Làng Lâm vốn nổi tiếng trong vùng về sự học hành đỗ đạt khoa cử. Vì thế người ta cứ lớn lên trưởng thành là lại thoát li đi khỏi làng. Thành ra từ đầu làng đến cuối làng chỉ có độ dăm chục nóc nhà nhưng quá nửa trong số đó là những gia đình mỗi nhà chỉ có hai ông bà già với nhau, hoặc chỉ còn cụ ông hay cụ bà, thậm chí có vài ba nhà còn đóng cửa để không, chả có ma nào ở, rêu cỏ mọc đầy sân. Con cái ở xa, lo bố mẹ ở nhà trái nắng trở trời, đêm hôm gió máy. Có người cố vật nài đưa bố mẹ ra phố ở với mình cho yên tâm, nhưng rồi cùng lắm các cụ cũng chỉ ở được dăm bữa nửa tháng rồi lại phá bĩnh hồi hương. Chả có ông bà già nào chịu được cái cảnh bị con cái nó đưa đi một chỗ lạ huơ lạ hoắc, không họ hàng thân thích, không bà con chòm xóm. Đã thế hầu như suốt ngày còn bị nhốt trong bốn bức tường ngột ngạt, bức bối. Vậy là thôi, chả ham hố thèm muốn gì cái sự thành phố, chúng ông lại về với vườn tược làng xóm cho nó lành.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như trong làng không có cái chết thương tâm của bà cụ Tị. Hai ông bà cụ sống trong ngôi nhà hai tầng bề thế nhất nhì ở giữa làng Lâm do người con trai là tổng giám đốc một công ti xơ sợi đem tiền về xây. Buổi chiều bà cụ còn sang chơi nhà hàng xóm, chuyện trò nổ như ngô rang, vậy mà sáng sớm hôm sau nghe tiếng chó sủa ran mọi người ngó sang thì đã thấy bà cụ nằm gục bên chái nhà tắt thở từ bao giờ rồi. Trong khi đó, cụ ông tai nghễnh ngãng ở trong nhà vẫn không hề hay biết. Biết là sống chết nó do số mệnh nhưng từ đấy các gia đình trong làng đâm hoảng. Gần như ngay lập tức, vài ba gia đình neo người nhưng thuộc diện có máu mặt trong làng tuyển ô sin để cơm nước giặt giũ nhưng chủ yếu là trông chừng các cụ. Người ta sợ nhỡ đâu lại xảy ra chuyện như nhà bà cụ Tị thì con cái muối mặt với làng với nước. Rằng chỉ biết đi đến nơi đô hội sung sướng, bỏ mặc bố mẹ ở nhà không biết sống chết ra sao.
Vậy nhưng tìm được ô sin ở quê lại chả dễ. Không phải là ở làng mọi người đã khá giả có của ăn của để nên không thèm làm cái nghề xưa nay luôn được xem là con ở mạt hạng ấy, mà thậm chí vô số các bà các cô quanh năm vẫn ra thành phố làm ô sin và chỉ dịp lễ tết giỗ chạp mới loáng thoáng đi về. Thế nhưng làm ô sin cho người ở ngay trong làng thì xưa nay chưa từng có. Đói ăn thật đấy nhưng tính sĩ diện lại cao nên người ta mặc cảm rằng nhà tao cũng sinh ra ở cái làng này như nhà mày thì hà cớ gì tao phải đi làm con ở cho nhà mày chứ? Cái tư duy văn hóa làng từ bao đời nay nó thế! Vậy nên thôi, thà rằng ra ngoài hầu hạ người thiên hạ cho nó cam, không phải mang tiếng nhục với họ hàng làng nước.
Không thuê được ô sin ở làng thì người ta nghĩ ra cách mượn người ở nơi khác đến. Thời buổi kinh tế sôi động thế này thì cái sự ấy quá dễ, miễn sao anh có tiền. Thế là làng bắt đầu có ô sin. Từ vài ba nhà ban đầu, chỉ ít hôm sau là người làng đã nghe loáng thoáng ở nhà này nhà kia có giọng nói lạ của người ở vùng khác, có cả giọng trọ trẹ khó nghe của những người ở mạn khu Bốn.
Cứ tầm bảy giờ rưỡi sáng là cái quán lợp tre lá bán các đồ tạp hóa lặt vặt của bà Vân điếc ở đầu làng lại tấp nập. Đám ô sin lúc này đã tạm xong các công việc cơm nước dọn dẹp buổi sáng nên tụ tập ở đây với mục đích chính là buôn dưa xả stress. Những bức bối ức chế dồn nén lại trong suốt hai bốn giờ trong ngày giữa các ông bà chủ nhà với ô sin lúc này mới được tung hê hết ra. Một bà béo mập độ ngoài năm mươi, nói giọng miền Trung vừa há mồm ngáp ngắn ngáp dài vừa than vãn:
- Vơ trời! Nhẽ không vì tháng dăm triệu bạc cho con ăn học thì tao bỏ việc cho xong. Ai đời cả đêm mà bảy tám lần đi đấy đi ẹ thì mần răng mà sống cho đặng!
Một em trẻ hơn, tuổi chỉ độ xấp xỉ ba mươi, nói giọng Thái Bình nằng nặng, nét mặt câng câng tru mỏ lên:
- Dào ôi, sao cô không tẹt cái bỉm vào, chứ lọ mọ suốt đêm thế thì có mà tèo à!
- Khổ, lại không chịu bỉm cơ! Cứ đeo vào tẹo lại thò tay giật bố nó ra mất!
- Chậc, thế thì cô nhọ rồi! May cháu không phải chịu cái cảnh ấy chứ không thì có mà chạy làng sớm!
Một bà độ bốn mươi, vẻ ngoài đài các chứ không giống người đi giúp việc với tóc uốn phi dê xoắn tít, mặc áo dây cũn cỡn đứng trề môi nguýt dài lên giọng dạy đời:
- Xời, các bá các cô cứ không chịu cập nhật kiến thức khoa học kĩ thuật thế là chết. Người già thì ai chả ít ngủ, mà đã không ngủ được thì phải đi đái chứ còn gì.
- Gớm, ai chả biết là thế… Cơ mà làm thế nào được?
- Đấy, tôi đã bảo. Phải biết tiếp thu khoa học kĩ thuật. Cứ tối đến là cho các cụ ý liều sê đu xen vào là đảm bảo ngủ tít mít đến sáng luôn, chả ỉa đái gì sất!
- Sê đu xen? Thuốc ngủ á cô? - Em trẻ nhất trợn mắt hỏi lại.
- Chứ còn gì nữa, chả lẽ lại là thuốc bổ!
- Ui giồi, thế chị vẫn cho bà Nga uống thuốc ngủ đấy à? Cơ mà nó có làm sao không? Hay là em cũng cho bà Hương uống nhỉ?
Hà hấp đang ngồi ăn cái bánh gai nghe thế thì đứng vụt dậy kêu toáng lên. Bà tóc xoăn vội lao đến đưa tay bịt mồm Hà hấp lại:
- Con hấp này, có im mồm ngay đi không! Tao phổ biến cho mọi người biết cách để làm cho nó nhàn cái thân mà lại còn cứ toang toác ra thế!
Nghe vậy cả Hà hấp và đám ô sin liền nín bặt đưa mắt nhìn ra xung quanh xem có ai là người trong làng lảng vảng ở đấy không. Nhưng may là ngoài đám ô sin và bà Vân điếc ra thì không có ai khác ở đó cả.
Trong đám ô sin thì Hà hấp luôn là người to mồm nhất. Hà hấp hơn ba mươi tuổi, ế chồng và là người duy nhất trong đám ô sin có hộ khẩu ở làng này. Gọi là Hà hấp vì ả này nhiều lúc hâm hâm, kiểu như bị đồng ám. Có người bảo tại căn quả của Hà quá nặng mà cúng bái chưa đến nơi đến chốn, có người lại bảo tại ả ế chồng nên tâm sinh lí mới thành ra thế. Nghe đâu cứ ngày rằm mồng một mà bà mẹ nhà Hà hấp không hương khói khấn vái cái bàn thờ bản mệnh của ả là y như rằng thế nào cái mặt ả cũng sưng xỉa lên rồi vật mình vật mẩy như giận dỗi ai đó. Hà hấp ở làm giúp việc cho nhà ông bà Liên Hương sau khi nhà này liên tiếp có tới ba đời ô sin bất thình lình bỏ việc. Tới lượt Hà hấp thì chả hiểu sao mọi sự lại êm thấm. Cả làng đều ngạc nhiên khi ai cũng biết hai ông bà nhà đấy căn ke khó tính thế nào, và cũng biết cái tính hâm dở của Hà hấp. Cuối cùng thì có vẻ như mọi người đều ngộ ra, và ai cũng tấm tắc bảo, rõ giời khéo sắp đặt, rằng nhà ấy thì phải con ấy nó mới trị được.
Ông bà Liên Hương đều đã ở tuổi ngoài bảy mươi một tẹo. Bà Hương là cán bộ thuế đã nghỉ hưu, giờ bị tai biến phải ngồi xe lăn đã hơn năm nay. Còn ông Liên chồng bà thì nguyên là chủ tịch của đúng cái xã này. Hai ông bà sở hữu hai dáng vóc trái ngược hẳn nhau, ông Liên thân hình to cao vạm vỡ, trong khi bà Hương thì người gầy đét như con cá khô. Tuy vậy hai ông bà lại rất tương đồng về tính cách, đó chính là sự riết róng, hà tiện. Không kể thời hai ông bà còn đương chức mà ngay cả bây giờ dù đã nghỉ hưu đến vài chục năm và kinh tế gia đình vẫn thuộc loại khá giả nhất nhì trong làng, cái tính cách ấy vẫn luôn nổi tiếng trong làng ngoài xã. Người trong làng có lỡ gặp lúc thóc cao gạo kém, lúc thiếu thốn nhỡ ngại thì cũng đừng ai tơ tưởng đến cái việc vác mặt đến nhà ấy mà vay mượn.
Nhờ sự khéo léo thu quén của bà Hương cộng với tính cách cẩn thận chặt chẽ của ông Liên nên ngay từ xưa hai ông bà đã có một cơ ngơi khang trang. Rồi nhờ có của ăn của để mà cả năm người con của ông bà đều được ăn học tử tế và thành đạt. Anh con cả sau khi đi du học nước ngoài thì định cư luôn bên ấy. Không những thế anh này còn bảo lãnh cho thêm hai đứa em sang. Hai người còn lại thì đều sống ở Hà Nội, cũng là quan chức nọ kia cả. Bởi vậy, riêng chuyện kinh tế thì với nhà ông bà Liên Hương là chuyện không phải nghĩ. Ấy thế nhưng thực tế đời sống của hai ông bà thì lại không phải vậy. Nó thậm chí còn khổ sở hơn cả những cái nhà thuộc diện hộ nghèo ở trong làng. Thời này thịt cá đầy chợ, vậy mà hầu như cả tháng trong thực đơn của hai ông bà không có tí gọi là chất đạm. Thức ăn kèm với cơm chủ yếu là các loại rau củ tự trồng trong vườn. Mỗi bữa chỉ cần một nhúm rau và tí muối lạc mặn chát là đủ. Ngay đến như bột ngọt là thứ mà thời bây giờ cái nhà nghèo rớt cũng nêm nếm không thèm run tay thì với nhà này nó cũng chỉ được tra vào các món ăn một cách rất rón rén. Không ai nghĩ cái sự hà tiện chắt chiu từ thời bao cấp lại ám vào ông bà Liên Hương sâu sắc đến thế. Nhà người ta thì chỉ vợ hoặc chồng, đây thì được cả đôi. Chính vì vậy mỗi khi ai đó nhắc đến cái tên ông bà Liên Hương thì tất thảy đều lắc đầu lè lưỡi. Bằng chứng sinh động chính là những người giúp việc nhà họ. Người thứ nhất làm được một tuần thì phải khăn áo ra đi vì cả gan ăn vụng hai cái đầu cá rán ông Liên cất trong tủ lạnh. Ông Liên làm một trận lôi đình rồi báo trưởng xóm đến lập biên bản. Người thứ hai thậm chí chỉ mới ở được hai ngày rồi cũng đi, sau khi bị ông Liên phát hiện đem cơm nguội đổ xuống ao chứ không đem hấp lại để ăn như lời ông dặn. Thế là ngay lập tức ông giảng luôn cho một bài về việc thực hiện lối sống tiết kiệm. Người này nghe xong chả nói câu gì, hôm sau lẳng lặng bỏ đi không một lời chào từ biệt. Người thứ ba ở được đâu hơn tháng thì bị ốm, đi bệnh viện khám thì bác sĩ bảo cơ thể suy nhược vì ăn uống thiếu chất đạm, vậy là cũng bỏ nốt.
Không kịp tìm ra được người giúp việc tiếp theo cho bố mẹ, đám con cái nhà ông bà Liên Hương đành tặc lưỡi mượn tạm Hà hấp ít hôm để lấp chỗ trống. Ai cũng tưởng chỉ ngày một ngày hai là Hà cũng theo chân những người giúp việc trước đó, a lê hấp, biến gấp. Nhưng không, nửa năm trời đã trôi qua mà Hà hấp vẫn ung dung yên vị ở đấy, chả điều tiếng gì! Thế mới biết, ở đời đôi khi cũng phụ thuộc vào cái câu tùy duyên, chả biết đâu mà lần.
Bà Hương bị một cơn nhồi máu não rồi liệt nửa người và phải nằm yên một chỗ từ hơn năm trước. Cái cơ thể vốn đã gầy guộc của bà sau cơn bệnh giờ teo tóp hết cả lại, chả biết có còn nổi được ba chục kí. Miệng lưỡi bà cũng ngọng ríu lại, nói ú a ú ớ chả ai hiểu câu gì ngoài ông Liên. Tuy vậy bà Hương lại hay nói, suốt ngày cứ vắng bóng người bên cạnh là bà lại kêu ầm lên nghe khùng khục như tiếng một loại động vật hoang dã nào đó. Năm thì mười họa Hà hấp mới xốc nách bà ôm lên cho ngồi cái xe lăn rồi đẩy ra đường dạo vài vòng. Ngồi xe lăn đi trên đường gặp ai quen là bà lại kêu toáng lên những tiếng u ơ ra vẻ mừng rỡ. Nhưng điều đó lại làm Hà bực mình, vì thế mà cũng ít khi Hà cho bà Hương ra đường, trừ lúc ông Liên phải giục. Và thường những khi đó Hà đều thực hiện một cách miễn cưỡng.
Ông Liên tuổi ngoài bảy mươi nhưng trông dáng vẻ còn khá phong độ, thân hình vẫn còn khá đầy đặn, gân guốc. Thường ngày ông vẫn diện bộ quần áo thun thể thao ra sân trụ sở ủy ban để đánh cầu lông với mấy ông bà hưu trí. Trước giờ ngoài cái sự hà tiện, riết róng cố hữu ra thì ông Liên còn có tiếng là người sống cẩn thận và nguyên tắc. Tháng đôi ba lần họp chi bộ, họp hội nọ ban kia ông đều có mặt. Cuộc họp nào ông cũng hăng hái phát biểu, nêu ý kiến quán triệt chủ trương đường lối y như dạo ông còn đương chức chủ tịch. Không ai tranh cãi được với những lí lẽ, lập luận mà ông đã nêu ra. Vì thế lâu dần thành ra các cuộc họp có mặt ông đều trở nên nhàm chán. Từ ngày có Hà hấp tới làm giúp việc, ông Liên trông càng thêm khỏe khoắn, nhuận sắc ra. Chiếc xe Dream tậu từ dạo ông còn làm chủ tịch xã lâu nay luôn được đắp chiếu che bụi sạch bong ít khi đụng đến, vậy mà giờ người ta cứ thấy ông chạy vè vè suốt ngày. Hết họp hành, chợ búa, thể dục thể thao… ông còn tham gia giao lưu thơ ca hò vè với câu lạc bộ thơ Hải Đăng cùng các tao nhân mặc khách trong huyện. Ở nhà hàng ngày thường chỉ có bà Hương và Hà hấp, và cánh cổng thì lúc nào cũng cứ đóng im ỉm cả ngày. Những lúc như thế chả ai biết Hà hấp cùng với bà Hương làm gì trong nhà, chỉ thấy không gian lúc ấy nó yên ắng khác hẳn những lúc ông Liên ở nhà. Thậm chí đôi lúc người ta còn nghe thấy giọng Hà hấp hát ông ổng bài “Teen vọng cổ” mà cô này rất ưa thích.
*
* *
Bẵng đi một thời gian chả còn ai nhắc chuyện Hà hấp với nhà ông bà Liên Hương nữa. Có vẻ như mọi người đã quen hẳn với việc đó nên không còn ai để ý săm soi thắc mắc.
Chuyện sẽ tiếp tục êm thấm như vậy nếu như một ngày người làng không thấy cô con gái út của ông bà Liên Hương đột ngột từ Hà Nội đánh xe về với vẻ mặt tức giận. Rồi chỉ chừng ba mươi phút sau thì Hà hấp bị ông Vinh công an xóm túm tóc lôi ra khỏi nhà áp giải lên ủy ban xã cùng với túi đồ dùng cá nhân. Hà hấp ôm cái túi vừa đi vừa khóc tức tưởi trước bao ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người trong làng khi đó đang đứng xúm xít hóng về phía cổng nhà ông Liên.
Nguyên do của sự việc sau đó ngay lập tức đã được thông tin rõ ràng và rộng rãi khắp làng. Đó là cô con gái út nhà ông bà Liên Hương sau một lần về thăm mẹ đã bí mật gắn một cái camera giám sát vào trong phòng bà Hương mà không ai hay biết. Chỉ mỗi cái cục đen đen bé tý như chiếc khuy áo khoác, thế mà cô kia ngồi tận trên Hà Nội mở máy điện thoại ra cái là thấy rõ ngay nhất cử nhất động của bà mẹ ở nhà ra sao. Đen cho Hà hấp là cô ta chả hề biết được thời đại bây giờ khoa học công nghệ nó lại vi diệu, tài tình đến thế. Trong một lần đè bà Hương ra để nhét vào mồm hai viên seduxen cho bà này ngủ tít mít, không hiểu sao bà Hương lại phản ứng dữ dội bằng cách cứ ngậm chặt miệng lại, Hà hấp điên tiết vung tay tát bôm bốp vào mặt bà khiến bà chỉ còn biết kêu ư ử đau đớn rồi ngoan ngoãn há miệng ra uống thuốc. Lập tức cô út ở Hà Nội phóng xe về nhà. Cái camera được mở ra và phát lại hình ảnh trên cái màn hình tivi 48 inch kê giữa nhà trước sự chứng kiến của đầy đủ các ban bệ lãnh đạo trong thôn.
*
* *
Hà hấp bị giam ở ủy ban xã một ngày, sau đó phải nộp phạt cảnh cáo bằng một tạ thóc rồi được tha cho về. Kể từ hôm ấy không thấy Hà hấp lảng vảng ra đường nữa. Đám ô sin thì dường như cũng chột dạ sau sự việc ấy nên ít tụ tập tán chuyện ở quán bà Vân điếc như thường khi. Mỗi sáng họ vẫn ra quán bà Vân nhưng chỉ loáng thoáng chào hỏi nhau dăm ba câu rồi người nào người nấy lại tất tả đi về nơi làm việc của mình. Cũng từ hôm ấy người ta lại thấy ông Liên chăm đẩy xe lăn cho bà Hương đi ra đường hơn, và lần nào ông cũng dừng chỗ quán bà Vân để cho một bà ngọng và một bà điếc đối thoại với nhau một lúc.
Bẵng đi đến gần tháng, một hôm bỗng Hà hấp lại lù lù xuất hiện trước cửa quán bà Vân trong bộ dạng bơ phờ mệt mỏi. Nước da xanh mái và mớ tóc vốn đã bù xù của Hà hấp trông càng tăng thêm vẻ bệ rạc. Đám ô sin thấy Hà thì sán lại hỏi han, mỗi người một câu xoắn xuýt làm Hà hấp cuống lên chả biết đường nào mà trả lời. Riêng bà Vân điếc thì ngồi ngẩn nhìn chằm chặp vào Hà hấp với ánh mắt vẻ như kinh ngạc, tựa lần đầu tiên thấy một người lạ từ đâu lai vãng tới. Rồi bà Vân đột nhiên đứng vụt dậy bước đến bên Hà hấp rồi đưa tay vén tóc cô ta lên nhìn săm soi bên nọ bên kia. Sau đó bà Vân nhổ toẹt miếng trầu đỏ lòm đang nhai trong miệng ra rồi thủng thẳng nói:
- Ui giời, chửa mẹ nó ra rồi!
Cả Hà hấp và đám ô sin đều trố mắt nhìn bà Vân như nhìn một con quái vật vừa từ đâu rơi uỵch xuống cái làng này. Hà hấp há hốc mồm miệng, mặt cắt không còn giọt máu và hai tay đột nhiên vô thức đưa lên tự sờ vào bụng mình.
- Bà bảo cái gì cơ, chửa á?
Hà hấp miệng lắp bắp hỏi lại nhưng bà Vân điếc không nghe thấy nên vẫn tỉnh bơ không trả lời. Bà ô sin béo mập người miền Trung sấn sổ bước đến vạch luôn cổ áo Hà hấp ra nhìn ngó rồi cũng tru tréo lên:
- Vơ trời!… Gân xanh nổi đầy, vú căng thây nẩy như ri còn chả chửa thì chi nựa!
Cả đám ô sin và bà Vân điếc đều bất chợt lặng thinh. Tất cả mọi ánh mắt đều dán vào người Hà hấp làm cho ả càng thêm mất bình tĩnh. Một lát, mụ ô sin tóc xoăn ăn mặc đỏm dáng chợt rú lên cười ngặt nghẽo phá tan cái không khí u ám trầm lắng đang bao phủ:
- Há há… Anh Liên già trông cứ tưởng hết đát, thế mà vẫn còn phong độ gớm nhỉ!
Hòa theo tiếng cười của mụ tóc xoăn, ngoại trừ bà Vân điếc tất cả đều cùng cười ồ lên tán thưởng. Hà hấp đứng ngẩn ra trong giây lát rồi bất chợt bưng mặt khóc tu tu. Tất cả lại nín lặng nhìn ả khóc, và khi mọi người còn chưa biết xử trí ra sao thì Hà hấp đã guồng chân chạy biến đi. Tiếng khóc đầy vẻ ai oán, tức tưởi kéo dài theo về phía ngôi nhà của mẹ con ả ở cuối làng.
*
* *
Tròn một năm sau đó, cũng ở trước cửa cái quán tre lá bán tạp hóa của bà Vân điếc, vẫn cái đám ô sin làng ấy đứng tụ tập buôn chuyện rôm rả. Nhưng đột nhiên tất cả im bặt khi thấy ông Liên ở phía xa xa đi tới. Trên tay ông Liên bế xốc bên hông một thằng cu con đang cười toe toét. Lẽo đẽo phía sau là Hà hấp đẩy xe lăn cho bà Hương chầm chậm cùng đi tới. Vừa nhác trông thấy bà Vân điếc từ xa, bà Hương lại kêu rú lên những tiếng ú ơ đầy phấn khích…
T.H.G
Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/