Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Bút ký "Những người viết huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển" của tác giả Đinh Ngọc Hùng
26/05/2022 12:00:00

Mỗi dịp tháng 5 về, nhân dân khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S lại tưởng nhớ đến Hồ Chủ tịch, vị cha già dân tộc với lòng kính yêu vô hạn.

 

Những gương người tốt, việc tốt được kể mỗi ngày trên báo không chỉ minh chứng sức lan tỏa trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn là món quà thiết thực, ý nghĩa dâng lên ngày sinh của Người.

Nhưng trong vô vàn những câu chuyện về các tập thể, cá nhân của thời đại Hồ Chí Minh ngày nay khiến chúng ta nức lòng, tôi xin kể một câu chuyện cũ về một thế hệ cũ vì không muốn họ bị lãng quên. Một thế hệ khi Tổ quốc bị chia cắt, khi Đảng, Bác Hồ kêu gọi, họ đã gác lại bút nghiên lên đường, nguyện cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước. Họ chính là những chiến sĩ của đoàn tàu không số người đã viết lên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau khi tạc lên biểu tượng một Việt Nam bất diệt, họ trở về quê hương sống bình dị giữa nhân dân.

Như đã biết, ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam nằm dưới sự đàn áp của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Trước tình hình đó, ngày 13/01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 mở tuyến đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, táo bạo, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để bảo đảm bí mật và hoàn thành nhiệm vụ, phương châm được đưa ra là: “Kết hợp hoạt động bằng phương thức hợp pháp và bất hợp pháp. Lấy hoạt động hợp pháp làm phương thức chủ yếu. Quá trình vận chuyển phải chủ động, táo bạo, bất ngờ, hết sức lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng đến bến. Đồng thời, phải có sẵn phương án thật mưu trí, linh hoạt để đối phó với địch khi bị lộ. Khi đã lộ phải kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần thì nổ tàu để giữ bí mật”.

Sự ra đời của đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện tốt vai trò hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc; bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, và đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn, thời gian di chuyển nhanh, phạm vi rộng khắp, đặc biệt là các tỉnh ven biển và đồng bằng Nam Bộ - những nơi tuyến đường Trường Sơn chưa vươn tới.

Trong điều kiện địch truy lùng gắt gao, đánh phá ác liệt, chúng ta phải chịu những tổn thất không nhỏ về người, vũ khí, trang bị, đường Hồ Chí Minh trên biển đã chia lửa với đường Hồ Chí Minh trên bộ, hình thành hai tuyến vận chuyển chiến lược thủy - bộ, bao phủ toàn bộ chiến trường. Đường Hồ Chí Minh trên biển cũng buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó, tạo ra những thời cơ, điều kiện thuận lợi cho ta đẩy nhanh tiến độ, gia tăng khối lượng vận chuyển, kịp thời chi viện sức người, sức của, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam.

Để thực hiện nhiệm vụ cao cả do Đảng và Bác Hồ giao phó, Đoàn 759 vừa hoạt động vừa xây dựng, phát triển lực lượng. Các loại tàu được sử dụng là tàu nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá. Từ 4 tàu gỗ thô sơ gắn máy từ miền Nam đưa ra với 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, qua thời gian, đơn vị không ngừng lớn mạnh trở thành lữ đoàn vận tải (Lữ đoàn 125 ngày nay). Góp mặt vào những chiến binh của đoàn tàu không số anh hùng ấy có không ít người con đến từ các miền quê của mảnh đất tỉnh Đông.

Dạo đó, được Hội Cựu chiến binh tỉnh giới thiệu, chúng tôi tìm về xã Thanh An (huyện Thanh Hà) thăm cựu chiến binh Vũ Khắc Thuyết. Ông Thuyết sinh năm 1952 và đã có vài chục năm làm cán bộ cấp xã. Nhưng trước khi phục viên về công tác tại địa phương, ông Thuyết đã có 5 năm là lính tàu không số với hàng chục chuyến vận chuyển vũ khí, hàng hóa trên biển. Ông Thuyết kể, năm 1970 ông nhập ngũ, năm 1971 về Lữ đoàn 125 tàu không số. Khi đó tàu 603 của ông có nhiệm vụ chở hàng hóa ra các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Trà Ngọ, Hòn Mê, Cồn Cỏ…

Thời kỳ này, các chuyến đi của tàu không số thường xuyên phải đối mặt với thủy lôi của giặc. Ngày đó tất cả các luồng lạch, cửa biển từ Quảng Bình đến Hải Phòng đều bị giặc dải thủy lôi. Để đảm bảo an toàn, mỗi chuyến đi đều phải có tàu hoa tiêu phá thủy lôi dẫn đường. Thế nhưng có những lúc thủy lôi vẫn nổ ngay bên mạn nghiêng cả tàu. Để đảm bảo an toàn, trong suốt hành trình anh em phải mặc áo phao.

Một trong những kỉ niệm mà ông Thuyết không thể quên khi ở tàu không số là đợt chở quân ta giải phóng đảo Trường Sa năm 1975. “Hôm đó, chúng tôi có hai tàu được lệnh chở quân đánh quần đảo Trường Sa. Khi tàu đến gần đảo thì đã vào nửa đêm, pháo từ trong đảo bắn ra tới tấp. Để đảm bảo an toàn, hai tàu trở ra biển neo đậu. Buổi sáng, tàu lại tiếp tục tiến vào đảo. Khi đến gần thấy cờ của ta tung bay trên đảo mới vỡ lẽ quân ta đã chiếm được đảo song vì tàu vào ban đêm nên trên đảo nghi tàu địch tấn công đã nổ súng”. Lúc đó và cả bây giờ ông Thuyết vẫn không quên cảm giác sung sướng khi đặt bước chân đầu tiên lên quần đảo yêu dấu của Tổ quốc.

Cũng là lính tàu không số những năm sau 1970, những ký ức thời bom đạn vẫn còn in đậm trong ông Phạm Sĩ Lại, thôn Cổ Chẩm, xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà). Ông Lại cho biết, năm 1971 ông được điều về tàu 609 cùng đơn vị ông Thuyết. Thời kỳ đầu 1961-1070, các đoàn tàu không số của ta chủ yếu hoạt động bí mật. Đến giai đoạn 1971-1973 sau khi bị địch phát hiện, việc đi vào Nam khó khăn, các tàu không số của ta chuyển chiến thuật xuất phát tại nhiều địa điểm khác nhau: từ cảng K20 Thủy Nguyên, K15 Đồ Sơn (Hải Phòng), Trung đoàn 172 vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)… Bằng cách này nhiều chuyến đi đã thành công. Tuy vậy không ít chuyến đụng độ với quân giặc và chịu tổn thất hoặc phải quay trở lại.

Tàu 609 của ông Lại cũng đã chở 3 chuyến vũ khí vào Nam, mỗi chuyến lênh đênh trên biển hàng chục ngày song do giặc tuần tiễu nên không sao tiếp cận được bờ buộc phải quay trở lại. Về sau ta cho các tàu không số cải trang thành tàu đánh cá, đóng hai đáy, đáy trên chở hàng, đáy dưới cất vũ khí tập kết tại đảo Hải Nam (Trung Quốc). Tại đây vũ khí được các tàu của ta trong miền Nam tiếp nhận về đất liền. Để tránh đụng độ với Hải quân Mỹ án ngữ tại vịnh Bắc Bộ, các tàu của ta đi theo đường vòng từ Hải Phòng, qua Móng Cái, qua bán đảo Lôi Châu và cập bến ở phía Tây đảo Hải Nam. Phục vụ trong đoàn tàu không số đến năm 1973, ông Lại xuất ngũ về địa phương vì sức khỏe yếu do bị thương khi máy bay B52 Mỹ đánh vào Hải Phòng năm 1972.

Cho tôi xem vết sẹo lớn ở bắp tay phải, ở bụng và chìa ngón tay nhẫn bàn tay trái bị cụt, ông Lại kể: “Tối hôm đó vào ca gác, tôi nhận được lệnh của trên báo, đêm nay, máy bay Mỹ sẽ ném bom Hải Phòng. Đúng 12 giờ đêm còi báo động hú vang. Phía Đồ Sơn, Hồng Gai pháo và tên lửa của ta bắn sáng rực bầu trời. Chừng nửa tiếng sau có tiếng máy bay ì ì đến gần rồi xung quanh bom nổ chát chúa. Nhà máy xi măng và kho dầu bên kia bờ sông Cấm bốc cháy rừng rực. Các trận địa pháo, tên lửa của ta tới tấp bắn lên không. Cả bầu trời Hải Phòng rung chuyển và lóa sáng bởi ánh đạn. Vài trái bom rơi xuống bờ sông bên này trúng vào các đội tàu không số đang neo đậu trong cảng. Tàu 603 chở đầy vũ khí bị mất lái trôi dạt sang khu vực kho dầu và nổ tung. Còn tàu của chúng tôi bị đâm vào bờ do anh Thọ, người Tứ Kỳ cầm lái bị mảnh bom phạt đúng bụng hy sinh.

Tôi sau tiếng bom nổ thấy bụng đau nhói, nhìn bắp tay phải đã mất một mảng thịt lớn, bàn tay trái một ngón bị cắt lủng lẳng rồi lịm đi. Sau này khi tỉnh lại, bác sĩ cho biết tôi bị một mảnh bom găm vào ổ bụng làm đứt ruột phải cắt 70 cm. Trận bom đêm đó, tàu tôi có 4 đồng chí hy sinh, hầu hết anh em còn lại bị thương”.

Sau đợt đó, ông Lại được phân công lên bờ làm công tác bảo vệ đơn vị cho đến 1973 ông ra quân về địa phương. Cuộc sống của ông Lại khá éo le, vợ ông mất vì bệnh ung thư năm 2005, một năm sau, con gái lớn của ông cũng mất vì bệnh máu trắng. Hai nỗi đau dồn dập khiến người lính tàu không số năm xưa có lúc tưởng không gượng dậy được. Nhưng rồi ông vẫn chăm chút nuôi các con nên người. Ba người con của ông đều đã trưởng thành và có gia đình.

Trong những lần gặp gỡ các cựu binh của đoàn tàu không số, tôi không sao quên được câu chuyện xúc động của ông Bùi Văn Cảnh một người con mảnh đất Hải Hậu, Nam Định đã chọn xứ Đông làm nơi gửi gắm cuộc đời.

Gia đình ông Cảnh sống trong khu tập thể Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương). Ở ông ngoài sự cởi mở, dễ gần còn toát lên sự chững chạc của một người lính. Năm 1964, ông nhập ngũ. Sau huấn luyện cơ bản, ông và một số tân binh là dân vùng biển giỏi bơi lội, được chọn về đơn vị tàu không số.

“Khi được điều về đơn vị tàu không số, chúng tôi còn chưa biết đó là cái gì”, ông Cảnh kể. “Về đó tôi được biên chế xuống tàu 402, Tiểu đoàn 2 đóng tại cảng K20 (Hải Phòng)”. Tàu 402 được trang bị 3 khẩu pháo 12,7 ly, súng B40, B41, SKZ. Ông Cảnh được giao nhiệm vụ pháo thủ số 1. Nhiệm vụ của tàu không số là bí mật vận chuyển vũ khí vào miền Nam.

Ông Cảnh nhớ lại chuyến đi đầu tiên: “Hôm đó tập kết hàng (vũ khí) khoảng mười giờ đêm tàu được lệnh xuất bến. Trên tàu có 20 thủy thủ do anh Võ Hán, cháu ruột đồng chí Trường Chinh làm thuyền trưởng. Tàu đi suốt ngày, đêm qua Hồng Kông, vịnh Thái Lan, Cam-pu-chia rồi vào Cà Mau. Anh em trên tàu chia làm 3 ca thay nhau điều khiển. Trên tàu ngoài một cờ hàng hải quốc tế khi qua địa phận mỗi nước đều treo cờ nước đó. Ban đêm tàu đi không bật đèn mà theo la bàn, máy đo và dựa vào chòm sao Bắc đẩu. Trên đường đi chúng tôi gặp rất nhiều tàu của các nước. Ngoài Thái Bình Dương, tàu cũng suýt chạm trán với tàu chiến Hạm đội 7 của Mỹ. Vào địa phận miền Nam, để tránh bị lộ, tàu phải treo cờ ba sọc. Chuyến đi đó kéo dài nửa tháng thì cập vào Cà Mau”.

Công tác ở tàu 402 được 8 tháng, ông Cảnh về tàu 403 và tàu T8 tiến hành thành công 1 chuyến vận chuyển vụ khí khác vào Nam. Chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo nhằng nhịt trên người, ông Cảnh cho biết: “Đến chuyến đi thứ 3 thì tàu chúng tôi chạm trán với máy bay Mỹ và bị chúng bắn tên lửa đánh chìm. Những vết sẹo này là do mảnh tên lửa găm trúng. Hồi đó tôi ở tàu T8. Khoảng 5 giờ chiều ngày 8-5-1966, tàu được lệnh vào cảng Bãi Cháy (Quảng Ninh) lấy hàng. Sau khi xuất phát không lâu, thấy pháo 37 ly ở trận địa Cửa Ông bắn báo hiệu có sự xuất hiện của máy bay. Khi tàu đi ra khỏi đảo Ti Tốp 2 hải lý, trên đài quan sát báo xuống từ phía cửa sông Văn Úc một tốp F4H đang hướng về phía tàu. Lệnh chiến đấu được phát ra. Khi tốp máy bay khoảng 10 chiếc F4H lao tới, 3 khẩu pháo trên tàu lập tức nhả đạn.

Vấp phải sự chống trả của ta, tốp máy bay nâng độ cao phóng tên lửa tới tấp. Do lực lượng yếu nên sau một hồi chiến đấu, tàu của ta bị trúng 2 quả tên lửa và bốc cháy. Quyết bảo vệ hàng hóa, vũ khí, anh em trên tàu vừa dập lửa vừa kiên cường đánh trả.

5 phút sau tàu bắt đầu bị chìm, thuyền trưởng Trần Văn Dạt ra lệnh cho anh em rời tàu. Những anh em khỏe băng mình nhảy xuống biển. Lúc đó ở trên giá pháo, tôi thấy mình không sao nhúc nhích được cơ thể. Nhìn xuống thấy máu từ ổ bụng thấm ra ướt áo mới biết mình đã bị thương. Chỉ đến khi phần đuôi tàu chìm hẳn xuống khiến con tàu dựng đứng thì tôi bị hất văng ra ngoài.

Ở dưới nước, tôi cố bơi song cũng không được, đành giữ hơi cho cơ thể mình nổi trên mặt nước. May gần đó có chiếc phao cứu sinh, tôi cố gắng nhoài người bám được vào. Nhìn lại trong tàu thấy một người còn đang lóp ngóp tôi liền bơi vào kéo ra phao. Thì ra đó chính là thuyền trưởng Trần Văn Dạt. Anh cũng đã bị thương rất nặng và bắt đầu lịm đi.

Lúc đó tôi lại thấy ở khoang máy nơi dầu đang cháy và sôi sùng sục có một người cứ trồi lên sụt xuống. Biết là đồng đội mình còn mắc kẹt tôi liền gắng sức bơi vào kéo ra. Đó là đồng chí Hiệp y tá đã hy sinh.

Sau rời tàu, chúng tôi tập hợp lại rồi bơi về hướng đảo Tuần Châu. Đến khoảng 7 giờ 30 tối đó chúng tôi được tàu của công an Quảng Ninh cứu lên. Bản thân tôi do bị thương, hai đồng chí công an phải nhảy xuống biển mới đỡ được lên thuyền. Trận đó phía ta hi sinh mất 5 người, tôi và vài đồng chí bị thương được đưa về hậu cứ điều trị, quân số còn lại trở về đơn vị nhận thuyền chuẩn bị cho chuyến đi khác”.

 Chuyến đó cũng là chuyến đi cuối cùng của ông Cảnh trên tàu không số. Sau khi được đưa về đơn vị điều trị, ông được cử đi học lớp hữu tuyến cấp tốc 45 ngày rồi về công tác tại tiểu ban tham mưu của đoàn không số và cuối năm 1969, về công tác tại Bộ Hải Sản (Lúc đó, Bộ Hải Sản sơ tán về tỉnh Hải Hưng). Tại đây ông bén duyên với cô gái đất nhãn lồng công tác tại ngành cầu đường trong tỉnh và chọn Hải Dương làm quê hương.

Trong suốt 14 năm (1961 - 1975), đường Hồ Chí Minh trên biển đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến Mỹ và ngụy quân Sài Gòn, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.

Ngoài các cựu chiến binh Phạm Sĩ Lại, Vũ Khắc Thuyết, Bùi Văn Cảnh trong suốt 15 đoàn tàu không số hoạt động (1961-1975), tỉnh Hải Dương còn rất nhiều người con ưu tú tham gia viết lên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển. Giờ họ đều thuộc thế hệ cao tuổi, có người đã về với đất mẹ, song những câu chuyện tôi được nghe họ kể về một thời máu lửa vẫn còn đó vẹn nguyên như mới hôm qua.
 
 
Các tin mới hơn
Tản văn "Về với mẹ" của tác giả Nguyễn Thế Trường(10/02/2025)
Ngày cuối năm(07/02/2025)
Truyện ngắn "Nụ hôn đầu" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(07/02/2025)
Ký "Người cựu binh say đắm với những trang sách văn hóa dân tộc" của tác giả Vũ Tuyết Mây(07/02/2025)
Tiếng nạng gỗ(06/02/2025)
Các tin cũ hơn
Về Nà Nưa(25/05/2022)
Lán Khuổi Nặm (*)(25/05/2022)
Chu Đậu tới Trường Sa(25/05/2022)
Những người nằm lại phía chân trời (25/05/2022)
Đinh ninh lời Bác dặn(24/05/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na