1. Sáng tác kiến trúc
Sáng tác kiến trúc tựa vào và vượt lên từ tay nghề và từ ý tưởng.
Tay nghề ám chỉ sự làm chủ vững vàng các phương tiện sáng tác và tác nghiệp, thông qua đào tạo: sự hấp thụ tri thức văn hoá nền tảng và tri thức nghề nghiệp; sự làm chủ tư duy sáng tạo kiến trúc chuyên biệt và kỹ năng tác nghiệp. Tính chuyên biệt của tư duy sáng tạo kiến trúc chính là ở sự chuyển hoá những ý tưởng thành sự sắp đặt không gian theo dòng chảy của quy trình sống, sự tạo tác hình tượng cho công trình như một sản phẩm tâm thức và thẩm mỹ. Thông qua lộ trình sáng tạo kiến trúc chuyên biệt, quy trình sống được vật thể hoá thành cơ thể, vô tri vô giác tác động đến người sử dụng nó và môi trường bao quanh nó. Bản chất sâu xa của kiến trúc chính là ở cái vế sau.
Kỹ năng tác nghiệp chính là khả năng phối hợp quy trình hình thể hoá ý tưởng: ý nghĩ - ngôn từ - bàn tay - con mắt. Ngôn từ đóng vai trò chuẩn xác hoá suy nghĩ và tạo sức biểu đạt cho đường nét, dẫn dắt bởi bàn tay và con mắt. Khi cái quy trình đặc trưng này vận hành trôi chảy, khi ngôn từ và bàn tay không bất lực giữa ý nghĩ và con mắt, là dòng chảy sáng tác không bị ngăn trở, là ý tưởng và phác thảo hoà thành một thể có sức thuyết phục. Tác phẩm kiến trúc đi ra từ đấy. Dạy nghề kiến trúc cũng theo cái chuỗi ấy: ý nghĩ - ngôn từ - bàn tay- con mắt.
Nói về sáng tạo kiến trúc, ngoài tay nghề, phải nói tới ý tưởng. Tay nghề là phương tiện chuyên chở, ý tưởng là nhiên liệu. Nhiên liệu mà có sức bật của lò xo, mà có sức bứt phá của viên đạn, mà có sức kết quện của keo sơn, thì tác phẩm sáng tạo kiến trúc sẽ thăng hoa. Cái gốc của mọi ý tưởng sáng tạo là tư tưởng: tư tưởng thời đại, tư tưởng xã hội và nhân văn, tư tưởng thẩm mỹ, tư tưởng khoa học và công nghệ. Mỗi tác phẩm kiến trúc, hễ nó là nó, phải chứa đựng và phản ánh những tư tưởng và xu hướng của thời đại, phải góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Từ nền tảng của tư tưởng, nảy sinh những ý tưởng sáng tạo kiến trúc. Đến lượt mình, ý tưởng sáng tạo kiến trúc làm nảy sinh những giải pháp cho tổ chức không gian mà công năng cần được triển khai, cho hình thái và hình tượng kiến trúc mà công năng có thể được tạo tác, khi nó hoá thành cơ thể kiến trúc.
Nền kiến trúc của chúng ta đang thiếu tư tưởng. Thiếu những tư tưởng có khả năng mở đường rộng và mở đường tắt, có khả năng tạo sự đột biến và góc nhọn cho phát triển. Sự thiếu vắng những tư tưởng lớn hạn chế nảy sinh những ý tưởng của kiến trúc sư- người sáng tác, từ đó công trình tầm thấp hoặc chấp nhận được ra đời nhiều, còn tác phẩm đích thực thì lại ít.
Sáng tác là sự tìm tòi trong cảm hứng chuyên biệt của mỗi kiến trúc sư. Tìm tòi dẫn tới cái khác, cái lạ, cái mới và cái riêng từ cái nền chung của những gì đã cũ hoặc đã không còn tiến bộ. Sáng tác trong tìm tòi ở mỗi kiến trúc sư - bản thể sáng tạo tựa như những dòng chảy. Có dòng chảy, chảy mà nước không dồi dào, hễ gặp phải chướng ngại vật, - dừng chững lại. Có dòng chảy, chảy xiết do nguồn lực thôi thúc, lại thu hút thêm những khe những mạch thành dòng sông. Dòng sông ấy tựa như dòng sáng tạo của một bản thể- kiến trúc sư tài năng, có năng lượng sản sinh, có “cái tôi”, đủ sức bứt phá và cả độ dang rộng của đôi cánh. Hễ con sông ấy mà rộng, lại gặp địa hình địa thế xuôi thuận, thì các con sông khác cũng tìm đường hoà vào, tạo thành dòng chảy cuồn cuộn những phù sa, giữa những lưu vực rộng lớn. Có thể ví những đại giang ấy với những xu hướng, những trường phái mà nền kiến trúc đương đại không thể thiếu.
Sáng tác dẫn tới sự nảy sinh tài năng và nhân tài. Chỉ tài năng mới có khả năng đưa kiến trúc trở thành nghệ thuật. Chỉ tài năng mới có khả năng đưa kiến trúc sư trở thành tác giả của những tác phẩm. Kiến trúc sư, tìm tòi không ngưng nghỉ, bộc lộ sức sáng tạo của mình, thành công trong dẫn dắt những ý tưởng của mình, đứng vững ở tư thế khẳng định mình. Kiến trúc sư tài năng đương nhiên phải gánh chịu sức nặng, ngày càng gia tăng, của 2 chữ “Tài” và “Tôi” trên đôi vai của mình, bởi cả 2 chữ ấy bao giờ cũng bị đặt trước sự thẩm xét và thách thức của người đời.
Chúng ta cần nhận ra kịp thời, mở rộng lòng bênh vực vô tư và can đảm những tài năng kiến trúc, những tìm tòi và những ý tưởng mới, đột phá và tiên phong. Cổ vũ và khơi rộng đường cho những khuynh hướng, xu hướng và trường phái, khi những trái quả hiếm hoi này của sáng tạo lấp ló ra. Ta xưa nay vẫn có thói quen dè bỉu cái khác lạ và dễ dãi với những cái quen mòn. Ta vẫn có thói quen tằn tiện lời khen với người sống, hào hiệp lời khen với người nằm xuống. Những thói quen ấy chặn ngăn dòng chảy sáng tạo, dồn những cái mới, cái đột phá và cái riêng vào cái phễu của sự hẹp hòi.
Sáng tạo sản sinh tài năng và mở đường cho tìm tòi. Cả hai cái ấy rất cần, cần hơn bao giờ hết, cho kiến trúc Việt Nam hôm nay thăng tiến.
2. Hành nghề kiến trúc
Sáng tác, họa sỹ từ cảm hứng; kiến trúc sư theo đặt hàng. Quan hệ cung và cầu trực tiếp. Giữa kiến trúc sư và khách hàng là sản phẩm. Sản phẩm không theo mẻ, không đại trà. Sản phẩm đơn chiếc. Hành nghề kiến trúc sư đặc trưng chính là ở chỗ quan hệ mặt đối mặt với khách hàng và sản phẩm đơn chiếc làm theo đơn đặt hàng.
Khác tác phẩm hội họa, sản phẩm kiến trúc không đi ra trực tiếp từ bàn tay tác giả, mà có sự tham gia và can thiệp của khách hàng, của cộng sự thuộc nhiều chuyên ngành. Nó chỉ thực sự hiển hiện dưới bầu trời nhờ bàn tay người thợ, sự hỗ trợ của máy móc và từ những bài tính của thực tế. Khác hội họa, nơi sản phẩm sản sinh từ một cá thể sáng tạo, - khối não - trái tim - con mắt và bàn tay, - sản phẩm kiến trúc bị chi phối bởi luật, bởi những quy chế và quy phạm, bởi những ràng buộc liên quan liên đới từ đô thị và từ cộng đồng.
Trải qua ngần nấy tầng nấc và ngần nấy mối quan hệ, mà sản phẩm cuối cùng - công trình kiến trúc - còn bảo lưu những ý tưởng của kiến trúc sư khai sinh ra nó, có thể coi quá trình hành nghề chuyên biệt của anh đã trọn vẹn. Ở ta, kiến trúc sư đạt được điều ấy, quả là hiếm hoi.
Hễ ta muốn có công trình kiến trúc tốt, ta phải tạo ra môi trường thuận lợi cho kiến trúc sư hành nghề, trên cơ sở giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ chi phối và phức tạp. Hễ ta mong tác phẩm kiến trúc ra đời, ta phải giảm thiểu tối đa khoảng cách giữa kiến trúc sư và khách hàng, đặt kiến trúc sư trực diện đơn đặt hàng.
Trong cộng đồng trí thức hành nghề, luật sư, bác sỹ và kiến trúc sư trực diện hơn cả trước khách hàng, nhận vào mình bổn phận và trách nhiệm trước khách hàng, tuân thủ những ràng buộc của luật, chấp hành đạo đức và bài bản hành nghề. Từ đó, cần có một công cụ pháp lý, xuyên suốt và thấu đáo, điều tiết những mối quan hệ dân sự và nghề nghiệp. Công cụ ấy chính là một đạo luật hành nghề kiến trúc sư, tương tự luật hành nghề luật sư và luật hành nghề bác sỹ (ở ta được mệnh danh một cách tránh né “luật khám chữa bệnh”) đã có hiệu lực.
Mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế đã đứng cả hai chân trong nền kinh tế thị trường, song hành nghề kiến trúc vẫn bị chi phối bởi lực quán tính của thời bao cấp. Quản lý Nhà nước không còn hiệu lực trước thực tế hành nghề kiến trúc đã trở thành thị trường, hòa nhập vào dòng chảy của nền kinh tế tự do hóa và khi hầu hết kiến trúc sư hành nghề ngoài nhà nước. Cả một địa hạt hành nghề kiến trúc rộng lớn, với những quan hệ đa phương phức tạp và những hệ lụy phức tạp không kém, cho đến nay vẫn thiếu hẳn một công cụ pháp lý đóng vai trò điều tiết. Luật hành nghề kiến trúc sư cần phải ra đời là sự tất yếu. Nó sẽ xác định đạo đức, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm trước khách hàng của kiến trúc sư, tạo ra nền tảng lành mạnh cho kinh doanh tư vấn kiến trúc, điều tiết các mối quan hệ, xác lập tổ chức hành nghề của kiến trúc sư tương thích với nền kinh tế thị trường. Đó là nghiệp đoàn của những người hành nghề kiến trúc, dưới tên gọi Đoàn Kiến trúc sư, tập hợp kiến trúc sư đăng ký hành nghề, quản lý họ bằng quy ước đạo đức và quan hệ hành nghề, bênh vực quyền lợi của họ, làm trọng tài trong quan hệ của họ với khách hàng. Cho đến nay ta chưa thực hiện đăng ký hành nghề kiến trúc sư, do đó có bao nhiêu kiến trúc sư hành nghề, ta không biết. Việc cấp chứng chỉ hành nghề do các Sở Xây dựng cấp, thường không sát thực lực người xin cấp chứng chỉ. Đặc biệt, việc quản lý hành nghề theo chứng chỉ, việc xử phạt theo chứng chỉ chưa thấy một tổ chức nào đảm nhiệm. Thiếu đạo luật hành nghề kiến trúc sư và nghiệp đoàn kiến trúc sư, chưa có thể nói đến tính chuyên nghiệp trong hành nghề và trong kinh doanh hành nghề, cũng chưa thể hình thành thực sự thị trường tư vấn kiến trúc. Kiến trúc sư chưa thể có những điều kiện để đáp ứng đầy đủ các đơn đặt hàng của xã hội.
Tổ chức hành nghề kiến trúc trong những điều kiện hiện nay dẫn tới tình trạng: Có rất ít doanh nghiệp chuyên về tư vấn thiết kế kiến trúc; quá nhiều doanh nghiệp kiến trúc nhỏ bé; các doanh nghiệp kiến trúc ít có thương hiệu và không gắn với tên tuổi kiến trúc sư có uy tín nghề nghiệp. Thu nhập thấp và bấp bênh không cho phép các công ty kiến trúc chuyên doanh về thiết kế. Vốn liếng ít ỏi và thị trường nhỏ lẻ hạn chế kiến trúc sư tập hợp thành những doanh nghiệp lớn và mạnh. Các doanh nghiệp ít có thương hiệu do bề dày hành nghề chưa đủ và do chưa đủ năng lực tranh giành những dự án lớn. Các kiến trúc sư thành danh chưa nhiều. Việc kiến trúc sư lấy tên mình tạo thương hiệu cho công ty tư vấn kiến trúc chưa dễ dàng được chấp nhận. Những đơn vị tư vấn kiến trúc, đảm nhiệm nhiều lĩnh vực kinh doanh, vừa nhỏ lẻ và chưa thành danh, không được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh trong nghề, không thể thúc đẩy hành nghề, không thể thúc đẩy kiến trúc đi thẳng và đi nhanh vào hiện đại.
Có hành nghề là có cạnh tranh. Có thị trường là có đào thải. Cạnh tranh và đào thải là quy luật của kinh tế thị trường, là những nhân tố tiên quyết phát triển. Hành nghề kiến trúc nằm gọn trong sự thách đố, đương nhiên và nghiệt ngã ấy. Sớm muộn rồi sẽ xuất hiện những văn phòng và những tập đoàn tư vấn kiến trúc lớn, các doanh nghiệp thiết kế nhỏ sẽ biến mất, y hệt các cửa hàng nhỏ trước các trung tâm thương mại lớn. Khách hàng, nhà nước và tư nhân, sẽ tìm đến và gửi niềm tin vào các kiến trúc sư giỏi, y hệt người ta tìm đến luật sư hoặc bác sỹ giỏi. Để sự cạnh tranh diễn ra lành mạnh, thị trường hành nghề phải thông thoáng, hợp với kinh tế thị trường.
Chúng ta nhận ra sự thua kém của kiến trúc sư và doanh nghiệp tư vấn kiến trúc quốc nội trong cuộc tranh sức tranh tài với các đồng nghiệp quốc tế. Sự yếu kém ấy phải tìm nguyên nhân ở điều kiện hành nghề hiện nay. Chỉ có thiết lập môi trường hành nghề tương thích nền kinh tế thị trường, chỉ có nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kiến trúc, ta mới có thể có sự bình đẳng và hội nhập quốc tế.
Ban bố luật hành nghề kiến trúc sư, thành lập nghiệp đoàn kiến trúc sư, sắp xếp lại tổ chức hành nghề, lành mạnh hóa môi trường hành nghề, chuyên nghiệp hóa hành nghề và kinh doanh hành nghề sẽ là những đảm bảo cho nền kiến trúc vượt qua lạc hậu và bứt phá về hướng hiện đại hóa.