Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Phi điệp nở hoa" của tác giả Nguyễn Thu Hằng
20/06/2024 10:27:01

Nhà Nguyên ngay đầu làng. Cây nhãn già trước cổng sương đọng trắng xóa, thỉnh thoảng nhỏ từng giọt tí tách xuống rề lan phi điệp lủng lẳng trên cành. Nguyên pha trà, khói ấm bay lên tưởng thơm cả dải sương đã men tới song cửa. Anh kể cho tôi nghe, ông cụ nhà anh mồ côi cha mẹ, người chú họ nhận nuôi. Đi thanh niên xung phong về, ông được hợp tác xã cắt cho cái chuôm này.

 


 

Giữa đám cỏ dại, chỉ duy nhất có một cây nhãn cằn mọc trên gò đất. Sẵn sức khỏe dẻo dai, ông cụ ngày tham gia hợp tác xã, đêm ra sông quai đất về lấp. Qua hai mùa lúa thì mảnh đất đã đầy như thế. Trước ngày cưới vợ, ông đã cất được căn nhà ngói nhỏ. Cây nhãn trổ lứa hoa đầu tiên cũng là lúc bà cụ mang thai anh. Ông cụ theo người ta vào rừng buôn sắn khô vài chuyến, tầm được giò lan phi điệp treo lên cành nhãn. Ngày anh chào đời, giò lan đai châu nở hoa tím ngát.

“Uống trà cho tỉnh táo nhé!”. Vài cánh hoa lan buông theo sương rơi xuống, mặt đất lấm chấm tím, sóng sánh cả chén trà sớm.

“Sau này, anh muốn ươm được một vườn hoa lan. Sáng mở cửa, thấy hoa nở, hương đưa. Còn gì an nhiên bằng, em nhỉ?”. Từ dưới bếp, mẹ anh vừa bê chõ xôi lên vừa gọi bố anh mau vào ăn sáng. Xôi dành dành vàng suộm mắt tôi. “Lần đầu tiên cháu được ăn xôi này đấy bác ạ. Ngon quá!”. “Huệ về đây, bác nấu cho ăn suốt nhé!”. Mặt tôi nóng lên. Tôi định giải thích, tôi không phải là Huệ. Nhưng Nguyên nhìn tôi ra hiệu đừng nói gì vào lúc này cả. Tôi hiểu, mẹ Nguyên vừa ốm dậy.

Cho đến lúc ngồi sau xe Nguyên trên bờ đê, tôi hỏi: “Anh chưa đưa Huệ về ra mắt bố mẹ à? Để bố mẹ nhầm với em”. “Chuyện ấy, anh sẽ kể cho em sau. Bây giờ em tập trung vào này. Qua rặng bạch đàn kia là tới khúc đê quán Dốc đấy. Em có cảm thấy sợ không?”. Gió thổi vù vù qua tóc tôi, mấy con chim sẻ bay vút lên rặng tre đầu quán Dốc. “Ngày bé, một mình em đi chợ bán cá vào lúc giữa đêm, em còn chẳng sợ”. “Thế là anh chọn người chuẩn quá nhỉ!”. “Thì em đã bảo anh cứ tin ở em!”. “Anh tin. Giờ thì ôm anh đi, tình cảm vào đấy!”.

Tôi không ôm. Cũng chẳng tỏ vẻ tình cảm làm gì. Cảm giác Nguyên chỉ như anh Thành của tôi.

Nguyên rú ga lên đến đầu quán Dốc. Gió lạnh từ sông thổi vào. Sương lảng bảng. Cỏ cây dại chờm ra ngoài đường, quệt vào ống chân. Lều tranh trên quán Dốc có vài chiếc băng ghế vứt lổng chổng, đám phân bò khô trước cửa quán, đầu mẩu thuốc, mấy ống tiêm, lá khô... Đường gồ ghề, xe bỗng loạng choạng. Tôi xô người vào Nguyên, tay bất chợt ôm chặt lưng anh. Tiếng phanh kít. Nguyên gần như đập ngực vào đầu xe. Hai gã trai vọt lên từ sau bụi tre gai, đứng án ngữ trước mũi xe. Áo chúng phanh ra để lộ cái đầu lâu xương chéo đen ngòm giữa ngực. Mặt chúng gườm gườm đầy sát khí. Thằng cầm mã tấu, thằng vác đòn xóc. Tôi nghe tiếng Nguyên giục khẽ: “Nhảy ra khỏi xe đi!”. Nhằm đống rơm mục chất bên đường, tôi liều nhảy. Nguyên cũng buông xe, nhảy lên phía trước. Thằng mã tấu lao vào Nguyên. Anh tránh, tung cú đá vào tay gã, thanh mã tấu rời ra, cánh tay gã như rụng rời. Nguyên xoay người bồi thêm vào đúng chỗ đầu lâu xương chéo, gã rục xuống. Tay đòn xóc lừa phang một đòn vào mặt Nguyên, máu ri rỉ. Nguyên có vẻ hơi lảo đảo. Tôi nhổm dậy, vội vàng nhặt viên gạch vỡ nhằm đầu hắn ném mạnh. Viên gạch trúng lưng hắn đánh bộp. Hắn quay lại, mắt vằn đỏ sọng. Nguyên lao đến, chỉ bằng hai thế võ, anh đã cướp đòn xóc. Hắn quay đầu định bỏ chạy.

Bỗng một chiếc xe máy phân khối lớn xộc tới. Hai người đàn ông cao lớn mặc dân phục nhảy xuống. Hai thằng bị tóm sống.

“Cậu bị thương rồi”. Tôi chạy đến, rút vội khăn tay lau máu đang chảy ra từ mồm Nguyên. “Cảm ơn em Huệ nhé!”. Người dáng cao, gầy vừa đỡ Nguyên, vừa mỉm cười với tôi. Phần vì mải lo cho Nguyên, tôi đã không kịp giải thích rằng tôi không phải là Huệ.

Phải chăng vì thế, vô tình tôi đã là Huệ trong mắt bố mẹ Nguyên và người đồng đội của anh suốt thời gian tôi đi học xa.

Cho đến tận ba năm sau. Tôi quay lại nhà Nguyên với Dương, chồng sắp cưới của tôi, mọi người mới biết tôi không phải là Huệ. Lúc này, Nguyên bị thương ở chân, đang bó bột. Anh cùng đồng đội phá một chuyên án buôn ma túy, không may anh bị một tên manh động rút súng bắn, viên đạn xuyên vào bắp chân trái. Một người bạn anh đang lấy quần áo trong ba lô treo lên móc cạnh tường. Người kia đang đóng lại đinh mắc màn. Khi tôi và Dương bước vào, người dáng cao gầy đang đóng đinh nheo nheo mắt: “À, là cô Huệ! Sao năm xưa sau vụ giúp chúng tôi phá án ở đê quán Dốc, hôm tổng kết chúng tôi mời cô đến dự mà cô không đến thế?”. Nguyên đỡ lời: “Cô ấy là Thu, em gái Thành, bạn em”. Tôi cười: “Dạ. Sau đó, em phải đi thực tập”. Tôi nói dối. Mặt tôi dần nóng ửng. Thực ra, Nguyên đã nhắn tin ấy qua anh Thành tôi. Nhưng tôi đã từ chối với lí do tôi phải đi thực tập. Thực ra, hai hôm sau buổi tổng kết ở đơn vị Nguyên, tôi mới xách ba lô lên đường. Lúc lai tôi ra bến xe, anh Thành nói: “Tao như mày đi lên cơ quan thằng Nguyên dự một buổi cho oách. Chẳng gì cũng giúp họ phá án. Hai thằng nghiện ấy mà không bắt sớm, chúng còn cướp của, rồi có khi đến giết người ở khúc đê quán Dốc”. “Có gì đâu. Em chỉ việc ngồi sau xe thôi”. “Giá nó chưa yêu cái Huệ, mày yêu nó cũng được đấy!”. Tôi véo lưng anh Thành: “Anh nghĩ vớ vẩn. Cái Huệ là bạn em đấy. Còn anh Nguyên, em coi như anh thôi”.

Lúc nhận lời đến nhà Nguyên chỉ để sớm ra ngồi sau xe máy của anh, đóng vai hai đứa trẻ yêu nhau, lai nhau đi lang thang qua khúc đê quán Dốc, tôi đâu nghĩ gì nhiều. Nguyên kể, chỗ ấy hẻo lánh, xa làng, đã xảy ra mấy vụ chặn cướp xe máy, trấn đồ. Tháng trước, có cậu con trai còn bị chúng đánh gãy chân, còn cô gái suýt bị chúng làm nhục nếu như không có một người đàn ông đi đánh cá sớm qua. Anh Thành lai tôi đến nhà Nguyên từ lúc gà gáy để quay về kịp chuyến lái cá. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở Nguyên và háo hức nhập cuộc. Sớm ấy thì tôi là diễn viên.

Tròn cả vai diễn với bố mẹ và hai người đồng nghiệp của anh tới tận bây giờ. Hôm đám cưới tôi, Nguyên đến từ chiều hôm trước. Anh ăn cỗ bắc rạp với gia đình rồi xin phép đi ngay: “Thông cảm nhé, công việc lại gọi anh đi!”.

Khách đến uống nước, ăn trầu đã về hết thì Huệ từ bên Hàn Quốc điện chúc mừng tôi. Tôi kể anh Nguyên vừa đến đã lại về vì công việc. Huệ thở dài trong điện thoại: “Năm xưa, lúc bọn mình đang giận nhau thì nghe tin cậu đi chơi với anh ấy ở quán Dốc nên mình đã vội vàng chia tay. Cho mình hỏi thật nhé, hồi ấy, hai người có chuyện gì không?”. “Cậu nghĩ gì thế. Mình chỉ quý anh Nguyên như anh trai mình thôi. Anh ấy nhờ mình đóng vai người yêu để phá vụ cướp mà”. “Ra thế, anh ấy có bảo mình nhưng mình đã sợ…”.

Mấy năm sau, Nguyên cưới vợ. Hai cô con gái lần lượt ra đời. Cuộc sống như dòng sông chảy xiết cuốn chúng tôi đi, chúng tôi không gặp nhau nữa.

Một lần, xem phóng sự an ninh trên ti vi thấy có hình ảnh Nguyên, chợt chồng tôi hỏi: “Ngày trước, em và Nguyên có chuyện gì không? Sao lâu rồi không thấy em nhắc tới Nguyên nhỉ?”. Chuyện gì? Nếu là yêu đương thì không. Mọi việc chỉ dừng lại ở cú va người, ngã xe ở quán Dốc. Nhưng không phải yêu đương thì có. Do tôi. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình lại làm như thế. Cái khí thế, cái tinh thần đóng giả đôi tình nhân yêu nhau đi lên đê để giúp Nguyên bắt cướp đã biến mất trong tôi từ lúc nào khi tôi muối mặt đến gặp Nguyên, cất lời xin Nguyên giúp một việc trong tầm tay anh. Thằng Khương là cháu họ gọi tôi là dì họ, cũng là học sinh cũ của tôi. Nó lêu lổng, đua đòi cùng với hai thằng nữa đã chặn xe một cô gái đi làm ca đêm về để cướp điện thoại, ví tiền, còn xô cô gái ngã xuống sông. Rất may có người đi đường đã cứu cô ấy thoát chết. Cô gái nhớ mặt kẻ cướp đã khai báo với công an, chỉ sau hai hôm bọn chúng bị bắt. Mẹ Khương biết tôi quen Nguyên, hỏi đường tìm đến tận nhà chồng tôi, nhờ tôi xin cho Khương. Chị ấy năn nỉ tôi thương nó không có cha, thương chị ấy tuổi cao mới kiếm được mụn con để nhờ cậy tuổi già, giờ nó nông nổi đâm ra thế. Nó chỉ bị bạn bè lôi kéo, nó chỉ đứng lên chặn đường, còn mọi việc hai thằng kia làm. Tôi đành tìm đến Nguyên. Anh im lặng nghe tôi nói những điều khó khăn đó. Sau, Nguyên lắc đầu xin lỗi: “Thằng Khương đã mười tám tuổi. Phải thượng tôn pháp luật. Mong em hiểu cho anh!”. Tôi đã ra về trong nỗi bàng hoàng và xấu hổ.

Tôi đã không liên lạc với anh từ đấy. Mẹ thằng bé cũng không hề gặp lại tôi lần nào nữa. Tôi cũng rời xa cả những câu chuyện về Khương. Sau nhiều năm, một sáng tôi nhận được cuộc điện thoại: “Anh Nguyên đây. Anh xin số của em từ anh Thành. Anh mời vợ chồng em đến nhà anh chơi nhé!”. Tôi bất ngờ. Nhưng Dương động viên và bảo sẽ chở tôi đi.

Vừa đến cổng nhà Nguyên đã thấy cây nhãn cổ xòe tán rộng, vươn ra khắp sân. Thân cây nhãn nở hoa phong lan: phi điệp, đai châu, hoàng hạc… từng chùm, từng chùm rủ xuống. Nguyên và vợ đã đợi chúng tôi bên ấm trà dưới tán cây. Mùi phong lan thơm nồng nàn. Cả khu vườn trước nhà Nguyên đã đầy lan. Thấy tôi ngơ ngẩn ngắm hoa, Nguyên dẫn đi giới thiệu mấy loài quý mà anh vừa tầm được, hoàng nhạn, hoàng phi hạc, phi điệp 5CT,... có cả một giàn phi điệp lá mít anh đang ươm giống. “Công việc bận thế mà anh vẫn chăm được vườn lan quý này cơ à?”. “Con trai anh chăm nữa, chứ anh đi suốt”. Tôi ngạc nhiên: “Anh chị sinh thêm con trai lúc nào mà em không biết thế?”. Nguyên cười tủm tỉm: “Đi ra đây với anh, nó kia!”. Tôi theo anh đi sâu vào trong khu vườn có lưới giăng. Một thanh niên đang lúi húi chăm lan ngẩng lên: “Bố! Ôi, cô Thu! Em chào cô!”. Tôi ngỡ ngàng: “Khương à?”. Dụi mắt để nhìn cho kĩ, đúng là thằng Khương. “Khương, con nuôi anh đấy!”.

Nguyên kể: Khương được ra tù trước thời hạn, nhưng chưa về nhà ngay mà tìm đến nhà anh. Thấy nó cứ quanh quẩn bên vườn lan, anh hỏi, có thích không? Nó gật đầu, vậy là cho nó ở lại với anh học trồng lan, rồi anh chị nhận nó làm con nuôi. Sau ba năm, Khương đã ươm được một vườn lan riêng cho mình. Là mảnh vườn bên kia, Khương thuê đất để làm vườn, hàng đã phân phối khắp cả nước rồi. Chồng tôi gọi Nguyên hỏi về một loài lan nên anh đi vào. Còn lại tôi với Khương. Khương hơi đỏ mặt, đứng dậy ra bê một giò phi điệp đang bung ba bông hoa trắng muốt vào trao cho tôi: “Em chăm giò lan này, định khi nào ra hoa sẽ tặng cô. Nhưng mà em vẫn không dám đến gặp cô. Bố Nguyên đã hiểu và nay thì em được gặp cô. Em cảm ơn cô nhiều lắm ạ!”. Tôi còn đỏ mặt hơn cả Khương. Tôi xấu hổ. Ngày trước, tôi đã chẳng làm gì giúp được Khương, cậu học trò cũ cũng là thằng cháu họ xa của tôi. Tôi đã quên nó trong suốt nhiều năm, như thể cố tình quên đi nỗi xấu hổ của mình khi muối mặt đi gặp Nguyên ngày trước. Chợt Khương rút trong ví ra một tờ giấy học trò gấp tư đã cũ đưa cho tôi. Khương kể, ngồi tù được nửa tháng thì chú Nguyên vào thăm, gửi cho Khương thư này.

Tôi mở thư, đọc: “Gửi Khương! Chú là bạn thân của cô giáo Thu. Cô Thu còn bận dạy học không thể vào thăm cháu được. Cô gửi lời động viên cháu cố gắng cải tạo tốt để sớm về với mẹ. Cô có gửi quà, sách cho cháu đọc đây!”.

Khương nói tiếp: “Sau đó vài tháng, chú Nguyên lại gửi quà và sách của cô cho em. Nhờ thế, sau khi ra tù, em đã đi thi lại được bằng trung học phổ thông rồi cô ạ!”.

Tôi nghẹn lời, thấy như có hàng trăm bông hoa phi điệp trắng muốt đang nở hoa chấp chới trước mắt. 
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Bài học “qua suối” (20/06/2024)
Suối Lê Nin (20/06/2024)
Chuyện làng văn nghệ: "Nhà văn Nguyễn Tuân với ứng viên Tổng thống Mỹ 2008"(24/05/2024)
Kiến trúc vì cộng đồng - Nhìn từ ba phía kiến trúc sư tư vấn, cộng đồng xã hội và chính quyền quản lý đô thị(23/05/2024)
Sân khấu: Kịch ngắn "Đoàn tụ" của tác giả Xuân Ba(22/05/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na