Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Cổ thụ" của tác giả Tăng Bá Hoành
25/03/2024 12:00:00

Cổ thụ là cây cao, bóng cả, sống lâu năm, xưa làng nào ở nước ta cũng có, riêng ở đồng bằng, cổ thụ nhiều nhất ở trong các miếu. Những người xa quê, khi trở về, nhìn thấy ngọn cây cổ thụ đã tràn đầy xúc cảm như nhìn thấy người thân. Trên những con đường dài, bến sông, chợ làng, bóng râm của cổ thụ là nơi nương tựa của khách qua đường, của những người buôn bán, những người cô đơn. Cổ thụ ở giữa đồng là nơi nghỉ trưa của nông phu. Cây đa, bến nước, sân đình là đặc trưng của cảnh quan làng quê Bắc Bộ. Dưới những cây cổ thụ ấy, trải qua hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm đã biết bao chuyện đời đầy xúc cảm, nếu như được ghi chép sẽ thành những tập truyện ly kỳ. Cổ thụ là vật chứng cho biết bao đổi thay, vui buồn của làng quê Việt Nam và của cả nhân loại. Để sống sót qua vài thế kỷ, thậm chí vài thiên niên kỷ thật là điều may mắn diệu kỳ. Tuổi thọ cổ thụ không chỉ phụ thuộc con người mà còn do thiên nhiên và sức sống của từng giống loài mà không phải con người lúc nào cũng hiểu biết.

 
 
Cây gạo ở Văn miếu Mao Điền. 

Những cây cổ thụ, dân gian cho rằng có nhiều ma quỷ ẩn náu ở đó nên hay dựng miếu thờ gần đó. Miếu làng là một rừng cây hỗn hợp, tựa như một khoảnh rừng già, trong đó không thiếu chim muông, dã thú và đương nhiên thế nào cũng có một miếu nhỏ thờ linh thần.

Cổ thụ do con người trồng mục đích chính là tạo nên cảnh quan tươi mát, sự sung mãn, trường tồn cho một vùng quê, một di tích hơn là thu lợi từ hoa quả. Tuy nhiên, cổ thụ không phải đều do người trồng mà nhiều cây mọc tự nhiên, được con người bảo tồn mà còn đến nay.

Cổ thụ được quan tâm bảo tồn không nhất thiết cứ phải cao to mà cả những cây lùn nhưng có dáng lạ và sống lâu cũng vẫn được liệt vào hàng cổ thụ. Với khoa học hiện đại, người ta có thể xác định được tuổi của cây tương đối chính xác và di chuyển, đánh trồng trong chậu lớn những cây tuổi vài thế kỷ, có dáng độc về khuôn viên gia đình, nghĩa là biến những cây sống trong thiên nhiên thành bon sai.

Nước ta trải dài trên 10 vĩ độ, có núi cao trên 3000 mét, bờ biển suốt từ Bắc chí Nam, biển đảo mênh mông nên cổ thụ trồng hay tự nhiên không giống nhau. Người xưa thường chọn những cây sống lâu, sâu rễ, bền gốc, tán đẹp, hoa tươi, chịu úng hạn và bão lụt, hợp với thổ ngơi để trồng bên di tích lịch sử, công trình văn hóa, cổng làng và bến sông. Ở Bắc Bộ, thường trồng đa, đề, si, gạo, quéo (xoài), thị, vải, bàng...; vùng núi cao trồng tùng, bách. Những cây này thường chỉ thấy trong các công viên, ít khi thấy trong vườn quê, vì cây to, tán rộng vườn nhà không đủ sức nuôi dưỡng. Ở Hải Dương không thiếu những cổ thụ đã trở thành huyền thoại.

Thông mã vĩ. Cuối thế kỷ XIV, Đại tư đồ Trần Nguyên Đán về Côn Sơn chí sĩ, tương truyền ông trồng thông, bà trồng rễ. Bãi rễ thanh hao bây giờ vẫn còn tuy không rộng như xưa, nhưng những cây thông xưa thì không còn. Thời chống Mỹ, đến Côn Sơn còn thấy những cây thông già ở trước và sau chùa, phải chăng những cây ấy do Trần Nguyên Đán trồng khi về động Thanh Hư. Đương thời, Trần Nguyên Đán đến thăm điện Lưu Quang của Chu An trên núi Phượng Hoàng, nhìn cảnh quan ông đã viết:

Lưu Quang Điện hạ tùng thiên thụ,

Tận thị kình thiên nhất thủ tài.

(Dưới Điện Lưu Quang thông ngàn gốc,

Cao vút trời xanh một người trồng).

Thế mà hôm nay không thấy một bóng thông già.

Năm 1983, chúng tôi lên núi Phật Sơn, Đông Triều, thăm chùa Hồ Thiên, công trình do Pháp Loa khởi dựng từ năm Nhâm Tuất (1322). Năm đó di tích còn cây thông mã vĩ đường kính gốc khoảng hơn 1m thẳng tưng, cao như một cột cờ. 3 cây vải tu hú, gốc bành vè đến 1,5m, một cây sung già đổ nằm ngang trông như bộ xương voi, đặc biệt là còn một cây bồ hòn gốc tới gần 1m. Trong những cổ thụ trên hẳn có cây từ sinh thời Pháp Loa. Xưa chùa Thanh Mai cũng có những cây như thế. Hai mươi năm sau trở lại, chỉ còn cây bồ hòn và một cây vải mà thôi. Trên đường lên chùa Ngoạ Vân, Đông Triều còn nhìn thấy vài cây thông già, phải chăng chúng được trồng từ thời Trần Nhân Tông.

Rừng lim đền Cao, An Lạc, Chí Linh là rừng lim duy nhất của Hải Dương còn đến nay, cây có tuổi đời cao nhất là 800 năm, vì vậy được xếp hạng cây di sản từ năm 2015. Nói đến rừng lim chúng ta không quên rừng lim ở di tích Lam Sơn, Thanh Hóa. Đây có lẽ là rừng lim hùng vĩ nhất nước ta có từ thời Lê sơ.

Cây gạo trước Văn miếu Mao Điền trở thành hình ảnh đặc trưng của Văn miếu Hải Dương, được xác định trồng từ khi chuyển văn miếu về đây, tức trên 200 năm.

Cây quéo (xoài) ở làng Vũ La, Nam Sách, tương truyền được Viễn Đông Bác Cổ xếp hạng từ trước năm 1945, nay không còn.

Đường tùng Yên Tử. Năm 1979, khi đi nghiên cứu di tích Yên Tử, từ Năm Mẫu vào chùa Giải Oan đều phải luồn rừng lội suối, rồi lên chùa Hoa Yên, âm thầm leo dốc giữa hai hàng lão tùng bên rừng trúc bạt ngàn, lòng rạo rực như đang theo gót các thiền sư. Khi đó cả Yên Tử chỉ có 2 nhà sư và một tiểu nữ, thật vắng. May thay hàng tùng trăm tuổi nay vẫn còn.

Cây Dã hương. Cách đây 30 năm, đọc được tư liệu lịch sử, chúng tôi đến thăm cây dã hương ở xã Tiên Tục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang được Vua Cảnh Hưng (TK XVIII), tôn vinh là Quốc chúa đô mộc dã đại vương. Cây này đã được in trong từ điển bách khoa của Pháp, Viện Viễn Đông Bác cổ xếp hạng bảo vệ từ trước năm 1932, nay đã được xếp vào hàng cây di sản. Chu vi lớn nhất ở phần gốc trên 11m, là cây dã hương lớn nhất thế giới còn đang sống.

Cây đa Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn liền với lịch sử cách mạng, gồm 2 cây, đa ông và đa bà trồng gần nhau, sau phát triển thành một cây chắp thân liên cành. Tuy không cao lắm, chỉ khoảng 20m nhưng tuổi trên 300 năm.

Năm 1976, khi khai quật di tích thành Cổ Loa, chúng tôi được đến thăm đền Mỵ Châu, trước đền có cây đa rất lớn, rễ phụ bao trùm cả miếu, nhưng 40 năm sau trở lại, cây đa đã tàn lụi, mặc dù được chăm sóc chu đáo.

Cây đa 13 gốc bên miếu Thổ Vương, quan Ngô Quyền, Hải Phòng không những nhiều tuổi mà có dáng độc đáo.

Cây gạo ở Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, cao 30m, đường kính gốc tới 2m, tương truyền do Quỳnh Trân Công chúa trồng cách nay trên 330 năm.

Cây táu bên đền Thiên Cổ, thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Phú Thọ, có tuổi trên 2.100 năm, tức có trước cả thời Hai Bà Trưng, ngành Lâm nghiệp cho rằng là cây táu thọ nhất Việt Nam.

Cây sấu ở cửa khẩu Sóc Giang, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, gần cột mốc 65, cao tới 38m, đường kính gốc 3,13m, vì vậy đã được xếp hạng từ năm 2012. Dân gian gọi đây là cột mốc xanh Việt Trung.

Cây xanh 800 tuổi ở làng Suối Cốc, xã Hiệp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, có tới 50 gốc, kết thành một tán rộng tới 100m2. Xếp hạng năm 2012.

Ruối là loài cây không phải loại cây cao bóng cả, nhưng sống dài, gỗ dẻo, lá xanh quanh năm, quả chín vàng vào mùa hạ, ăn ngon, rất hợp khẩu vị với loài rắn ráo. Ở làng quê Bắc Bộ có những hàng ruối đẹp như tranh, chính vì thế mà phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, từng có hàng rào ruối ở phía trước. Nhiều miếu đền cũng không ít ruối sống độc thân được tạo tán muôn hình vạn trạng. Đến thăm khu di tích Tân Trào, chúng ta đi qua những rặng ruối cổ, tạo cho nên sự xúc cảm lạ thường về chiến khu xưa mà gần gũi như xóm làng mình vậy.

Đến thăm làng Trần Xá, huyện Nam Sách còn 3 cây ruối già, tương truyền là nơi buộc ngựa của các tướng lĩnh nhà Trần khi dự hội nghị Vương hầu bách quan tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282) trên vùng Trần Xá mà nhiều người cứ lầm là ở bến Bình Than, nếu vậy thì cũng trên 700 năm. Nhưng ngành Lâm nghiệp, xác định rằng 18 cây ruối ở thôn Cam Lâm, xã Dương Lâm, Sơn Tây, Hà Nội mới là những cây ruối già nhất. Tương truyền những cây ruối này có từ thời Ngô Quyền, chống quân Nam Hán năm 938, mới là cây cổ nhất, tức đã hơn 1000 tuổi, vì vậy được xếp hạng năm 2011. Cây ruối Bàn tay Phật ở Thung Nham, Ninh Bình, tuy không lớn nhưng cũng vài trăm tuổi, dáng đẹp tuyệt vời.

Lệ Chi viên. Năm 1979, khi nghiên cứu vụ án Lệ Chi viên, chúng tôi có điền dã dọc hữu ngạn sông Đuống, nơi gọi là Lệ Chi viên, theo dân bản xã cho biết vườn vải xưa đã bị xói lở, chỉ còn một vườn vải chua, dân gian vẫn gọi là vải tu hú gần đó, gồm vài chục cây, gốc nhiều thân, to 30-40cm, vươn cao trên 10m. Khi đó chưa ai xác định tuổi của rừng vải này, nhưng nhìn cây lại nhớ đến Lệ Chi viên xưa.

Cây thị. Cây thị 300 tuổi ở làng Trung Thị, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, chu vi gốc tới 5-6m, cao 30m, tán rộng 18m. Cây thị chùa Nhẫm Dương, Kinh Môn cũng không kém cây này về độ lớn cũng như tuổi tác. Người xưa cho rằng, thị là loài cây thất tuyệt: sống thọ, tán rộng, chịu hạn, chim không làm tổ, quả thơm làm vật cúng, gỗ làm ván in, vỏ làm thuốc chữa bệnh. Nếu xét về lợi ích thì thị còn 2 ưu điểm nữa là lá xanh mát quanh năm, cành dẻo dai có thể leo lên cây mà không bị gẫy xước. Tuy nhiên, hai cây thị trên vẫn không thể so sánh được với Cây Thị Thần bên đền thờ Thánh Tản Viên, được xác định là cây có từ thời Đinh Tiên Hoàng, gốc có chu vi 8m, cao trên 18m. Gỗ thị thuộc vào hàng gỗ quý nhất cho nghề khắc ván in, vì chúng dẻo, dai, không cong vênh, nứt rạn trong mọi thời tiết, lại dễ khắc, nếu bảo quản tốt có thể tồn tại vài thế kỷ.

Cây bàng. Bên những công trình văn hóa ở Hải Dương hầu như làng nào cũng có bàng. Phố Quang Trung thành phố Hải Dương còn sót lại khá nhiều cây bàng cổ nhưng tuổi cũng không quá 120 năm, bởi phố phường hiện đại này mới xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Hiện nay, những cây bàng bên Dinh Chúa đảo ở nhà tù Côn Đảo được quan tâm hơn cả vì nhà tù này được xây dựng từ năm 1862. Ban quản lý di tích cho biết, hiện còn 53 cây, được xếp hạng là những cây di sản, trong đó có cây đường kính gốc đến 1,5m. Những cây này tuy đã già nhưng rất sung mãn và phù hợp với vùng nước mặn. Nhân bàng Côn Đảo nay trở thành đặc sản mà khách du lịch ai cũng quan tâm.

Cây chò ngàn tuổi ở Vườn quốc gia Cúc Phương là điểm thu hút du khách một thời, cao tới 50m, đường kính gốc gần 5m, tán rộng 200m2, rễ như những con rắn khổng lồ bò trên mặt đất. Tuy nhiên cây này đã cằn cỗi khó tồn tài lâu dài.

Cây thiên tuế. Dân gian gọi là cây thiên tuế nhưng đến nay chưa tìm được cây nào nghìn tuổi. Đến năm 2013 mới xếp hạng được cây 400 tuổi ở xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Gần đây tại hội chợ Đà Lạt phát hiện một cây 500 tuổi, tức còn xa tuổi 1000 năm.

Cây thông hai lá dẹt vườn quốc gia Lang Biang, Tây Nguyên, đường kính 2m, tuổi khoảng 1000 năm, hiện còn khoảng 1000 cây lớn nhỏ. Loại thông này chỉ còn ở cao nguyên Lang Biang, Việt Nam.

Nếu muốn nghiên cứu sâu những cổ thụ chỉ ở Việt Nam hẳn cần một cuốn sách dày với hàng trăm hình ảnh minh họa cũng không hết.

Cưỡi ngựa xem qua những cây cổ thụ, chúng ta thấy rằng ở nước ta mặc dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc và những biến động xã hội sâu sắc, vẫn tồn tại những cổ thụ ngàn tuổi, độc đáo và đa dạng, trong đó có những cây cả thế giới cũng không còn như cây dã hương ở Bắc Giang, cây tùng 2 lá ở Tây Nguyên... Bảo vệ và chăm sóc cây cổ thụ cũng là một tiêu chí văn hóa của những nước văn minh.
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Chùa làng(11/03/2024)
Hoa rừng(11/03/2024)
Truyện ngắn "Núi con rồng" của tác giả Trần Quốc Cưỡng(11/03/2024)
Tản văn "Đông về bên bếp lửa hồng" của tác giả Muồng Hoàng Yến(11/03/2024)
Giải pháp và đích đến của Thơ(07/03/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na