Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Cảm thức thời gian, thiên nhiên - vũ trụ trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga"
21/05/2024 12:00:00

Tác giả: Nguyễn Thị Lan

Một trong những đặc điểm nổi bật của thơ Nguyễn Thị Việt Nga là cảm thức về thời gian, trong đó thời gian thiên nhiên- vũ trụ được coi như một phương tiện nghệ thuật hữu hiệu của nữ thi sĩ. Đặc điểm này được thể hiện đặc sắc trong tập thơ “Ở phía mùa thu”, thơ Nguyễn Thị Việt Nga, NXB Văn học 2018.

“Ngày trôi, ngày trôi như thể

Nước rơi qua kẽ tay gầy”

(Thu, Nguyễn Thị Việt Nga)

Thời gian là một vấn đề triết học sâu thẳm, nhức nhối nhất mà con người phải đối diện. Như một lẽ tự nhiên vô hình, vô cảm, thời gian luôn là nỗi ám ảnh với các văn nghệ sỹ, đặc biệt là các nhà thơ. Cảm thức về thời gian, suy tư cắt nghĩa về thời gian là một trong những chủ đề lớn, không nằm ngoài quỹ đạo của thi ca nhân loại. Tập thơ “Ở phía mùa thu” của nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga cũng mang đậm cảm thức thời gian ấy.

1. Những tín hiệu của thời gian thiên nhiên- vũ trụ

Hầu hết các bài thơ của Nguyễn Thị Việt Nga trong tập thơ “Ở phía mùa thu” đều ngập bóng thời gian, vấn vương những cảm giác về thời gian. Thời gian luôn trở thành nỗi khắc khoải khôn nguôi trong thơ chị.

Thời gian trong tập thơ không chỉ xuất hiện trong các từ: năm, tháng, mùa, tiết, sáng, chiều, tối… mà còn biểu hiện trong vạt nắng, ngọn gió, giọt sương, ngọn khói; trong mảnh trăng, lá rụng… Đặc biệt, trong các loại hoa của từng mùa: hoa loa kèn, hoa gạo, hoa phượng, hoa cúc, hoa cải vàng, hoa tường vi, hoa sen, hoa dã quỳ… Mỗi loài hoa như một tín hiệu của một tháng, một mùa, một tiết. Không một tín hiệu nào của thiên nhiên mà Nguyễn Thị Việt Nga không cảm thấy tính thời gian. Thời gian đã trở thành những hình ảnh mang tính biểu tượng trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga và chị đã lựa chọn những biểu tượng này. Đồng hành với thời gian là tâm trạng, là những cảm xúc vui buồn của nhà thơ. Thời gian dung chứa những tâm tình của người làm thơ.

2. Thời gian thiên nhiên- vũ trụ như vó ngựa phi

Thời gian thiên nhiên vũ trụ trong “Ở phía mùa thu” thường được biểu hiện dưới dạng thời gian tâm lý (thời gian không có thực/ ảo). Thời gian có thể ngắn, dài tùy theo tâm trạng vui buồn của người thơ. Ở đây, thời gian đã được nội cảm hóa.

Thảng thốt trước bước đi của thời gian, trong bài Thời gian Nguyễn Thị Việt Nga viết: “Nhanh hơn chiến mã nhanh nhất” hay “Vó ngựa- thời gian- đang- phi- như- bay”. Trong bài Vẩn vơ nhà thơ buồn bã hỏi: “Vừa bình minh đã chiều tà thế ư?”. Đó là thời gian của một ngày, còn thời gian của một năm cũng trôi qua chóng vánh như vậy. Trong bài Trước tờ lịch cuối năm, người thơ lại tiếc nuối: “Một năm lại đã qua rồi”, hay “Một năm lại đã qua vèo”. Rồi mùa lại qua mùa, đi qua nhanh chóng: “Đã qua rồi mùa xuân/ Đã qua rồi mùa hạ” (Em chẳng còn gì cho anh). Câu thơ là nỗi trăn trở, băn khoăn, tiếc nuối trước sự mỏng manh, chóng tàn của tuổi trẻ.

Rồi người thơ lại thảng thốt trước sự chóng vánh của thời gian, sự vô thường của kiếp người: “Trăm năm chớp mắt người ơi”. Câu thơ như một tiếng thở dài về kiếp người ngắn ngủi. Cái cảm giác thảng thốt này ta cũng gặp trong thơ Dương Kiều Minh: “Ô hô thiên thu/ Chớp mắt, chớp mắt”…

3. Thời gian bốn mùa

Ấn tượng đầu tiên với người đọc là cảm thức thời gian thiên nhiên- vũ trụ tuần hoàn theo mùa. Cảm thức mùa đầy ắp trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga.

Người xưa thường gọi bốn mùa là “tứ quý”: Xuân quý, hạ quý, thu quý, đông quý. Bốn mùa luôn là đề tài muôn thuở của thi ca. Cỏ cây, hoa lá, sông nước, mây trời, núi cao, biển rộng… luôn là người bạn tâm giao, là nguồn cảm hứng bất tận của muôn đời thi sỹ.

Là người yêu thiên nhiên say đắm, thiên về cái đẹp cao cả, cái đẹp vĩnh hằng, Nguyễn Thị Việt Nga thường hòa nhập cuộc sống của mình với bốn mùa thiên nhiên, tìm thấy ở thiên nhiên sự bình yên, tự do, thư thái trong tâm hồn. Thơ Nguyễn Thị Việt Nga giàu thiên nhiên, có khi đơn sơ, mộc mạc, tao nhã, có khi lộng lẫy giàu màu sắc.

Cũng như các tác phẩm văn học xưa nay, thời gian bốn mùa đi vào thơ Nguyễn Thị Việt Nga đã được nhào nặn theo chủ quan của nhà thơ. Từ đó, thời gian không hẳn chỉ là chiều thứ tư của không gian, mà đã hóa thành chiều thứ năm trong sâu thẳm của tâm hồn. Bốn mùa trôi qua, nhưng với chị nó là bốn mùa của yêu thương dịu ngọt, của những kỷ niệm, của tình yêu giản dị, đằm thắm và của cả những nỗi sầu muộn, mất mát, tiếc nuối. Trong tập thơ “Ở phía mùa thu” , mỗi bài thơ là một họa đồ đa sắc, gợi cảm, đồng thời cũng thể hiện thế giới tâm hồn riêng, khả năng cảm thụ, đồng hóa và tái hiện của nhà thơ.

“Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng” (Mùa xuân là mùa sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng chất chứa), đó là quy luật của vũ trụ. Với mỗi mùa, thơ Nguyễn Thị Việt Nga đều có những cảm thức riêng.

3.1. Xuân, hạ - thời gian của sinh sôi, nảy nở, tăng trưởng

Mùa xuân:

“Vạn vật khởi ư xuân”. Mùa xuân là mùa thứ nhất trong bộ tranh tứ bình bốn mùa, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên; đó vừa là không gian vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của của sự sống sinh sôi, nảy nở. Mùa xuân trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga là mùa bắt đầu một năm và tượng trưng cho sức trẻ.

Trong “Ở phía mùa thu” có những bài viết về mùa xuân: Tạm biệt tháng Giêng, Tháng Ba, Thanh minh về quê, Tháng Ba viết cho mẹ, Hoa loa kèn. Ở những bài thơ đó có bức tranh xuân tươi tắn, màu sắc sống động.

Mùa xuân là mùa hồi sinh của vạn vật, cây trổ lộc đơm hoa, cỏ khô héo trong mùa đông nay trở nên xanh tốt. Người Trung Hoa thường có hội “Đạp thanh” (dẫm lên cỏ xanh) hàng năm vào tiết thanh minh. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng viết: “Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

“Ở phía mùa thu” , Nguyễn Thị Việt Nga cũng viết nhiều về cỏ: khi thì “Cỏ đan kín đất yên lành”, khi thì: “Ông bà nằm đây với cỏ/ Đồng xanh sóng lúa rì rào”. Cỏ xanh tốt trên cánh đồng bao la, cỏ nơi yên nghỉ vĩnh hằng của người đã mất… cỏ biểu hiện sức sống mãnh liệt, sự trường tồn vươn lên bất khuất của muôn loài trong tự nhiên; cỏ thể hiện tính sinh tồn mạnh mẽ, vượt qua mọi hoàn cảnh sinh tử.

Không chỉ có cỏ, mùa xuân hoa cũng ngập tràn: “Cái tháng hoa nở đầy mặt đất”, “Tháng Ba huy hoàng của muôn hoa khoe sắc”.

Mùa xuân, bên cạnh màu xanh của cỏ, tập thơ còn có màu vàng của hoa cải (tàn xuân ngồng cải đơm hoa), màu trắng của hoa loa kèn (Hoa loa kèn tinh khiết/ Trắng kiêu sa mượt mà), màu đỏ của hoa gạo (Hoa gạo cháy bập bùng ven sông). Cỏ là cái nền, còn hoa là những chấm phá của thiên nhiên.

Mùa xuân còn tràn đầy sức sống với đồng xanh “sóng lúa rì rào”, với “Lá bàng đầu ngõ lại xanh”. Mùa xuân với những dấu hiệu đặc trưng: gió thì “dịu dàng thiếu nữ” (gió nhẹ), mưa xuân thì làm ướt cả không gian “Mưa xuân như là nước mắt/ Ướt mềm đất thấp trời cao”. Rồi “nắng nhạt”, rồi “Rét nàng Bân về qua ngõ”, rồi “chim én lại về” .

Chính sức sống của mùa xuân đã làm tươi lại hồn thơ nhạy cảm và đa cảm của Nguyễn Thị Việt Nga. Có một luồng rung động trẻ trung, rạo rực, căng tràn sự sống trong tâm hồn người làm thơ. Chẳng thế mà xuân qua đi Nguyễn Thị Việt Nga nuối tiếc: “Người ơi, xuân ngắn quá”. Cảnh xuân tàn khiến người thơ thấy buồn: “Mẹ ơi tháng Ba nắng nhạt/ Nhắc con năm tháng đã già”. Với người thơ, tạm biệt mùa xuân cũng là “tạm biệt năm tháng say mê”. Ở đây, mùa xuân của đất trời cũng là mùa xuân của tuổi trẻ với bao say mê, khát vọng. Cũng như thơ ca cổ kim, mùa xuân trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga đã thoát khỏi cái vỏ cụ thể của nó, mặc nhiên biểu tượng cho mùa vui, mùa hạnh phúc.

Mùa hạ:

Những bài thơ viết về mùa hạ là: Tháng Tư, Tháng Sáu, Viết cho con mùa hoa phượng.

Khi “sau lưng là cả mùa xuân” thì “Hạ trưởng” đến. Trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga thiên nhiên cũng rộn ràng, không chỉ với những sắc màu mà cả âm thanh. Mùa hè đến được báo hiệu bằng dàn nhạc giao hưởng của những chú ve con: “Tiếng ve đầu mùa nấc nghẹn”. Thời khắc giao mùa giữa xuân và hạ đã được Nguyễn Thị Việt Nga miêu tả thật đáng yêu trong bài thơ Tháng Tư: “Ngập ngừng như thể tháng Tư/ Nắng dè dặt nắng…/ với mưa dùng dằng”.

Cũng như rất nhiều bài thơ, áng văn xuôi khác của Nguyễn Thị Việt Nga, hoa phượng là gam màu đặc trưng của mùa hè. Viết về hoa phượng, thơ của chị thật nồng nàn, ấm áp: “Phượng hồng cháy trong mắt biếc”, hay “Phượng hồng rót lửa vào tim”.

Mùa hạ giống mùa xuân vì đều rực rỡ sắc màu với màu xanh của lá: “Lá bàng tựa tay con gái/ Xanh xao biết mấy nỗi niềm”; màu vàng của nắng: “Nắng vàng hối hả mùa thi”; của ánh trăng: “Trăng vàng rải nhớ vào đêm”.

Đó là những màu của tự nhiên. Nhưng cũng có những màu của mùa hạ do con người mang đến, đó là màu áo trắng của tuổi học trò. Cái màu áo đó đã đi vào tập thơ đầy xúc động: “Áo trắng sân trường ướt mưa”, hay: “Áo trắng sân trường rưng rưng”.

Mùa hạ là mùa chia tay của tuổi học trò để về nghỉ hè và chuyển lớp, chuyển cấp. Không những ở tập thơ “Ở phía mùa thu” mà cả trong thơ và truyện của mình, đã bao lần khi nói về phượng đỏ, Nguyễn Thị Việt Nga lại nói về áo trắng với biết bao yêu thương. Bài thơ “Điệp khúc” trong tập thơ “Cõng mình qua những cơn mưa” là lời giã biệt của cô nữ sinh áo trắng với tuổi sinh viên:

“Thì thôi nhé, em về thay áo tím

Áo trắng xưa xin gửi lại sân trường

Thì thôi nhé, qua một thời nhung nhớ

Phượng hồng ơi sao mắt đỏ rưng rưng”.

3.2. Thu, đông - thời gian của tàn tạ, phôi pha

Yêu tất cả mọi sắc thái biến chuyển của thời gian, tận hiến với các mùa nhưng có lẽ Nguyễn Thị Việt Nga ấn tượng hơn cả với hai mùa thu, đông. Loại thời gian này thường đi với các từ: tàn, tàn phai, cũ, rũ…

Thơ của Nguyễn Thị Việt Nga thường nặng nỗi buồn, nhẹ niềm vui. Cái nỗi sầu của thơ chị vốn dĩ có vì “Thơ gần nước mắt hơn gần nụ cười, gần máu hơn gần mực” (Nguyễn Trọng Tạo). Vả lại, cái sầu ấy như có từ tiền kiếp của những kẻ được gọi là thi nhân từ xưa đến nay. Thơ có mặt ở trên đời này, đầu tiên là để giải tỏa những cảm xúc của con người mà phần nhiều là ưu tư, phiền muộn.

Chính vì vậy, dù say sưa với mùa xuân, mùa hạ thì Nguyễn Thị Việt Nga cũng trở về với hai mùa thu - đông, đặc biệt là mùa thu. Những giây phút tĩnh lặng nhất của chị vẫn đọng lại ở những bài viết về mùa thu và người thơ coi đó là chốn nương náu của tâm hồn mình. Ở đó, những tâm hồn đa cảm, nhạy cảm như chị dễ tìm thấy sự cộng cảm hơn các mùa khác. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Thị Việt Nga đã đặt tên tập thơ của mình là “Ở phía mùa thu”. Lúc đó, con người ta có cái gì, sau lưng là mùa xuân, mùa hạ, trước mặt là mùa đông?

Mùa thu:

Về mùa thu, tập thơ có những bài thơ đẹp và buồn: Thu, Ngẫu hứng thu, Thu Hà Nội, Cuối thu.

Cũng như mùa xuân, mùa thu là mùa đặc biệt trong năm. Đó là hai “bình minh” trong một năm, đem lại sự thay đổi hệ trọng nhất trong tâm hồn. Nếu như mùa xuân là mùa vui, thì mùa thu thường gợi cho người ta nghĩ tới nỗi buồn. Mặc nhiên, mùa thu biểu tượng cho sầu muộn. Điều này để lại dấu ấn trong Hán tự: chữ “sầu” là tâm tình mùa thu. Trời đất xuân, thu ví như đời người khi vui, khi buồn. Chẳng thế mà Nguyễn Thị Việt Nga mở đầu tập thơ là bài Cuối thu:

“Vạt nắng thu sót lại

Như nhan sắc cuối mùa

Chạm tay vào lá rụng

Lòng buồn như gió mưa”.

Chỉ có những lá rụng, gió mưa; những sót, cuối, buồn.

Sang thu, không còn cảnh sắc muôn vật sinh sôi, cây lá đâm chồi nảy lộc như tiết xuân, cũng qua những ngày hè chói chang, giàu năng lượng, đốt cháy lên tâm tư con người. Sang thu là bước vào miền phai nhạt, úa tàn. Thiên nhiên một lần nữa có sự “biến hình”. Bảng sắc màu từ hạ sang thu của thơ Nguyễn Thị Việt Nga từ “đỏ” (hoa phượng), sang “vàng” (màu vàng của lá rụng, của sen tàn…):

“Hà Nội vào thu/ Lá âm thầm rụng”

“Sen tàn trong hồ vắng”.

Tất cả đều tàn tạ, phôi phai không sức gì cưỡng nổi. Cảnh vật thiên nhiên đều mang gương mặt buồn, thê lương, ảm đạm của cái “nhan sắc cuối mùa”.

Không chỉ có sắc thu, cảnh thu mà còn rất nhiều tình thu. Những nồng nàn vẫn còn nhưng đã bớt dần. Những bâng khuâng, nuối tiếc, nhớ, buồn chiêm nghiệm tăng dần.

Có khi mùa thu như nói hộ tâm trạng đầy tiếc nuối khi mùa hạ đã qua đi:

“Cánh phượng cuối cùng đã rụng

Mùa Hạ đã thành mùa xưa

Sen tàn rũ trong đầm vắng

Chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ”.

(Thu)

Có khi mùa thu như gợi, nhắc lòng người những khắc khoải, lo lâu, buồn bã trước cái nhan sắc đời người đang bước dần vào độ phôi phai;

“Thu… thu… thu về rất khẽ

Mà lòng rách nỗi chia xa

Cả hoa. Cả cây. Cả lá

Cả người. Cả nắng. Cả ta…”

Lòng người buồn nên nhìn cảnh thu cũng buồn: “Sương run trên từng ngọn cỏ”, hay: “Hoa cúc vàng mùa thu/ Lung linh như nước mắt”.

Nếu cái tình xuân, hạ được cất lên bằng những lời thơ trong trẻo, hồn nhiên thì cái tình thu lại lặng lẽ, lắng sâu và phảng phất buồn. Nguyễn Thị Việt Nga yêu mến mùa thu, viết nhiều (và cả hay) về mùa thu phải chăng vì mùa thu buồn và đẹp với cái thời tiết vừa trữ tình, vừa lãng mạn, làm cho người ta bâng khuâng, hoài cảm, buồn vẩn vơ với những cảm xúc mơ hồ, đẹp đẽ? Và cũng phải chăng vì người thơ đã thấy mình dần bước sang tuổi “thu”, cái tuổi mà nhà thơ Vũ Quần Phương đã hình tượng hóa qua bài thơ “Cửa biển”:

“Đến đây gần biển xa nguồn

Con sông chảy chậm, nỗi buồn tan lâu”

Mùa đông:

Tiếp nối cái tàn tạ, phôi phai của mùa thu là mùa đông. Những bài thơ về mùa đông là: Mùa đông, Nhớ thương tháng chạp, Hoa dã quỳ, Chiều cuối năm, Trước tờ lịch cuối.

Cũng như thơ về các mùa xuân, hạ, thu, thơ mùa đông của Nguyễn Thị Việt Nga hay viết về hoa. Chị là người yêu hoa nên thường bắt đầu cảm xúc về hoa: hoa cải vàng, hoa dã quỳ… Rồi những hình ảnh đặc trưng cho cái tàn tạ, ảm đạm của mùa đông như: lá rụng, gió lạnh, giá lạnh, sương muối, sương mù…

Này đây hoa cải vàng trong nỗi nhớ: “Vẫn mãi thương về tháng chạp/ Bến sông ngồng cải hoa vàng”. Này đây hoa dã quỳ trên cao nguyên lộng gió: “Ai đưa mùa hạ về đây/ Nghìn con mắt nắng trên cây đợi chờ”. Hay: “Vàng hoa đang nở ngập ngừng/ Cao nguyên buồn giữa lưng chừng mùa đông”.

Rồi sương trong những ngày tháng chạp: “Sương muối phủ trắng cánh đồng”. Sương trên phố núi: “Sương mù phố núi chưa tan”.

Rồi lá rụng tơi bời: “Một trời mây trắng mông lung/Một sân lá rụng, một đông giá buồn”.

Rồi gió. Để tăng cái lạnh, không gian bầu trời trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga thường đi kèm với gió: “Mùa đông gió lạnh bời bời”.

Sang đông, sự lạnh lùng đã trở thành buốt giá. Là một hồn thơ hồn nhiên, trong trẻo, yêu đời, trước cái lạnh của ngày đông bao phủ, Nguyễn Thị Việt Nga càng thấm nỗi lẻ loi, cô đơn. Và càng buồn hơn khi tuổi xuân, năm tháng qua đi:

“Một đời là mấy đam mê

Một năm thêm một bước về xa xôi

Bao nhiêu ngày tháng đã rơi

Bao nhiêu xuân sắc đã vơi cuối chiều”.

Câu thơ như một tiếng thở dài buồn bã, đầy tiếc nuối trước sự trôi chảy của thời gian.

Tóm lại, từ xuân đến hạ, từ thu sang đông, cái vòng tuần hoàn của tự nhiên đất trời đã đi vào tập thơ “Ở phía mùa thu” với bức tranh thiên nhiên sống động, đặc trưng. Sự luân chuyển bốn mùa của thiên nhiên ở đây cũng như quy luật vận động thời gian của đời người từ trẻ đến già, từ vui sang buồn. Xuân, hạ, thu, đông không chỉ là bức tranh thiên nhiên mà còn là chân dung tâm hồn, là tài năng và cá tính của người làm thơ. Bốn mùa vừa là không gian, vừa là thời gian nghệ thuật của thơ Nguyễn Thị Việt Nga.

4. Thời gian buổi chiều và đêm

Nếu mùa thu là mùa được nhắc nhiều và ấn tượng nhất trong các mùa, thì thời gian trong ngày của thơ Nguyễn Thị Việt Nga lại tràn ngập bóng chiều và đêm tối. Tiêu biểu là những bài: Chiều cuối năm, Chiều giáp tết, Thăm Hoàng thành Huế, Chạm vào Sa pa, Đêm nghe tiếng còi tàu, Nghe “Dạ cổ hoài lang” nhớ một người xa xứ… Và rải rác nhiều câu thơ về buổi chiều và đêm tối trong tập thơ.

Nếu như thời gian buổi sớm thường gợi cái mới, cái sinh sôi nảy nở đầy sức sống thì ngược lại thời gian buổi chiều thường gợi lên cảm giác u hoài, trống vắng của lòng người; gợi cái cũ, cái tàn tạ, cái đã qua; gợi nhớ. Nguyễn Thị Việt Nga đã có những buổi chiều như thế khi Chạm vào Sa pa: “Sương khói về đâu/ Mà chiều hoang hoải thế…” Và: “Vạt nắng chiều tắt nghẹn/ Giữa thung xanh…”. Hay trong bài thơ Chiều cuối năm người thơ thấy: “Ngày tàn từng giây…” với bao phập phồng mong đợi mùa xuân về.

Đêm tối chính là khoảng thời gian lắng đọng sau một ngày dài của cuộc sống thường nhật, xô bồ. Đêm tối đem lại không gian yên tĩnh để con người có thể suy ngẫm về giá trị của thời gian. Đêm tối chính là khoảnh khắc mà tâm hồn thấy trống trải, cô đơn nhất để người ta tìm đến thơ, trải nghiệm nỗi buồn. Nguyễn Thị Việt Nga đã có một đêm như vậy ở một ga xép:

“Ta khách bộ hành lỡ nhịp

Nửa đêm nằm lại ga buồn

Phố núi mùa đông heo hắt

Đốm đèn vàng chìm trong sương”.

Buồn và nhớ, cả một quá vãng xa xăm hiện về:

“Tiếng còi tầu ngân nức nở

Gọi về quá vãng xa xăm”

(Đêm nghe tiếng còi tầu)

Rồi một đêm trăng Nghe “Dạ cổ hoài lang” nhớ một người xa xứ:

“Thương làm sao, nhớ làm sao

Người đi như nắng qua rào cuối đông”.

“Dạ cổ hoài lang” là một bài vọng cổ nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc nửa đêm. Chỉ nghe một khúc nhạc trữ tình trong đêm, bao thương nhớ lại dội về với người thơ. Ở đây, trong sự cộng cảm sâu sắc của người nghe với nhạc phẩm không thể không nói đến “công” của thời gian “đêm trăng”.

Tóm lại:

Thời gian trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga như một phương thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Nó vừa là khách thể, vừa là chủ thể, vừa là phương tiện để phản ánh. Những cảm thức về thời gian trong tập thơ “Ở phía mùa thu” của Nguyễn Thị Việt Nga thấm đẫm nỗi niềm nhân sinh và tình yêu với thiên nhiên- người mẹ thứ hai của con người. Cảm thức về thời gian thiên nhiên- vũ trụ đã làm cho nhiều bài thơ của chị có sức ám ảnh. Tìm hiểu thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga, ta khám phá một khía cạnh thi pháp của người viết, giúp ta cảm nhận tác phẩm trong cái cụ thể- sáng tạo của nó. Những cảm thức về thời gian ấy đã tạo nên dấu ấn riêng, làm giàu thêm thơ của Nguyễn Thị Việt Nga và thơ ca trên đất Hải Dương đương đại.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Tình sử bên sông"(20/05/2024)
Gặp ở đồn biên phòng(20/05/2024)
Màu xanh(20/05/2024)
Trường Sa, Hoàng Sa(20/05/2024)
Truyện ngắn "Bà nội tôi" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(20/05/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na