Đây là kết quả từ sự dày công tuyển chọn của Phó giáo sư – Tiến sĩ Lương Minh Cừ. Tinh thần và vốn sống đáng quý của 20 tác giả được gửi gắm qua những áng thơ tuyệt đẹp.
Trong tập thơ này, đa số tác giả đều là lính. Họ có thể không quá nổi bật trên văn đàn, nhưng những vần thơ của họ lại chuyên chở nhiều tình cảm dành cho con người, quê hương, đất nước, những suy tưởng về sự vần xoay của cuộc sống. Thưởng thức tập thơ, độc giả sẽ được biết đến những vị tướng tài ba như: Thượng tướng Trần Văn Trà, Thượng tướng Hoàng Cầm, cũng từng sáng tác khi đang trực tiếp chỉ huy ở chiến trường.
Diễn đàn thơ ca ngày càng đa sắc, nhưng lâu nay, những trang thơ viết về người lính luôn dành được tình cảm đặc biệt của đông đảo bạn đọc. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong thời chiến hay trong thời bình đã được khắc họa một cách chân thực và sống động trong thơ và nhạc. Đáng nói, thơ về thời chiến không đa dạng như thơ tình yêu đôi lứa nhưng nó cũng có đủ những cung bậc cảm xúc. Chất lính trong thơ, tình yêu người lính với những dư vị đặc biệt… Tất cả tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với độc giả.
Dưới ngòi bút của người lính, tình đồng chí, đồng đội và cao hơn hết là tình yêu tổ quốc luôn thường trực và cháy bỏng. Mỗi áng thơ đều khiến người đọc cảm thấy trân trọng và tự hào. Nhà thơ Phạm Quốc Ca viết: “Tổ quốc như lòng mẹ/ Giữa ngực con ngụm nước dịu dàng…”
Dưới góc nhìn của nhà thơ, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, hình ảnh cô du kích M’ Nông trở thành một biểu tượng của tuổi trẻ và lòng dũng cảm: “Áo đẫm mồ hôi, đôi má ửng hồng/ Lồng ngực tròn căng tuổi đàn môi hò hẹn…”
Với nhà thơ Lương Minh Cừ, thứ ám ảnh nhất với mỗi người lính trong thời chiến chính là nỗi nhớ: “Bận quá, anh chưa về thăm được/ Nhớ nước Đồng Nai ngọt tiếng hò/… Chiều em ngã xuống bên sông ấy/ Súng vẫn trong tay miệng mím cười…”
Trong tuyển tập thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”, tác phẩm “Cái mùng cưới” của nhà thơ Thanh Giang làm độc giả bất chợt mỉm cười bởi niềm hạnh phúc giản dị mà nồng ấm của người lính: “Em vá lại mùng, đường kim hội ngộ/… Rồi hai đứa lại trở về trận địa/ Khúc tình yêu âm vang không gian… Mùa xuân sau nắng reo chồi biếc/ Anh mừng con: thư em báo tin vui/ Cái mùng cưới qua đạn bom chiến dịch/ Làm bầu trời riêng: con bộ đội ra đời!”
Cuộc chiến nào cũng có tổn thương, mất mát. Nhà thơ Xuân Hòa mang vào tập thơ sắc đỏ của chia ly: “Tôi và em chia tay/ Cùng tiến về một hướng/ Trời Củ Chi/ Ngập tràn gió và nắng/… Cháy lòng tôi/ Cuộc chia ly màu đỏ em ơi?”
Chiến tranh là chia ly nhưng cũng là sự gắn kết, tôi và anh, từ những con người xa lạ trở thành đồng chí, cùng trải quan gian khổ khó khăn, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi. Nhà thơ Văn Lê viết: “Năm ấy, đồng đội tôi đi/Trên đường mưa tuôn, dưới chân nước chảy…”.
Tình yêu người lính luôn gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Đó là màu sắc rất riêng trong những vần thơ viết về người lính. Nhà thơ Thái Thanh Long đã có những áng thơ đầy mộng mơ về Thủ đô: “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm/ Có một Hà Nội ngây ngất nắng/ Có một Hà Nội run run heo may…”. Bài thơ “Yêu Hà Nội” của Thái Thanh Long cũng đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát “Mơ về nơi xa lắm”.
“Bao giờ mới có mưa ngâu” – một trong những tác phẩm của nhà thơ Vũ Chí Thành được đặt trong tuyển tập thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”, làm độc giả lặng đi dưới bầu trời ký ức một thời bom đạn: “Em có nhớ trận Mậu Thân máu lửa/ Cõng thương binh qua làn đạn quân thù/ Mái tóc đen bay ngang trời thành phố/ Tuổi trăng tròn – hoa nở rộ chiến khu…”.
Tuyển tập khép lại bằng tác phẩm của nhà thơ Lê Văn Vọng – “Để ngày mai anh về”: “Anh đã đặt bàn tay nơi ngực trái/ Bàn tay có hơi ấm tay em qua bao ngày anh còn giữ lại/ Là sức bền tình yêu/ Để ngày mai anh về”.
Chiến tranh kết thúc, người lính trở về nhịp sống bình thường, cũng như bao người khác, họ cũng phải lao động và lo lắng cho cuộc sống. Dẫu vậy, lòng họ luôn nhớ về một thời oanh liệt. Và, thật đáng trân quý khi những ký ức đẹp đẽ và dữ dội đó được ghi lại bằng những áng thơ.
Nguồn: https://vanvn.vn/