Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn: "Trở về lưng chừng núi" của tác giả Nie Thanh Mai
26/08/2022 12:00:00

Bà bíu lấy tôi bằng hai tay. Ngón tay run và gầy. Những ngón tay có móng đầy gét. Tôi thương bà. Nhưng tôi không biết nói tiếng thương yêu. Tôi chỉ nhìn bà bằng đôi mắt buồn. Và trìu mến. Bà khóc khi xe công nông nổ máy. Máy rền rền và xe giật lên từng chặp. Người trên xe ngã dúi vào nhau. Bà ngồi bệch xuống sàn xe, hai tay vẫn bíu vào tay tôi. Tôi gỡ mười ngón tay cáu bẩn của bà và òa khóc. Xe công nông mang bà về nhà. Tôi ở lại với thành phố. Thành phố không phải của tôi.

 
 Minh họa: Lê Hải Anh
 

Tôi nhớ mí, nhớ anh trai. Nhưng tôi không muốn quay về nơi ấy. Đêm nào tôi cũng nghĩ. Mọi thứ. Trong đầu luôn văng vẳng tiếng mưa ầm ào. Tiếng sấm đêm giông khi tôi ra đời.

Đêm giông khi tôi ra đời. Mí ôm lấy tôi bằng đôi tay run. Ba ngày sau khi tôi chào đời, mí mang tôi ra khỏi căn buồng kín và tắm cho tôi bằng thứ nước nấu từ cây rừng. Nước thơm, lá thơm. Tôi lớn lên bằng thứ nước lá rừng ấy.

Anh trai lớn hơn tôi năm tuổi. Mỗi ngày trên ngực mí, thò đầu ra ngoài địu tôi đều nhìn thấy anh đang nhón chân cố nhìn rõ mặt tôi. Anh dúi vào tay tôi bông hoa dong đỏ ối. Tôi nghiền chúng nát tươm trong lòng bàn tay nhỏ xíu. Mí đưa chúng tôi lên rẫy khi tôi vừa tròn ba tháng.

Tôi lớn lên bên hai người đàn bà, cùi cũi và lặng lẽ. Tôi giống mí, tóc xoăn bồng và đen nhánh. Mỗi sáng, hai anh em theo mí lên rẫy. Hớn hở. Bà và mí cắm mặt xuống đất. Dáng đi rất giống nhau, cái lưng khòm cứ cúi mãi về phía trước. Tôi nghĩ có lẽ sau này mình cũng khòm lưng như thế.

Tôi hỏi bà vì sao nhà mình toàn đàn bà trong khi nhà nào cũng có đàn ông. Anh trai không phải là đàn ông, chỉ là một chú bé nhỉnh hơn chiều dài cán xà gạc. Đàn ông lên rẫy đốt cỏ tranh trước khi mùa mưa đến. Tôi ngồi dưới gốc cây gạo, ngủ khèo và tỉnh dậy khi mùi cỏ tranh xộc vào mũi. Mí đút cho tôi miếng cơm nắm mang theo từ sáng. Cơm chấm với muối vừng mặn chát ở đầu lưỡi. Tôi khóc, không chịu ăn. Có mùi thơm lừng của thịt gà ở đâu đó trong gió. Thịt gà của nhà có đàn ông bẫy được.

Người làng không đến nhà tôi chơi.

Trẻ con trong làng cũng không chơi với tôi. Tôi thui thủi một mình. Khi đi ngang bãi đất trống cỏ mọc xăm xắp dưới chân. Tôi nhìn thấy lũ trẻ chăn bò. Chúng nhảy nhót và hò hét ầm ĩ. Quần áo nhăn nhúm đầy bùn. Tôi chạy vào giữa đám trẻ ấy. Chúng sựng lại khi nhìn thấy tôi. Không đứa nào cười. Chúng tản ra và dắt bò đi nơi khác. Tôi òa khóc. Anh quẹt nước mắt của tôi bằng bàn tay lấm đất. Anh dắt tôi về nhà và lẳng lặng đi nấu cơm. Tôi ăn khoai của bà nướng, quên mất lũ trẻ chăn bò ban chiều.

Không bao giờ anh trai dắt tôi đi ngang bãi đất trống ấy nữa.

Mí không ra khỏi nhà từ lâu lắm rồi. Tóc mí không còn dầy và đen nhánh búi thành cục sau ót như khi tôi còn bé. Tóc mí rụng nhiều, có hôm cả nắm. Tôi không biết vì sao lại thế, nhưng một hôm mí tắm suối, khăn ướt trôi tuột theo dòng nước, tôi nhìn thấy đầu mí trọc lóc. Tôi đứng sững trên bờ, khóc điếng. Mí ngồi yên lặng trên phiến đá, nhìn tôi khóc. Mí không dỗ tôi.

Mí chưa bao giờ dỗ khi tôi khóc, cả khi tôi ngã bật ngửa từ phiến đá đen xuống đất lấm lem, ướt sũng. Càng lớn tôi càng gần bà, tôi rúc vào ngực lép của bà khi trời nổi gió, thầm thì nói chuyện. Anh trai cặm cụi chuốt nhọn mũi tên rồi vùi vào bếp cho bén. Tôi luôn ngủ trước cả nhà khi tiếng mí hát hư hử từ ngoài hiên vọng vào. Mí thường ngồi một mình ngoài hiên, hút thuốc và hát.

Có đôi lúc nửa đêm giật mình dậy tôi vẫn nghe tiếng hát, tiếng hát buồn và não nuột như tiếng khóc từ nơi nào đó vọng về. Tôi không thấy sợ. Tôi thấy mình nao nao. Tôi muốn đi đâu thật xa để đêm không còn nghe tiếng hát não nuột của mí nữa.

Một buổi sáng. Tôi tỉnh dậy sớm. Tôi tỉnh dậy vì tiếng khóc nức nở của bà. Tiếng hờ hờ vật vã. Tôi chạy ra cửa, tôi chạy xuống cầu thang. Tôi chạy theo tiếng khóc nức. Mí treo mình trên cây cao, lơ lửng bằng sợi dây thừng vẫn thường cột dê. Gió hất váy mí đung đưa, tôi nhìn thấy một vẻ mặt buồn. Anh trai leo lên cây, mí được hạ dần xuống đất. Tôi đứng sau lưng bà, nhìn bà vật mình bên thân hình mềm như dây leo của mí. Bà khóc, tiếng khóc thoảng nghe như bài hát. Tôi câm lặng.

Tôi nhìn thấy bàn tay trái của mí có ba ngón.

Tôi nhìn thấy bàn chân phải của mí có ba ngón.

Tôi nhìn thấy mọi thứ đều đỏ ửng.

Chiếc khăn sặc sỡ trùm đầu của mí bay tung đâu đó.

Có lẽ nó bay đến nơi nào đó xa lắm. Tôi nghe tiếng dê nhà mình kêu lên thống thiết.

Anh trai không nói lời nào từ hôm mí bỏ đi. Bình thường anh trai đã im lặng như thế. Tôi ngồi trên sàn nhà, nhìn theo anh trai đang cặm cụi phạt lớp vỏ gỗ chò. Chặp, chặp… tiếng xà gạc phạt từng nhát đều và mệt mỏi. Tôi sực nhớ rằng lâu lắm rồi không thấy anh cười. Anh chỉ quen nói với tôi bằng cái giọng nhạt nhạt, câu nào cũng ngắn.

Tôi không biết anh trai có biết hát không? Cũng không người con gái nào biết điều đó. Không người trẻ tuổi nào muốn đến gần anh em tôi. Mãi khi mí chết, tôi mới biết lý do vì sao lại thế. Tôi giận bà. Tôi giận anh trai không nói cho tôi nghe.

Tôi cuộn quần áo vào chiếc gùi mây cũ. Tôi chất lên trên mấy quả bí đỏ vỏ nhăn như da cóc. Tôi xuống cầu thang và nói “Em lên chợ phố. Em muốn ra chợ phố”. Anh trai đang đẽo hình dáng con chim công từ súc gỗ. Con chim công đầu ngắn. Anh trai ngước lên nhìn tôi, mồ hôi kéo thành vệt trên trán, trên lồng ngực đen chắc vạm vỡ. Tôi đi, rồi quay lại vớt víu “Em đi anh trai nhé”.

Tôi nghĩ là mình không trở về.

Tôi không muốn ở lại nơi này.

Tôi thấy có lỗi với bà. Nhưng tôi thấy sợ.

Tôi sợ khi chết đi, chỉ còn anh trai và bà mang tôi ra mảng rừng vắng. Tôi muốn được đưa đến nghĩa địa người làng. Tôi muốn người ta khóc tôi bằng hàng trăm nắm cơm trắng. Tôi muốn người ta khóc tôi bằng hàng trăm đồng tiền lanh canh dưới đáy ché.

Ở đây buồn.

*

Mí không biết rằng bây giờ tôi rất lạ.

Tôi nghĩ bà hay anh trai cũng thế.

Tôi mặc chiếc váy ngắn hơn chiếc váy con gái Ê Đê vẫn mặc. Chiếc váy ngang đùi, mỏng và may bằng thứ vải mát rượi. Tôi không thích nó. Nhưng dù sao còn dễ chịu hơn khi cắm mặt trong bếp phía sau mấy thau nhựa đầy chén dĩa bẩn. Tôi thường đứng ở cửa phòng vệ sinh, đưa khăn cho những người khách mặt đỏ mặt tái. Họ ngật ngưỡng vào phòng vệ sinh, ậm ọe từng cơn. Họ bước ra khỏi phòng vệ sinh, ngây ngất. Tôi đập khăn lạnh cho họ. Lau mặt. Lau cổ. Lau ngực. Những chiếc khăn thơm mùi nước xá xị. Họ nhét tiền vào tay tôi. Mà không, chủ yếu vào ngực áo rộng của tôi. Thường là tiền chẵn.

Tôi chỉ có nhiệm vụ đứng ở cửa toa lét.

Với những chiếc khăn ướp thơm mùi xá xị.

Chúng cho tôi căn phòng thuê giá 300.000 đồng một tháng. Son phấn. Card điện thoại. Và một số thứ nữa. Chúng làm tôi quên mất bà và anh trai. Đôi khi tôi nhớ về mí.

Tôi nói tiếng Kinh sõi, hút thuốc lá bằng hai ngón tay xòe cong, mặc váy mỏng và ngắn. Tôi đi giày cao gót. Con gái Ê Đê đâu mang giày cao như tôi…

Tôi trọ chung phòng với Hảo, cô gái cùng chỗ làm. Hảo có nước da trắng, sở hữu một đôi chân dài. Hảo hay ngồi bên cửa sổ rất lâu để trang điểm. Tôi nhìn thấy Hảo vẽ chân mày gần nửa tiếng đồng hồ. Chân mày cho ta một đôi mắt đẹp và quyến rũ. Một đôi lần nhìn Hảo trang điểm. Tôi thấy Hảo giống mí, mí cũng có đôi mắt đẹp. Chân mày rậm không cần trang điểm. Có khi nào Hảo cũng sẽ có kết cuộc giống mí không?

Tôi chưa bao giờ dám nói điều đó với ai. Đó là điềm gở. Tôi vẫn thoảng thấy điềm gở ấy trong giấc mơ vụn nát của mình trong giấc ngủ. Khi ấy tôi nhớ bà, nhớ anh trai. Tôi nghĩ anh trai đã lấy được vợ. Anh trai lấy vợ bằng cách nào tôi cũng không hình dung được. Có nhà ai muốn anh về nhà họ làm rể? Họ sợ anh mang về dòng họ mầm bệnh của mí. Những đứa con không đủ năm ngón chân trên một bàn chân, năm ngón tay trên một bàn tay. Khi thoát khỏi giấc mơ ấy, ngực tôi thường nặng trĩu. Tôi không dám về thăm bà. Tôi sợ.

Hảo mang đến cho tôi một người đàn ông. Tóc xoăn, da nâu, vồng ngực vạm vỡ. Tôi ngồi thu mình trên ghế, nghe cái nhìn của anh lướt nhẹ trên mặt, trên da thịt, trên tóc và lướt xuống vùng eo. “Em đẹp quá. Vẻ đẹp rất lạ, em không giống Hảo”. Tôi cười cười. Kiểu cười bẽn lẽn được rèn luyện. Hảo bỏ lại tôi và khoác tay đi với người đàn ông tóc bóng xịt keo. Tôi uống nước cam bằng tay trái, ăn hạt dưa cũng bằng tay trái. Bàn tay phải của tôi cứ ửng đỏ. Nó có vẻ bối rối.

Tôi không làm việc trong quán bar nữa.

Tôi trở thành người ngồi sau quầy bán mỹ phẩm. Da láng mịn và nâu giòn. Nhìn tôi hấp dẫn. Những người phụ nữ bước vào cửa hàng. Họ thích nước da và đường nét trên khuôn mặt tôi. Ông chủ cũng thích nước da và đường nét trên khuôn mặt tôi. Đó là người Hảo đã giới thiệu với tôi hôm trước. Tôi có một cuộc sống khác khi gặp người ấy. Tôi hạnh phúc. Chúng tôi bắt đầu hôn nhau.

Hảo thường thăm dò cuộc tình của tôi. Hảo lo cho tôi. Tôi không biết gì về người đàn ông tóc xịt keo bóng của Hảo. Hảo trở về nhà lúc trời gần sáng. Mệt mỏi. Nhưng hưng phấn. Hảo ở phòng tắm hàng tiếng đồng hồ. Khi ra khỏi phòng tắm Hảo vùi đầu vào chăn đệm, ngủ say và lịm sâu trong mỗi giấc ngủ. Thi thoảng gấu váy lật lên, tôi thấy trên người Hảo có những vết răng, chúng tím rịm.

***

Người đàn ông da nâu đã ngỏ lời với tôi đêm trước. Giữa bóng sáng mờ mờ của trăng và hơi gió se sắt ở sân thượng tầng bốn. Tiếng thầm thì của anh ngân nga giữa tiếng nhạc êm nhẹ. Có tiếng sáo vắt ngang nốt nhạc. Giữa lúc ấy tôi nghĩ mình sẽ đẻ hai đứa con.

Tôi đón Hảo ở cửa phòng. Rạng rỡ. Hảo bước lên bậc thềm bằng bước chân chậm. Hảo ôm lấy tôi và khóc. Tôi không bao giờ nghĩ có người lại nhiều nước mắt để khóc ướt cả thân hình người đối diện như thế. Đêm ấy Hảo không ngủ được, tôi cũng không ngủ được. Quá nửa đêm, tôi nghe thấy văng vẳng tiếng sáo từ đâu đó, chúng vắt ngang qua cửa sổ, những song cửa in rõ trên nền gạch xi măng. Như đường kẻ nốt nhạc. Hảo vẽ lên tay lên chúng. Cả đêm.

Hảo bắt đầu không đi làm ban đêm nữa. Người đàn ông đầu xịt keo bóng loáng thường xuyên xuất hiện ở phòng trọ khi tôi đi làm. Hảo ngủ suốt, khi tỉnh dậy lại chạy sấp ngửa vào nhà vệ sinh. Không lâu sau đó đã phải mặc thứ quần áo khác, chúng phùng phình, chúng dành cho người phụ nữ mang thai. Tôi ít thấy Hảo cười, thay vào đó là vẻ tư lự và buồn. Đôi khi tôi tự hỏi “Hảo có thể bỏ nó đi, sao Hảo không làm”. Nhưng tôi không hỏi, tôi sợ hãi khi nhìn thẳng vào mắt Hảo.

Tôi trở về và nhìn thấy người đàn bà đang túm lấy tóc Hảo. Hảo bị lôi sềnh sệch trên mặt đường, tơi tả như miếng giẻ rách. Tôi nhào vào kéo họ ra. Người ta xúm lại rất đông, nhưng không ai làm điều đó. Tôi căm phẫn cố nhìn vào mắt người đàn ông xịt keo bóng loáng. Nhưng không được, một khuôn mặt thảm hại cúi gằm xuống đất. Hảo ôm bụng ngã vật xuống đất, máu bắt đầu tứa ra từ vùng kín. Tôi khóc. Và hét điều gì đó. Người ta mang chúng tôi đi.

Tôi mặc chiếc áo màu nâu. Thực ra tôi muốn mặc áo màu đen nhưng không có. Đám tang Hảo. Đứa bé ngọ ngoạy trong vòng tay run của tôi suốt buổi sáng. Trên trán nó người ta buộc vành khăn trắng. Hảo nằm im lìm. Tôi nhớ đến mí, mí cũng nằm im lìm vào một buổi sáng như thế. Khuôn mặt Hảo với mí cũng thanh thản như thế. Tôi muốn nắm lấy bàn tay phải của Hảo. Nhưng không được, chúng được cột lại và đặt ngay ngắn trên ngực. Ngực Hảo không còn thở phập phồng.

Bàn tay tôi nóng rẫy. Khuôn mặt tôi nóng rẫy. Tôi không thể khóc khi người ta mang Hảo đi. Và tôi cũng không khóc khi mẹ Hảo gầy còm mang đứa bé quay đi lúc đám ma kết thúc.

Tôi hoảng hốt nhận ra rằng mẹ Hảo rất giống vẻ già nua của bà.

*

Bà đón tôi ở đầu cầu thang.

Nhìn xa bà giống cái dấu hỏi màu xám nhạt. Có lẽ sau này khi đến tuổi như bà, tôi cũng sẽ trở thành dấu hỏi màu vàng hay màu xanh gì đó. Nếu đứng ở đầu cầu thang vào lúc trở chiều thì tôi sẽ là dấu hỏi màu xám nhạt. Bà khóc khi nhìn thấy tôi. Tôi cảm động khi nhìn những giọt nước mắt lăn chậm từ tốn trên khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn.

Tôi không thấy hơi người đàn bà trẻ trong nhà.

Tôi không thấy váy mới, váy ngắn, áo ngắn phơi trên sào bên hông nhà.

Mọi thứ như ngày tôi chào anh trai ra đi.

Tôi lao xuống cầu thang và đi tìm anh trai. Anh ở trên rẫy, dưới gốc cây khộp trơ khấc lá. Anh đang đẽo cây. Anh đang đẽo hình nhân mặt buồn cho nhà mồ. Tôi bật khóc khi nhìn thấy mồ hôi vằn vện thành đường dọc ngang trên ngực anh.

Anh trai ngước nhìn tôi với đôi mắt nhạt màu. Giọng nhẹ bẫng: “Mày quay về đây chưa?”.

“Anh - em không muốn về xó rừng này”.

“Tao cũng muốn đi khỏi xó rừng này. Còn bà. Bà già rồi không thể đi đâu xa được”.

Giọng anh trai nhẹ bấc. Tôi nhìn và nhận ra anh trai rất đẹp. Vạm vỡ. Nhưng lâu thế rồi mà sao anh không có người nào cả. Đàn bà con gái không dám đặt chân đến nhà tôi. Vì nó nằm riêng biệt. Vì nó chỉ dành cho những người bị hủi như mẹ tôi thôi ư?

Bà không cho tôi đi. Bà đứng chặn ở cửa bằng giọng ướt và run rẩy.

Nhưng tôi vẫn băng xuống khỏi bà và anh trai bằng đôi chân chạy sấp ngửa. Tôi băng qua con đường mòn đầy cỏ dại. Chân tôi tê cứng và mỏi kinh khủng. Những ngón tay dài đỏ ửng và lạnh buốt. Tôi đón xe đò về thành phố. Chuyến xe vài người xuống phố. Người làng. Họ không thể nhận ra tôi. Trông tôi giống một cô gái sành điệu người Kinh.

Tôi không thể ngủ được vào ban đêm. Hay đúng hơn là khi trở về căn phòng trọ lúc 1-2h sáng. Tôi thức khi ti vi chẳng có chương trình giải trí nào ra hồn. Dạo này tôi thường hay mất ngủ. Và lúc ngủ được thường chập chờn những giấc mơ ma quái. Đôi khi tôi mơ thấy mí. Tôi nhìn thấy rõ mồn một cái nhìn buồn và sâu hoắm của bà trên cành cây hôm nào. Giấc mơ ám ảnh tôi rất lâu.

Người đàn ông mời tôi bữa cơm trưa là một bác sĩ. Đó là một người lịch thiệp. Một bàn ăn trải khăn trắng cũng rất lịch thiệp. Khi người phục vụ vừa mang món ăn đầu tiên thì gã nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng thầm thì: “Em hấp dẫn như món tráng miệng này”. Tôi cười nụ. Nụ cười theo thói quen rất nghệ thuật. Nhưng thấy đắng ngắt trong miệng. Lâu lắm rồi tôi không đi ăn với người đàn ông nào từ khi nhận lời yêu người đàn ông da nâu của tôi. Và người đàn ông của tôi vừa lấy vợ tuần trước. Tôi nhìn thấy đám cưới từ cửa sổ một nhà hàng đối diện. Tôi vẫn nghĩ miên man về điều đó. Tôi không hiểu sao anh không nói với tôi về đám cưới của anh trong suốt thời gian anh ở bên tôi.

Tôi đặt căn phòng trong khách sạn chúng tôi ăn trưa. Người đàn ông ngạc nhiên. Khuôn mặt tôi thánh thiện và ngây thơ ngay cả khi chủ động mời gã lên phòng. Tôi nhìn thấy sự thích thú trong đáy mắt người đàn ông xa lạ. Nhưng thốt nhiên hắn bật dậy khi tôi trút bỏ quần áo. Hắn nhìn chằm chằm vào thân thể tôi rồi nhếch mép “Cô thông minh lắm. Nhưng tôi không ngủ miễn phí với một con hủi”.

Hắn mặc quần áo vừa được ném xuống sàn nhà cách đó chưa đầy một phút. Rút từ chiếc ví xám ra một xấp giấy polime, hắn quát vào mặt tôi đang thờ thẫn trước gương “Độc ác lắm - cô em ạ”.

Tôi không khóc được. Nước mắt tôi đông đá phía trong đôi mắt được trang điểm kỹ lưỡng và xinh đẹp. Tôi không thể tránh né được di truyền của mí.

Tôi không thể tránh né sự trở về trên chuyến xe sáng mai.

Ở đó tôi không biết đến sự ưu phiền mệt mỏi. 
 
  
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Nhớ mùa thu xa lắm(25/08/2022)
Bất chợt thu(25/08/2022)
Hình như thu đến(24/08/2022)
Không đề(24/08/2022)
Không khoan nhượng với tội phạm (24/08/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na