Văn xuôi
Tinh cọp – Truyện ngắn Phan Đức Nam
10/03/2022 08:36:10

Dù không hẹn, nhưng tôi thầm nhủ rồi một ngày nào đó mình sẽ quay lại rừng chiến khu Đ, sẽ lên núi Bà Rá thăm già Nu, với hy vọng được gặp ông Ba Móng kể cho nghe thêm chuyện gì đó. Dẫu ông không kể đi nữa, được thấy lại ông cũng vui – tôi nghĩ – mà mình phải nhanh nhanh khi ông còn khoẻ.

 
 
 

Tôi biết trong thẳm sâu con người ít nói đó chất chứa bao tâm sự, còn bao câu chuyện hấp dẫn kỳ thú chưa khai mở, mà một người hiếu kỳ tò mò có chút máu phiêu lưu như tôi rất thèm được biết.

Từ nhỏ tôi đã mê những câu chuyện đường rừng. Sơn lâm với tôi là một thế giới kỳ bí và hùng tráng, trong đó có nhiều muông thú sinh động. Tôi khát khao tìm hiểu, vừa sợ vừa muốn khám phá với nỗi háo hức đầy cám dỗ ma mị. Mỗi khi có dịp theo ai đó vào rừng, dù chỉ là rừng non tuổi do bàn tay con người trồng, tôi cũng bị thôi thúc bởi gió núi gào, bởi tiếng gọi của thác ngàn, tiếng hú của rừng thiêng xa xa. Không phải riêng tôi mà cả những dân đi rừng chuyên nghiệp cũng chỉ cảm nhận chứ không thể nắm bắt được hết những bí mật của rừng thẳm.

Nhà văn Phan Đức Nam

Tôi biết mình đơn thân không thể đi rừng lên núi Bà Rá được, nên trước khi chia tay tôi đã dặn mấy ông bạn địa chất khi có dịp thì nhớ hú. Tôi còn dặn thêm vài bạn quen ở gần đó để có thêm cơ hội.

Nhưng một năm, rồi hai năm trôi qua mà vẫn chưa có ai gọi điện hay đá động gì đến việc lên núi Bà Rá. Quên thì thôi, lúc nhớ tôi sốt ruột nghĩ: Chờ đến khi nào? Hay mình chủ động đến bìa rừng hỏi thăm, tìm một hai người bản địa giúp mình lên núi, rồi trả công cho họ…

Đang suy tính thì may quá tôi nhận được điện thoại của bác Kình hoạ sĩ ở Hội Văn nghệ Bình Phước: “Alô! Chú lên anh chơi vài ngày. Rằm tháng chạp này khánh thành Miếu Bà Rá, tổ chức trang trọng lắm! Miếu mới xây gần tỉnh lộ chỉ cách nhà anh mươi cây số, thuận tiện đường sá. Chú lên anh rồi mình đi. Anh sẽ tìm thêm người hướng dẫn mình lên núi luôn”.

Tôi mừng quá “dạ”. Nhưng rồi ngần ngại: “Bác liệu… lên núi nổi không?” – “Sao không? Cứ đi, mệt thì nghỉ. Nói cho chú biết: Nếu không tìm được thêm người, anh đã có thằng cháu trẻ khoẻ, nó thích lên núi thám hiểm, tình nguyện đeo ba lô cõng cả giá vẽ của anh lên núi. Anh chỉ lo cho chú thôi”.

Chao ôi bác Kình đã gần bảy mươi rồi mà còn máu vậy. Tôi mừng quá hẹn ngày.

Bác Kình trói tôi vào chuyến đi sắp tới: “Ngày 14 âm lịch anh sẽ đón chú ở ngã ba Bù Nho. Chương trình thế này: Sáng 15 rằm anh em ta dự Lễ khánh thành Miếu Bà Rá, chiều ở đó quanh quẩn tìm người đưa ta lên núi. Anh biết vài chỗ, thế nào cũng có. Sáng 16 ta khởi hành lên núi Bà Rá. Người trẻ khoẻ lên núi nửa ngày, thì ta nhẩn nha đi trong một ngày. Vậy nhé? Chú mà không lên thì chết với anh”.

Tôi “dạ”. Rồi nghĩ: Hai năm rồi… Ông Ba Móng có còn trên đỉnh núi không?

Dịp khánh thành Miếu Bà Rá*, năm nay có người tiến cúng tượng Bà, nhiều người tiến cúng vật dụng thờ. Lần này Miếu Bà được xây dựng dời ra gần lộ lớn, thuận tiện giao thông nên có đông người đến viếng và tham quan. Bác Kình cho biết Miếu Bà trước đây nằm sâu trong rừng hơn nửa cây số, dựng đơn sơ bằng gỗ, lợp lá, diện tích chỉ vài mét vuông. Giờ được xây dựng bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói, rộng trên 200m2 lại sát đường tỉnh ĐT.741 nên việc đi lại rất dễ dàng. Đây là nỗi mong mỏi từ lâu, là niềm vui lớn của dân sống quanh đây vốn thiết tha xây dựng Miếu Bà.

Bãi xe rộng đã chật cứng, xe hơi, xe gắn máy đậu tràn cả hai bên lề đường. Đông đảo bà con dân tộc trong những bộ thổ cẩm lạ đẹp rực rỡ sắc màu. Trên thượng ngàn, Mẫu đang nhìn xuống đàn con và lắng nghe tiếng trống thập thình, tiếng cồng chiêng ngân vang. Tín ngưỡng thờ Mẫu từ lâu đã ăn sâu vào lòng dân tộc Việt, nhất là những dân tộc vùng cao, mang ý nghĩa linh thiêng cao cả tầm vũ trụ, Mẹ Rừng, Mẹ Đất, Mẹ Sông Núi xứ sở, sinh sản che chở cho đàn con.

Trên đường đến Phước Long, qua Bình Dương Bình Phước, tôi đã bồi hồi sung sướng được theo gót Nàng Xuân thong thả xuống trần gian. Chỉ còn nửa tháng nữa là Tết, cũng là dịp mùa cao su thay lá, tôi đã mê mẩn ngắm nhìn rừng cao su trùng trùng điệp điệp hai bên đường. Chao ôi tràn ngập màu lá đỏ điểm vàng đẹp đến nao lòng. Gió xuân hiu hiu lạnh khiến lòng tôi xốn xang. Xuân chín vàng đỏ lá ngập lưng trời, xuân trải thảm lá cao su màu đỏ vàng cam xuống mặt đất nâu xanh, khiến nhiều bước chân phải ngập ngừng. Rồi hoa cúc trắng cúc vàng, hoa trạng nguyên đỏ ối, chen giữa hoa mai vàng nở sớm, rộn rã những sắc vàng mùa xuân tươi vui. Nắng xuân ấm áp lung linh toả xuống những sân phơi ngập ứ ngô vàng, những mẹt lúa nương đầy ắp vừa thu hoạch được trong vụ Đông Xuân, cho thấy một mùa xuân sung túc.

Nàng Xuân dịu dàng đến bên tôi, giờ càng rộn ràng hơn bởi cảnh đông người và sắc màu lễ hội. Tôi vui sướng nghĩ: Mục đích mình là lên Núi Bà Rá gặp Ông Ba Móng, mà mới đến đây, được dịp dự lễ hội chào xuân như thế này thì vui quá! Chẳng uổng công chút nào.

Và thật bất ngờ, trong đám đông chen chúc ấy, tôi chợt thấy Ông Ba Móng đang ngồi nhấp rượu cần với vài già làng dưới bóng mát một gốc cây da cổ thụ.

Tôi mừng quá kéo bác Kình nhanh nhanh về phía đó.

Ông Ba Móng có gầy hơn một chút, nước da đen hơn, đỏ hơn, và sắt lại. Ông khoanh chân ngồi im, vẫn trầm tư như núi.

Bác Kình bảo tôi tranh thủ chụp vài tấm hình, rồi nheo đôi mắt hoạ sĩ ngắm Ông Ba Móng.

Tôi ngồi xuống bên già Nu, khẽ nắm tay ông: “Già nhớ cháu không? Cách đây hơn hai năm, cháu theo đoàn địa chất lên núi thăm già…”.

Già Nu quay qua nhìn tôi, đôi mắt mờ đục chợt sáng lên, ông nhắm mắt ngửa mặt lên trời như nhớ lại, sau đó gật đầu: “Nhớ rồi! Mày ngắm trăng với tao.”

Tôi chớp mắt: “Cháu đang định lên núi thăm già. Không ngờ lại gặp già ở đây” – “Lâu lắm rồi tao mới xuống núi, phía này. Đường đi dễ rồi, không như ngày xưa” – “Xưa già cũng hoạt động ở cánh rừng phía Bắc sông Bé* này à?” – “Không. Tao chiến đấu ở rừng Cát Tiên và phía Bắc Biên Hoà. Chỉ có một lần tao qua đây cùng bộ đội đánh chiếm Nhà tù Bà Rá. Đây là lần thứ hai, và có lẽ là lần cuối cùng tao qua đây.”

Tôi mừng thầm, có chuyện hay rồi. Ông Ba Móng lim dim mắt, gật gù nói tiếp: “Tao suýt bị cọp ăn ở thác Mẹ ơi!** Giàng đã cứu tao, Bà Chúa cứu tao. Lễ khánh thành Miếu Bà tao phải tới đây”.

Tôi nín thở lắng nghe, biết già Nu đang hồi tưởng quá khứ, có khi không cần hỏi già cũng kể.

Nhưng già lặng thinh không kể nữa. Tôi cũng chẳng dám hỏi vì đang đông người.

Tôi bấm tay bác Kình, kéo ông ra chỗ khác, nói nhỏ: “Bác ơi, em mời Ông Ba Móng đi ăn trưa, để có chỗ nói chuyện riêng nhé bác?”.

Bác Kình gật đầu: “Hay đấy! Chú mời đi.”

Tôi “dạ”, định quay trở lại chỗ Ông Ba Móng thì bác Kình kéo lại: “Hay ta mời Ông Ba Móng về nhà tôi. Đến khi nào ông ấy muốn đi thì ta đưa đi”.

Tôi lại “dạ”, rồi tiến đến ngồi cạnh Ông Ba Móng. Hoạ sĩ Kình cũng ngồi xuống bên tôi.

– Già ơi – Tôi nói với Ông Ba Móng – Gặp được già ở đây cháu rất vui.

Tôi chỉ sang bác Kình bên cạnh: “Cháu và bác hoạ sĩ đây định lên núi thăm già. Giờ gặp ở đây nên cháu khỏi phải leo núi. Cháu và bác đây muốn mời già về nhà chơi, cũng gần đây thôi”.

Già Nu nhìn hoạ sĩ Kình: “Cảm ơn. Cảm ơn cán bộ. Tôi phải về Cát Tiên thăm ông anh họ. Ông ấy già yếu rồi, không đi được, cứ đòi theo Giàng”.

Hoạ sĩ Kình gật đầu, nhỏ nhẹ: “Vâng, thì mời ông đến nhà tôi, rồi con cháu tôi sẽ chở ông đi, chúng có xe hơi.”

Già Nu phân vân. Tôi tiếp thêm: “Cháu cũng đang ở nhà bác hoạ sĩ đây. Cháu sẽ theo xe hộ tống già về Cát Tiên”.

Lần này thì già Nu xuôi lòng: “Ừ thôi! Giàng đã sắp xếp, đã muốn vậy thì ta phải nghe”.

Tôi mừng quá nắm chặt tay Ông Ba Móng: “Cảm ơn già”.

Hoạ sĩ Kình nhanh chóng móc điện thoại: “Alô! Phúc đấy hả con. Con lái xe đến Miếu Bà Rá đón ba và khách quý nhé? Ừ, nhanh nhanh lên!”.

Tối hôm ấy, trên sân thượng lầu hai nhà bác Kình ở chợ Bù Nho, tôi và hai người già vui vẻ đàm đạo. Ông Ba Móng hơn bác Kình đúng một giáp, cùng tuổi cọp. Ông cọp Kình tặng Ông Ba Móng ba bức tốc hoạ chân dung vẽ chỉ trong một giờ. Ông Ba Móng cứ ngắm đi ngắm lại những gương mặt mình trong tranh rồi gật gù vuốt râu, những sợi râu dài bạc trắng cứng cáp chỉa ra như râu cọp.

Lần đầu tiên Ông Ba Móng ngắm trăng trên sân thượng nhà lầu. Với ông thì trăng ở đâu cũng đẹp. Trăng trên đỉnh Núi Thần* cao vợi linh thiêng. Trăng ở phố đây như sà xuống, to rõ hơn trăng rừng bởi không bị lá cây che khuất. Trăng rằm đêm xuân tròn vành vạnh, như gương mặt bầu bĩnh phúc hậu của vợ ông khi xưa. Hơ Mây luôn trẻ đẹp trong sáng như trăng. Nàng trên cao đang theo ông, nhìn ông, soi sáng cho ông, ông chỉ muốn bay lên với nàng.

Hà! Anh chàng nhà báo tò mò này muốn nghe ta kể về trận đánh Nhà tù Bà Rá, về chuyện ta suýt bị cọp ăn… Anh ta thú thật là những chuyện ta kể cho nghe trước đây hai năm cũng chưa lên báo. Hà! Ta đâu có cần, vui thì ta kể. Thời gian lâu quá rồi, ta phải từ từ nhớ lại… Hình như sau trận Điện Biên Phủ năm 1945…

Đội đặc biệt tinh nhuệ của đội trưởng Nu được lệnh hành quân hoả tốc để kịp phối hợp với quân chủ lực đánh chiếm nhà tù Bà Rá nằm sâu trong rừng phía Bắc Thủ Dầu Một. Sau khi nhận được tin 4 chiến sĩ cách mạng của ta bị Pháp chôn sống ở gốc Cây Cầy, đích thân tướng Bùi Cát Vũ lập phương án đánh chiếm nhà tù, ông lệnh phải đánh thật nhanh và bất ngờ để giải cứu tù nhân, trong đó có nhiều chiến sĩ cách mạng.

Mục đích Pháp lập nhà tù kiên cố này giữa rừng thiêng nước độc, nhiều thú dữ, để tù nhân khó trốn thoát. Bọn giám thị ra lệnh cho lính cai quản sẵn sàng bắt chết những ai dám chống cự, đào tẩu. Tù nhân trốn bị bắt lại bị đánh bằng roi cá đuối, bị đâm bằng lưỡi lê. Dã man hơn nữa là bị chúng trói lại cho chó bẹc-giê cắn xé.

Du kích và lính thám báo Sông Bé đã nắm được tình hình trong trại giam qua hai tù nhân lao động khổ sai trốn được nhờ kịp chạy về phía quân ta, chúng đang lo sợ trước những thất bại liên tiếp.

Khi đội đặc biệt tinh nhuệ của chiến sĩ Nu đến thì bộ đội đã vây phục kín. Ngay đêm đó Nu bò vào tung trái Pêta nổ sập cửa sắt trại tù. Đó chỉ là đòn nhử, 6 trinh sát cảm tử trong đội Nu chia làm ba cánh đã cắt rào, sau tiếng nổ Pêta đồng loạt xung phong tràn vào tấn công tứ phía. Chỉ trong nửa giờ, quân cách mạng đã đánh chiếm được nhà tù khét tiếng này, bắt sống hàng chục lính cai quản, hai giám thị Pháp khiếp hãi đầu hàng.

Sau trận đánh mỹ mãn, đội đặc biệt tinh nhuệ của Nu ở đó hai ngày nghỉ ngơi lấy sức, để còn ngược núi Bà Rá về Biên Hoà. Nu tuổi ba mươi cường tráng, được Hơ Mây bắt đã ba năm, Giàng cho đứa con trai, giờ Hơ Mây đang mang bầu 8 tháng. Nu muốn tranh thủ vào sâu trong rừng Sông Bé này kiếm lá thuốc và sâm Nam, hay mật ong rừng về bồi dưỡng cho vợ.

Nu rủ anh họ tên Lâm cùng trong đội đi. Lâm hơn Nu 6 tuổi, gan dạ và đi rừng sành sõi. Lâm mới được thưởng khẩu mút-cơ-tông trong trận đánh vừa qua. Hai anh em hai súng dài hăm hở vào rừng.

Hai người dừng bước trước một con dốc sâu hun hút, phía dưới có dòng suối chảy. Lâm đi trước phát hiện có nhiều vết cào xước trên những thân cây gần đó, vết móng cào to và sâu như thế này phải là thú dữ lớn. Nu đi quanh, cúi xuống đất quan sát thấy rõ những dấu chân cọp in rành rành.

– Con cọp này lớn – Nu nói – Không thua gì cọp ba móng ở rừng Cát Tiên mình.

Lâm gật: “May mình đi sau nó, và ngược hướng gió, nên nó không ngửi thấy mùi mình”.

Nu gật: “Mình cũng không ngửi thấy mùi hôi từ miệng cọp. Chắc nó qua đây lâu rồi”.

Hai người vừa canh cọp vừa quan sát những móng chân thú. Nu chỉ xuống dốc: “Nó xuống đó”.

Máu săn nổi lên. Lâm cũng muốn thử súng, bảo Nu: “Anh em mình săn nó đi. Săn được thì có thịt, có cao hổ cốt bồi dưỡng anh em. Mày có thuốc hay cho con Hơ Mây”.

Nu gật: “Anh em mình xuống dốc sau cọp thì không sợ nó chụp. Mình dễ thấy nó, bắn nó”. – “Thôi không nói chuyện nữa, nó nghe.”

Hai anh em thủ súng đã lên đạn, cẩn thận xuống dốc, Lâm vẫn xuống trước.

Xuống được suối lớn thì mất dấu chân cọp, Nu và Lâm biết cọp đã qua suối. Hai người chọn chỗ suối cạn cẩn thận lội qua.

Qua đến bên kia suối vẫn không thấy vết chân cọp, vì đây là suối đá, có nhiều phiến đá bằng phẳng. Hai người chần chừ, chia nhau nhìn hai phía, không biết con cọp đi về phía nào?

Lâm nói: “Cọp thường đi xuôi theo dòng suối chảy, dưới đó có hồ, có nhiều thú đến uống nước.”

Nu gật, rồi đắn đo: “Mình đi theo dòng suối chảy thì sẽ xuôi hướng gió, cọp ngửi được mùi mình, nó sẽ rình bắt, nguy hiểm lắm”. Lâm gật: “Vậy tính sao?”

Nu nhìn quanh, suy nghĩ một chút rồi nói: “Suối đá ít cây lớn mọc ven bờ, gần đây có cây lim kia cao, anh lên đó canh cọp cho em, đề phòng nó từ hướng cuối dòng suối đi ngược lại. Em sẽ đi ngược hướng gió để tìm nó.” – “Ừ. Mày đừng đi xa quá. Cỡ vài chục mét có cây cao thì dừng lại chờ. Tao canh ở đây, năm mười phút sau tao sẽ theo tới.” Nu gật, rồi lại đắn đo: “Cứ vậy thì anh em mình đi chậm, sẽ không theo kịp cọp.” – “Vậy cho chắc. Mình đâu biết cọp qua suối rồi đi hướng nào? Tao với mày đi về hướng ngược gió, lỡ cọp quay lại đi sau lưng mình thì sao? Nguy hiểm lắm! Săn cọp phải hết sức cẩn thận. Mình săn nó, nó săn mình”.

Lâm nói xong quàng dây súng vào vai rồi nhanh chóng leo lên cây lim.

Khi thấy Lâm đã ngồi vững trên chạng ba cây lim, Nu yên tâm thủ súng đi ngược hướng gió, lần theo con suối.

Trên cây lim cao, Lâm dõi mắt ra xa, hướng về cuối dòng suối để tìm bóng cọp. Súng mút-cơ-tông bắn từng phát một trên tay anh đã sẵn sàng.

Đi được gần trăm mét, đến đoạn suối cong khuất sau một ghềnh đá, Nu định dừng lại chờ Lâm thì chợt ngửi thấy mùi hôi thối thoang thoảng, con cọp đang ở gần đây phía trước anh, chắc sau ghềnh đá đó?

Nu nín thở bước từng bước một, mũi súng quay theo hướng mắt nhìn. Con đường men theo ghềnh đá cạnh bờ suối hẹp dần, chỉ còn một lối đi nhỏ gập ghềnh đá rộng chưa tới nửa mét. Người hay thú muốn đi tiếp lên phía đầu suối thì một là leo lên ghềnh đá cao, hai là đi len theo đường đá nhỏ này, và ba là lội ngược suối. Nu vừa suy tính vừa ngước mắt quan sát, leo ghềnh đá cao hơn mét đối với anh thì dễ, nhưng anh phải đeo súng lên vai để hai tay dễ bám. Như thế sẽ nguy hiểm, lỡ có cọp đang nằm ngồi trên phiến đá nhìn thấy sẽ phóng chụp, lội xuống suối thì cọp trên đó sẽ nghe tiếng nước động, cũng nguy. Nu quyết định đi men theo đường đá nhỏ cạnh bờ suối, chỉ cần qua khỏi khúc eo ngắn là anh có thể quan sát rộng phía trước.

Nu bước từng bước chậm và chắc, mắt chăm chăm nhìn lên phía trên ghềnh đá, thấy trời xanh mây trắng, vài nhánh cây phơ phất. Nu tin mình sẽ bắn kịp khi phát hiện bóng cọp trên cao, nếu bắn không trúng thì tiếng nổ cũng làm nó hoảng sợ chạy mất.

Vừa qua khỏi khúc eo thì chân trái Nu bỗng hụt và đau nhói! Chết rồi! Sụp bẫy! Lúc đó Nu mới trông thấy hai vệt chéo cảnh báo vẽ bằng nhựa thông đã khô ngay trước mặt mình. Nu nhịn đau cúi xuống phiến đá nhỏ vừa bị lật do chân mình đạp lên, mặt phiến đá cũng có vệt chéo cảnh báo. Trong lúc căng thẳng canh cọp mắt nhìn lên, Nu không thấy những dấu hiệu cảnh báo của thợ săn bẫy thú. Anh lâm vào tình thế nguy hiểm. May là Nu đi đôi giày da mới tịch thu của lính canh ngục, chứ đi dép râu thì nhát phập của hàm răng bẫy thú sẽ nghiến sâu vào mu bàn chân anh. Nhưng như thế cũng rất đau, máu đang rịn ra, chân trái Nu gần như tê điếng.

Nu cúi xuống, dựa súng vào ghềnh đá, rồi nhấc phiến đá đặt bẫy lên, dùng hai tay vận sức kéo mở hàm bẫy đang kẹp cứng. Máu tràn ra, đau quá! Vẫn chưa được! Nu rút lưỡi lê bên hông, cẩn thận len mũi nhọn vào kẽ răng của hàm bẫy để có điểm tựa nhích dần miệng bẫy lên, phải thật khéo và cẩn thận để lưỡi lê không cắt vào giày, vào da thịt.

“Giờ mà cọp tới thì mình chết!” – Nu nghĩ – Linh tính như thần, Nu chợt ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc, con hổ lớn xuất hiện cách anh chỉ chục mét. Nó đã trông thấy anh, gừ lên rồi từ từ tiến lại…

Nu đứng hẳn lên, biết mình không chạy được. Lúc cực kỳ nguy cấp Nu quên hết cái đau dưới chân mà chỉ lo đối phó với cọp dữ. Trong tay Nu có cây lê nhọn, súng dựa gần sau lưng, Nu không dám quay lại lấy súng, cọp sẽ vồ. Nu cố bình tĩnh nhìn trừng trừng vào mắt cọp, mắt nó xanh lè, hai đồng tử đen tròn xoe, không chớp. Nó dừng lại nhìn anh như thôi miên, như đe doạ. Nu không dám chớp mắt, chớp mắt là sợ nó, nó sẽ nhảy tới vồ – người già dạy Nu vậy.

Con cọp chùn bước, thắc mắc sao con người này không chạy, không có vẻ gì sợ nó, lại chỉa thẳng mũi nhọn về nó. Nó sợ mũi nhọn hơn con người kia. Ở đây nó không có khoảng trống để vờn quanh con mồi, nó chỉ có thể tiến tới tát hoặc vồ chụp. Khoảng cách chục mét nó nhảy một phát là tới, nhưng chụp mồi ở địa thế hẹp này nó dễ va vào ghềnh đá trượt ngã xuống suối. Nó thấy con người này không nhát sợ như hưu nai mà thật kiên cường, lăm lăm mũi nhọn sẵn sàng quyết chiến. Nó chậm rãi ngồi xuống, chiếu đôi mắt sáng quắc nhìn con người với vẻ thăm dò. Con người là Nu lúc đó chỉ có một con đường là chống cự bằng lưỡi lê, tay Nu khoẻ và nhanh, mũi lê nhọn, nhưng tay hổ khoẻ hơn rất nhiều, một cái tát với móng sắt của nó trâu rừng phải đổ.

Người và cọp nhìn nhau không chớp, tinh người tinh cọp trong giây phút này phát lộ như thử thách nhau. Nu biết mình yếu gan chớp mắt cọp sẽ tấn công, cọp có thể ăn một mũi lê nhưng chẳng thấm tháp gì với nó, và anh sẽ chết.

Con cọp ngồi im nhìn Nu đến nửa phút, nó chợt há miệng ngáp và chớp mắt, mùi hôi thối sực vào mũi Nu. Giờ Nu mới thấy con cọp cái này đang có mang, cái bụng đầy lông trắng của nó phình ra và xệ xuống.

Con cọp cái nhìn Nu và từ từ đứng lên với dáng vẻ uể oải, nó lại ngáp và chớp mắt, ánh hung dữ không còn, vì thấy con người im lặng kiên cường này không có vẻ gì muốn tấn công hay hại nó. Nó nhìn Nu một lần nữa rồi quay người lững thững bỏ đi, nhẹ nhàng oai vệ và hiền lành như một con mèo lớn.

Trong lúc cọp quay mình bỏ đi thì Nu lần tay ra sau với được khẩu súng, mắt và mũi lê nhọn cùa anh vẫn hướng về phía cọp.

Con cọp đi chậm, đã cách xa Nu vài chục mét, giờ thì Nu có thể bắn chết nó với tài thiện xạ của mình. Nu đã giương súng lên ngắm nhưng không bóp cò. Con cọp cái có mang sắp đẻ gợi ngay đến hình ảnh vợ anh đang mang thai, gương mặt bầu bĩnh phúc hậu của Hơ Mây và đôi mắt phượng của nàng sáng lên nhìn anh.

Ông Ba Móng kể xong, nhìn tôi: “Trong giây phút sinh tử đó, không hiểu sao tao rất bình tĩnh? Có lẽ nhờ đó mà tao sống. Giàng đã giúp tao, cứu tao. Còn với con cọp cái, sau này tao hiểu rồi: Con cọp tha tao, trước hết vì tao không tấn công nó, sau là nó đã no mồi. Khi anh Lâm tới phụ tao gỡ bẫy, anh phát hiện gần đó có xác một con lợn lòi nhỏ chỉ còn mỗi cái đầu, đống xương và khúc ruột. Anh Lâm nói với tao là mày may lắm đó, cọp đẻ xong rất dữ, còn cọp sắp đẻ thì không, nó đói mới săn, chỉ săn mồi nhỏ để đỡ tốn sức”.

Tôi gật đầu, Ông Ba Móng kết luận “Con cọp tha tao, thì tao làm sao bắn nó được?”.

Có tiếng chân bước lên lầu thang sân thượng, tôi quay ra thấy bác Kình đang khệ nệ bê một mâm nhỏ nghi ngút khói. Tôi vội chạy đến đỡ phụ ông. Bác Kình nói: “Ông cháu nói chuyện say quá! Khuya rồi! Trên này cao, gió đông xuân lạnh, làm bát cháo gà nóng cho ấm”. Rồi quay sang Ông Ba Móng: “Ông ăn cháo rồi nghỉ cho khoẻ. Mai ta còn đi nữa mà”. Ông Ba Móng gật đầu: “Cảm ơn cán bộ. Chưa ngủ đâu. Trăng sáng quá mà.”

Nguồn: https://vanvn.vn/ 

 
 
 
Các tin mới hơn
Mắt phù sa(23/09/2022)
Trương và Nguyễn(21/09/2022)
Nàng Sita cù lao(25/08/2022)
Tiếng trăng(11/08/2022)
Tiếng rắn hoang(10/08/2022)
Các tin cũ hơn
À ơi bên ấy trời đổ mưa – Truyện ngắn Nguyễn Hương Duyên(04/03/2022)
Ô sin làng(28/02/2022)
Con rối(25/02/2022)
‘Châu Phi nghìn trùng’ qua áng văn trác tuyệt của Isak Dinesen(23/02/2022)
Văn chương Việt đang thiếu vắng chân dung của người lao động(14/02/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na