Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn: "Kẻ lập dị" của tác giả Trần Thúy Lành
30/08/2022 12:00:00

Hắn đi xe máy lên thủ đô, cách nhà 120 cây số. Hắn đi kiện, kiện đến bao giờ được giải quyết mới thôi.

Minh họa: Bùi Quang Đức 

 

Mọi lần hắn vẫn đi đường quốc lộ nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà hắn lại đi vào con đường đất ngoằn ngoèo, bé xíu, càng đi đường càng hẹp lại. Trước mặt hắn bây giờ là dòng sông. Hắn hoảng hốt dựng xe, vừa ngoảnh lại thì một kẻ bịt mặt bằng vải đen, tay lăm lăm con dao sáng loáng, chẳng nói chẳng rằng, đẩy hắn ngã lộn ngửa xuống sông. Hắn gào lên kêu cứu, hai tay giơ cao chới với. Mọi người ùa ra đứng đầy trên bờ nhưng ai cũng dửng dưng. Không một ai nhảy xuống cứu hắn. Trong đám người lố nhố ấy, hắn nhìn thấy bao nhiêu bộ mặt thân quen: ông hiệu trưởng kìa, ông ta chỉ trỏ vào mặt hắn “Đáng đời”, tay Tơn hàng xóm khua tay chém gió liên hồi. Ơ kìa, có cả mụ vợ rất đỗi hiền lành nhu mì của gã đang nhe răng cười nhăn nhở. Hắn bất lực. Nước tràn vào miệng, vào bụng làm hắn sặc sụa. Trước khi bị dòng nước nhấn chìm, hắn còn gào lên: “Lũ người độc ác! Đồ vô cảm! Cứu! Cứu!...”. Hắn mở choàng mắt, chân đạp vào thành giường tê điếng cả người. Mồ hôi rịn ra trán làm vài sợi tóc lưa thưa bết lại. Mới tí tuổi, hắn đã có dấu hiệu hói đầu, thành ra quả trán của hắn được mở rộng như “sân bay”. Hắn thở phào một cái, lẩm bẩm: “Mơ gì kỳ cục”. Cô vợ vẫn ngáy đều đều bên cạnh. Quái, đàn bà sao mà chả thính ngủ gì cả. Cái loa truyền thanh trên cột điện trước nhà chĩa thẳng vào phòng ngủ của vợ chồng gã, qua một lần cửa kính rồi mà nhiều hôm cái loa ấy vẫn làm hắn giật mình lúc năm rưỡi sáng. Nhưng vợ hắn thì vẫn ngủ ngon lành.

Hắn không bật dậy ngay. Bật dậy ngay thì có mà nguy hiểm đến tính mạng à. Phải nằm trên giường thêm hai, ba phút thư giãn và vận động cơ thể nhẹ nhàng đã chứ. Hắn xoay người sang trái, sang phải, co duỗi chân tay và bắt đầu mát xa mặt. Hắn đưa hai bàn tay lên xoa xoa gò má, xoa lên trán, vòng ra sau gáy rồi dừng lại lâu hơn ở hai bên thái dương cho các mạch máu lưu thông. Vợ hắn đã tắt tiếng ngáy nhưng vẫn nằm im không nhúc nhích. Hắn mặc kệ, mụ ấy ngủ hay giả vờ thì hắn cũng mặc kệ. Hắn làm bài bản như sách dạy, như những bài viết của các chuyên gia về sức khỏe mà dân tình chia sẻ rầm rộ trên Facebook. Rồi hắn từ từ ngồi dậy, nhất định không bước xuống giường ngay. Dễ đột quỵ lắm. Hắn sợ chết. Chết thì ai mà chẳng sợ. Nhưng chết bất đắc kỳ tử trong khi còn bao việc chưa làm xong thì càng sợ hơn. Năm nay hắn lại bốn chín, đúng năm hạn to. Thôi thì cứ có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Từ Tết đến giờ hắn hầu như không ra khỏi nhà vì cái con vi-rút Corona ở Vũ Hán làm cả nhân loại khiếp sợ chứ đâu phải mình hắn. Trải qua gần năm chục nồi bánh chưng rồi mà giao thừa năm nay là lần đầu tiên hắn chứng kiến sấm sét với lại mưa đá. Dù chẳng thông thiên văn và tường địa lý thì hắn cũng thấy đó là sự lạ. Cứ cẩn thận là hơn. Nhưng hôm nay nhất định hắn phải đi. Có bao nhiêu sự việc làm cho hắn chướng tai gai mắt lắm rồi nên hắn phải kiện. Hắn đã soạn được ba cái đơn kiện cả thảy trong những ngày đóng cửa nhà chống dịch Covid-19 vừa qua. Ba cái đơn ấy sẽ được hắn sao thành chín bản, gửi đến ba cấp: huyện, tỉnh và trung ương.

Hắn thò chân xuống giường tìm đôi dép đi trong nhà. Phòng ngủ vẫn tranh tối tranh sáng nhưng hắn không muốn bật điện. Chẳng phải hắn sợ vợ tỉnh giấc bị chói mắt đâu mà bởi hắn tiết kiệm. Tiết kiệm với hắn là tiêu chí hàng đầu nên sáng dậy nhất định hắn không đánh răng khi chưa ăn bất cứ thứ gì. Ăn xong hắn sẽ đánh, như thế mới là khoa học. Hắn định ra phố ăn bát bún cá cho mát ruột. Thèm quá. Nhưng nghĩ đến cái con vi rút gây dịch viêm đường hô hấp cấp có thể tiềm ẩn ở bất cứ đâu, gã đành nén cơn thèm của mình lại. Gã pha mì tôm, ăn một mình, quăng bát đũa vào trong bồn, phần cho vợ hắn rửa rồi nhét cái cặp tài liệu vào cốp xe máy. Đeo hẳn hai cái khẩu trang y tế, đội mũ bảo hiểm như nồi cơm điện, hắn đi. Lòng khấp khởi nghĩ đến những lá đơn thưa kiện đòi công bằng sắp đến được với công lý. Chuyến này mà thành công thì hắn được trả một món kha khá. Chà chà, cũng bõ lắm đây.

Lá đơn thứ nhất, hắn được tay Phùng - nhân viên ngân hàng thuê từ A đến Z, trọn gói nếu thành công. Hắn quen Phùng sau mấy lần đem tiền đến ngân hàng gửi tiết kiệm. Trong lúc chờ đợi, tán gẫu, hắn buột miệng khoe khoang chiến tích kiện tụng từ trước đến nay. Những lần thất bại thì hắn giấu nhẹm. Phùng bị con nợ chơi khăm một vố, lợi dụng lòng tin cho ký đáo hạn trước khi giao tiền. Ký xong, con nợ chẳng biệt vô âm tín mà ngang nhiên cự cãi đã trả nợ ngân hàng xong, có chữ ký hẳn hoi nên Phùng phải đền bù cho ngân hàng nửa tỷ đồng. Hắn biết Phùng tham thì thâm, cũng ăn được khá khá từ con nợ rồi, ấy là Phùng lấy tiền của ngân hàng cho vay với lãi suất cao hơn quy định và ăn phần chênh lệch. Lần này chẳng qua đi đêm lắm có ngày gặp ma. Chứng cứ chỉ là mấy cuộc điện thoại, mấy cái tin nhắn nhưng hắn hứa với Phùng sẽ làm cho ra lẽ, phải bắt tay phó giám đốc ngân hàng chịu trách nhiệm cùng, ít ra cũng đỡ được một nửa. Đúng là bài học xương máu, dính với tiền không phải chuyện đùa.

Lá đơn thứ hai, hắn kiện hộ chú ruột. Đúng hôm mồng Một của năm mới, sang nhà chú chúc Tết, nghe chú phàn nàn chuyện vợ chồng thằng con cả ly hôn nhưng chị con dâu lại đòi chia đôi nhà đất này. Chú rơm rớm nước mắt:

- Trực ơi! Chú thím khổ tâm quá! Đất này của ông cha để lại, nhà này vợ chồng chú phải đóng từng viên gạch, chở từng bao cát xây nên. Năm lần bảy lượt chúng nó đòi sang tên thừa kế để chúng nó yên tâm làm ăn, phụng dưỡng cha mẹ. Chú bằng ngần này tuổi rồi mà còn dại quá cháu ạ! Mình mắc lừa chúng nó. Giờ nó ra tòa, cắt đất. Con dâu nằng nặc đòi “thi hành án”. Tòa xử nó được một nửa...

Chưa nghe ông chú nói hết, gã đã lộn ruột, miệng sùi bọt mép, liến thoắng:

- Chú... chú để cháu lo vụ này cho. Em dâu như thế là không được, không biết điều. Thử hỏi từ ngày về làm dâu đến giờ, cô ta đã góp được tí công sức nào để tu sửa ngôi nhà này chưa mà giờ đòi chia hai. Cùng lắm chỉ được một phần ba thôi. Kiện được, mình sẽ thuê người định giá rồi trả tiền cho cô ta là xong chú ạ. Nhà đất của chú vẫn còn nguyên. Từ giờ chú phải cầm dao đằng chuôi, chú nhé. Nhà của bố mẹ là của con nhưng nhà của con chả phải nhà của bố mẹ đâu.

- Chà! Cháu nói chí phải! Trăm sự chú nhờ cháu. Chẳng gì cháu cũng có ăn có học, có tí chữ nghĩa là khác ngay nhể? - Ông già vừa vỗ đùi vừa cười móm mém. Những nếp nhăn giãn ra trên gương mặt khắc khổ. Ông ghé tai hắn, thì thào:

- Này! Nếu thắng kiện thì chú không để anh thiệt đâu.

Hắn thương chú quá nên ngay tối mồng Một Tết hắn đã “khai bút đầu xuân” bằng cái đơn khiếu nại để gửi tòa án huyện, nơi thụ lý vụ án ly hôn của vợ chồng em họ hắn. Viết xong, hắn đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại đến từng cái dấu phẩy. Hơn chục năm viết đơn kiện, tổng số đơn đến giờ chính hắn cũng chẳng nhớ được là bao nhiêu, hắn thành người “kiện chuyên nghiệp”. Hắn cũng giúp được khối người rồi đấy chứ. Chẳng cần được trả thù lao, chỉ cần những việc hắn kiện được lên các mặt báo là hắn cũng hả dạ lắm rồi. Đời sao mà lắm bất công đến thế. Rõ là nhà của mình, đất của mình mà một đứa đàn bà giời ơi đất hỡi, chẳng ruột rà máu mủ đến cướp giữa ban ngày, đường đường chính chính. Phải hắn thì... không đời nào hắn sang tên đất của mình cho bất cứ ai, kể cả vợ hắn. Hắn mua được mảnh đất này trước khi cưới vợ nên đương nhiên đó là tài sản riêng của hắn. Sổ đỏ chỉ mình hắn đứng tên, vợ hắn không thể xơ múi gì hết. Không biết hắn kén chọn đến mức nào mà mãi đến năm ba mươi bảy tuổi hắn mới cưới vợ. Vợ hắn cũng làm giáo viên như hắn, cùng dạy môn toán như hắn. Nhiều lúc hắn thầm ao ước, giá như mụ ấy dạy văn có phải tốt không. Hai người sẽ bù trừ cho nhau, sẽ lấp đầy những khuyết điểm của nhau. Cô ấy sẽ lãng mạn, sẽ dịu dàng, sẽ nói những lời như có cánh, sẽ nấu ăn ngon, sẽ cắm hoa tươi trong phòng khách... Đằng này, vợ hắn giống hắn quá, khô khan, cục mịch, chả bao giờ nói được câu yêu thương ra hồn. Thành ra hắn nghe người ta nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là phải.

Chuyện hắn đi “chinh chiến” suốt mười lăm năm để tìm người yêu, tính từ khi hắn tốt nghiệp đại học, về trường huyện làm thầy giáo năm hai mươi hai tuổi được đồn rinh khắp huyện, bao nhiêu người biết. Tiêu chuẩn của gã rất rõ ràng. Hắn chỉ thích gái xinh, cao ráo, trắng trẻo, có nghề nghiệp ổn định, nghĩa là phải có biên chế nhà nước. Hễ nghe cô nào chưa chồng mà có những tiêu chuẩn ấy là hắn xông đến, chẳng cần biết đồn đã có địch hay chưa. Trường có chín giáo viên nữ thì hắn đến nhà bảy cô để tìm hiểu. Riêng cô thứ tám thì hắn chê bộ răng không duyệt được. Răng ấy thì ăn đu đủ không cần thìa. Cô thứ chín thì cao chưa tới mét rưỡi nên hắn chê nấm lùn. Thế là hắn loại hai cô ngay từ vòng gửi xe. Tối nào hắn cũng đi con xe máy Wave Tàu, bô kêu ầm ĩ, đến ngồi lì ở nhà người ta, nói chuyện vu vơ trên trời dưới biển, khoe khoang đủ thứ, nói chán chê rồi về. Cô nào phải tiếp chuyện hắn cũng cảm thấy như cực hình nên dần dà đẩy phụ huynh ra tiếp hộ. Các cô rỉ tai nhau rằng hắn bị “hâm”, “nhìn cái mặt không chơi được”, chỉ giỏi chém gió thôi, những gì hắn nói không tin được đâu, phải trừ hao đi bảy mươi phần trăm. Lần lượt các cô lên xe hoa, bỏ mặc hắn tan nát một đời con Wave Tàu mà vẫn chưa tán đổ được cô nào.

Hắn quay sang chăn dắt các em thực tập sinh, vừa trẻ vừa xinh. Mỗi lần đến nhà trọ của nhóm giáo sinh, hắn phải bấm bụng, bỏ tiền ra mua bao nhiêu là đồ ăn vặt đãi các cô: từ ô mai, hướng dương, bỏng ngô cho đến việc phải mời các cô đi ăn ốc luộc, phở bò... Hắn xót ruột bởi hắn chẳng thu lại được cái gì. Hết đợt thực tập này đến đợt thực tập khác, hắn vẫn cô đơn.

Đùng một cái, hắn có người yêu, không vừa trắng vừa xinh vừa có cái “biên chế” như tiêu chuẩn của gã. Thế mà cả trường cũng xôn xao. Học sinh túm năm tụm ba vào giờ ra chơi thi nhau bàn tán. “Người yêu thầy Trực cao phết nhỉ. Cái cô Thảo mới về trường dạy hợp đồng ấy”. Hắn đi ngang qua, bất chợt nghe thấy cứ ngửa mặt lên trời mà cười tít cả mắt. Chỉ có một tiêu chí chọn vợ của hắn mà Thảo đạt, ấy là Thảo cao, cao tương đương với hắn nên sau này lấy được Thảo rồi thì hắn không bao giờ cho vợ đi giầy cao gót. Không hiểu Thảo lấy hắn có phải vì tình yêu không hay vì cái gì khác nhưng chắc chắn một điều là hắn hứa sẽ lo cho Thảo đâu vào đấy. Cả trường không ai biết hắn đã làm thế nào mà đánh bật được con gái ông hiệu trưởng trong kỳ thi tuyển viên chức để vợ hắn đỗ ngon lành. Đúng là chuyện lạ đời. Việc này chỉ có hắn biết, ông hiệu trưởng biết còn Thảo không biết. Trước ngày diễn ra kỳ thi viên chức, hắn vào phòng ông hiệu trưởng, lặng lẽ chìa ra một tờ đơn kiện trước mặt ông ta. Ông hiệu trưởng đẩy gọng kính lão đang trễ xuống sống mũi lên cao, liếc mắt đọc đơn:

- Thầy dám kiện tôi? Bằng chứng đâu? Thầy dám vu cáo lãnh đạo.

Hắn đỏ mặt phừng phừng:

- Tôi không vu cáo ông! Tôi đã phô tô tờ đơn này, giờ tôi mang đi Sở đây và gửi cho mấy tờ báo nữa.

Ông hiệu trưởng tái mặt:

- Khoan đã! Thầy Trực! Thầy bình tĩnh xem nào! Thế thầy muốn cái gì? – Ông hiệu trưởng dằn từng tiếng.

Hắn lạnh lùng nói ra điều kiện của mình. Ông hiệu trưởng ghìm cơn tức giận. Dù biết mình chẳng vi phạm pháp luật nhưng ông không thích dính đến mấy vụ kiện tụng. Thanh tra sẽ vào cuộc. Phóng viên báo chí sẽ tìm đến. Cứ hình dung đến cái cảnh phải tiếp đón những vị khách không mời mà đến ấy là ông thấy chóng cả mặt.

Từ ấy Thảo thành người chịu ơn hắn. Hắn biết nhà Thảo nghèo, bố mất sớm, mẹ ốm đau luôn nên cô cần có một công việc ổn định. Hắn đã đánh trúng điểm yếu ấy và cưới Thảo trong sự ngỡ ngàng của bao người. Từ một cô gái cao kều, gầy đét, da hổ giun, Thảo dần thắm da đỏ thịt. Ở phòng chờ của giáo viên lúc giải lao, hắn cứ oang oang: “Người đâu mà tăng cân như ăn đồ ăn tăng trọng” khiến đồng nghiệp cứ bụm miệng cười khen “thầy Trực quả là mát tay”. Hắn tự hào, cánh mũi phập phồng. Quả nhiên, mỗi lần mang bầu, Thảo đều tăng gần hai chục kí lô. Sau hai lần sinh nở, vợ hắn như được thay máu, trở thành người đàn bà mỡ màng, trước được điểm ba thì nay phải được điểm bảy về nhan sắc.

Hắn coi những lá đơn tố cáo, kiện tụng là cứu cánh của hắn. Bất kể việc gì trái ngang, vô lý làm hắn bất bình là hắn viết đơn kiện. Hắn nghiên cứu Bộ luật hình sự, Luật dân sự và những quy định, nghị định, quy chế làm việc của cơ quan... để việc kiện tụng của hắn có cơ sở giành phần thắng. Hắn xao nhãng việc dạy học, không chịu đổi mới phương pháp. Giờ học buồn tẻ. Học sinh chán nản, viết đơn đòi lãnh đạo nhà trường đổi giáo viên. Hắn được đổi sang dạy lớp khác nhưng hễ hắn dạy lớp nào là phụ huynh lớp ấy sục sôi viết đơn đòi đổi giáo viên dạy toán cho con mình. Sau nhiều cuộc họp lãnh đạo để tìm ra giải pháp, hắn được xếp vào đối tượng tinh giản, chỉ được đứng lớp có vài tiết một tuần. Hắn càng có nhiều thời gian để biên soạn những lá đơn, mải mê với những đơn kiện đến độ vào lớp muộn, thậm chí quên cả giờ dạy. Đơn của hắn xếp lên một chồng. Hắn kiện từ tổ trường, tổ phó đến hiệu trưởng. Đồng nghiệp mà giỏi hơn hắn, được học sinh yêu quý hơn, hắn cũng không tha. Đơn của hắn cứ như bản tường trình, có việc đúng có việc không đúng nhưng ai cũng tỏ ra khó chịu trong bụng. Tí tí trường lại phải họp đột xuất. Mọi người thấy ngộp thở, rủa thầm hắn là đồ lập dị và động viên nhau: “Thôi thì chấp nhận sống chung với lũ vậy” nhưng ai cũng tỏ ra cảnh giác mỗi khi tiếp chuyện với hắn. Biết đâu được đấy, điện thoại của hắn lúc nào cũng sẵn sàng quay video và ghi âm. Cái bút máy cài trên ngực áo sơ mi của hắn biết đâu lại có chức năng ghi âm thì khối kẻ mất ăn mất ngủ. Hắn sẽ biến những câu chuyện tầm phơ tầm phào thành bằng chứng và đưa vào đơn kiện bất cứ lúc nào. Hiệu trưởng gặp hắn bao giờ cũng tươi cười, khen ngợi: “Áo sơ mi của thầy Trực đẹp quá! Thầy mua ở đâu đấy?”. Hắn nhìn lại áo mình, bật cười: “Áo cũ từ năm ngoái sếp ạ! Mua ở siêu thị mặt đất đấy!”.

Hắn không chỉ kiện cáo ở cơ quan mà hắn còn kiện ở những chỗ khác. Hắn kiện đủ thứ, bất kể việc to việc nhỏ. Hắn kiện cô giáo chủ nhiệm của con gái chỉ vì cô viết sai tên đệm: Diệu Hiền thành Dịu Hiền. Cô phải xin lỗi, phải thay học bạ cho con hắn. Cô còn bị hiệu trưởng mắng cho một trận: “Cô phải làm ăn cẩn thận chứ! Con mình mà bị ghi sai tên vào học bạ như vậy thì cô cũng không để yên đâu”. Những năm sau, giáo viên nào được phân công chủ nhiệm lớp con hắn cũng phải cực kỳ cẩn thận.

Đất của hắn bị dự án đường liên huyện chạy xém vào mà chính quyền cứ lặng im. Hắn tức quá, viết đơn gửi lên huyện, lên tỉnh, lên trung ương. Trung ương và tỉnh trả lời rằng hắn kiện vượt cấp, không đúng thẩm quyền giải quyết, giao cho huyện thụ lý. Hắn được bồi thường gần trăm triệu. Đấy, hắn nghĩ, con không khóc thì sao mẹ cho bú. Hắn giữ khư khư số tiền đền bù mang đi gửi ngân hàng, không cho vợ nhúng tay vào. Hắn tuyên bố đó là tiền riêng của hắn. Thảo vốn hiền lành, nhẫn nhịn nên không bận tâm. Thảo chẳng hạch sách chồng bao giờ. Lương của hắn hắn giữ, của vợ thì vợ tiêu. Có đợt hắn mang đơn lên Hà Nội, tiện thể gặp bạn bè làm nhà báo, bù khú thế nào ba hôm mới về, chẳng thèm nói với vợ con một câu, điện thoại thì tắt máy. Lâu dần vợ hắn cũng quen, việc ai người ấy làm, chuyện ai người ấy lo. Thế cho nhẹ đầu, vợ chồng khỏi hục hặc cãi nhau. Ở ngoài nhìn vào, người thì bảo Thảo giỏi chịu đựng, người thì bảo Thảo cũng hâm như hắn nên mới sống chung nhà được với gã chồng dở hơi, hâm tỉ độ như thế.

Phạm vi kiện tụng của hắn ngày càng mở rộng. Hắn chĩa sang nhà hàng xóm. Mở mắt ra là nhìn thấy nhau mà hắn cũng chẳng nể nang gì cả. Làm sai rành rành ra đấy, hắn để yên làm sao được. Cái tay Tơn cán bộ huyện ở nhà đối diện kia làm hắn chướng mắt quá. Tơn vừa mua được cái ô tô mới bóng lộn nhưng nhà chật, không có chỗ để nên lấn đất lưu không, làm lán để xe. Hôm Tơn mới rước xe về, quỳ trước đầu xe cùng với một lão thầy cúng, đốt nhang, gõ mõ, khấn vái suốt buổi chiều làm hắn vừa buồn cười vừa tức tối. Hắn lầm rầm: “Đúng là cái loại thừa tiền, nhà chẳng có chỗ để, đi làm có vài trăm mét là tới cơ quan, mua xe bốn bánh làm quái gì nhỉ? Chắc là giải quyết khâu oai đây”. Cái lán vừa dựng xong là hắn viết đơn gửi thẳng lên huyện. Huyện cho người xuống thị sát và giải quyết. Tay Tơn bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống. Lán để ô tô bị tháo dỡ. Phải đi thuê chỗ để xe, Tơn căm hắn lắm, nhìn thấy hắn chả thèm chào. Hắn cần gì chào với hỏi. Hắn làm đúng thì thôi. Đừng có cậy chức nọ quyền kia mà muốn làm gì thì làm nhá.

Bà con, cô dì chú bác, ai cần kiện tụng gì đều tìm đến hắn, nhờ hắn thảo đơn, bày cách cho. Hắn chẳng chơi với hàng xóm, chẳng thân với đồng nghiệp nhưng lại quen rất nhiều nhà báo. Hắn nhận ra rằng báo chí lá cải quả là con dao hai lưỡi, chỉ cần thổi phồng lên một tí là khối kẻ liên quan đã sợ thụt cả vòi lại. Công việc viết đơn kiện trở thành niềm đam mê của hắn. Hắn có thể thức đêm, bỏ bữa và đi xe máy hàng trăm cây số chỉ để hoàn thành mục tiêu của những lá đơn.

Đến khi hắn kiện chính vợ hắn thì tất cả đồng nghiệp đều trố mắt ra bàng hoàng. Ôi, cái người đàn bà đầu gối tay ấp của hắn, cái người đàn bà sinh cho hắn hai đứa con đủ nếp đủ tẻ, cái người đàn bà chăm lo nhà cửa, giặt quần áo, nấu cơm cho hắn ăn mỗi ngày mà bây giờ hắn kiện thì quả là hắn mất trí rồi. Mà cái việc đó có đáng kiện không khi vợ hắn dám giơ tay biểu quyết ở cuộc họp tổ đề nghị cấp trên kỷ luật hắn vì một loạt những sai phạm trong thực hiện quy chế chuyên môn: lên lớp muộn, bỏ tiết, dạy sai kiến thức... Bằng chứng có camera, có vở của hơn bốn chục học sinh ghi chép rõ ràng ra đấy. Hắn cãi làm sao được. Nhưng đáng lẽ mọi người phải đề nghị kỷ luật hắn bằng hình thức bỏ phiếu kín thì lại đi biểu quyết giơ tay. Thế là sai. Hắn kiện là phải. Phải kiện từ mụ vợ hắn kiện đi. Từ đó hắn gần như bị tẩy chay ở trường, đến anh bảo vệ cũng chẳng muốn tiếp chuyện hắn. Hắn nhận ra nhưng vẫn tự đắc rằng nước trong thì không có cá, người thẳng quá thì chẳng có ai chơi.

Hắn nghĩ đến lá đơn thứ ba đang nằm trong cốp xe. Hắn kiện cho chính hắn. Lá đơn này thì không ai thuê hắn cả. Nghe tin ông hiệu trưởng lọt vào danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, hắn lồng lên, gửi đơn lên thẳng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đánh bật tên ông ta ra khỏi danh sách thì hắn mới hả dạ. Bởi sau hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, hắn bị ông ta sa thải. Hắn còn những hơn chục năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Lúc ấy hắn đã nghĩ bụng “Trạng chết thì chúa cũng băng hà”. Mặc dù hắn cũng chẳng thiết tha gì với cái nghề dạy học nhưng hắn bị một vố đau quá. “Ông ta sẽ phải về vườn hoặc bị cách chức hoặc ít nhất cũng phải chuyển trường” - Hắn nhủ thầm quả quyết và phóng xe ra đường quốc lộ, hòa vào dòng người đang tấp nập.

***

Cả trường xôn xao, người nọ rỉ tai người kia:

- Biết chuyện gì không? Chết thật! Chết thật! Hắn bị công an tóm rồi. Đang khám nhà rồi...

- Làm sao? Làm sao mà hắn bị tóm?

- Tội tống tiền hay sao ấy. Liều thế, dám tống tiền cả hiệu trưởng. Công an bắt quả tang tại quán cà phê Hương Quê. Số tiền lớn lắm đó. Tưởng mà ăn được của thiên hạ à... Khổ thân vợ con. Phen này thì tù mọt gông...

Hắn ngồi lặng lẽ trong trại tạm giam, mặt đờ đẫn như người mất hồn. Nghĩ đến số tiền mà ông hiệu trưởng vừa trao sang tay hắn thì công an ập vào, hắn chết điếng cả người. Hắn đâu biết rằng từ trước đến nay, hắn không được coi như người bình thường. Mọi người coi hắn là kẻ lập dị và chỉ muốn “tẩy chay” hắn. Cuộc đời đã đánh bạt hắn ra rìa. Hắn sẽ phải trả giá... 
 
 
Các tin mới hơn
Đại thắng 30 - 4 – 1975 Đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc (17/05/2024)
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam(17/05/2024)
Về thăm Tiên Lữ(17/05/2024)
Mùa hoa bưởi(17/05/2024)
Cuộc gặp năm mươi năm(17/05/2024)
Các tin cũ hơn
Âm nhạc: Hải Dương - mảnh đất tình đời(29/08/2022)
Truyện ngắn: "Châng lâng" của tác giả Út Ninh Ninh(29/08/2022)
Trăng nghiêng(29/08/2022)
Thu (29/08/2022)
Truyện ngắn: "Trở về lưng chừng núi" của tác giả Nie Thanh Mai(26/08/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na