Màn sương đùng đục giăng khắp ngõ. Cố bấu hai tay vào chấn song cửa sổ để đu người lên, Cương nhìn thấy một vệt nhờ nhoẹt xam xám lay động. Nhà đứa nào đang đổ xuống ao? Lại phá bếp hay chuồng lợn, chuồng trâu? Lộn nhộn gạch vữa, bê tông, tre gỗ, rồi lại chả có đống sắt, đinh mục ập vùi dưới đấy rình rập khập chân người. Cũng chỉ vì cái đinh han mà chân Cương đâm thế này. Cương cố lết mông sát vào tường, định bụng nhìn cho rõ mặt mũi đứa nào, nhưng cái chân phải chợt rệt ra, quật xuống chiếu, gan bàn chân đã bó lá thuốc mà vẫn như bị rùi đâm. Chiều qua, thằng Tương vừa mở ra xem đã nhăn nhó mặt mũi rồi đắp vội vào, nó lao ra chỗ vòi nước. Tiếng ậm ọe khạc nhổ và tiếng nước máy chảy xối xả cả chục phút. Ngó vào thấy mặt Cương nhàu như chiếu manh, nó vẩy tay, thủng thẳng, bà lang đã bảo cứ đắp thuốc nằm im, nửa tháng sẽ khỏi. Chỗ gạch vữa phá cái bếp vẫn chờ anh đổ xuống ao, lại hục hục như trâu húc bờ ngay thôi. Nó nói, mặt câng câng như ổi xanh, nhìn tức muốn bầm gan.
Cái bóng xám khục khặc đẩy xe rùa lên đường gạch nghiêng, lát sau mất hút sau bụi chuối hột. Mặt nước ao giờ chỉ như chiếc khăn tay chéo, sương giăng như rây bột, loang dần chùm lên cả cái bóng xanh thẫm tán la tán bổng chỗ đầu ngõ. Đấy là cây trứng gà, bà nội Cương trồng sau năm vỡ đê Văn Thai. Nước lụt lên ngang bậu cửa sổ, nhà nào cũng chặt tre làm gác để trèo lên tránh trú, một số nhà gianh thì dắt díu nhau lên sân kho hợp tác ở nhờ, vì chỗ ấy cao. Nửa tháng nước rút dần, dân làng rục rịch kéo nhau về. Bùn đất bám ngang ống chân, phù sa đặc quánh, đỏ thẫm từ trong nhà ra ngoài vườn, đến mặt ao cũng quạch lại, bệt từng tảng như bã trầu. Bà kể, bà vét đất bùn từ trong nhà, trên sân đổ ra góc vườn, dọc bờ ao. Nắng lên giòn tơi từng tảng đất, bà xới xáo trồng rau, góc vườn thì đặt cây trứng gà. Ba năm, cây đã ngần ngật cành lá, chúm chúm hoa. Bói lứa đầu, quả to như vốc tay, vàng xuộm. Bửa ra, bở tơi, thơm mịn cả hai bàn tay, ăn xong mà họng cứ ngọt dịu, ngan ngát. Những buổi đi học về, đói, bụng kêu lọc xọc như lắc mướp khô, Cương và thằng Tương quăng cặp sách qua bụi cúc tần, nhảy vèo một cái, ton tót trèo hái trứng gà ăn đỡ dạ, ngoàm một cái vàng ực cả miệng.
Cương nuốt nước bọt, thèm, cổ họng khô tắc như vừa ngoạp quả trứng gà. Cái chân đau chợt giật nhói, nhằng từ gót giật lên. Thằng Tương đi đâu từ tối hôm qua chưa về. Nó đã không nhớ thằng anh què dở đang nằm bẹp ở nhà. Cơn gió thổi vù vù trong vườn, tiếng quả rụng lộp bộp, lẹp bẹp. Trứng gà mùa chín. Nếu không chết dí thế này, Cương đã dậy tráng miệng vài quả. Còn bầy gà chọi, thi thoảng bóp trứng gà trộn với ngô non ngâm cho ăn, da con nào còn ấy đỏ ửng, vẩy móng đanh mốc trắng, lông mướt như lá ngô nếp kì phun râu. Vừa nhớ tới bầy gà, Cương thấy lòng bồn chồn. Ba con chọi và đàn năm con vừa tách vỏ chục hôm, không khéo rồi chúng chết khát. Cương có thể nhịn đói nằm đây nghe trứng gà rụng trong gió nhưng mấy con gà chọi thì không thể. Bao mồ hôi, công sức dợt dãi chúng, tiền có cũng chẳng tậu được hai con gà chọi như con Thần kê và con Đen của Cương lúc này. Thằng Tương thì mất mặt.
Nhác thấy cái bóng nón trắng lúi húi nhặt trứng gà cạnh bụi cúc tần, lập cập bám lên chấn song, Cương đưa tay vẫy và dồn hết sức cho cái cổ họng khô đét bật thành tiếng: “Này, cô gì ơi...”. Nón trắng ngẩng lên, nhìn thấy Cương, bối rối: “Tôi chỉ xin mấy quả rụng cho con cháu Mai, nó cứ đòi...”. Cương nhận ra Bàn, hàng xóm. Cương vẫn cố vẫy, thều thào: “Tôi muốn nhờ chút!”. Nón trắng đứng ngần ngừ, rồi lộn lại chỗ nửa ao đang lấp đổ toang hoang, dò dẫm từng bước đi thẳng về hướng cửa sổ Cương đang bấu. “Cô đi chậm thôi, cẩn thận”.
“Tôi nhặt được dăm quả rơi rụng ngoài đường”. Bàn xòe tay, có quả đã nát, lấm chấm đất. “Không phải vì cái này, cô ...”. Cương thấy lòng mình nát ra như trứng gà vỡ. Mặt Bàn quấn khăn bông, chỉ lộ ra hai con mắt lồi to như ốc nhồi thoáng chút sượng sùng. “Sao trông mặt anh bỗng vàng ợt thế kia?”. Ngả nón vứt vội mấy quả trứng gà vào, Bàn bước lại gần cửa sổ. “Chú Tương đâu? Anh có cần tôi giúp gì không?”. Cơn giật lại nhói lên từ vết thương ở gan bàn chân khiến miệng Cương méo xệch đi. “Phiền cô, với giúp tôi cốc nước, tôi khát quá”. Tay Cương đỡ cốc nước, rồi cứ thế ngửa cổ tu ừng ực một hơi hết. Nước làm dịu cái ruột rỗng đang cồn cào, vết thương dưới chân có vẻ dịu đi, không còn co giật, nhức nhối. “Khổ. Cái chân anh... thế nào rồi mà sưng thế, đã tiêm uốn ván chưa? Thế anh có biết chú Tương ở đâu để tôi tìm về cho”. Cương lắc đầu. Thằng Tương, gọi điện thoại nó cũng chẳng nghe thì hòng gì nó về. Họa chăng chỉ khi nào tan sới. Có tiếng trống bập bùng từ xa dội lại, làng bên Đoài nay lại có hội, chắc nó đã cắp con chọi nào đó đi. “Mấy con gà chọi mới nở sau chuồng, từ chiều qua giờ chưa được cho ăn uống gì, tôi sợ chúng chết khát. Phiền cô lấy nước, thóc thì trong cái thùng tôn cạnh gốc nhãn, tôi cảm ơn cô”. Mặt Cương thần ra khi nói xong những lời ấy. Cương ngượng. Nếu Cương còn khỏe mạnh, có khi gặp nhau ngoài đường, hai người còn chưa chắc đã nhìn mặt nhau. Nhưng bệnh tật thế này, đành muối mặt. “Để tôi ra cho gà ăn nhé. Còn anh đã ăn gì chưa, hay là ăn tạm quả trứng gà đi. Chốc tôi về, tôi múc cho bát cháo hoa. Bố tôi yếu người, tôi vừa bắc bếp ninh nồi cháo”. “Bác thế nào rồi?”. Cương áy náy, liệu có phải vì anh em Cương mà ông cụ đổ bệnh? “Cảm cúm người già thôi”.
Bóng Bàn khuất sau gốc nhãn. Tiếng gáo múc nước, tiếng nắp thùng loảng xoảng. Cương mơ hồ nghe tiếng đàn gà chíu chiếp, hình dung những cái mỏ non nớt há lên đợi bàn tay Bàn cho ăn. Cương thấy mặt rân rân tê dại đi, nhớ ra, bàn tay ấy là bàn tay con gái mà Cương đã nắm đầu tiên. Vào một mùa xuân đã xa lắc, mùa của trứng gà chín vàng trên cây.
Sáng xuân ấy có mưa lây phây. Mấy con chim nhỏ ướt cánh bay chuyền nhịp một trên những tàng cây trong vườn. Giậu cúc tần xanh biếc mưa đọng nhóng nhánh sương. Con trâu Kềnh gõ róng lên đồng cày nốt mảnh ruộng chiêm trũng thủng thẳng đi qua còn cọ cọ lưng vào giậu cúc tần, những hạt sương rơi đượm cả mùi thơm ngái hắc của cúc tần thấm vào tấm lưng xù xì đầy lông của Kềnh. Kềnh hếch cặp sừng cong chạm vào cành la đu ra ngoài ngõ, trứng gà rụng lộp bộp. Bầy chim đập cánh bay ùa lên, con chim chào mào cánh chả rạn rĩ liệng xuống bổ trứng gà rụng ngay trước mõm, Kềnh nhe răng xì xì đuổi mõm theo cánh chim. Ngồi trên lưng trâu, cái Bàn đập đập hai cái chân trần dính đầy bùn đất thúc bước chân trâu. Cương vừa từ cổng đi ra, dõi mắt theo mọi trạng thái ấy. Mẹ sai Cương cắp rổ ra hái trứng gà về ủ chum, sắp ngày rằm, mẹ bảo bán để cóp tiền mua lân đạm. “Ê này ốc nhồi, bắt đền làm rụng trứng gà”. Cương giật giật thừng trâu trên tay Bàn. “Chẳng may làm rụng có vài quả chín thôi mà, không thì gió cũng làm rụng, đằng ấy đỡ phải hái”. “Nát bét rồi, bán gì được”.
Bàn vẫn ngồi trên lưng trâu, cái mặt bị bắt quả tang nhăn nhó như lá tre khô đang bay theo gió. Bố Bàn vác bừa đi trước để tháo nước. Mẹ đang mải pha nước ấm tưới cho lũ mấm uống thúc mau dài, chiều nay còn vãi cái thửa ruộng năm sào. Miếng ruộng đó của nhà Bàn cuối cánh đồng Bún, trũng nhất, úng đến mức phải đắp bờ tát nước ra, nay đến phiên trâu cày, tranh thủ để chạy đồng. “Đằng ấy cho tớ cưỡi trâu một lúc nhá”. Cương gạ, coi như xí xóa chuyện bắt đền, cũng là lần đầu hai đứa nói chuyện với nhau dài hơn những lần khác nhờ cuộc gây hấn của Cương. Bố Cương mất sớm, nhà không có người cày nên mẹ đã bán góc trâu chung từ lâu. Đã bao giờ Cương được cưỡi trâu đâu, nên cứ trông thấy cái Bàn đánh quần cộc, áo ba lỗ cưỡi trâu qua ngõ, lần nào Cương cũng ao ước được giống nó. “Tưởng gì”. Bàn lại cọ cọ gót chân vào bụng Kềnh, đầu gối con Kềnh hơi trùng xuống, Bàn chìa tay ra, Cương nắm thật chặt, chân bấu lên chân Kềnh, đu lên, đổ ụp vào người Bàn, may cái lưng Bàn cứng như cọc tre. Đầu chạm cành xanh, những giọt nước mưa vương trên lá rụng lên mặt hai đứa, mát lạnh. “Này, với được đầy trứng gà này”. “Ngắt đi”. Kềnh và Bàn có một ám hiệu riêng, sau mỗi lần Bàn cọ gót chân vào bụng, Kềnh đi lên lùi vào, nước mưa lại rơi rào rào cùng với lá xanh. Trứng gà đã vàng xuộm tới miệng rổ. Bàn bửa quả trứng gà, đưa cho Cương một nửa, hai đứa ăn vàng rộm cả mồm. “Đi ra đồng nhá!”. Thì đi, Cương gật.
Nhưng ra tới cuối ao, Cương đã phải tụt xuống vì thằng cu Tẽo nhìn thấy hai đứa cưỡi trâu đã gào lên: “Trời mưa trời gió phập phồng. Hai đứa vợ chồng đang cưỡi lưng trâu”. Hai đứa ngượng đỏ mặt. Mẹ Cương nhìn lên, giật giọng réo lại: “Không mang trứng gà về ngay còn đi đùn bò hả thằng kia!”. Xe mẹ chất đầy phân chuồng ủ mục và mấy bao lân, mẹ cầm càng, hai thằng con tong tong đùn. Tới đồng Bún thì hai thằng làm trâu kéo cái bừa cho mẹ bừa lại ruộng. Ruộng sâu, bùn lầy, mới hai vòng kéo bừa chân bước bãi bợi, người bẩn như trâu đầm. Ông Ban “vắt họ” con Kềnh, đánh tiếng sang: “Trông hai thằng tội quá. Đợi tẹo nữa xong, tôi đánh trâu sang bừa cho. Nhà tôi cần chở ít lân, nhà chị cho hai thằng về cùng cái Bàn đùn bò”. Mẹ Cương quệt tay lau mồ hôi: “Được thế thì tốt quá, hai thằng ranh nhà em đang muốn phá bừa”.
Hai nhà đã từng gần nhau như thế.
Nhưng càng lớn lên hình như người ta càng rời xa nhau.
Cương bỏ học, bập bõm đi làm thuê, đâu có hội thì nghỉ làm ôm gà đi chọi, trận nào thắng cũng đủ tiền la đà quán xá dăm bữa. Mắt Cương nhìn thấy nhiều đứa con gái khác, miệng cười nói với chúng nhiều hơn với Bàn, tay cầm tay chúng rủ đi chơi chứ không rủ Bàn. Cương nhìn thấy Bàn không còn muốn lại gần như ngày nó cho Cương cưỡi trâu nữa, vì một nỗi, Bàn càng lớn càng xấu. Hai mắt Bàn trố nhiều hơn, hàm răng khấp khểnh trổ mái mỗi khi cười, dáng người bé choắt như con gà ri. Chỉ còn mỗi mớ tóc là đen dày, dài qua hông. Mỗi khi Bàn gội đầu phải ngồi trên bờ tường lửng xây cạnh bờ ao để vẩy tóc. Một trưa, đang vắt vẻo trên cành trứng gà vặt quả ăn, Cương suýt nghẹn khi nhìn thấy mái tóc dài chảy như suối ấy, bụng nghĩ, thức ăn vào người Bàn có lẽ chỉ để nuôi tóc.
Nhưng ngay chiều hôm sau, mái tóc ấy búi tó lên to như cái súp lơ, cái dáng gà ri ấy đứng chống tay vào háng chặn đường Cương gây hấn: “Cương, bảo mẹ cậu đừng dan díu bố tôi nữa, mẹ tôi khổ lắm rồi”. Mặt Cương nóng bừng: “Cái gì? Ai dan díu?”. “Mẹ cậu ấy, mẹ tôi bảo, gái góa thì đĩ thõa”. Bốp. Cả năm dấu ngón tay của Cương in trên má Bàn. Bị bất ngờ, Bàn đứng ngây, mặt đỏ tía như gà chọi thua trận, mắt tứa nước. Cương chạy về nhà, giật cửa buồng đánh rầm. Mẹ ngồi im phắc như bồ thóc nơi cuối buồng. “Có chuyện đó không?”. Cương gào lên. Trong cái góc buồng nhờ nhờ tối, Cương nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ chảy ra. Chiều qua, ông Ban cày hộ nhà Cương thửa ruộng, về qua cầu Chiêm, mẹ Cương vác bừa xuống rửa cùng, có người đi qua, tọt về rỉ tai mẹ Bàn vài câu. Lúc mẹ Bàn chạy tới cầu Chiêm đã nhìn thấy ông Ban đang mím môi tuốt con đỉa bu chặt bắp chân mẹ Cương, mẹ Bàn lu loa lên, bao người làm đồng về tới đó tụ lại.
Cái tin đồn cứ xóc nhĩ mãi cũng mòn đi nhưng cái hàng rào cúc tần không nhà nào xén, theo mưa nắng cao qua mặt người, hai nhà không nhìn nhau từ đó. Cương mỗi lần trèo lên cây trứng gà chẳng bao giờ nhìn về phía cầu ao có bờ tường lửng nơi Bàn ngồi gội đầu vẩy tóc nữa.
Bao mùa trứng gà chín vàng đầu ngõ, Bàn không còn nhặt trứng gà rụng nữa. Bạn bè đã có con đi học hết mà Bàn vẫn chưa có ai hỏi. Cương thì sau mấy mối tình nhạt phèo bèo ốc, đứa bỏ Cương, đứa Cương bỏ, giờ cũng ngoài ba mươi. Vất vưởng, đội nào gọi thì theo đuôi làm thuê và giỏi mỗi ngón chơi chọi gà. Thằng Tương lêu têu chẳng kém. Nhắc nó lấy vợ trước, kiểu còi to cho vượt, nó bĩu môi, lấy về thì ở đâu, ăn đâu, ông đi mà lấy. Cương nhìn căn nhà ba gian tường bục, mái xệ mà ngao ngán.
Tiếng chổi rễ loẹt quẹt quét lá trên sân. Lúc sau, Bàn ló mặt sau cửa sổ: “Bẩn quá, tôi dọn qua. Lũ gà con bị đói cứ quấng lên. Để tôi về nhà xem nồi cháo chín chưa nhá”. “Còn bọn chọi?”. “Còn một con lông đen ở nhà”. Thế là thằng Tương ôm con Thần kê và con Lửa của Cương đi chọi mà không hỏi gì Cương. Con Thần kê trong trận trước bị bở hơi, dính miếng đòn đá hiểm bị rách toác lưng, đã dặn cho nghỉ đấu đợi hồi sức. Cái thằng ngang ngạnh, giờ Cương bị thế này, nó càng lấn lướt.
Cương chèn cái gối, dựa lưng vào tường nhìn ra ngoài ao. Trời hâng hẩng nắng. Tiếng xe rùa lại rậm rịch trườn vào. Cái mũ nan rách te tua che nửa khuôn mặt lưỡi cày. Cương nhận ra thằng Tẽo. Thằng Tẽo từng bảo nó sẽ phá bếp xây quán bún lòng, khi Cương lấp ao làm sới chọi gà và xây quán bia. Thằng Tẽo cười sặc, nước bọt bắn như bọt bia, quán bún lòng nhà ông Vỉ cuối làng đã đóng cửa, nó tha hồ hút khách. Cương cười khẩy, cái ao thâu vào tầm mắt. Cái ao làng này trước của chung xóm bốn nhà để thả bèo tây cho lợn. Hai năm mới đấu lưng tát một lần, cả xóm ăn cá chán thì thôi, lũ cá con được thả lại gây giống.
Lúa bén chân, nước theo đồng đổ về ao, bèo xanh cánh, tím hoa, rong rêu bám vào cầu ao tre, xanh rầm rì từ dưới đáy xanh lên. Những bữa dở giời, ốc, tôm ngoi bu đầy mép bờ, bọn chép, trôi quăng mình nhảy tòm tõm, nhanh tay giơ cái vợt ra là đã nhong nhóc cá, tôm trong vợt. Khi Cương nghỉ học ở nhà làm thuê thì ba nhà kia, trong đó có nhà Bàn không thả chung ao nữa. Lợn đã chẳng còn nuôi, bèo không lấy, cứ tồng phềnh chia ao cũng chẳng để làm gì. Nhà Bàn chán ao bỏ trước. Bố Bàn bảo để cho mẹ con Cương làm kinh tế. Mẹ Bàn càng mừng vì không phải chung chạ với nhà Cương cái gì. Hai nhà kia cũng thuận nhường cho luôn. Thành ra ao của nhà Cương. Hơn chục năm nay, thả cá, năm đánh một lần, lãi lờ được bao nhiêu, có năm chỉ đủ sửa bờ, mua cá giống.
Cương nảy ra cái ý định lấp ao khi đi qua xóm Chùa thấy nhà Quăng lấp dần mỗi ngày vài xe gạch đất mà cái ao đã đầy khự thành vườn. Quăng đã cắm rào sắt quây lại. “Ao hợp tác xã mà không ai nói gì à?”. “Ao hợp tác xã nhưng nhà tao hợp đồng mấy chục năm nay, ai dám làm gì. Không cho lấp tao bảo bờ ao vỡ, ảnh hưởng móng nhà, tôi lấp mấy mét. Xóm cũng tức mắt, chả lấp đi là mất chỗ thoát nước, cống rãnh thì chỗ có chỗ không, nông choèn choẹt”. “Cái ao nhà em mà lấp thì đất nhà cũng đẹp đấy”. “Lấp đi. Ao trong làng, tù lắm, thả cá có ăn thua gì. Lơ đi, vài năm nữa hai thằng con trai lớn lấy vợ là tao có đất làm nhà cho chúng”. Quăng hạ giọng: “Cái ao nhà mày cũng nên tính nhanh, kẻo mỗi ngày một khó”.
Đêm ấy, Cương khó ngủ, hết ra bờ ao đốt thuốc lại ra chuồng gà soi đèn ngắm con Thần kê. Mấy con gà chọi này có thắng điên đảo các sới cũng chỉ sắm được vài bộ cánh đẹp, thay được điện thoại cùi. Trước sau thì Cương và thằng Tương cũng lấy vợ, phải có mảnh đất cho nó xây nhà. Tính thế nên mẹ Cương phải khăn gói lên thành phố làm người giúp việc cho người ta đã ba năm nay. Cương vuốt bộ cánh con Thần kê, nhủ: “Cứ đợi tao lấp ao, sẽ có sới riêng cho chú mày”. Cương nghĩ tới những trận chọi gà cát đất bay mù trời trên khoảng ao vừa lấp.
Mẹ Cương về ăn tết, hai chín tết mới về thì sáng mồng hai đã bắt xe đi. Nhà bà chủ phải đi hầu, đi lễ các đền chùa, mẹ đi theo sắp lễ. Ba đêm ở nhà mẹ i ỉ tập hát chầu văn. “Xưa có bao giờ mẹ hát?”. “Ngày xưa biết hầu đồng là gì. Cô đồng bảo mẹ căn cao số nặng”. Hai tay mẹ lại múa lên. Nhìn ra cái ao đã lấp đi gần non nửa, mẹ thì thào: “Thế dân làng có nói gì không?”. “Kệ, ai đi ngóng miệng thiên hạ”. “Thế bốn nhà kia có giữ không?”. “Bảo nhường cho rồi còn quyền gì mà giữ”. Cái ao tuy không có trong sổ đỏ nhà Cương nhưng nó thuộc hợp đồng đấu thầu giữa nhà Cương và hợp tác xã. Lúc thấy Cương lấp được chục xe đất, ông Ban đã sang nói lí nói tình về cái ao và bảo Cương đừng lấp. Cương học cái bài bờ lở, chỉ lấp nốt mấy xe của nhà Tú đổ. Ông Ban gạ muốn mua lại nửa ao, dù gì trước kia nhà ông cũng có một góc, ông muốn giữ cái ao để thả sen cho đẹp cảnh đẹp xóm, mỗi khi trời mưa bão còn có chỗ thoát nước, Cương chối ngay không bán. Ông Ban cắp đít đi về, mặt đuội như cơm nguội. Trưa hôm sau, Cương đang cho nhà Tú đổ mấy ô tô gạch vỡ xuống ao thì tay Phan bên địa chính xã xuống, lại phải dở cái bài vỡ bờ ao ra trình bày. Tay Phan phân tích này kia, Cương vâng vâng dạ dạ. Phan đi, thằng Tương ngỏng cổ ra hướng cổng nhà ông Ban chửi tục một câu: “Cụ tổ cái thằng già con già nào ghen ăn tức ở, không lấy lại được ao mà đi hớt lẻo nhá”. Bóng ông Ban lao từ trong nhà ra sân, Bàn đang giặt áo ở sân giếng vội vã đứng dậy kéo bố lại. Cương trông thấy cảnh đó, vội lôi cổ thằng Tương về nhà. Chật chưỡng bước trong lớp gạch, ngói vừa đổ, chân Cương dẫm phải một cái đinh han, cái đinh bảy phân nên lớp giày vải chẳng là cái gì. Máu đen như cắt tiết gà chảy ra khi y tá rút đinh. Kháng sinh tống vào mồm mỗi lần cả vốc mà chân vẫn sưng. Nhà Quăng xui, kháng sinh với vắc-xin làm gì, đi lấy lá thuốc đắp. Thằng Tương xin địa chỉ nhà Quăng cho, đi lấy lá đắp. Dăm hôm đầu bớt mủ, bớt đau, nhưng đến hôm qua, cái chân lại sưng đẫn, cứ giật binh binh lên tận mang tai, người Cương ngây ngấy sốt.
Nắng đã lên tới khung cửa sổ. Bóng cây trứng gà đổ dài theo nắng rung rinh. Chiếc điện thoại dưới gối bỗng rung lên. Chắc thằng Tương. Cương lập bập mở máy. “Mẹ đây. Mẹ sốt ruột quá, ở nhà anh em mày có ổn không?”. Cương rầu rĩ: “Con bị dẫm phải cái đinh, chục ngày rồi mà sốt lại”. “Ối giời ơi. Sao không báo cho mẹ?”. “Tưởng qua loa, mẹ thì đang đi theo người ta”. “Con ơi, thảo nào. Quan lên ghế bà, phán, nhà mình năm nay có hạn, do long mạch động, long mạch bị tắc. Xung quanh có nhà ai xây xướng gì không?”. Cương chau mày nghĩ. Chẳng có nhà ai đào xây gì cả. Cái phần đất gạch đổ lố nhố chờm gần nửa ao đập vào mắt Cương. Nắng đang vãi vung vẩy trên đó. Trong đám nắng, Cương thấy bóng thằng Tẽo trượt chân, ngã bệt mông xuống đúng cái đống gạch vỡ ô tô đổ lần trước, xe rùa đổ quay đơ xuống rệ nước. “Đống đó nguy hiểm đấy. Có làm sao không?”. “Dầm bố nó xương hông rồi”. Thằng Tẽo lổm ngổm đứng dậy. Cương bỗng hoa mắt, giật mình, phải dụi mắt mấy cái như không tin ở mắt mình, đúng chỗ mép bờ bên này ao đã bị san lấp, Cương vừa nhìn thấy nắng cắt một đường sắc như kiếm vào nước, đáy ao rạn dần, rạn dần, rồi tách ra làm đôi. Phải chăng đó là đường long mạch đã bị đứt gãy? Chân phải của Cương bỗng giật mạnh, buốt rọi tận tim tựa như vừa dẫm phải cái đinh han nữa. “Không đổ xuống ao nhà tao nữa!”. Thằng Tẽo ngạc nhiên khi nghe giọng Cương quát run run. Nó dò dẫm qua lổm nhổm gạch đất đi vào: “Không cho đổ? Mới hôm nào còn giục tao đổ nhanh để lấp ao, xây quán?”. “Không đổ là không đổ nữa. Biết chưa?”. Tất cả sức lực Cương dồn bẩy câu nói như muốn hét lên. Cương thấy như có một ngọn lửa vừa bùng cháy tận trong tâm can, những giọt mồ hôi tứa ra ròng ròng trên mặt, cái chân phải giật liên tục, chợt có tiếng vỡ bục, nước ục ra, mùi tanh hôi tóa lên, Cương ngã vật ra giường.
Thằng Tẽo hốt hoảng chạy vào. “Mày làm sao thế Cương ơi. Sao lắm máu mủ thế này?”. Nó ôm lấy cổ Cương định bế lên, nhưng cái chân Cương cứ bệt ra, loẵng ngoẵng, bó lá đắp tuột ra, máu mủ dây dớt. “Phải đi viện ngay thôi. Có ai không, giúp với!”. Cương vẫn nghe được những tiếng kêu đứt đoạn của thằng Tẽo, mắt còn lờ mờ nhìn thấy cái bóng nón trắng tay bê cái bát tô cháo hấp tấp đi vào. Một bàn tay con gái giơ ra nắm lấy tay Cương, mùi hương của tía tô vảng vất trên những ngón tay khô gầy nhè nhẹ bay lên.
Mùi hương vẫn còn kịp đánh thức trong Cương một kỉ niệm, một lần mẹ bị cảm, Cương khi ấy còn chưa biết trèo trứng gà, đã lúi cúi xuống bếp nấu cháo cho mẹ. Đợi cháo chín, Cương chui qua rào cúc tần sang nhà bác Ban xin lá tía tô, Bàn dắt Cương ra vườn, hái cho một nắm tía tô đẫy đặt vào tay Cương.
Hay đấy mới là lần đầu tiên hai đứa nắm tay nhau.