Thế hệ các nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên như Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại (dân tộc Tày), Đinh Sơn (dân tộc Mường), Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao)… xứng đáng được gọi là những nhà thơ cách mạng tiêu biểu của thơ ca dân tộc thiểu số thế kỉ XX. Từ thế hệ đó đến nay, có ba thế hệ nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số đã sáng tác và có những trang viết về chiến tranh như: Triều Ân, Y Phương, Y Điêng, Ma Đình Thu, Mã A Lềnh, Triệu Kim Văn, Kim Nhất, Mai Liễu… (thế hệ thứ nhất), Nông Thị Ngọc Hòa, Bùi Thị Như Lan… (thế hệ thứ hai) và trẻ hơn nữa là Hoàng Chiến Thắng, Lý Hữu Lương…
Đối với các nhà thơ dân tộc thiểu số, những trang viết về chiến tranh chính là nét khắc họa về lịch sử tâm hồn, lịch sử đời sống đấu tranh của dân tộc họ. Nông Quốc Chấn đã khẳng định sứ mệnh cao cả của những người con Việt Bắc với đất nước: Chúng tôi người Việt Bắc/ Không một lúc nào quên/ Giành Nam Bắc nối liền/ Giành lấy ngày thống nhất. Nông Minh Châu (dân tộc Tày) nêu lên mối quan hệ chặt chẽ giữa vận mệnh của các dân tộc thiểu số với vận mệnh đất nước: Các anh chị: Tày, Nùng, Kinh, Mèo, Mán…/ Tạm xếp nương chàm, khung dệt, quả còn/ Tạm biệt nhà sàn về ngủ lán/ Giữ Đèo Giàng là giữ bản thôn (Người thanh niên giữ Đèo Giàng).
Viết về chiến tranh, các nhà thơ dân tộc thiểu số không né tránh những mất mát, đau thương. Phạm vi hiện thực này được tái hiện đầy xót xa, day dứt bằng một thứ ngôn ngữ có phần thô mộc trong thơ Hoàng Nó (dân tộc Thái): Trai tráng trong làng chúng bắt phu bắt lính/ Vợ con ta chúng hãm hiếp nhục hình/… Những ai yêu nước thương nòi/ Hãy vững chí bền gan gian khổ không sờn (Ở vùng căn cứ).
Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ – nhân vật trung tâm của thời đại – đã được Nông Quốc Chấn và nhiều tác giả dân tộc thiểu số khắc họa xúc động, chân thành: Mình cũng là chiến sĩ Cụ Hồ…/ Đôi tay ta đã phải nhiều năm cầm súng/ Đôi mắt ta đang tập cách nhìn xa/ Từ truyền thống ông cha/ Đoàn quân quý trọng con người/ Đoàn quân chất xám/ Trùng trùng đoàn quân cách mạng/ Tiếp tục vượt qua ngọn núi cao, bãi sình lầy… Đây là anh bộ đội giải phóng Buôn Mê Thuột đẹp rạng ngời, lẫm liệt nhưng không kém phần giản dị, lãng mạn trong thơ Alê Yđứp (dân tộc Êđê): Ta là con của vạn rừng nghìn núi/ Nguyện thề xin hiến tuổi xuân/ Cùng các bạn diệt hết loài quỷ Mĩ/ Để trở về giữa mùa hoa êpang (Bài ca hành quân).
Khi còn chiến tranh hay khi đã hoàn toàn giành thắng lợi, cảm hứng ngợi ca luôn được thể hiện rõ ràng với nhiều cảm xúc ở thơ dân tộc thiểu số. Trong đó nổi lên hình ảnh Bác Hồ – nơi bày tỏ niềm tự hào và tôn kính của những đứa con trước sự hồi sinh mà Người mang đến. Thơ Bàn Tài Đoàn ở lại lâu trong lòng độc giả một phần cũng bởi những bài thơ như Đời ta có Hồ Chí Minh, Muối của Cụ Hồ, Bác Hồ sống mãi trong lòng ta… Lối điệp trong thơ ca dân gian được Prêkimalamak (dân tộc Châu-ro) khai thác triệt để, làm cho nhịp thơ đều đặn, ngôn từ thêm dễ nhớ, dễ thấm vào lòng người: Mùa lạnh nhắc tới Hồ Chí Minh cái bụng ấm/ Mùa nắng nhắc tới Hồ Chí Minh mây thêu mặt trời hồng/ Mùa thu nhắc tới Hồ Chí Minh mây lắng, trời trong/ Mùa xuân nhắc tới Hồ Chí Minh cây cỏ đơm nhựa trổ bông (Hồ Chí Minh).
Sau năm 1975, văn học Việt Nam bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn thức tỉnh của ý thức cá nhân. Văn học dân tộc thiểu số tuy chuyển động chậm hơn nhưng cũng bắt đầu có những đổi thay. Trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, Y Phương, Mai Liễu, Triều Ân, Triệu Lam Châu, Ma Trường Nguyên, Kim Nhất, Y Điêng, Bùi Thị Như Lan…, đề tài được mở rộng: từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, từ những câu chuyện anh hùng đã hướng đến cuộc sống quen thuộc hàng ngày, từ vận mệnh chung của dân tộc đã hướng đến số phận cá nhân và cả những tổn thất đau thương do chiến tranh để lại. Văn học dân tộc thiểu số giai đoạn này đã thâm nhập sâu hơn những khía cạnh bộn bề, phức tạp của cuộc sống và thế giới tinh thần của con người, đặc biệt là những vấn đề về con người cá nhân; phản ánh cuộc sống không chỉ là mặt nổi mà còn ở những mặt khuất, ở giới hạn giữa cái “không thể” và “có thể”. Vẫn tiếp nối mạch cảm xúc cũ nhưng tác phẩm viết về chiến tranh của một số tác giả dân tộc thiểu số đã mang dư vị khác trước. Cảm hứng trữ tình chuyển từ tự hào, ngợi ca sang suy tư, chiêm nghiệm; bởi thế cái hào sảng, hùng tráng nhường chỗ cho sự bình dị, mộc mạc. Người lính không còn được khai thác nhiều ở tư thế: Gió bão ta không sợ/ Sấm sét ta không lùi/ Đánh giặc chưa xong/ Nếu anh bỏ về/ Cha mẹ sẽ mắng/ Bạn gái sẽ chê/ Pơ lây Chêm oán trách/ Ới con trai/ Ta rủ nhau đi làm du kích – giữ làng (Đi làm du kích – Ra dam Dăk Bút) mà trở về với cái thật nhất trong suy nghĩ của mỗi cá nhân như những lời “tự nhủ mình” của Triệu Lam Châu: Đã tự nhủ mình: Vết thương có chi đâu/ Song gió lạnh thấm vào đau buốt quá/ Càng nghĩ càng thương bao bạn cũ/ Thêm tự hào mỗi bước đã đi qua…
Những hiện thực của cuộc chiến được tiếp cận đầy đủ hơn, những tái hiện và lí giải cũng đa chiều hơn trong văn học dân tộc thiểu số những năm gần đây. Ngày trước, khi “bốn mươi thế kỉ cùng ra trận” thì con người ai cũng “không có quyền nghĩ lâu trong lúc đạn bom” và dù có mất mát, hi sinh cũng phải gác lại nỗi đau riêng. Người lính thường trực một tâm thế: Không tính tháng tính năm/ Cả chặng đường hành quân/ Của ta đi đánh giặc (Nằm võng ở Trường Sơn – Ma Đình Thu). Nhưng khi đã hòa bình, khi cái “tôi” cá nhân được giải phóng mạnh mẽ hơn, người ta không ngại gọi tên những gì một thời “né tránh”. Nông Thị Ngọc Hòa dành trường ca Nước hồ mãi trong xanh để nói về người cha Ké Bằng – một người lính trở về sau chiến tranh; tấm huân chương là biểu tượng của một thời oanh liệt, cũng đồng thời là sự ghi nhận cho những ngày Ở chiến trường, đói rét cứ thừa dư/ Còn tất thảy mọi thứ đều thiếu thốn. Sự “hao gầy” của những người mẹ vì thao thức ngóng đợi những đứa con cả khi còn chiến tranh cả khi đã hòa bình được thể hiện thật lay động, ám ảnh: Mỗi con mỗi góc trời xa/ Trái tim của mẹ chia ra mấy phần? (Từ Ngàn Phố); Chiến tranh qua từ lâu/ Mẹ hao gầy không ngủ (Đoàn Ngọc Minh)… Nỗi đau của người mẹ cũng là nỗi đau của toàn dân tộc.
Trong sáng tác của các tác giả thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba của văn học dân tộc thiểu số dần có những khai thác sâu sắc hơn đến vấn đề riêng của con người, những thân phận nhỏ bé, bởi thế giàu tính nhân văn hơn khi chứa đựng những tâm tư, tình cảm vui buồn sâu lắng và cả những bi kịch cá nhân. Văn học dân tộc thiểu số cũng đang chứng kiến sự xuất hiện và bứt phá của một số gương mặt trẻ hướng cái nhìn của mình về chiến tranh. Đây là cách Hoàng Chiến Thắng viết về hậu họa dai dẳng của cuộc chiến: Những người đàn bà đi qua chiến tranh/ Hình hài đứa con minh chứng…/ Đứa trẻ đi qua bình yên/ Từ ngổn ngang nỗi lòng người mẹ…/ Người đàn bà đi qua cơn mê…/ Bên đứa con chưa lần nghe tiếng súng/ Nhưng mãi là chiến tranh (Đứa con của chiến tranh).
Viết về chiến tranh cách mạng nhưng không chỉ nhằm ái mộ, ngợi ca mà còn nhằm sẻ chia, đồng cảm, đó cũng là cách các nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số tri ân những con người đã không tiếc máu xương để góp phần “làm nên lịch sử”, “làm ra đất nước”.
Nguồn: https://vanvn.vn/