Chiều ấy, A Múi đã ra tận con dốc đầu bản chờ bố đem cô về. Nó ngồi ngay bụi hoa lá đắng. Chong chóng nhìn về cuối dốc, nó nghe tim mình đập thập thưng trong ngực. Rồi nó cũng nhìn thấy bố với mầu áo chàm quen thuộc và cái ba-lô to lúc lắc trên vai. Cô giáo tụt sau bố một quãng khá xa với một cái túi nhỏ hơn. Thế là có cô giáo về bản thật rồi! Từ nay bố không phải cõng nó qua suối, sang bản Lặp Pịa học nhờ nữa rồi. Mừng quá, nó nhảy một bước ra giữa dốc, trâng trâng nhìn hai người. Bố nhận ra A Múi thì cười, bố biết nó nóng lòng mong cô mà. Còn cô giáo thì chẳng nói được gì, sắp lả đi vì mệt, mặt đỏ lựng, mồ hôi ướt bết trên trán. Nó đỡ lấy cái túi xách cho cô, nhón chân chạy trước.
Bố và nó đưa cô đến mỏm đồi giữa bản. Ở đó có hai căn lều mới cất bằng tre và đất sét trộn rơm, một to, một nhỏ hơn. Bố chỉ căn lều nhỏ hơn bảo: “Đây là nhà của cô giáo!”. Cô giáo mở tấm cửa bằng tre bước vào, đặt ba-lô lên chiếc giường cũng bằng tre với bốn cái cọc chôn luôn xuống nền đất rồi nói lời cảm ơn bố con nó. Bố nó lấy cái can to để sẵn ở góc lều ra khe núi hứng đầy một can nước xách vào lều rồi bảo với cô “Mời cô giáo về nhà tôi ở sau quả đồi này, ăn cơm rồi tắm”. Cô giáo không nhận lời. Bố con nó đứng tần ngần một lát rồi đành ra về.
Đêm hôm ấy, khi sương buông dày đặc, nằm trong chăn ấm nó mơ về cô giáo, nó thấy mặt cô sáng ngời như mặt trời.
Sáng hôm sau, nó dậy từ mờ sáng. Mẹ lấy dây rừng buộc chắc cái miệng nồi nhỏ rồi bỏ vào thông bảo nó đem cho cô. Nó đeo cái thông lên vai, biến ngay vào con đường nhỏ xíu còn đặc hơi sương.
Đến “nhà” của cô, thấy cửa lều vẫn khép, nó nhẹ đẩy vào. Cô giáo giật mình choàng dậy, rồi nhận ra nó cô ngã phịch xuống cái chõng tre kêu trèo trẹo. Cô nằm giữa đống quần áo bừa bộn, mặt đỏ bừng, người co quắp lại. Nó lại gần thấy đầu tóc, áo quần cô bê bết toàn đất bùn vì vách nhà mới làm nên còn ướt. Nó gỡ cái thông trên vai xuống, quả quyết nói: “Cô giáo ốm rồi, dậy ăn một ít cháo đi”. Cô giáo mở đôi mắt long lanh nước, “A Múi, hôm qua cô ngủ một mình sợ quá! Lạnh nữa. Nửa đêm sáng trăng, sương mù tràn vào lều như khói ấy, cô cứ tưởng ma”. Thế rồi cô giáo khóc òa. Nó chẳng biết làm sao, bèn nói “Tối nay A Múi sẽ ngủ bạn với cô, nhưng cô phải ăn cháo mới được”. Mãi rồi cô cũng nín khóc ngồi dậy. Nó mở cái nồi nhỏ và đưa cô cái thìa. Trong lúc cô giáo ăn, nó cứ ngồi ngây nhìn cô. Bỗng có tiếng hò reo ngoài lớp. Cô giáo nghe ngóng một lúc rồi bảo “A Múi, bảo các bạn nghỉ, mai đến học, cô mệt quá”. Nó ra cửa lều, bảo với mấy đứa bạn “Cô giáo khó ở, hôm nay nghỉ, mai học”. Cả bọn đòi vào xem cô giáo thế là xông cả vào lều. Chúng nó nhìn thấy cô rồi mới chịu ra về, vừa chạy vừa hét toáng lên: “Có cô giáo thật! Có cô giáo thật!”.
Cô giáo ăn cháo xong, A Múi đưa cô về nhà rồi lên rừng gọi mẹ về. Mẹ nó về nấu một nồi nước lá thuốc to cho cô giáo tắm và gội đầu. Đến chiều, cô giáo đã khỏe lại. Mẹ nói “Tại cô mệt quá thôi, nếu hôm qua tắm lá thuốc ngay thì sẽ không ốm”. Nó nghe mẹ nói thế bèn nói lại với cô bằng tiếng Việt “Hôm qua bố A Múi đã mời cô về nhà tắm lá thuốc, tại cô không nghe nên mới ốm thôi!”. Cô giáo phì cười, lần đầu tiên nó thấy cô cười sao mà xinh thế!
Bố nó đi xã về, thấy cô giáo ở nhà, bố rất vui. Mâm cơm đã được dọn ra. Bố nó rửa mặt xong vào nhà tháo cái đồng hồ có mặt mầu đỏ ra khỏi tay trịnh trọng treo lên cái đinh quấn vải đóng trên cây cột nhà. Chả là bố quý cái đồng hồ lắm mà, bố bảo lúc bố mua, nó đáng giá bằng cả con trâu mộng.
Ăn tối xong, cả nhà nó đưa cô về. Bố vác một bó củi khô, mẹ đeo một thông gạo, còn A Múi thì ôm một lọ củ cải muối. Đến lều của cô, mẹ lấy đá kê thành một cái kiềng vững chắc rồi chẻ củi, nhen cho lửa cháy sáng lên. Đợi cho lửa đượm ấm cả căn lều, bố mẹ nó mới ra về.
Từ hôm đó, tối nào A Múi cũng ngủ bạn với cô giáo ở trong căn lều của cô. Nó thấy đêm nào cô cũng khóc. Cô cứ mân mê hoài một cái hộp nhỏ mà cô gọi là điện thoại. Cô bảo cái này có thể giúp cô nói chuyện với người nhà, nhưng ở đây không có “sóng” nên không nói được, chỉ để xem giờ thôi. Nó chẳng biết “sóng” là gì. Một hôm, nó thấy cô cất cái đó đi và than “Hết pin rồi, đến xem giờ cũng chẳng xem được nữa!”. Cô lại giấu mặt vào mái tóc cháy khét của nó, sụt sịt khóc. Rồi cô bỗng hỏi “A Múi này, chưa có cô giáo nào về dạy ở đây bao giờ sao?”. Thế là A Múi kể cho cô nghe chuyện đã từng có cô giáo Pay ở bản Nà Nưa bên kia con dốc Khau Kheo về làm cô giáo ở đây. Dạo ấy, cứ mờ sáng là cô từ Nà Nưa vượt dốc sang bản Xuổi Vằm dạy học, buổi trưa lại vượt dốc về bản Nà Nưa để chiều còn phụ giúp gia đình việc đồng áng. Cô Pay còn chưa lấy chồng, nhà cô lại đông em nhỏ. Một hôm đi dạy về cô ngã ngất trên đỉnh Khau Kheo, chiều tối người nhà đi tìm thì thấy cô đã chết bên đường. Trên người cô không có vết rắn cắn, nên có thể là bị cảm. Người nhà nói hôm đó cô dậy từ lúc còn sáng trăng, bừa xong hai thửa ruộng mới đi làm. Nghe A Múi kể chuyện, cô Thùy sợ run. Cô bảo: “Hôm nào đưa cô lên đỉnh Khau Kheo xem con dốc dựng đứng thế nào nhé?”. Thế là chiều hôm qua, A Múi đưa cô lên đỉnh Khau Kheo, nó còn chỉ cho cô xem ngôi mộ của cô Pay, nó bảo người nhà cô Pay nghĩ rằng hồn cô vẫn còn quanh quẩn nơi đây, nên mới để mộ cô ở đây để hồn tìm thấy xác. Nghe vậy, mặt cô Thùy xanh như cái lá rừng!
Tối qua nằm ngủ, cô Thùy vẫn còn sợ, cứ ôm chặt lấy A Múi. Nửa đêm cô nằm mơ, la hét ú ớ làm A Múi phải lay mãi cô mới tỉnh. Tỉnh rồi thì cô lại ôm lấy A Múi mà khóc. Rồi bất ngờ, cô hỏi nó “A Múi, người Dao ghét cái gì nhất?”. “Người Dao ghét nhất là những người ăn trộm ạ”. Cô giáo thở dài “Cô cũng nghe nói thế”. “Đúng mà” - A Múi nói – “Ái nhằn dâu, choang lảy pạ. Ái tẳn dâu, mì tấu tạ. Nghĩa là muốn ăn sớm thì trồng củ cải. Muốn chết sớm thì đi ăn trộm”. Cô giáo nằm yên lặng. A Múi cũng nằm yên, nó chỉ sợ cô giáo lại khóc thôi.
Thế mà buổi học sáng nay thằng Tiến Minh ị đùn, lại làm cô khóc mới buồn chứ. A Múi cứ ngồi im chờ cô giáo khóc mà chẳng biết nói năng gì.
Một lúc lâu, cô giáo bảo: “Đi thôi A Múi”.
Cô giáo về nhà A Múi ăn trưa rồi buổi chiều giúp nhà nó trồng sắn như đã hứa. Rồi điện thoại của cô giáo được nạp đầy pin, chuông điện thoại rung lên, cô giáo nghe máy, nói chuyện rất lâu, nước mắt cô giáo chảy ướt má. Và sau đó, lạ quá, suốt buổi, cô chẳng nói năng gì.
Tối đến, mẹ A Múi nấu món gà với măng chua đãi cả nhà.
Cơm tối xong A Múi lại cùng cô giáo về lều của cô ngủ. Nó đeo cặp, cầm cây gậy, vừa đi vừa khua khua phía trước để đuổi rắn. Cô giáo theo sau, tay cầm chiếc đèn pin.
Đêm đó, nó thấy cô giáo cứ thức mãi. Cô không khóc nhưng chốc chốc lại thở dài. “Cô giáo có chuyện không vui rồi!”. Nó cố nghĩ xem chuyện không vui ấy là gì mà chịu, chẳng nghĩ ra, rồi nó cũng ngủ say.
Sáng dậy, A Múi không thấy cô nằm cạnh. A Múi nhìn thấy một tờ giấy để bên cạnh mình. Trong tờ giấy viết, cô buồn lắm, cô buồn lắm, có người dưới xuôi muốn bỏ cô. Có thể, cô phải về xuôi... Đừng đến ngủ với cô nữa.
A Múi vùng thức dậy. Nó rửa mặt, mặc thêm áo ấm vì trời còn mù mịt sương. Nó nghĩ “Cô giáo đi từ sớm, phải chạy vòng qua quả đồi, đợi ở con dốc!”. Thế là nó chạy một mạch đến con dốc đầu bản, ngồi đợi cô giáo ở đúng ngay bụi hoa lá đắng mà nó đã từng ngồi đón cô, đôi mắt nó chóng chóng nhìn về đầu dốc.
Rồi cuối cùng, nó cũng thấy cô giáo. Vai đeo ba-lô, cô bước nhanh, mặt cắm xuống đất. Đi qua bụi dã quỳ nơi nó ngồi, cô không hề phát hiện ra nó. Nó nín thở nhìn theo từng bước đi như chạy của cô, lòng đầy sợ hãi.
Chỉ còn mấy bước chân nữa thôi là cô giáo khuất khỏi tầm mắt nó, là nó không bao giờ còn nhìn thấy cô Thùy nữa. Thu hết can đảm, A Múi gọi:
“Cô giáo!”.
Vang giữa không gian yên tĩnh, tiếng gọi của nó như bật ra từ cung nỏ làm cô giáo khựng lại. Cô quay người nhìn nó, đôi mắt ngơ ngác. Bước lại gần cô, A Múi sợ run, nhưng nó biết chỉ còn một cơ hội, thế là nó nói một mạch: “Cô giáo. Đừng bỏ chúng em. Chúng em muốn học cái chữ”.
Cô giáo đứng yên như một cái cây khô.
Rồi cô từ từ gỡ ba-lô xuống. Chỉ chờ có thế, A Múi lao ngay vào vòng tay cô, òa khóc. Cô giáo cũng khóc, nước mắt chảy tràn xuống vai nó. “Cô hèn lắm phải không?” cô giáo hỏi.
“Cô giáo ơi, cô đừng bỏ bản Xuổi Vằm mà...”.
Những giọt nước mắt nối nhau lăn trên má cô giáo còn mau hơn là nước lũ trôi. Cô ghì A Múi vào ngực, nói trong tiếng nấc. “A Múi. Em hứa với cô là em sẽ học giỏi để trở thành cô giáo của Xuổi Vằm đi!”. A Múi không biết mình có làm được điều ấy không nhưng rõ ràng là nó thích lắm, nên nó nói “Em thích làm cô giáo lắm! Cô giáo ở lại dạy chúng em, em sẽ cố gắng học!”. Cô giáo lại ôm ghì lấy nó!
Hai cô trò cầm tay nhau đi ngược lên con dốc, hướng về bản Xuổi Vằm giữa bạt ngàn hoa lá đắng. Những bông hoa nở rực rỡ, chói chang một mầu vàng rời rợi như tiếng gọi thiết tha. Cô giáo Thùy gọi hoa ấy là hoa dã quỳ.r
SÔNG HIỀN NHƯ MỘT MÙA XUÂN
(Viết cho Khu đô thị mới phía Đông thành phố)
Tản văn của NGUYỄN HẢI YẾN
“Ơi này bến cũ đò xưa
Ơi này cánh buồm nắng rủ
Lắng về nghe muôn miền cũ
Sông hiền như một mùa xuân”
***
H ình như có tiếng đò dọc gọi mình từ bến nhớ. Vội vã chạy theo, nương dưới bóng cánh buồm nâu vá víu để cuối bến dừng giữa một dòng xanh, trong mát ngọt lòng.
Sông quê nhánh nhỏ, bốn mùa bình yên. Không mùa lũ. Chỉ có mùa nước cạn. Mùa hè, lúc nào mưa lắm mới miễn cưỡng đổi màu. Nhưng cũng chỉ vài ngày rồi lại thủy chung trở về với màu trời thăm thẳm, đôi chỗ loang sậm lại vì đám rong đuôi chồn, tóc tiên, rong mái chèo mọc thành bè. Lũ đuôi chồn tầng mặt vươn thẳng như quân tử, nàng tóc tiên tầng trung yểu điệu như thục nữ. Còn tầng thấp, lặng lẽ, trầm tư là bọn rong mái chèo già trước tuổi cả trăm năm.
Sông hiền như mùa xuân nên chẳng bao giờ có sóng, chỉ nương theo dòng chảy, âu yếm dụi đầu vào hai bên triền đê. Sông không sóng nên đê mềm như sóng, mỗi mùa một sắc, một màu hoa. Nào chìa tay để hoa tanh tách dắt mình về mùa hè, đứng dưới trời xanh ngằn ngặt nắng, đứng dưới mây trắng chói chang để thấy lòng dịu lại trước tím phớt, tím hồng, tím biếc xanh- màu tím của hàng trăm, hàng ngàn bông hoa tanh tách biến hình trong nắng, đổi màu xôn xao, miên man cho đến khuất tầm nhìn. Triền đê mềm như lụa với nền xanh hoa tím lung linh. Này! Cuối hè kéo áo mình sang triền đê bên kia, giáp cánh đồng với bạt ngàn hoa cỏ may. Lại một sắc hoa tím, sẫm màu như hoài niệm, thân cứng cáp vươn thẳng lên trong đâu đó vệt heo may đổi mùa, nhắc mình nhớ đến một mùa đông, triền đê sẫm lại trong sắc đen của quả tanh tách, của hạt cỏ may. Chỉ cần gió chạm nhẹ là tanh tách bật tung bốn múi, gửi hạt theo gió đi muôn nơi. Chỉ cần bàn chân người lướt qua là cỏ may găm đầy hai ống quần, nhờ chân người gieo hạt. Rồi rũ xuống, lụi tàn trong giá rét, sau khi đã yên tâm về một kiếp luân hồi.
Sông lại kéo mình qua mùa đông xám ngoét màu trời, sang bên kia bờ, níu vội lấy sợi nắng đầu mùa ấm như hơi thở. Nắng mùa xuân. Cây cầu gỗ nhỏ bạc màu sơn nối đôi bờ, cong cong như nỗi nhớ nối hai đầu xa cách sáng bừng lên màu gỗ. Dẫu nhịp còn nhịp mất vẫn lộp cộp hát lên lời. Hát cho triền đê bừng sắc cỏ. Vàng li ti, tím li ti và trắng cũng li ti - hoa cỏ lác, cỏ vòi voi, cỏ mật. Hát cho gốc gạo già bến sông thắp lên rợp trời mênh mông sắc đỏ, ngàn bông hoa là ngàn mặt trời xinh. Hát cho mặt đất nâu xám đang ngủ đông thức giấc, bừng mắt dậy, không nhận ra chính mình vì áo đang choàng đỏ thẫm một màu hoa.
Này! Lắng nghe... Dưới chân mình thì thầm đất gọi. Nghe sỏi trắng, sỏi vàng lạo xạo tiếng thời gian. Gọi mùa hè! Dưới mặt trời, con đường ra bến sông bỗng rực lên, lấp lánh. Cát sỏi dãi dầu với đất bỗng nhiên cựa mình biến thành muôn triệu hạt kim cương - những hạt kim cương của nắng gió ngàn năm nâng niu bước chân trần lam lũ - bước chân làng chài, bước chân bà, chân mẹ ngày hai buổi sớm chiều quây tụ, tôm cá lao xao. Dòng trẻ lại trong tiếng mái chèo khua động, trong mơ màng sắc tím hồng điểm mắt biếc xanh lộng lẫy của những trảng lục bình. Chợt thương một đời hoa mong manh, sớm nở, chiều tàn. Thương đời cây nổi trôi theo gió. Không quê hương. Không chốn nhớ. Không biết cả cuộc đời có lúc nào đủ khát khao, đủ dũng cảm lẻ loi ngược gió, ngược sóng, tách khỏi bè về thăm lại dòng xưa? Để rồi hối hả chụm đầu vào bạn mới, trong hoàng hôn sẫm lại, trong khói chiều, trong sương buông và trong vệt chuông chùa loang theo gió đến vô cùng. Để thì thầm kể rằng bến sông này khác muôn vàn bến khác bởi vì có chùa làng nhỏ chìm trong cây lá rêu phong, cổng bốn mùa rộng mở hướng ra sông, từ bi đón những kiếp đời phiêu dạt. Để kể rằng sân chùa có một cây muỗm già. Mỗi mùa quả bao giờ cũng dựng sẵn dưới gốc một cây sào dài, có ngoéo, nối vào cái giỏ đan bằng cật tre. Để lũ trẻ lấy quả chín, quả xanh tùy ý. Khỏi trèo. Và cũng sẽ chẳng bao giờ quên kể chùa chỉ có một bà sư già, bao giờ cũng thỉnh chuông gọi hoàng hôn buông xuống, cầu bình an cho muôn triệu kiếp người.
Dòng cổ tích trôi xuôi đem tuổi thơ của mình theo đò dọc đi mất hút. Chạy theo không kịp để níu giữ đôi bờ đầu đông trắng muốt hoa lau. Không kịp giữ bến sông có sỏi vàng dát kim cương nâng bước chân người. Sông đã kè bê tông, nắn đôi bờ thẳng như hai đường kẻ. Cầu đã xây, hai làn đường, rầm rập người xe. Chỉ thương cây gạo già cô đơn không bến. Năm trước mất mùa hoa. Năm nay không bật nõn. Âm thầm đứng chết giữa trời xuân. Thân đã khô, cành đã gãy nhưng vẫn cố bám chặt nơi đây chờ bến bãi quay về.
Chờ mòn mỏi! Sao không có chuyến đò dọc nào cho mình đi theo với! Cho mình đi theo để gọi bến bãi quay về!