Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Những đứa con của cha" của tác giả Vũ Tuyết Mây
21/11/2022 08:43:40

Tôi bảo: “Nửa đêm nửa hôm, lạnh giá thế này, định thi với sương gió hay sao mà mình còn ngồi đây. Phải giữ sức khỏe chứ, việc lớn đến nơi rồi”.

 
 
 
Minh họa: Tiến Quân 

 

Vợ tôi kéo tuột cái chăn xuống khỏi vai, vuốt vuốt lại mái tóc hình chiếc lá khoai, giọng quả quyết: “Mình cũng ngồi xuống đây, tôi có chuyện với mình đây”.

Tôi bảo: “Chuyện gì hãy để mai. Bây giờ mà còn chuyện thì thôi, ngủ nghê gì được nữa. Mà cũng đã tới lúc tôi phải vào xem ông cụ thế nào rồi”.

Vợ tôi ngúc ngắc mái đầu vẻ cương quyết: “Tôi đang muốn nói vào câu chuyện của “ông cụ” đấy. Nói thẳng ra là, ông cụ không còn được mấy ngày nữa đâu. Sáng mai mình phải về quê chuẩn bị cái hậu sự ở nhà, việc hệ trọng, phải chu đáo cho con cháu nhờ.

Tôi ngạc nhiên: “Gì chứ. Tang lễ của cụ đã làm trên thành phố rồi, đưa về quê là hạ huyệt, lại còn giở giói ra, sức đâu mà rình rang thừng chão thế. Với lại”.

Tôi chưa nói hết câu, vợ tôi đã ngắt lời: “Sao mình không thay đổi được cái tính tuềnh toàng mãi thế? Đành rằng ông cụ ở đây, chết ở đây. Nhưng gần chót cuộc đời, cụ ăn ở với làng xóm, họ mạc, chứ có ở đây đâu. Thế tôi mới tính, khi làm tang lễ trên thành phố xong, thì đưa cụ về nằm một đêm trong nhà cụ khi xưa, cho họ hàng bên trước bên sau, làng trên xóm dưới cũng được tỏ cái nghĩa, cái tình của trần gian tối lửa tắt đèn có nhau”.

Tôi bảo: “Cả chục năm nay cụ không về làng. Họ hàng thân tộc, làng xóm, thế hệ các cụ cũng đã về với tiên tổ vãn rồi, còn mấy ai thân thuộc nữa mà bày vẽ. Với lại”.

Vẫn là tôi đang nói dở câu thì vợ đã cắt: “Ông chỉ được mỗi cái danh với thiên hạ, còn trong nhà chẳng được cái tích sự gì. Chuyện đời đâu chỉ đơn giản là họ hàng và người thân, còn con mắt của thiên hạ nữa chứ. Sao mình không nghĩ rằng, cái chỗ nằm ngồi của ông cụ vẫn còn sờ sờ ra đấy, đem cụ về quê chôn cất mà không cho cụ vào nhìn lại cái bàn thờ tổ tiên, cái chum đựng nước, cái vại muối dưa cà, liệu cụ có vui lòng không”?.

Tôi lúng túng trước cái tình dâu bể của vợ: “Tôi hiểu suy nghĩ của mình rồi. Nhưng cái mà tôi lo là lo đằng khác cơ”. Vợ tôi chồm lên: “Ông chưa nói thì tôi đã biết tỏng cái lo của ông rồi. Trước khác, giờ khác, bây giờ việc đã đến nước này, phải dẹp chuyện cũ sang một bên, vả lại, đây là chuyện lo ma cho bố, chứ có phải chuyện ngả rượu thịt ra để bù khú với nhau đâu, mà phải ngắn dài. Sao trước đây ông chả tự hào, ông đã nói là cả đống người phải nghe, bây giờ chỉ có mỗi thằng em khùng khùng dại dại, mà sao chưa chạm tới, ông đã có vẻ thất thần đến thế. Ngày mai về, ông cứ lấy vị thế của thằng anh cả ra mà chỉ đạo đàn em chứ lại sợ. Thôi. Tôi quyết thế đấy, bây giờ thì tôi đi nghỉ đây. Ôi giời ơi! Cứ thế này, chẳng biết người già chết trước, hay người trẻ chết trước cũng là”.

Tôi ngồi chỏng chơ, ngậm nghẹn nuốt cả cục đông buốt giá vào cổ họng.

Hơn tám giờ sáng, trong khi trời vẫn thâm sì, tôi đã khăn áo chỉnh tề, tự lái chiếc xe con ra cổng. Vợ tôi đứng trên bậc thềm thứ chín của tòa biệt thự chín bậc thềm, nhìn theo chiếc xe lăn bánh ra khỏi cổng, vòm ngực đẫy đà phồng lên rồi từ từ hạ xuống, vẻ như trút được một khối nặng nề, ẩn giấu bên trong.

*

Sau ba hồi còi lảnh lót, rúc thẳng vào rặng tre gai cao ngất, từ cổng chạy vào tít mé trong, ken đặc những gốc cành mốc thếch cùng rễ chùm. Chú em út tôi cao nghều, bụng lép, răng vàng chìa, lệt sệt đôi dép tổ ong, hé mắt qua cánh cổng ghép toàn gộc tre tách đôi. Thấy tôi, cậu ta chẳng mảy may biểu hiện sự vui hay buồn, mà từ tốn hỏi độc một câu chẵn bốn từ như bao lần: “Anh về có việc?”.

Tôi bảo: “Ừ. Anh về có việc của bố”, lại chẵn bốn từ. “Bố làm sao à?”. “Thì cứ vào nhà cái đã”. “Được. Vào thì vào”.

Tôi theo chân chú Út đi hết đoạn cổng đổ bê tông loang lổ rêu phong, cúc tần xanh ngắt, mướt mát, tơ hồng vàng rực xùm xòa trên tán lá, chạy thẳng vào cái sân gạch cũ kỹ, thâm nâu. Thấy tôi cứ chăm chú đứng nhìn cảnh vật. Chú út gãi tai phân trần: “Đám cây cảnh của bố chết hết cả rồi, chậu xếp ở góc vườn đằng kia, anh có lấy thì tí nữa đánh xe vào mà chở đi, vợ chồng em theo công ty công teo tối ngày, chả còn thời gian nào mà ngắm cây với cảnh”. Tôi hỏi “Thím ấy và cô hai có nhà không, chú ới hai người vào đây, anh em mình bàn chuyện luôn thể”. Cậu em cười: “Giờ này có mà chiếu ống nhòm cũng chả tìm được các bà ấy. Vào khu công nghiệp hết rồi, nhọ mặt mới mò về đến nhà. Mà sao anh không điện thoại trước”. Tôi lúng túng: “À, anh quên. Thôi. Anh không ở được lâu. Tóm lại là thế này, chú về nói lại với thím ấy và cô hai nhé. Hôm nay anh về là để bàn với các cô chú về việc của bố. Xem ra bố không còn được mấy hôm nữa đâu. Vì thế anh em ta phải tính đến chuyện hậu sự cho bố là vừa. Anh chị tính thế này, khi bố nằm xuống, tang lễ ở trên thành phố xong, sẽ đưa về làm ở quê, cũng để qua một đêm, hạ huyệt vào sáng sớm ngày hôm sau. Công việc ở trên thành phố thì không ai phải lo, các cô chú cứ lo việc ở nhà. Khi bố mồ yên mả đẹp rồi, anh em mình sẽ ngồi lại với nhau, chú có ý kiến gì không”.

Chú út nãy giờ ngồi im lặng, mắt để tận ra cái ao có đôi vịt trắng phau, đang dượt đuổi nhau, vỗ cánh phành phạch, nghe tôi hỏi, cậu ta bỗng giật mình quay lại. Ngẫm nghĩ một lát, cậu gãi đầu bảo: “Anh với bố định làm gì thì cứ thế mà làm. Xưa nay vẫn thế rồi. Vợ chồng em không có ý kiến gì đâu”. Tôi hơi sẵng: “Chú nói gì nghe kỳ thế, đang bàn chuyện lo ma cho bố, thì chú lại bảo bố định làm gì cứ làm là thế nào?”.

Nói thế, nhưng bụng tôi như mở cờ. Vậy mà cả đêm tôi không thể nào chợp được mắt, chỉ lo việc lớn không thành. Nay thì mọi lo lắng của tôi đã trở nên vô nghĩa. Được lòng như cởi tấm lòng. Vui quá, tôi quên phéng mất tình cảnh của tôi với chú út mấy năm nay, nên tôi vươn vai đứng dậy và nói: “Thấy chú vui, anh vui lắm. Các cụ ta nói cấm có sai, anh em như chân với tay. Anh em mình bắt tay nhau một cái xóa sạch quá khứ nhé”. Tôi vừa cười vừa đưa tay ra nắm bàn tay thô ráp của chú út, lắc liền mấy cái, tay trái còn vỗ vỗ lên mu bàn tay chú, hệt như những cái bắt tay ngoại giao ngày nào còn ở nhiệm sở, rồi từ từ lui gót ra xe, dưới những tia nắng vàng mơ tràn trên tán lá cúc tần.

Về đến cổng, tôi còn chưa kịp bấm còi, thì thình lình hai cánh cổng nặng trịch, sáng loáng với tay nắm phết vàng đã bật mở. Té ra vợ tôi đã chực sẵn ở bên trong cánh cổng từ bao giờ. Cửa xe vừa mở, vợ đã đon đả: “Thế nào. Có ổn không?”. Tôi nheo mắt, hãnh diện: “Ổn chứ sao không!”. Vợ tôi chớp chớp hàng mi xăm chì đen kịt, tặng tôi mấy lời, giống như kẻ bề trên: “Hôm nay mình mới xứng là lãnh đạo hàng tỉnh. Mấy đứa nhà quê, bố bảo chả dám trái”. Tôi làm nghiêm mặt, chặn cái miệng độc địa của vợ: “Mình bỏ ngay cái giọng ấy đi, mọi chuyện đều do miệng lưỡi mà ra. Chuyện này mà hỏng, đừng có đổ thừa cho người khác”. Thấy vợ có vẻ biết lỗi, tôi dịu giọng: “Sáng nay chú út đồng ý hết, chắc xúc động lắm. Suy cho cùng, máu mủ chẳng lìa được nhau”. Vợ tôi lại thở ra một hơi dài: “Thôi được. Từ bây, tôi sẽ không nói gì nữa. Chỉ có điều, khi ông cụ nằm xuống, việc đầu tiên là mình phải điện về dặn dò cho kỹ, rồi cứ theo kế hoạch mà làm. Bây giờ thì xấu đẹp chỉ còn tùy thuộc vào anh em nhà ông thôi đấy!

*

Đúng như dự đoán của vợ. Chưa đầy một tuần, sau cái buổi tôi về quê nói chuyện với chú em út. Vào giữa đêm mưa rét cắt da thịt, bố tôi trút hơi thở cuối cùng trong đêm. Sau cuộc điện thoại về quê, tôi ngập chìm với các đoàn phúng viếng, những lời chia buồn và kèn trống bi ai.

Khách viếng đã vãn, tôi hối hả thu xếp đưa bố về quê. Trước khi lên đường, tôi gọi một người thân tín lại và dặn: “Cậu ngồi lên ghế trên, chỉ huy tay lái xe đi chầm chậm thôi, để cụ đi thong thả, tuyệt đối không được xóc lóc mà làm cụ đau. Người trợ lý tôi nâng đỡ khi xưa, gật đầu như con trâu lá mít bị bọn trẻ giật dây. Tôi ngồi bên linh cữu cha, thở phào nghĩ đến việc hậu sự của cha đến đây coi như đã xuôi chèo mát mái.

Đoàn xe tang vào đến ngã rẽ vào làng, thấy bà con trong họ, ngoài làng tụ tập ở chỗ này khá đông, tôi hơi chột dạ. Đáng lẽ giờ này họ phải ở trong nhà chú út mới đúng chứ. Đến đầu cổng, tôi bắt đầu hoang mang vì không còn nhận ra đâu là cổng nhà chú út. Chiếc cổng cách vài hôm còn ghép bằng những cái gốc tre, giờ lại là hai cánh cổng sắt lừng lững, phết sơn đen sì, chiếc khóa Việt Tiệp bằng nắm đấm cũng đen sì và bóng nhẫy. Hiểu ra, tôi nhảy xuống đấm thình thình vào cánh cổng và gầm lên: “Thằng Bòng đâu? Sao lại thế này”. Những người trong đoàn tang bỏ lại quan tài cha, ào ào nhảy xuống đất, tiến đến sát cánh cổng sắt, đưa con mắt thám hiểm nhìn sâu vào bên trong, trong khi người trong làng lại đánh mắt ngược lên chỗ quan tài cha tôi. Cơ sự ấy, khiến tôi không còn giữ được niềm kiêu hãnh bấy lâu. Tôi dồn hết sức lên cổ, hòng át tiếng kèn đám ma đang rống lên từ trong búi tre: “Quân láo xược kia, quân đểu cáng kia, giờ thì tao hiểu mày rồi. Sao mày lại dám đối xử với cha anh mày như thế hả thằng khùng kia. Hãy dừng cái trò bẩn của mày đi, thò mặt ra đây nói chuyện với tao này. Để tao phải đạp cái cổng này xuống thì mày chết đấy”.

Cứ tưởng cái giọng sát khí của tôi sẽ khiến tiếng kèn trống trên ngọn tre kia câm lặng. Nhưng không. Phía trong vẫn im bặt. Máu trong người tôi chạy rần rật, mồ hôi túa ra, chảy thành dòng từ sống lưng tuột xuống cạp quần. Tôi kéo xoẹt cái khóa áo lông vũ, phanh hai vạt sang hai bên, mặc kệ cho gió đánh phồng lên như hai cái nơm úp hai mạng sườn: “Tao hỏi lần cuối, mày có để cho bố mày vào nhà không thì bảo. Mày có điên thì cũng điên vừa thôi chứ”. Tôi lại giậm hai chân bành bạch xuống đất để khẳng định sự giận dữ tột đỉnh của mình: “Khôn hồn thì mở cổng ra ngay, nếu không mày chưa biết điều gì sẽ giáng xuống đầu mày đâu nhé, kẻ vô ơn kia”. Bỗng có tiếng phát ra từ cái loa trên ngọn tre, tiếng loa chậm chạp, lắp dí của thằng Bòng:

- Khô…không mở cổng thì sao? Gi…áng, giáng xuống đầu thì sao? Thiên hạ đến nhà người ta đã chẳng lễ phép, lại còn đòi chém giết. Có giỏi thì cứ chém, cứ giết? Thằng này tay trắng, chết chẳng có gì đáng sợ. Chỉ có thằng lắm của nhiều tiền mới sợ chết. Đừng dọa.

Trời ạ. Có chết đi sống lại, tôi cũng không thể tưởng tượng được, thằng em khờ dại ngày nào, cái thằng đáng thương ngày nào, giờ lại trở nên ma mãnh đến mức này. Tất cả những nỗi lo âu, phấp phỏng về cái “bí mật” của gia đình tôi, giờ đã phơi bày, nhưng nó “phơi” trong hoàn cảnh này và khủng khiếp đến thế này, thì dẫu thằng Bòng có công bố trước mặt tôi, tôi cũng không dám tin là thật. Thế mà bây giờ, cái chỗ sâu kín nhất của tôi đã lõa thể.

Tôi gồng mình, mắm miệng đến sùi bọt mép, co một chân lên, lấy đà định đạp một nhát cho sập cái cổng sắt xuống, rồi cứ đà ấy mà vào nhà, rồi, và việc đầu tiên là tôi sẽ nện cho thằng Bòng một trận nhừ tử, rồi mới tế kèn làm ma cho bố. Nhưng khi cái cẳng chân tôi vừa giơ lên ngang cạp quần, thì vợ tôi đã kịp ngoắc cái khuỷu tay ngang cổ, kéo giật tôi về phía sau, miệng cô ta gầm lên một tiếng như tiếng gầm của con sư tử. Tiếp đến, ba bốn thanh niên lực lưỡng xô lại, đứa ôm cổ, đứa túm chân đẩy thốc tôi lên xe, ấn tôi ngồi dí xuống bên quan tài cha.

*

Sau đám tang cha, tôi ốm liệt giường không nhớ mình đã nằm bao nhiêu ngày. Tỉnh lại, nhìn đồng hồ, đã ba giờ chiều. Sực nhớ, hôm nay là ngày cúng tuần đầu của cha. Vậy mà trong nhà tịnh không một tiếng người. Tôi vội bấm điện thoại. Đầu bên kia có tín hiệu, nhưng sao vợ tôi câm lặng, chỉ có tiếng mõ lốc cốc đều đều. Tôi quay vào xả nước nóng, tắm rửa cho tỉnh táo, rồi khăn áo, hương nến về quê, thắp cho cha một nén hương, cầu xin, ở dưới suối vàng cha được bình yên.

Vào đến nghĩa địa, trời đã nhập nhoạng, cả cánh đồng mênh mông, tịnh không một bóng người, chỉ có những gió hun hút thổi. Đến khu mộ mới, tôi bỗng giật nảy người, khựng lại. Trong màn trời âm u, có một hình người đang phủ phục trước mộ cha. Chẳng lẽ là cha? Người tôi run bắn, trí não tôi đổ nhào. Tôi định gào lên để phá tan cái không gian mênh mông đặc màu hư thực, dù tôi biết, tiếng kêu của tôi sẽ lọt thỏm vào ranh giới giữa ngày và đêm. Bỗng từ mộ cha vẳng đến tai tôi tiếng khóc. Tôi lấy hết can đảm, tự bảo với mình, bây giờ có chết tại đây, tôi cũng phải hiểu được suy nghĩ của cha, từ thế giới bên kia. Vậy là tôi hết sợ. Tôi nhón chân từng bước, tiến gần đến cái bóng uốn cong, nép mình xuống ngôi mộ bên cạnh, cũng mới đắp toàn đất sét trắng, xung quanh phủ đầy hoa trắng.

Trời ơi! Thằng Bòng. Đúng nó rồi. Tiếng nó đấy. Cho dù gió có đang hù hú, cũng không át được tiếng nói lắp dí của nó. Thằng con cấn cơm, cấn sữa của cha. Thằng con khi xưa, tối nào đi ngủ, nó cũng phải nằm bằng được bên cha, cùng cha líu lô, líu la, quẫy đạp tung mù, khi đang ngủ bị cha luồn bàn tay sù sì, chai cứng vào lưng nó. Ở bên nó, cha như trút sạch nỗi nhọc nhằn, lo toan.

Thằng Bòng đang phủ phục trước ngôi mộ còn mới nguyên sét trắng, loang lổ những vầng cỏ gà cỏ may thẫm đen. Thằng Bòng úp mặt vào hai lòng bàn tay, miệng ra riết gọi cha:

Một trận gió từ xa xào xạc thổi tới. Thằng Bòng bật dậy, hai tay buông thõng, mặt hướng về đầu ngọn gió, miệng hấp tấp:

- Ôi cha! Con đã nhìn thấy cha rồi! Nhưng mà cha đi chầm chậm thôi! Cha có còn việc gì ở đời nữa đâu mà phải vội vàng kia chứ! Cha đi chậm cho con nhìn lại đôi bàn chân của cha những ngày vào vụ, những ngày chạy cơn mưa, tranh thủ cái nắng, bát cơm nào cha cũng chan nước, chẳng kịp nhai mà nuốt cũng vội vàng, đến nỗi cái miệng bát sành va vào răng lốc cốc. Cơm chưa trôi khỏi cổ, cha đã vơ lấy cái áo vắt lên vai, vì sợ gió mưa cuốn trôi mất sân thóc, vì sợ rơm rạ trôi nổi ngoài đồng, rồi lại lo ruộng cấy không kịp mùa. Vì muôn vàn nỗi lo ở đời mà thành ra cha cứ bước thấp, bước cao.

Bỗng thằng Bòng ngưng bặt. Không biết vì mệt, hay vì nó lại nhìn thấy cái gì? Tôi nhổm người, nhướn mắt quan sát mọi động thái của thằng Bòng. Nó đang dán mắt vào mấy bông cỏ may trên nóc mộ. Bỗng nó quài tay túm một bông đưa vào sát mặt, miệng hấp tấp:

- Cha. Cha tha cho con rồi đấy phải không cha! Con biết mà. Con biết là con có thế nào thì cha cũng tha lỗi cho con, bởi con là thằng khờ của cha mẹ cơ mà. Con biết, dù con có thế nào thì cha vẫn thương con, như cái ngày con mới lên mười, cái ngày con dọa tối không ngủ chung với cha, thể nào cha cũng móc túi lấy ra mấy con muỗm béo ngậy, bảo con có yêu cha không!

Vậy mà cha nỡ bỏ con mà lên thành phố với anh Cả, bỏ cái nơi gần trọn cuộc đời, cha đã gắn bó với những mảnh ruộng, chắt từ bùn đất ra những hạt gạo trắng ngần, thơm nức, nuôi ông bà, cha mẹ và con cháu của cha. Bỏ cái bờ tre rầm rì lá xanh, từng chìa cánh tay cho cha mắc võng thảnh thơi những buổi trưa hè, cái ao bèo tây hoa tím ngắt, chen giữa thảm lá xanh biếc, mịn màng, mà nước dưới chân bèo thì trong vắt, mát rượi, cái mảnh sân gạch thâm nâu, mịn màng, cha từng đưa biết bao bước chân trần chở thóc, gảy rơm trên đó. Cha đi, để cho anh cả con quay về, bán trọn nhà cửa, vườn cây, bán cả cái chỗ để bát cơm cúng thằng con chết đuối của con.

Anh cả bán nhà đất. Vợ chồng con muốn vào làng, phải vòng qua mấy cái bờ ruộng và một con mương nước chỉ đặt vừa bàn chân. Vì cái cảnh ấy mà con đâm liều với đời đấy cha! Con đã đem cầm cố thân xác của hai vợ chồng con, cho cái lò gạch ở ngoài mép sông Cái, lấy tiền mà chuộc lại cái nhà của cha đấy cha à…

Lại một trận gió bắc từ đằng xa ào tới, lần này nó còn đem theo những hạt nước mưa dàn dạt, buốt giá. Thằng Bòng bỗng rú lên:

- Ối trời ơi? Cha khóc hả cha?

Gió cứ thốc lên những đợt mới nữa, lần này còn có cả tiếng à à…

- Cha bảo ở trên thành phố cha cũng đơn độc lắm sao? Cha bảo vì đôi mắt cha bị lòa, nên cha phải ở lại để đỡ gánh nặng cơm áo cho con sao... Trời ơi! Vậy mà từng đấy năm, con những tưởng, cha không còn thiết tha gì với cái thằng con nghèo khó này! Nhưng mà cha ơi, sao cha không nghĩ rằng, con sống được thì sao cha không sống được. Chốn cũ với nếp nhà cũ, cha chỉ ăn lưng cơm mỗi bữa, uống vài bát nước chè xanh mỗi ngày, rồi cha đi chân trần trên cái nền gạch có bóng tre trùm, có những đứa cháu chạy lăng xăng nhặt lá, lấy đồ cho ông ghép cành, tỉa cây…

Bỗng một con đom đóm bay vút lên từ trong vầng cỏ gà, nó lập lòe chao đủ ba vòng xung quanh ngôi mộ, rồi sà xuống, đậu ngay trên ngọn bông hoa cỏ may trước mặt.

- Trời ơi! Cha bằng lòng với con từ bây giờ cha sẽ ở lại nhà, sẽ ngủ trên chiếc giường gỗ xoan bện mùi mồ hôi của cha, sẽ ngồi khoanh chân tròn trên cái sập gụ nhẵn thín để uống trà, cha sẽ trồng lại những chậu hồng, chậu lan, sẽ thả lại đám bèo tây hoa tím ngát dưới cái áo bên hiên nhà phải không cha? Trời ơi, vậy thì cha không phải nghĩ gì nữa nhé! Con sẽ về ngay bây giờ để đun nước ấm cho cha rửa chân, đun nước mưa cho cha pha chè mạn. Rồi sáng ngày mai, con sẽ lau chùi mấy cái chậu gốm cho nó hồng trở lại, con sẽ làm những vồng đất tơi xốp cho cha tha hồ mà trồng tỉa, tưới tắm, tha hồ mà ngắm nghía cha nhé!

Giờ thì con xin cha lần nữa! Vẫn là lời cầu xin cha tha tội. Vẫn một ngàn lần con lạy cha! Một ngàn lần con mong cha che chở con, như ngày con thơ bé. Thằng Bòng khờ dại lạy cha này cha ơi. Lạy để con còn về sửa lễ đón cha về nhà đây cha ơi! Hu hu…

Thằng Bòng vừa khóc, vừa lùi ra xa ụ đất lốm đốm những vầng cỏ đen sậm, những vệt trắng của đất sét mới đào.

Chờ cho cái bóng cao lêu đêu của thằng Bòng lòng khòng ra khỏi nghĩa địa một đoạn đã khá xa, tôi mới đứng dậy, nhích từng bước đến bên mộ cha. Nhưng đứng trước ngôi mộ, thay vì đốt nén hương cắm trước mộ, rồi chắp tay khấn vái, nói với cha những điều tôi đã suy nghĩ ở nhà hồi chiều, thì tự dưng hai bàn tay tôi lại cuộn thành hai nắm đấm, rồi cứ vậy, cái nắm đấm ấy cứ tự thụi vào ngực mình thình thịch, miệng tôi há ra, nhưng hàm như bị đóng cứng, chỉ còn những trận gió bắc lạnh buốt cứ vần vũ quanh tôi. 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Người chỉ huy dàn nhạc(21/11/2022)
Nhớ thầy(18/11/2022)
Thầy cô và mái trường(18/11/2022)
Truyện ngắn: "Cái tổ chim" của tác giả Thâm Tâm(17/11/2022)
Ơn thầy cô giáo!(17/11/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na