Một trong những nội dung nghị quyết của các kỳ Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hải Dương là: lấy con người và cơ sở làm trung tâm sáng tạo và quảng bá tác phẩm, đồng thời là đối tượng phục vụ của văn học nghệ thuật. Từ đó đến nay, nhất là từ những năm 2000, phong trào đi cơ sở, viết về cơ sở và đưa tác phẩm trở lại cơ sở, được cơ quan thường trực Hội liên tục quan tâm, trên tất cả các mặt hoạt động: trại sáng tác, Tạp chí Côn Sơn, nay là Văn nghệ Hải Dương, liên kết giữa đơn vị, cơ quan để tuyên truyền về truyền thống, ngày kỷ niệm, thành tích xuất sắc, mốc thời gian… Với nội dung ấy, không thể quên có những thời kỳ, ngoài các Ủy viên Ban Chấp hành, hầu hết cán bộ cơ quan Văn phòng Hội, cũng đồng thời là người cầm bút, mỗi người mỗi sở trường khác nhau, nhưng đều chung nhau một điểm, là những cây bút xung kích, trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Những cái tên: Khúc Kim Tính, Đỗ Thị Hiền Hòa, Trần Phong Sơn, Nguyễn Thị Việt Nga, Vũ Tuyết Mây, Nguyễn Thị Hải Vân, Hà Huy Chương, Trương Thị Thương Huyền, Trần Kim Xuyến… người đảm nhận nhiệm vụ quản lý, người thực thi công tác hành chính, trị sự, vừa thường xuyên sáng tạo báo chí, văn học nghệ thuật. Những chuyến đi cơ sở của họ làm dày và làm đầy dần kho tư liệu quý giá của người làm công việc sáng tác, đồng thời nó làm phong phú cho tâm hồn, gắn bó tình đồng nghiệp. Vì chỉ có ở cơ sở người làm báo, làm văn mới hiểu một cách tường tận về việc làm, thậm chí là cuộc đời của những điển hình tiên tiến, xuất sắc mà cổ vũ, động viên, hoặc những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu để phê phán, đấu tranh, bài trừ.
Cán bộ và nhân viên cơ quan Văn phòng Hội khi ấy, ngoài thực hiện nhiệm vụ tổ chức sáng tác, công bố tác phẩm, thực thi các chế độ, chính sách về tổ chức sáng tạo, hỗ trợ xuất bản, triển lãm… theo chức danh và theo sự phân công, mỗi người còn tự chủ động xây dựng kế hoạch đi cơ sở cho từng tháng, từng tuần của cá nhân hoặc nhóm, để khai thác, nắm bắt thực tế ở cơ sở, mà xây dựng đề tài sáng tác, hoặc mở rộng đầu mối phát hành quảng bá tạp chí, cùng các hoạt động của Hội.
Tạp chí Văn nghệ Hải Dương khi ấy được coi là dòng chủ lưu trong việc tiếp cận và phản ánh đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa của đất và người Hải Dương một cách nhanh nhạy, kịp thời trước khi các ấn phẩm mới ra đời. Đó cũng chính là tiêu chí hoạt động của Tạp chí Văn nghệ Hải Dương. Vì tiêu chí ấy, Văn nghệ Hải Dương được mọi người trong cơ quan Văn phòng Hội cùng đồng lòng, hợp sức. Ngoài sáng tác và in ấn, đội ngũ cán bộ kiêm phóng viên, biên tập còn vừa mở rộng đầu mối phát hành, vừa trực tiếp đưa tạp chí xuống cơ sở, bằng nhiều đường đi khác nhau: Bưu điện, xe máy, xe đạp… mỗi số xuất bản hàng tháng thường đạt từ 5 ngàn bản đến 7 ngàn bản. Tạp chí Văn nghệ Hải Dương xuống tận tay bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, thị, bí thư chi bộ, trưởng thôn làng, trưởng khu dân cư, trưởng ban văn hóa xã, phường… Những số liên kết tuyên truyền, lên đến chục ngàn bản. Khi ấy các cơ quan, đơn vị luôn bố trí kinh phí trong năm để mua Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, phát cho cán bộ nhân viên cùng đọc.
Mỗi năm, các phóng viên còn viết và xuất bản từ 1 hoặc 2 cuốn sách, giúp đơn vị, cơ quan ghi lại dấu ấn, truyền thống, ngày kỷ niệm, về đất và người, trong đó có những cuốn ghi đậm dấu ấn như: “Bác Hồ với Hải Dương- xuất bản tháng 3 năm 2000”, “Gương sáng Hải Dương – tháng 8/2003”, “Hoàng Tiến – Tình đất, tình người-2002” “Công ty vật liệu chịu lửa, 40 năm xây dựng và trưởng thành- 2004” “Công an Hải Dương-Vì sự bình yên cuộc sống-2005” “Công ty Xi măng Hoàng Thạch-góc nhìn mỹ cảm-2010”… Công việc nhiều, ban ngày chưa làm xong thì mang việc về nhà, làm vào buổi tối, vào ngày nghỉ.
Một khí thế thi đua cày cấy, gặt hái trên những cánh đồng báo chí, văn chương, nghệ thuật đem đến cơ quan Hội một không khí sôi động, gần như lúc nào cũng phải khẩn trương. Công việc cũng góp phần làm giàu, làm đẹp các mối quan hệ. Dấu ấn từ tác phẩm, rất nhiều người đều biết đến và trân trọng tên tuổi và đức, tài của cán bộ, hội viên Hội VHNT Hải Dương, nhất là lớp cán bộ cơ quan Văn phòng Hội khi ấy, những chuyến đi viết và xuất bản đem lại biết bao cảm xúc giữa cán bộ hội viên với cơ sở. Một trong những lần đi viết và làm sách liên kết đáng nhớ giữa Hội VHNT Hải Dương và Công ty đất chịu lửa Trúc Thôn, để ra tập sách viết về: Mỏ đất chịu lửa Trúc Thôn (thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên) nay là Công ty Vật liệu chịu lửa Trúc Thôn (thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam).
Công ty Vật liệu chịu lửa nằm trên mảnh đất Trúc Thôn, thành phố Chí Linh, cách trụ sở cơ quan Hội gần bốn chục cây số, nhưng không khí đi cơ sở để tìm hơi thở mới, về đời sống công nghiệp trong tỉnh khi ấy, không chỉ có cán bộ Văn phòng Hội, mà còn lôi cuốn hàng chục tác giả, văn sĩ có tên tuổi trong làng báo chí, văn học nghệ thuật Hải Dương như: Trần Phong Sơn, Khúc Hà Linh, Phạm Văn Duy, Nguyễn Hữu Phách, Nguyễn Lam Điền, Siêu Việt (về Văn và Thơ) Nguyễn Trọng Thềm, Văn Thanh (về báo), Trần Ngọc Minh, Phạm Mai Đoan (Âm nhạc), Dương Tiến Luật, Nguyễn Tiến Quân, Lương Văn Tiến (Mỹ thuật), và đương nhiên Chủ tịch Hội Khúc Kim Tính làm chủ biên, họa sĩ Hà Huy Chương - Phó tổng biên tập Báo Hải Dương dựng quyển… Ban Tổ chức làm sách còn mời được Tiến sĩ, Giáo sư Nguyễn Đức Dũng, giảng dạy tại Học viện Báo chí tuyên truyền cũng xe máy, mũ bảo hiểm, khẩu trang bịt bùng, từ Hà Nội náo nức đi theo tiếng gọi về cơ sở để viết về cơ sở. Tất cả đều không quản đường sá xa xôi, hai cán bộ phóng viên một xe máy vi vu, với một tinh thần háo hức, như một chuyến đi trải nghiệm về một địa danh mới lạ, đầy sức hấp dẫn. Cuốn sách thành công hơn cả mong đợi của lãnh đạo và công nhân nhà máy, nó nêu bật được quá trình ra đời, bằng việc mở những thớ đất đầu tiên khai lò, đến sự phát triển và những đóng góp to lớn của của cán bộ, và công nhân Công ty Đất sét Trúc Thôn, vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước trên con đường hiện đại hóa. Được ông giám đốc ngợi khen: “Những tác phẩm của các bạn ngay từ cái tít đã làm tan chảy lòng người như: “Vị đất tan mịn, ngọt ngào” - Nguyễn Thị Hải Vân (khi ấy Hải Vân là thư ký tòa soạn của tạp chí) “Đất hoa đào” - Thiên Gia Trang (Khúc Hà Linh), “Khúc ca hoa đào” -Trần Ngọc Minh, “Trúc thôn tình đất tình người” - Vũ Tuyết Mây, “Hoàng Hữu Viễn, quặng trong lòng đất” - Trương Thị Thương Huyền… Ông cũng cảm ơn tôi vì tôi đã thuyết phục lãnh đạo công ty làm một công trình bằng chữ, để lại cho nhiều thế hệ của công ty sau này được biết và ghi nhớ.
Có những kỷ niệm không quên về những lần đi lấy tư liệu ở mỏ đất Trúc thôn. Sau một ngày làm việc, nhóm cán bộ nữ của Văn phòng Hội, từ Trúc Thôn ra đến trung tâm thị trấn Sao Đỏ nghỉ chân. Mỗi người chỉ một cốc nước trà tươi, mà chuyện thì náo nhiệt, ồn ã như một lần thắng trận. Câu chuyện cũng chỉ xoay quanh đất và người Trúc Thôn. Nguyễn Hải Vân cười sung sướng kể: “Lần đầu tiên tớ được nhìn và giẫm chân lên thớ đất trắng nõn, nuột nà, mát lạnh, tớ bèn dùng đầu ngón tay, lẻo một miếng cho lên đầu lưỡi nếm, xem chất của nó thế nào mà nó đẹp, nó trong trẻo đến thế. Ô! Mà nó mát và mềm mịn như tan chảy nơi đầu lưỡi. Thế là ngay lúc ấy, tớ rút được cái tít, chẳng phải nhọc nhằn tìm kiếm “Vị đất tan mịn, ngọt ngào!”. Tức thì cả nhóm nổ ra một trận cười nghiêng ngả, làm chủ quán nước chè cũng cười tít mắt vì hiệu ứng. Trận cười làm tan biến những nhọc nhằn, của một ngày tầm tã giữa cánh đồng đất trắng lô xô, chang chang nắng lửa vùng bán sơn địa.
Thời gian qua đi, nhưng sau này, chúng tôi vẫn phải thừa nhận, công việc không chỉ có vất vả, bận bịu, mà nó còn đem đến cho chúng tôi niềm vui, sự thành công, đó là giá trị lớn lao của những người làm báo, làm văn, là một dư vị không thể thiếu trong đời sống văn nghệ, và chỉ có sự cần mẫn, siêng năng, người nghệ sĩ mới sáng tạo được những bài báo, những áng văn, thơ, những bản nhạc, bức tranh, bức ảnh không chỉ mang lại giá trị về tư tưởng, thẩm mỹ, mà nó còn thấm đẫm hơi thở của cuộc sống xung quanh ta.