tụi con phụ. Mấy chị con cháu nhà Sáu cười khúc khích, họ ủng hộ bà nhiệt tình là bởi Sáu sống một mình. Cô y tá chiến trường năm xưa giờ tuy tuổi đã thất thập lòng vẫn đầy nhiệt huyết. Mà có người ra người vào vui lắm, Sáu đỡ tủi, lại thấy mình còn có ích cho xã hội, lòng Sáu phấn khởi vô cùng.
Đi hay ở. Lòng Quân như có lửa. Má mỗi ngày mỗi già đi, đôi chân sưng húp tê nhức. Nhiều hôm má phải nấu nước lá lót ngâm chân, rồi xoa bóp, rồi xào lá ngải cứu với muối sống mà bó mới êm mà ngủ được. Nửa năm trốn dịch ở với má, Quân như ngộ ra nhiều điều.
Như chuyện hàng xóm cắc cớ nhau con gà bới rau hay con trâu phá bờ. Nhưng sẵn sàng xông pha giúp nhau cứu khoai cứu lúa bị mưa lũ phủ trắng đồng.
Như chuyện nhà Quân quanh năm suốt tháng không mở được cửa sổ lấy gió trời vì hàng xóm nuôi heo, nước thải xả ra thúi ình, anh đành phải thuê thợ xây tường chắn gió. Cánh cửa sổ nơi tầng áp mái thi thoảng phát ra những bản du hưởng nhẹ nhàng nhưng cửa luôn im ỉm đóng. Rồi một ngày, cả nhà người hàng xóm nọ bị FO phải đến khu cách li điều trị. Hôm sau xã cho người lên xúc bán bầy heo vì không có ai chăm. Anh khoan khoái đẩy nhẹ cánh cửa sổ, vén rèm rồi ngửa cổ đón gió. Tiếng eng éc inh ỏi không còn, mùi hôi thối cũng đã loãng ra, dễ chịu hẳn. Nhưng rồi, lòng anh chùng xuống, Tết nhất đến nơi. Anh thở dài nhìn chiếc chuồng trống không. Thế mới biết niềm vui của người này có thể là nỗi bất hạnh của người kia. Lòng anh trĩu nặng một nỗi buồn.
“Ơn cha nghĩa mẹ chưa đền/ như gà quẹt mỏ chẳng nên con người.” Câu hát ru con trong làn điệu bài chòi của chị Hiền bên xóm như xoáy vào tim anh. Niềm nỗi này má hiểu. Má biểu các con cứ đi tìm công danh sự nghiệp, nơi nào bình yên thì đấy là nhà. Bao giờ sắp xếp được thì về thăm má. Má còn khỏe, còn trồng được cây, còn lật được cỏ, các con không phải lo. Bao giờ lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái mang về đây má giữ. Dù sao trẻ con được sống ở môi trường trong lành vẫn tốt hơn. Má muốn các cháu của má phải là những đứa trẻ hạnh phúc, vì chúng được sinh ra và nuôi dạy trong tình yêu thương.
Hai chị em mỗi đứa một bên ôm ghì lấy má. Vậy má phải thiệt khỏe nè, con sẽ sinh tám đứa con lận, má chăm nổi hông. Tổ cha bây, má vờ lấy tay đẩy hai đứa ra mà lòng ngập tràn yêu thương. Hai đứa ra ngoài xã hội như nào má không biết, chứ về với má chúng chẳng khác trẻ con, nũng nịu, vòi vĩnh.
Từ ngày ba theo ông bà ngồi nghiêm nghị nơi góc bàn thờ, chỉ mỗi ánh mắt biết cười của ba là như còn mãi. Ai cũng bảo bé Hai giống ba cả nụ cười lẫn cách nói chuyện tếu táo. Mỗi lần hai đứa về là nhà như có hội. Có hôm tranh thủ chuyến công tác, bé Hai tạt ngang nhà không kịp ăn bữa cơm. Má cố giấu nỗi buồn sau làn khói xe mù mịt. Ờ thì chúng nó bận.
Không ai thấy má khóc lúc nào. Má bảo những giọt nước mắt chỉ khiến cuộc đời thêm bi lụy. Cứ phải mạnh mẽ thôi. Má muốn truyền nguồn năng lượng tích cực cho hai chị em dẫu đằng đẵng những tháng năm dài má thui thủi với gối chăn, với những mênh mông thầm kín.
Ừ thì mạnh mẽ. Như cái hôm chia li ở khu xóm trọ. Nhìn Hoa qua mấy lần khẩu trang, bộ đồ xanh kháng khuẩn và đôi mắt đỏ hoe. Những kí hiệu đầy niềm tin cho ngày gặp lại. Không một cái nắm tay, không một lời từ biệt. Chỉ có những dòng tin vội vàng và lời hẹn ngày đất nước “thái bình.”
Chiếc giọng véo von của chị Hiền lại cất lên mộc mạc, “Biết rằng ai có mong ai/ Sao trời lại nỡ rẽ hai thế này/ Có sao Hôm mà chẳng có sao Mai/ Hai đàng hai đứa, tình phai hoa tàn”. Lời ca như réo rắt, giọng ca thánh thót trầm buồn. Má bảo chị Hiền là giọng ca bài chòi hay nhất xứ. Chị mà cất giọng ca thì con dế trong hang cũng phải chui ra vểnh râu mà nghe.
“Đôi ta như đũa mới so/ Không chọn mà gặp, không đo mà đều/ Phải duyên đã quyết thì liều/ Cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây…”
Câu hát ấy ngân nga như xoáy vào tim Quân một nỗi lòng ray rứt. Hoa đã may mắn vượt qua cơn nguy kịch, nhưng nhà em chẳng còn ai. Con rạch Tầm Bót xuôi dòng những mái ghe chơi vơi. Dòng sông Hậu đón em trong niềm xa xót. Cứ an yên với chiếc ghe nhỏ mênh mang đời sông nước. Cuộc đời vô thường dạy người ta biết sống đủ là đủ. Như hôm nay đây Quân cũng đã rời Sài thành về nương nấu đất quê. Dòng sông Tam Kỳ dịu hiền cũng biết làm tươi xanh những mảnh vườn hai bên bồi lỡ.
Với hơn một giờ bay và gần năm giờ đồng hồ ngồi xe là có thể gặp nhau. Chỉ cần lòng muốn thì bao xa đâu có gì quan trọng nữa. Quân bấm máy, một hồi chuông nhẹ ngân lên. Anh chuẩn bị trong đầu những câu sẽ nói với Hoa. Và anh cũng đã sẵn sàng cho một chuyến miền Tây sớm nhất. Ngoài kia, những tán sưa trơ cành khắc khoải. Vẻ điêu tàn không giấu được nét kiêu sa. Rồi sưa sẽ sớm đâm chồi, sớm nảy những mầm xanh, sớm ủ những tán vàng chờ ngày khai hội.
Anh hình dung cái dáng người nhỏ bé của Hoa đang nép dưới những tán hoa vàng, hay tung tăng bên thung lũng Cừa già nua cằn cỗi. Hay nàng sẽ xõa tóc bên đồi chong chóng rồi nắm tay anh đi dọc chiếc cầu đầy những trái tim yêu thương, mặt ngời lên hạnh phúc.
Nhất định anh phải đưa cô ấy về. Nhà rồi sẽ thêm người cười nói. Sẽ bớt cảnh mẹ dài cổ ngóng trông mỗi chiều tím thẫm hoàng hôn.
Mình đợi nhau, đợi nhau ở phố hoa vàng.
Một thoáng hạnh phúc nở trên môi chàng trai trẻ.
Nguồn: https://vanvn.vn/