Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Ghi chép "Trái ngọt trên vùng bán sơn địa" của tác giả Bùi Thu Hằng
16/11/2023 03:39:10

Nhắc đến vùng đất Thất Hùng (Thị xã Kinh Môn) một thời là nhắc đến địa phương thuần nông với cây lúa làm chủ đạo. Cuộc sống của người phụ nữ nơi đây gói trọn trong 8 chữ “Bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, tất tần tật trông chờ vào hạt lúa bấp bênh, đánh đổi bằng may rủi của thiên nhiên, thị trường. Thế nhưng, “gió đã xoay chiều” khi những nữ nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đưa trái cam vào cuộc sống, trở thành các nữ tướng vườn cam với nhiều cơ ngơi bạc tỷ.


Khởi nghiệp cùng cam

Thất Hùng có tới một nửa diện tích vùng trũng, năng suất lúa hằng năm thấp. Năm 2007, thực hiện chủ trương của phường về chuyển đổi cơ cấu cây trồng của vùng đất trũng trồng lúa kém năng suất sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, Hội Phụ nữ phường đã đứng ra đảm nhận mô hình phát triển cây ổi, cây cam đường canh. Bắt tay triển khai, Hội chọn một số chị em tiêu biểu có diện tích ở vùng chuyển đổi để làm điểm. Nhớ kỷ niệm thuở đầu, bao lo toan trăn trở, thậm chí niềm tin còn là điều xa xỉ khi phải đánh cược bằng công sức vốn liếng đổ vào mảnh đất thùng vũng, cằn cỗi, mấp mô, chị Nguyễn Thị Vinh kể: “Lúc ấy, nhìn cảnh bố mẹ tiều tụy, chồng phải đi làm thuê lúc nông nhàn, mà mọi vốn liếng cả đời đổ dồn vào vườn cam. Cả nhà thì phản đối. Lòng bảo lòng, dám làm dám chịu”. Thế là chị quyết định bước. Sau hai năm xây dựng cơ bản, đến năm thứ ba cho quả, nhưng cây cam thất thu do kỹ thuật trồng thì khó, cây thì dễ nhiễm sâu bệnh, quả lại dễ bị rụng.

Với dáng người nhỏ nhắn, cô gái Vũ Thị Hường nở nụ cười duyên, kể về hành trình đến với cây cam “Những ngày chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam, ông xã cùng chị chạy vạy vay tiền mua cây giống, phân bón, làm nhà vườn. Hai vợ chồng có cảm giác như mới bắt đầu làm nông dân, vì phải loay hoay học hỏi các kỹ sư trồng trọt, cùng chia sẻ kiến thức, bổ khuyết chỗ thiếu, san sẻ những chỗ mình “thừa”. Cứ thế, chị miệt mài tạo dựng vườn cam”. Chị Hường với ánh nhìn lấp lánh, đôi tay thoăn thoắt chăm tỉa từng búp cây nõn nà đang mùa kết trái, bộc bạch tiếp: “Quá trình chăm bẵm cam, mình càng thấu hiểu quy luật: muốn phát triển thương hiệu cam sạch Kinh Môn thì phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về an toàn cũng như chất lượng ra thị trường”. Bởi theo chị “Bản thân mình phải là người làm tốt ngay từ đầu thì mới tạo được lòng tin”. Những tháng sau đó, ngày thì chị ra vườn xem xét tình hình thuê người phát cỏ, đào hố... đêm về lại mày mò sách vở, đọc mọi tài liệu trong nước - ngoài nước về trồng cây bằng chế phẩm sinh học. Sau đó, chị ủ phân từ rơm rạ, vỏ trấu, phân trâu bò, nghĩ cách diệt sâu bệnh an toàn, đánh mã số vị trí, hàng, loại cây…

Thử nghiệm thành công phương pháp trồng cam cho thu hoạch cao, chị Nguyễn Thị Chuyền, năm nay 54 tuổi có trang trại cam sạch tại khu dân cư Vũ Xá được mệnh danh là “Nữ tướng vườn cam”. Chuyên canh cây lúa đến năm 2017, chị Chuyền chuyển sang chuyên canh cây cam với diện tích 3 ha và được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua Hội Phụ nữ phường. Năm 2019, diện tích cây cam của chị được mở rộng thành 4 ha với tổng doanh thu trên 530 triệu đồng, lợi nhuận (đã trừ chi phí) đạt 305 triệu đồng, tạo việc làm với thu nhập bình quân 12,7 triệu đồng/người/ tháng. Đến năm 2020, tổng doanh thu và lợi nhuận tăng gấp đôi năm trước. Và đến năm 2023, tổng doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận trên nửa tỷ đồng: 551 triệu đồng. Tạo việc làm với thu nhập bình quân đầu người là 23 triệu đồng/tháng. Từ trái cam, chị Chuyền mua sắm được nhiều trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhà cửa khang trang; có vốn tích lũy và thêm vốn đầu tư sản xuất, mở rộng diện tích, tạo việc làm, tăng thu nhập cho 10 lao động thời vụ ở địa phương. Chị cũng tận tình hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho các chị em trong vùng và các tỉnh khác về thăm quan, hỗ trợ cây giống và bí quyết khoa học kỹ thuật cho 5 chị em mỗi năm. Cũng như bao người phụ nữ Thất Hùng khi quyết tâm gắn bó với trái cam, chị hiểu rằng, những thất bại, khổ cực lại là động lực giúp những người phụ nữ mảnh mai yếu đuối, luôn căng tràn nhiệt huyết nóng bỏng nhận ra rằng “Phải thực tế hơn, ít mơ hồ đi, đừng nghĩ thay đổi trong nông nghiệp là dễ thu tiền tỉ. Mỗi thay đổi, phải cần một quá trình bền bỉ, sáng tạo và đam mê thực sự”.

Nhờ cây trồng thế mạnh này mà nhiều hộ gia đình hội viên nghèo, cận nghèo ở xã Thất Hùng vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững như gia đình chị Nguyễn Thị Mền, chị Nguyễn Thị Liên, chị Nguyễn Thị Mây, chị Nguyễn Thị Hiên, chị Lê Thị Bắc... so với những năm trước, tỷ lệ phụ nữ có thu nhập cao trên 200 triệu đồng một năm cũng tăng mạnh, chiếm tới 36% tổng số hộ trên địa bàn. Từ các mô hình thành công, Hội Phụ nữ Thất Hùng tích cực hướng dẫn, đào tạo, liên kết với mục tiêu phát triển thêm 20 hội viên tham gia với quy mô 50ha, vì mục tiêu ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, cung ứng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng rau quả tại miền Bắc, mở rộng thị trường phía Nam...

Tìm cơ hội phát triển mới cho nông dân

Chị Nguyễn Thị Dịu luôn canh cánh trong lòng rằng: “Khi khởi sự với cây cam, mình chỉ nghĩ đến chuyện bán cam cho gia đình. Nhưng khi làm rồi, mình nhận thấy nếu không làm khác đi thì hoàn toàn lãng phí công sức bỏ ra, không bằng những người nông dân chân lấm tay bùn đã nuôi mình, mong mình làm được những cái mới tạo ra giá trị cao hơn”.

Chị Dịu đã tự tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây cam từ sách, báo, đi thực tế các mô hình chuyên canh cam trong tỉnh và ở Hưng Yên. Về nhà, thử nghiệm biện pháp tối ưu để bón phân, phun thuốc trừ sâu… Chị trồng ổi xen lẫn cam nhằm thu hút mùi thơm từ ổi, tránh sâu bệnh và chăm bón cây theo tiêu chuẩn cây khỏe xanh tốt, tự kháng sâu bệnh, bảo vệ môi trường. Đến năm thứ bốn, vườn cam của chị đã thu được kết quả bước đầu. Năm 2009, chị chuyển đổi hơn hai mẫu vải trên đồi sang trồng cam. Đây là quyết định khó khăn với chị bởi chuyển từ cây vải thiều truyền thống sang trồng cam là cách làm mới mẻ; trong khi cam lại ưa đất ruộng hơn đất đồi. Nhưng hiệu quả kinh tế mà cây cam đem lại đã giúp chị khẳng định chị đã hoàn toàn chính xác. Sau khi trừ chi phí,… cây vải thiều chỉ cho thu nhập 30- 50 triệu đồng một năm, trong khi cây cam năm 2010 cho thu nhập 350 triệu đồng, năm 2011 là 1,1 tỷ đồng, năm 2012 là 800 triệu đồng. Hiện nay chị Chuyền đã có 8 mẫu vườn cam tiêu chuẩn VIETGAP, trong đó 3 mẫu đang cho thu hoạch. Chị cho biết: năm 2023 đã đi hết một nửa chặng, vườn cam của gia đình chị đang vào mùa kết trái, ước tính sản lượng khoảng 50 tấn quả, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo được nhiều thương lái đặt mua trong dịp cuối năm.

Không chỉ là người lao động sản xuất giỏi, chị Dịu là một trong những phụ nữ tiên phong khai đường mở lối những giải pháp độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đầu ra của trái cam. Trong quá trình thu hoạch cam, những loại cam có mẫu mã không đẹp như rám hoặc bị sâu, chị thấy tiếc bèn cùng một số chị em trong chi hội phụ nữ nghiên cứu làm thêm các sản phẩm như mứt vỏ cam, mứt cam, nước ép... tạo thành nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình.

Giúp người khác giàu như mình

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thất Hùng cho biết thêm: “Phụ nữ luôn có chung tâm lý và mong mỏi được hỗ trợ nhau cùng phát triển. Cho đến nay, cam Thất Hùng, Kinh Môn có tổng diện tích cam theo quy trình VIETGAP là 10 ha. Từ kết quả thí điểm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thất Hùng đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích hội viên tham gia, thành lập các tổ, nhóm hội viên cùng chí hướng để các chị em có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”. Hội còn phối hợp với Hội Nông dân và Hợp tác xã dịch vụ địa phương mở lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ hướng dẫn áp dụng khoa học kĩ thuật chăm sóc cây trồng; huy động các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ tín dụng tiết kiệm, giúp chị em có đồng vốn cho cây cam. Đến nay, đã có hàng trăm gia đình hội viên tham gia (trong đó có gần 100 hộ trồng cam).

Những người phụ nữ chân lấm tay bùn, hay lam hay làm ngày đêm hăng say với gốc cam, biết bao lo toan trăn trở để có được trái cam ngọt trên vùng bán sơn địa này khi về với gia đình lại là những người vợ người mẹ chịu thương chịu khó, là các hội viên Hội Phụ nữ năng động, nhiệt thành. Những năm qua, các nữ tướng vườn cam đã giúp đỡ 40 lượt chị em khó khăn thiếu vốn sản xuất với tổng trị giá 350 triệu đồng, không lấy lãi, giải quyết việc làm thường xuyên cho 34 lao động... Các chị còn hướng dẫn nhiều hội viên phụ nữ phường Thất Hùng trồng cam, tạo vùng chuyên canh mang lại cuộc sống ấm no.

Chia tay với những vườn cam bạt ngàn, mà phía sau là từng giọt mồ hôi đang chảy xuống, cho màu xanh thêm xanh, cho những tháng ngày vơi đi vất vả, chúng tôi bồi hồi trăn trở về những điều phía trước, về nỗi khó khăn mà những người phụ nữ ấy đã, đang vượt qua, rồi lại sẵn sàng bước tiếp trên hành trình gian nan vì một tương lai hạnh phúc hơn. Có thể câu nói của người xưa “Khổ tận cam lai” còn xa lạ với các nữ nông dân chân lấm tay bùn, nhưng thật đúng trong hoàn cảnh này, vì trong thành quả ấy, đã có thêm vị ngọt, làm tiền đề vững chắc giúp các chị chấp nhận thử thách, dù thử thách nào cũng phải trả giá, nhưng đó là cái giá đầy ngọt ngào.
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Tự khúc(07/10/2024)
Đài sen dâng Bác(07/10/2024)
Cây đại già ở Côn Sơn(07/10/2024)
Tản văn "Tây Bắc ư, mùa thu gấm vóc những nẻo đường" của tác giả Hồ Huy(07/10/2024)
Mục Tác giả, tác phẩm: "Tác giả của những bức họa Bác Hồ" của Ngọc Hùng(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Trưa nay, biển(16/11/2023)
Hát ru(16/11/2023)
"Sân khấu một nhiệm kỳ khởi sắc" - tác giả Ngọc Hùng(16/11/2023)
Nhịp đập bình yên(15/11/2023)
Sắc thu(15/11/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na