Thơ
Văn hóa nhân văn SOS!
29/03/2022 10:15:34

Vào dịp áp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, kênh truyền hình Nhân Dân mời tôi về huyện N làm chương trình văn nghệ phát sóng vào dịp tết. Chương trình nói về nhà thơ C, một cây bút đậm đà phong vị nông thôn khá quen thuộc. Di sản thơ của ông có những tác phẩm về tết và mùa xuân làng quê đồng bằng bắc bộ rất ấn tượng. Tết cổ truyền năm nào thơ của ông cũng được phát sóng, nếu không ở kênh truyền hình nào đó thì cũng trên sóng đài phát thanh quốc gia.

 
 

Mỗi chương trình ấy, trước khi trình bày tác phẩm thơ, các biên tập viên không quên điểm xuyết đôi nét về thân thế, sự nghiệp của ông. Tên tuổi ông đã được ghi danh trên những cuốn từ điển văn học, những tuyển tập lớn của quốc gia; chưa đến tuổi 30 ông có mặt trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Ông đã về cõi vĩnh hằng cách nay ngót hai mươi năm. Ngôi nhà cổ có bàn thờ ông thì vẫn ở nơi ông sinh ra tại một làng quê thuộc huyện N. Các dịp lễ, tết, con cháu ông thường hội tụ về đây hương khói tưởng niệm.

Nhà văn Lê Hoài Nam

Lịch trình quay phim của chúng tôi chủ yếu diễn ra ở ngôi nhà này. Tuy nhiên, trong những người được chọn trả lời phỏng vấn, ngoài các văn nghệ sĩ am hiểu, trân quý và những người thân trong gia đình nhà thơ thì chúng tôi cần phải phỏng vấn một vị lãnh đạo huyện N. Để thuận lợi cho công việc, chúng tôi liên hệ trước với một cán văn phòng huyện nói rõ mục đích, nhưng khi chúng tôi về đến trụ sở, cả huyện ủy và ủy ban, thì vị lãnh đạo nào cũng ra chào bắt tay niềm nở rồi bí thư nói đã uỷ quyền việc này cho chủ tịch; gặp chủ tịch thì ông này lại nói đã ủy quyền cho các cấp phó; gặp mấy vị cấp phó thì các ông đều nói đã ủy quyền cho vị chủ tịch hội đồng nhân dân; gặp ông chủ tịch hội đồng nhân dân thì lại được trả lời đã ủy quyền cho ông phó của ông.

Chúng tôi tìm gặp ông phó chủ tịch hội đồng nhân dân thì con người có vẻ chân chất này đồng ý tiếp. Bằng cách tiếp cận thân thiện, cuối cùng thì vị phó chủ tịch hội đồng nhân dân thật thà thú nhận, rằng các vị từng nghe nói ở huyện nhà có một nhà thơ tên C như thế. Nhưng vì bận công việc mà các vị chưa có điều kiện tiếp cận với tác phẩm nào của nhà thơ, vả lại nhà thơ đã mất từ lâu, con cháu của ông cũng ít có dịp gặp gỡ nên các vị chẳng hiểu gì về ông ấy cả. “Ngay cả tôi được ủy quyền, nhưng cũng không hiểu gì về nhà thơ C đâu, nhưng vì tôi có chức danh thấp nhất trong hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt huyện nên tôi không thể không chấp hành. Để tôi có thể trả lời phỏng vấn các anh chị thì xin các anh chị phác ra cho tôi những ý mà tôi cần phải trả lời được không ạ?”.

Không còn cách nào khác, tôi đành phải nói vắn tắt đôi điều chính yếu về thân thế và tác phẩm, đặc biệt là những bài thơ về tết và mùa xuân của nhà thơ C. Tôi thì nói, vị phó chủ tịch hội đồng nhân dân thì ghi ghi chép chép. Ấy thế mà đến lúc trả lời phỏng vấn vị ấy vẫn nói nhầm, tôi phải đứng gần nhắc nhở.

Rồi chương trình cũng được hoàn thành và phát sóng vào dịp tết. Chuyến đi làm chương trình ấy nó gợi cho tôi nhớ lại cách đây hơn 30 năm, khi tôi cầm giấy chuyển ngành từ quân đội về Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh. Hồi ấy đã bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, cho dù những khó khăn của thời bao cấp vẫn còn khá nặng nề, nhưng không khí thì đã cởi mở hơn. Thị trấn Liễu Đề quê tôi bắt đầu khởi sắc; cửa hàng cửa hiệu mọc lên, buôn bán sầm uất. Tôi cũng được “ăn theo” cái không khí ấy mà thiết lập cho gia đình một cửa hiệu sách, báo, văn phòng phẩm. Cửa hiệu ấy rất gần trường trung học phổ thông và trường phổ thông cơ sở của thị trấn.

Ngày khai trương cửa hiệu đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày hiến chương các nhà giáo. Khai trương không mở nhạc rầm rộ, không hoa pháo, đèn nến chúc mừng, nhưng cửa vừa mở các em học sinh đã ùa vào rất đông. Các em chọn mua những sổ, bút, cặp, sách văn học làm quà tặng thầy cô giáo. Có lớp các em chung tiền mua hẳn những bộ tiểu thuyết 4 tập đắt tiền Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Những người khốn khổ… làm quà tặng. Các em cũng mua cho mình, cho lớp hoặc tặng bạn bè những cuốc sách phù hợp với lứa tuổi của các em. Cứ trưa thứ năm hàng tuần, đi học về các em lại ghé vào cửa hiệu của gia đình tôi mua các loại báo Văn nghệ, Tiền phong, Hoa Học trò, Hương đầu mùa, Mực tím, Áo trắng… Đặc biệt là cuốn Hoa học trò, mỗi kỳ báo về cửa hiệu nhà tôi bán được hàng trăm bản. Tiếc thay, giờ đây những cử chỉ tôn vinh văn học, văn hóa như thế đã thuộc về quá khứ.

Bây giờ, cửa hiệu nhà tôi đã xây dựng to gấp ba ngày ấy, nhưng chủ yếu bán sách giáo khoa, văn phòng phẩm và tạp hóa. Chỉ dành một góc nhỏ kê cái giá bán mấy cuốn truyện tranh, dăm bảy cuốn Hoa học trò, (tờ báo này bây giờ mang tính giải trí hơn là giá trị văn học) cho một số ít các em còn thích đọc. Chương trình học môn văn ngay từ các cấp phổ thông đã hoàn toàn khác trước: ít giá trị văn học hơn. Học sinh chỉ học những đoạn trích trong sách giáo khoa mà không cần tìm đọc toàn bộ tác phẩm. Ngồi trên ghế phổ thông đã “mất gốc” như thế, lên đại học có muốn nhồi nhét tình yêu văn học cho các em cũng khó thành.

Các đây chưa lâu, trong cơ cấu bộ máy lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, bao giờ cũng có những chức danh tốt nghiệp ngành khoa học nhân văn như phó chủ tịch UBND tỉnh (huyện) phụ trách văn xã, trưởng ban tuyên giáo, giám đốc Đài Phát thanh – truyền hình, giám đốc sở Văn hóa – thể thao – du lịch, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thì dứt khoát nếu không phải là một nhà văn chuyên nghiệp thì cũng là một nghệ sĩ thực tài… Còn bây giờ thì không hẳn như thế. Cho nên mới có những chuyện dở khóc dở cười như ở huyện N mà ở phần đầu bài viết tôi đã kể.

Cái chuyện thiếu hụt văn hóa nhân văn bây giờ nó bộc lộ ở rất nhiều lĩnh vực của cuộc cuộc sống. Không ít những văn bản gửi từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên câu văn quá dài dòng, lủng củng, khiến người nhận hiểu sai ý tứ. Không thiếu những hiện tượng khác lạ diễn ra trong văn hóa nhân văn mà người lãnh đạo lúng túng không biết giải quyết ra sao. Không thiếu những quảng cáo trên truyền hình khiến người xem đỏ mặt, như diễn viên Bình An quảng cáo cho hàng mì tôm nào đó, anh này nói một tràng những câu nhạt nhẽo, đến câu cuối cùng thì vừa sến súa, vừa thực dụng: “Mì to thì đường tình sáng tỏ”! Cũng quảng cáo cho mì tôm ở một clip khác, cô diễn viên nọ hát eo éo: “Thịt thật, thịt thật, thịt thật…”. Cô ấy quảng cáo cho cái ngon của mì có thịt, nhưng vô tình lại quảng bá luôn rằng xứ xở của chúng ta có cả thịt giả!

Rõ ràng là những quảng cáo này, người thực hiện rất nghèo nàn về ngôn từ và thẩm mĩ. Rồi lại có clip quảng cáo thuốc xịt mũi có nội dung quá dài, giọng người đọc cứ choang choác liền tù tỳ như súng liên thanh dội vào màng nhĩ của người nghe. Cứ tưởng làm thế sẽ thu hút sự chú ý của người bệnh, họ sẽ hăng hái mua thuốc hơn, nhưng thực tế thì ngược lại, bởi đâu phải cứ nói nhiều nói to mà chiếm được tình cảm của đối tác!

Bàn về văn hóa nhân văn, tôi xin hiến bạn đọc một phát hiện của riêng tôi. Mới đấy tôi đã tìm hiểu và biết rằng hầu như tất cả những viên quan chức cao cấp, những tướng lĩnh tham nhũng, ăn tàn phá hại bị pháp luật tống vào “lò” mấy năm nay có kiến thức văn hóa nhân văn rất thấp, thậm chí là số không tròn trịa. Tôi nghĩ: giá mà họ yêu văn học để hiểu biết và thương nước thương nòi hơn, biết địa lý để biết quý trọng từng tấc đất tấc biển của tổ quốc, am hiểu lịch sử nước nhà mà thấy rằng để có một đất nước toàn vẹn, cường thịnh, thái bình như hôm nay thì người Việt đã phải trải qua biết bao hưng phế, bể dâu, máu chảy đầu rơi ra sao.

Những người có văn hóa nhân văn, trong vai trò là một quan sứ, trên lĩnh vực ngoại giao đã làm gì để vừa giữ được lòng tự tôn dân tộc vừa giữ được chủ quyền lãnh thổ. Những người có văn hóa nhân văn trong vai trò là một đại thần trong triều đã từng hiến kế cho nhà vua xây dựng và canh tân đất nước; can gián vua không được làm điều sai trái, tránh được họa xâm lăng hay cảnh nồi da xáo thịt như thế nào! Trái lại, trong lịch sử cũng đã có không ít những vương triều, phủ chúa xuất hiện quá nhiều những viên quan sâu mọt, xu nịnh, ăn chơi trác táng, xui vua, mách chúa bịt miệng, chém giết quan văn, làm cho văn hóa suy đồi, lòng người ly tán, đẩy đất nước đến thảm họa như thế nào!

Vâng nếu họ có một chút kiến thức như thế, chắc khả năng phải “vào lò” như họ sẽ thấp hơn; vì trong họ cho dù có phạm chút lỗi lầm (tham, sân, si), nhưng vẫn còn một chút liêm sỉ, thương nước, thương nòi.

 Nguồn: https://vanvn.vn/
Các tin mới hơn
Khi người lính cầm bút làm thơ(15/09/2022)
Thơ ca chống lại sự cách ly(26/04/2022)
Xuân Diệu và thơ Hồ Xuân Hương(15/04/2022)
Chùm thơ của nhà thơ Nga Kabishev Alexander Konstantinovich(30/03/2022)
Về mối liên kết giữa toán học & thi ca(29/03/2022)
Các tin cũ hơn
Hoàng Nhuận Cầm vẫn mãi hướng về ‘Phương ấy’(07/03/2022)
Tập thơ về Covid của tác giả Việt xuất bản tại Hàn Quốc(03/03/2022)
Nhà thơ Y Phương nói về ‘Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương’?(23/02/2022)
Hoàng Cầm - Mắt của thời gian(17/02/2022)
Nhà thơ Y Phương: Cánh đại bàng của núi…(10/02/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na