Cuối thu tiết trời se se lạnh, không gian thoáng đãng. Nơi trưng bày triển lãm “Mắc lỗi” của họa sĩ Đặng Việt Cường nằm gọn trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội. Ngày khai mạc chật cứng bè bạn, người dân mộ điệu, gia đình và một “rừng hoa” chúc mừng. Ngót 100 tác phẩm tranh và tượng là những sáng tác mới nhất lần đầu được “bóc tem” của Họa sỹ Đặng Việt Cường.
Phòng trưng bày các tác phẩm tại Triển lãm "Mắc lỗi" - Ảnh: T.M
Sau bao nhiêu năm từ ngày tốt nghiệp, công việc công, tư bề bộn, chúng tôi mới lại gặp nhau. Quen và biết anh từ những năm trung cấp tại lò Yết Kiêu. Lần gặp này, tôi và bè bạn choáng ngợp bởi “một gia tài” đồ sộ, qua đó mới thấy sự lao động không mệt mỏi của con người tròn cả hai vai quản lý và làm nghề.
100 tác phẩm tranh, tượng tại phòng trưng bày, là 100 câu chuyện được anh chắt lọc, gửi đến người xem những câu chuyện đời, chuyện nghề. Lần giở thời gian mới thấy sự chuyển giao cung bậc từ trung cấp, đại học lên đến thạc sĩ chuyên ngành Hội họa. Một sự chuyển biến đến chóng mặt về tư duy và được anh trải lòng vào tranh, tượng và chuyển đến người xem những câu chuyện, suy ngẫm về đời, về người, về xã hội. Sự giao thoa giữa tranh và tượng là những cảm xúc hết sức thực, người xem không thấy sự nhàm chán trong các xử lý bút pháp và hoàn toàn thấy tình cảm của tác giả gửi gắm vào tác phẩm không “làm xiếc” hay lạm dụng kỹ thuật chất liệu. Người viết đứng lặng bên tác phẩm “Mùa xuân” Acrylic, “Tiếng tơ lòng” (Acrylic), “Một thời để nhớ” (Tổng hợp), “Thu sang” (Acrylic)... Những tác phẩm này có sự biến ảo của sắc mầu trong cách sử dụng chất liệu. Cái khéo trong cách bố cục, nóng lạnh của gam mầu trong “Cảm xúc đỏ” (tổng hợp), “Cảm xúc xanh” (tổng hợp) hay dữ dội trong “Thăng hoa” (Acrylic), nhẹ nhàng thanh thoát trong “Mưa” (lụa), “Cô hàng xóm tốt bụng” (Acrylic)...
Sẽ là thiếu sót trong bài viết này nếu không đề cập đến mảng điêu khắc của anh trong triển lãm. Người xem ngạc nhiên với hiệu quả của những tác phẩm điêu khắc cho là tay ngang của anh. Sự rung động của “Mặt trời của Mẹ” (đồng), “Đoàn tụ” (đất nung), “Những đường cong” (đất nung), hay “Không gục ngã” (đồng), “A lô” (đồng), ngôn ngữ tạo hình hiện đại, pha trộn dân gian, đan xen, vượt lên tầm tác phẩm, các khối hình được “bóp” rất có nghề và “quái”...
Đặng Việt Cường sinh ngày 21/2/1961 tại Hải Dương. Cuộc đời khá suôn sẻ khi 1975 học hệ trung cấp tại “Lò Yết Kiêu” lúc 14 tuổi. Sau đó học tiếp đại học chương trình thạc sỹ chuyên ngành hội họa. Với tấm bằng tốt nghiệp về chuyên môn và tấm bằng tốt nghiệp về công tác quản lý, đầu ngành văn hóa một tỉnh, anh cùng với các cộng sự đưa phong trào văn hóa của tỉnh Đông lên mạnh trong khu vực và toàn quốc. Sống bình dị, hòa đồng, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, anh cùng với đồng nghiệp phấn đấu không mệt mỏi cho phong trào mỹ thuật tỉnh nhà.
Hơn 40 năm gắn bó với “nghiệp viên chức” và công tác quản lý ngành văn hóa thể thao du lịch một tỉnh lớn khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trở về với đời thường hội tụ đủ các yếu tố Thiên - Địa - Nhân tròn trĩnh, bè bạn gần gũi, tâm giao, gia đình sum vầy và đặc biệt trong một thời gian ngắn sự “mắn đẻ” ấy đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm đầy tính nhân văn và chất lượng chuyên môn trong triển lãm này, được giới đồng nghiệp đánh giá cao. Những năm tháng đương nhiệm với sự nỗ lực hết mình trong công vụ cũng như vai trò người nghệ sỹ, thành quả gặt hái không phụ người chăm lo cho công việc chung. Tranh của anh còn hiện diện tại các Bảo tàng Quốc gia và tỉnh nhà và các sưu tập cá nhân trong, ngoài nước. Có được một gia tài đồ sộ như hiện tại ngoài sự lao động cày ải của bản thân, sự giao lưu bạn nghề còn bởi cơ duyên anh gặp họa sĩ Phạm Trí Tuệ người vừa là thầy, vừa là đồng nghiệp tận tâm chỉ bảo từ thuở chập chững bước vào nghề, gia đình nội, ngoại và người bạn đời cùng các con anh đã động viên khích lệ anh trong tiến trình sáng tạo nghệ thuật.
Con đường phía trước còn dài và còn nhiều thách thức trong sáng tạo. Với tuổi tác sức lực sung mãn, bè bạn, công chúng chờ đón những thành quả của anh trong “mắn đẻ” những đứa con tinh thần để lại cho đời. Có được thành quả trên nhìn lại thời gian dân mộ điệu và bè bạn còn nhớ đến “cái thuở ban đầu ấy”. Đó là các tác phẩm: “Quê ngoại”, “Bến thuyền”, “Chợ vùng cao”, “Thu hoạch vải thiều ở Chí Linh”... và như anh đã “tuyên ngôn” đó là “Vượt lên chính mình”.
Xin chúc mừng và hẹn gặp lại anh với lần ra mắt triển lãm sau.