Thơ
Hoàng Nhuận Cầm vẫn mãi hướng về ‘Phương ấy’
07/03/2022 10:06:00

Kỷ niệm trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là những bâng khuâng, nuối tiếc rất thu và rất thơ. Bên những kỷ niệm về Hà Nội, những sân trường góc phố, hàng cây, mái tóc người bạn gái và những kỷ niệm khác cũng thật khó mờ phai.

 
 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (1952-2021)

Tháng 4.2021, tôi bất ngờ khi nhận tin “bác sĩ Hoa Súng” Hoàng Nhuận Cầm – một gương mặt của thế hệ nhà thơ thời chống Mỹ cứu nước – đã ra đi.

Tôi biết Cầm và đọc thơ Cầm từ những năm 1966-1967 khi anh còn là một thiếu niên Hà Nội. Thơ anh được ký dưới các bút danh rất mùi mẫn như Hoài Thương, Ánh Biếc… gì đó. Rồi Cầm vào khoa Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó), đi bộ đội, được giải thơ báo Văn Nghệ và trở thành người của làng điện ảnh (đóng phim, đạo diễn, viết kịch bản), tôi vẫn thi thoảng gặp anh, đọc và xem anh.

Mới đây, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in tập thơ thứ ba của anh, tập Xúc xắc mùa thu. Anh đưa tôi xem, tôi đọc liền mạch và cảm thấy Cầm vẫn là Hoàng Nhuận Cầm, chẳng lẫn với ai được.

Đọc Xúc xắc mùa thu, có người bảo ấy là một giọng thơ “duy cảm”, “duy mỹ”, chẳng biết đúng hay sai. Riêng tôi, tôi thấy rõ ấy là một tập thơ của một “người Hà Nội gốc”, một quân nhân, con người đã trải qua thời trận mạc.

Xúc xắc mùa thu, mặc dù tác giả của nó đã vào tuổi tứ tuần, kỷ niệm trẻ trai vẫn cứ tràn đầy “ta ngây thơ hát lại khúc ban đầu”, “ta đã đi như mèo trên phố vắng” “ta cười như chưa khổ”, “ta cười như chưa yêu”…

Kỷ niệm trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là những bâng khuâng, nuối tiếc rất thu và rất thơ. Bên những kỷ niệm về Hà Nội, những sân trường góc phố, hàng cây, mái tóc người bạn gái và những kỷ niệm khác cũng thật khó mờ phai.

Ấy là những kỷ niệm về một thời đánh giặc chưa xa: “Anh về Hà Nội chưa hết nhớ”. Nhớ cánh rừng ran tiếng ve trước khi trận đánh bắt đầu, nhớ “anh bộ đội” và “tiếng nhạc la”…

Nhớ những ngày mưa Trường Sơn, nhớ hơn cả là những con người, những đồng đội, người mất kẻ còn. Và có “ai biết vì sao anh đã khóc”, có ai hiểu vì sao anh “đang ngồi uống rượu mắt rưng rưng” mới thấu hiểu vì sao những câu thơ mùa thu của anh có “lá rừng sốt rét” rơi xuống (bài Xuất ngũ).

Đừng trách thơ anh nhiều nước mắt. Nước mắt trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là tấm lòng anh, là tình người chiến sĩ có may mắn trở về khóc bè bạn đã hy sinh.

Tôi nói những bài thơ viết về đồng đội trong tập Xúc xắc mùa thu của Cầm là những bài thơ hay nhất, xúc động nhất. Những bài loại này ít thôi nhưng sự lay động người đọc thật nhiều. Ấy là các bài Nhớ Vũ Đình Văn, Dưới màu hoa rất đỏ, Mùa hoa bất tử, Xuất ngũ…

Đây là những bài thơ viết ra từ sự chắt lọc, chắt lọc không phải chỉ ở góc độ ngôn từ, mà là sự chắt lọc của tháng ngày, của sự chiêm nghiệm, của vui buồn, yêu ghét.

Tôi biết cuộc đời cầm súng của Cầm không dài, có dăm bảy năm gì thôi. Nhưng đó là những năm tháng “không thể nào quên” của anh. Anh gọi đó là những mùa hoa của tuổi xuân anh, dẫu vẫn biết đó chẳng là thứ hoa trong ngày sinh nhật, hoa trước tối tân hôn mà là những mùa hoa phượng đỏ “rơi ngút ngàn trên những hố bom đen”, “mùa hoa bất tử trổ trên đồi” “nở hoài trên mũ quân nhân”.

***

Đọc Xúc xắc mùa thu thấy vẫn một Hoàng Nhuận Cầm trong “những câu thơ viết đợi mặt trời”, rất đa cảm, thật thi sĩ, nhưng dường như tâm hồn ấy, nhà thơ ấy đằm hơn, sâu sắc và da diết hơn rất nhiều. Nếu quả đúng như vậy, thì có lẽ phải cảm ơn thời gian.

Thời gian đã cho nhà thơ có một độ lùi xa để nhìn cuộc chiến và thời gian cũng đã là nguồn nuôi dưỡng hồn thơ anh để nó lớn lên, chín thêm…

Đọc thơ của Cầm, tôi bị ám ảnh bởi không chỉ ở một góc phố phường, một tuổi thơ Hà Nội mà ám ảnh hơn về một miền đất, về một thời lửa máu hy sinh, trong đó có bài thơ Phương ấy.

Lấy cảm hứng từ nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – người bạn cùng thời Đại học Tổng hợp Hà Nội của mình, Hoàng Nhuận Cầm không hề làm công việc chuyển thể một cách đơn giản, mà anh viết Mùi cỏ cháy như viết về chính thế hệ của anh – thế hệ học sinh, sinh viên “xếp bút nghiên”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, viết cho chính anh và những người trẻ cùng thời.

Và kịch bản Mùi cỏ cháy, nhiều lý do trong đó có lý do quan trọng là kinh phí, nên mãi 15 năm sau mới được dựng thành phim (khởi quay tháng 12/2010). Bối cảnh chính của phim là sự kiện “mùa hè đỏ lửa” 1972 với trận chiến tại thành cổ Quảng Trị.

Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên Hà Nội Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972.

Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh, còn Hoàng may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi anh thăm lại chiến trường xưa. Mùi cỏ cháy do hãng phim truyện Việt Nam sản xuất.

***

Và khi xem hết phim Mùi cỏ cháy, không hiểu sao trong tâm trí tôi cứ luẩn quẩn cái bóng vươn cao của cây bạch đàn trong nắng chiều Quảng Trị. Đó là loại cây mà người lính trẻ trong phim trước giờ ra trận đã ước được trồng trên mộ mình nếu phải hy sinh cùng câu thơ:

“Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy thép gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy…”.

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn trong bài Phương ấy của đồng tác giả bộ phim – nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm!

NGÔ VĨNH BÌNH

 
Nguồn:  https://vanvn.vn/
 
Các tin mới hơn
Khi người lính cầm bút làm thơ(15/09/2022)
Thơ ca chống lại sự cách ly(26/04/2022)
Xuân Diệu và thơ Hồ Xuân Hương(15/04/2022)
Chùm thơ của nhà thơ Nga Kabishev Alexander Konstantinovich(30/03/2022)
Về mối liên kết giữa toán học & thi ca(29/03/2022)
Các tin cũ hơn
Tập thơ về Covid của tác giả Việt xuất bản tại Hàn Quốc(03/03/2022)
Nhà thơ Y Phương nói về ‘Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương’?(23/02/2022)
Hoàng Cầm - Mắt của thời gian(17/02/2022)
Nhà thơ Y Phương: Cánh đại bàng của núi…(10/02/2022)
Nét tương giao giữa vần thơ thiền và vần thơ Bác(20/01/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na