Thơ
Thơ ca chống lại sự cách ly
26/04/2022 12:00:00

Nhà thơ Fernando Rendón là Chủ tịch Liên hoan Thơ quốc tế Medellin, Colombia – tổ chức từng được trao giải “Cho sinh kế chính đáng” (còn gọi là giải Nobel thay thế) tại Thụy Điển nhờ những hoạt động thơ ca đã giúp tạo ra“sự sáng tạo, tôn vinh cái đẹp, sự tự do, đồng thời giúp cộng đồng phát triển mạnh mẽ, vượt qua nỗi sợ hãi và bạo lực, góp phần xây dựng hòa bình”. Vanvn.vn xin giới thiệu lại bài viết của ông từ Viết & Đọc.

 
Nhà thơ Fernando Rendón

Việc cách ly triệt để và bắt buộc toàn bộ dân số Colombia phải ở trong nhà của mình bắt đầu từ tháng 3 năm 2020. Nhà ở trở thành nhà tù. Bạn chỉ có thể ra ngoài mua đồ trong hai giờ mỗi tuần. Tháng 12 năm trước, bắt đầu xuất hiện tin tức về một loạt virus gây chết người ở Trung Quốc. Mọi người bị sốt, mê sảng và bấn loạn; họ không thể đi lại, nói chuyện hay thở được nữa, và qua đời đột ngột.

Gần 220 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh. Và chỉ trong vòng hai mươi tháng, gần năm triệu nam giới và phụ nữ, trong đó bao gồm cả người già vả trẻ em không nơi nương tựa, đã tử vong.

Thế giới rơi vào một vực xoáy và đã chìm trong vực thẳm. Mọi hồi chuông báo động về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ngân lên. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Một cuộc đối đầu hạt nhân là nỗi lo sợ của tất cả mọi người. Xung đột toàn cầu đang leo thang khi Mỹ tiếp tục tiến hành can thiệp quân sự vào khu vực Trung Đông. Những căng thẳng chính trị khu vực và chiến tranh nổi dậy liên tiếp diễn ra. Các cuộc vận động xã hội gia tăng gấp bội, đòi hỏi điều kiện sống tốt hơn cho các dân tộc trên Trái đất.

Ở rất nhiều quốc gia, nước không thể uống, còn không khí không thể thở. 800 triệu người, tức một phần mười tổng dân số thế giới, đã phải chịu nạn đói. Nguồn sống đang bị đe dọa. Sa mạc đang xâm lấn đất canh tác và lửa thì hủy hoại những cánh rừng.

Sự thất vọng và ngờ vực lẫn nhau ngày một lan rộng. Nhân loại ngày một mất đoàn kết. Mọi người cảm thấy cô đơn. Mọi người buồn bã. Dường như không có lối thoát nào cho những vấn đề của thế giới. Tin tức hàng ngày, được nhân lên bởi công nghệ, trở thành một cực hình. Có lẽ một phản ứng chưa từng được biết đến của tự nhiên sẽ xảy ra. Dường như sợi dây bị căng ra và gần đến giới hạn đứt gẫy. Nhân loại, đối mặt với một hiểm họa khôn lường, đã trở nên đau yếu một cách bí ẩn. Hàng ngàn người bắt đầu hành xử thiếu lý trí, như thể đang phải đối mặt với một bệnh dịch từ thời Trung cổ.

Nếu ai đó mắc bệnh, thì người này có thể bị đuổi ra khỏi nhà bởi người chủ gia đình ích kỷ và kinh sợ, vốn đã bị ám ảnh bởi một chứng hoảng sợ cổ xưa. Con trai của một gia đình nọ bị nhiễm virus đã trèo lên cây phía bên kia đường. Rất nhiều gia đình chia ly. Các cuộc hôn nhân tan vỡ với số lượng lớn, cứ như thể họ không thể chịu được cảnh đêm ngày bị nhốt cùng nhau. Trẻ em bị cầm tù gấp đôi. Mọi người trở nên mất trí. Họ ra đường quấn bao ni lông từ đầu đến chân. Một số đeo chai nhựa quanh cổ. Họ mua hết toàn bộ giấy vệ sinh và cồn y tế, hoang phí xịt nó dưới đế giày của mình. Thường thì mọi người hét vào nhau, “Hãy tránh xa ra!”

Coronavirus đã bóc trần những vấn đề của con người. Nền kinh tế suy thoái trầm trọng. Sản xuất hàng hóa tụt giảm. Nhiều nhà máy và xí nghiệp đã phải dừng hoạt động. Các địa điểm tụ tập, quán bar và nhà hàng phải đóng cửa. Hàng nghìn cửa hàng đổ nát. Các công viên bị đóng kín. Việc vào siêu thị để tích trữ hàng hóa trở nên khó khăn. Đâu đâu cũng có những hàng dài xếp hàng chờ mua bánh mì và rau quả. Những người bán hàng rong đã bị đuổi đánh vì họ khăng khăng đòi bán hàng trên phố, bị phạt tù hoặc phạt tiền. Có thêm 118 triệu người lâm vào cảnh đói giữa đại dịch.

Các phòng chăm sóc tích cực và giường bệnh trở nên khan hiếm. Các bác sĩ và y tá tại phòng khám điều trị bệnh nhân nhiễm dịch, cùng với những người mắc bệnh, bắt đầu bị tấn công như là những người có khả năng mang virus. Nhà của họ bị ném đá và bản thân họ bị đe dọa tính mạng.

Ở Colombia, nơi chiến tranh xảy ra hơn nửa thế kỷ, đã có hàng triệu chiến binh vì hòa bình và xã hội công bằng đã bị ám sát, còn nạn đói lan nhanh như cháy rừng. Nhân dân có thể kỳ vọng được sự giúp đỡ gì trong tình trạng khẩn cấp này? Ở Colombia, trong vòng hai tháng có hàng nghìn người ra đường biểu tình. Súng đã nổ chống lại những người biểu tình. Nhiều người trẻ tuổi bị thảm sát, mất tích, thi thể của họ vất vưởng trên sông và bãi rác.

Giữa sự trống rỗng đầy đau khổ, virus đã góp phần làm tăng thêm nỗi đau mất mát từ chiến tranh và bạo lực tột độ trên đường phố. Một danh sách dài những người bước sang thế giới bên kia trong im lặng mà không một ai có thể ngăn cản được nó. Tất cả chúng ta đều có thể chết. Rất nhiều bạn bè đã qua đời, ở cả trong lẫn ngoài nước. Sự giam cầm bắt buộc và đau buồn mặc niệm khiến chúng ta phải mãi mãi đối mặt với chính mình.

Bị khóa kín hoàn toàn, liệu chúng ta có thể làm gì? Viết về sự bất định, người thầy của chúng ta. Vẽ ra những khoảng lặng trong nỗi cô đơn tột cùng. Trò chuyện với bản thân mình mọi lúc. Hãy nhập tâm. Hãy ôm lấy gia đình của mình và điểm lấy những người bạn ta có. Ngay ở khoảnh khắc hiện tại, chúng ta chỉ có nhau. Chúng ta không còn có thể ôm nhau trên phố. Giãn cách xã hội đã không cho phép chúng ta được bắt tay. Mọi người chào hỏi nhau bằng cùi chỏ. Mọi thứ đều bị thử thách. Đó là một câu hỏi rằng liệu chúng ta có thể tồn tại vượt qua chính bản thân mình, hay là mãi mãi không tồn tại. Yêu nhiều hơn, chiến đấu nhiều hơn, phản kháng nhiều hơn, cho đi nhiều hơn.

Song ở giữa nghịch cảnh này lại nảy sinh những tin mừng. Cho dù toàn thế giới bị khóa kín trong bốn bức tường nhà, rất nhiều động vật hoang dã đã xuất hiện trong thành phố. Hươu rong chơi trong các công viên. Những chú gấu ngó qua cửa túp lều của người nông dân. Khí quyển, sông và biển đã được làm sạch. Chim hót vui hơn xưa. Chúng không hiểu tại sao cuộc sống nhộn nhịp của con người bỗng chốc dừng lại.

Nhưng rất nhiều người kiệt sức đã bỏ cuộc. Họ cảm thấy hiện tại của họ hỗn loạn và không có tương lai. Họ đơn thuần bỏ mặc không chăm lo cho bản thân mình nữa và bị mắc bệnh. Rồi họ qua đời. Xuất hiện những tấm ảnh chụp thi thể chất đống bên hè đường đến từ nhiều quốc gia. Nhiều gia đình không có tiền để an táng người thân qua đời. Nhưng chúng ta không thể và sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Chúng ta bắt đầu nhìn thế giới qua lăng kính cửa sổ, giống như ở tuổi thiếu thời. Chúng ta duy trì mối liên hệ với thực tại thông qua internet và mạng xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng thơ ca sẽ giúp đỡ nhân sinh. Và thơ ca có thể làm gì cho hàng triệu người bị đánh đập và sợ hãi, bị cắt đứt với nhau? Câu trả lời là rất nhiều. Thơ ca có thể nói, hợp nhất, ôm trọn và củng cố các tâm hồn. Công nghệ sẽ cho phép chúng ta chia sẻ ngôn ngữ, suy nghĩ và cảm xúc của mình cho hàng nghìn người cùng một lúc. Nhưng liệu chúng ta đã sẵn sàng chưa?

Tôi đã chỉ đạo Liên hoan Thơ Quốc tế Medellin kể từ khi nó được thành lập cách đây 31 năm. Đây là một lễ hội nổi tiếng thường niên, được các nhà thơ ở khắp nơi công nhận, một cuộc nổi dậy tinh thần liên tục chống lại chủ nghĩa phát xít, ấp ủ nuôi dưỡng quyền tự do sáng tạo, ngôn luận, hội họp vốn đã bị đàn áp từ lâu. Mọi người sẽ tề tựu để tôn vinh cuộc sống trong một quốc gia chết chóc, để lắng nghe những giọng thơ huyền thoại của thơ ca thế giới. Điều này sẽ mang lại hơi thở cho mọi người, dòng máu của giấc mơ sẽ lại chảy trong huyết quản của họ, nhằm tái sinh niềm tin vào sự tồn tại của mình. Nhưng việc chứng kiến các sự kiện đã bị nghiêm cấm.

Bởi vậy chúng tôi đã thay đổi chiến lược. Chúng tôi thích ứng với truyền thông mới, đắm mình trong không gian số. Chúng tôi liên hệ với những nhà thơ đương đại vĩ đại nhất. Họ nồng nhiệt chấp nhận lời mời của chúng tôi. Chúng tôi dùng hết năng lượng và kinh phí của mình để hiệu triệu một cộng đồng khán giả lớn, cả trong và ngoài nước, để họ có thể thưởng thức lễ hội qua mạng xã hội.

Cùng thời điểm, có một sự bùng nổ hoạt động đọc thơ trên thế giới, một cuộc cách mạng thinh lặng của tinh thần bắt đầu, rất nhiều lễ hội thơ quốc tế đã được tạo ra ở châu Mỹ Latinh và các châu lục khác.

Vào năm 2020, trong 70 ngày liên tục, dưới khẩu hiệu Hiện Thực Hóa Điều Không Thể, và vào năm 2021, xuyên suốt 29 ngày, với trục chủ đề Ký ức, Sinh tồn và Tương lai, chúng tôi đã tổ chức hai phiên bản Lễ hội của mình. 380 nhà thơ đến từ gần 120 quốc gia đã tham dự, thông qua 230 buổi đọc thơ, thảo luận, tọa đàm, hội thảo cho thiếu niên và nhi đồng.

Lượng khán giả đã đạt đến 394.000 lượt xem vào năm 2020. Năm 2021, con số này là 850.000. Mọi thứ đều có thể. Thơ ca đã xuyên phá nhiều rào cản và thực sự giao tiếp với mọi người trong những thời khắc khổ đau nhất của họ. Trên bờ vực cô độc và tách biệt với thế giới, thơ ca đã đồng hành và di dưỡng tinh thần con người nhiều hơn, cho họ thấy tâm hồn và vũ trụ có một không hai của họ. Một con đường để bước theo, một giấc mơ được làm mới và một sự an toàn nội tâm. Nó mang lại cho họ sự đảm bảo và sức mạnh để tiếp tục cuộc chiến giành lại con đường đã mất và đóng góp cho việc tái cân bằng lịch sử nhân loại.

Giữa tất cả những điều này, Phong trào Thơ Thế giới tiếp tục cuộc tuần hành. Năm 2021, chúng tôi đã kỷ niệm ba hoạt động thơ ca toàn cầu. Chúng tôi đã xây dựng sự phối hợp quốc gia ở 95 quốc gia và chỉ đạo tập thể ở mọi châu lục. Thơ ca là hy vọng thực sự đối với thế giới. Cuộc sống thật tuyệt vời và luôn đổi thay – chúng ta hãy cùng nhau đấu tranh!

FERNANDO RENDÓN

 Nguồn: https://vanvn.vn/
Các tin mới hơn
Khi người lính cầm bút làm thơ(15/09/2022)
Các tin cũ hơn
Xuân Diệu và thơ Hồ Xuân Hương(15/04/2022)
Chùm thơ của nhà thơ Nga Kabishev Alexander Konstantinovich(30/03/2022)
Về mối liên kết giữa toán học & thi ca(29/03/2022)
Văn hóa nhân văn SOS! (29/03/2022)
Hoàng Nhuận Cầm vẫn mãi hướng về ‘Phương ấy’(07/03/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na