Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Văn nghệ dân gian: "Nhà quê" của tác giả Tăng Bá Hoành
31/08/2022 12:00:00

Nhà quê, theo nguyên gốc của từ này có nghĩa chỉ quê hương, bản quán nhiều đời của những người đã ly hương, sống ở miền quê khác. Nhà quê ấy có thể là nông thôn, thành thị hay miền núi, xa gần tùy hoàn cảnh, nó thường gắn liền với sinh quán. Nói thường gắn liền với sinh quán vì có những người quê một nơi mà sinh ở một nơi, quê gốc nhiều đời lại ở một nơi khác, nên trong lý lịch mới có ba mục: sinh quán, trú quán, nguyên quán. Hằng năm họ nhớ quê thì về thăm quê, ở đó có thể còn cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm thân thuộc. Có những người sống xa quê nhiều đời, quê gốc trở thành cố hương nhưng vẫn nhớ quê và thường về thăm quê trong dịp lễ tết, trân trọng những người cùng quê chả cứ họ hàng thân thuộc. Những người sống xa quê một hai đời, thường liên kết với nhau, lập ra hội đồng hương.

Cuộc sống ở mỗi nơi có sự vận động khác nhau, tạo nên điều kiện sống cũng như mức sống khác nhau. Do điều kiện địa lý, một số làng quê được chọn làm trị sở của quốc gia hay vùng miền, tỉnh huyện. Ở đấy thời phong kiến có thành, có bến sông, có nhu cầu hậu cần cho quan lại, lính tráng, và đương nhiên phải có chợ, có hàng quán, thế là thành đẻ ra thị, khái niệm thành thị ra đời. Có thành thị tất có thị dân, có nhu cầu hàng hóa, trong đó có sản phẩm của các ngành thủ công. Lúc đầu họ chuyên chở sản phẩm từ làng nghề đến thành thị để bán, dần dần thợ đến bên chợ, lập phố phường sản xuất để thuận tiện cho việc làm ăn, thế là phố phường thủ công ra đời. Ở Thăng Long, nhiều làng nghề của trấn Hải Dương lên kinh đô hành nghề, lập ra phố nghề, phường buôn bán, như phố Hàng Bạc, phố Hàng Đào, phố Hài Tượng... Ở phố họ dựng đình, thờ thành hoàng như ở quê gốc.

Trước năm 1804, Hàn Giang, tức trung tâm thành phố Hải Dương hiện nay chỉ là một làng quê bình thường bên ngã ba sông, thế mà sau 1923, thành một trong ba thành phố lớn ở Bắc Kỳ. May mắn như Hàn Giang không nhiều, còn lại vẫn là nông thôn, là nhà quê của những người ly hương ra thành phố. Thị dân bao giờ cũng có điều kiện sống tốt hơn, từ ăn, ở, mặc, sinh hoạt văn hóa, đến học hành, điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe, tạo nên cuộc sống phong lưu, lịch lãm hơn nông thôn. Ca dao có câu:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Tràng An là kinh đô của 13 triều đại phong kiến Trung Quốc, có từ thời nhà Hán, nơi giầu có, thanh lịch nổi tiếng một thời, giữa thế kỷ VIII đã có trên một triệu dân, thành phố đông dân nhất thế giới lúc đó, sau trở thành danh từ chỉ phồn hoa đô thị ở một nước, mà ở đây là Thăng Long. Để có cái hoa nhài thơm ấy, quốc dân đã mất bao xương máu và công của để xây dựng, bảo vệ và nuôi dưỡng hàng thiên niên kỷ. Bao nhiêu nhân tài, vật lực, trai thanh, gái lịch tập trung về kinh đô, bao nhiêu của ngon vật lạ cống hiến cho kinh đô, bao nhiêu thợ lành nghề phải lên kinh đô làm đồ ngư dụng, cho nên kinh đô giầu sang chẳng có gì lạ. Sau kinh đô là những trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế cấp địa phương, cuộc sống cũng chả kém mấy kinh đô dù gọi cho là tỉnh lẻ. Một thời người ở kẻ chợ tức nơi đô thị, ở đây chỉ Thăng Long, tự hào rằng: giầu thủ quê cũng không bằng ngồi lê kẻ chợ.

Khi khai quật Hoàng thành Thăng Long, người ta thấy nhiều cổ vật được sản xuất tại chỗ, nhất là đồ gốm, họ cứ tưởng là người kinh đô sản xuất, nhưng thực ra đều là thợ giỏi từ các làng nghề bị điều lên kinh đô làm đồ ngự dụng, xong việc được về quê là may, nếu làm những việc cực mật thì mất tích là thường. Hơn nữa làng nghề không thể sống trong hoàng thành, vì vua không phải chủ tịch hội đồng quản trị, cũng không thể ở trong nội đô vì đất đai chật hẹp, chỉ có thể lập thành phố nghề và họ có quan hệ mật thiết với làng nghề của họ trong việc kinh doanh, sản xuất. Thợ làm đẹp cho dân đô thị từ đôi giầy, đến lụa là, quần áo, mũ nón... đều do dân nhà quê làm ra, các đặc sản đều do dân nhà quê nuôi trồng, sản xuất, đánh bắt. Tuy nhiên kinh đô không phải cái gì cũng đẹp, vật nào cũng tốt mà ở đấy là thượng vàng hạ là cám, cho nên dân gian có câu:

Kinh đô cũng có kẻ rồ,

Thôn quê chẳng thiếu sinh đồ trạng nguyên.

Điều đó hoàn toàn đúng, trong số gần 3.000 tiến sĩ Nho học thời phong kiến, đọc văn bia Tiến sĩ đề danh ký ở Quốc tử giám sẽ thấy đại đa số là người nhà quê.

Ngôn ngữ Việt Nam nhiều từ kép có nội hàm rất sâu sắc, ví dụ từ giầu sang, nghèo hèn. Không phải ai giầu cũng sang, ai nghèo cũng hèn, nhưng thực tế nó vẫn ám ảnh cuộc sống con người, nó chi phối nhận thức nhiều người vì thực tế phần lớn như vậy, từ đó dẫn đến nhận thức sai lệch về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tức là nhà quê, nơi tạo nên văn minh đô thị, nơi sinh trưởng của bao thế hệ người thành phố, nuôi dưỡng sức sống mọi thời đại, sức mạnh chống ngoại xâm. Dân tứ trấn là dân phên giậu bảo vệ kinh đô, vì nhiều lý do, họ gọi thành dân tứ chiếng, ám chỉ dân bất hảo. Thời phong kiến, mỗi năm thiên tai, dân nhà quê đói rách kéo nhau ra thành phố đủ nghề mạt hạng, thậm chí ăn xin, nên họ khinh cũng có cái lý của họ.

Thị dân, đời thứ nhất sống ở đô thị, tình quê còn thắm thiết, đến đời thứ hai, thứ ba phai nhạt dần. Nếu giáo dục nhân văn kém, con cháu nhiều khi coi thường cả ông bà nội ngoại, chưa nói đến họ hàng, làng xóm. Họ coi những người ở quê ra tỉnh là quê kệch, quê mùa, khù khờ, dốt nát, nghèo nàn, nói năng ngọng nghịu, thô tục, ăn mặc lôi thôi, hôi hám... Nếu người nhà quê ở lại nhà người thân ở phố một hai ngày là gia đình như đảo lộn, mất tự do ăn ở, đôi khi còn sợ vay mượn, sợ mất của cải... Trong giao tiếp, chỉ qua ánh mắt, cử chỉ người nhà quê hiểu, thế rồi tình cảm nhạt dần, có ra thành phố cũng không vào người thân, trừ khi hiếu, hỷ, ốm đau. Dần dần từ nhà quê trở thành một khái niệm khinh miệt của không ít người đô thị, không chỉ ngày xưa mà nay vẫn còn lác đác đâu đó, nhất là trong văn nghệ, trong phim ảnh, khi nói về nhà quê, là y như có sự ngây ngô, nông thôn thành nông thộn, tuy không phải là tất cả, điển hình là nhân vật Lý Toét, Xã Xệ trong Tự lực văn đoàn trước cách mạng, chỉ khi có chiến tranh hay sự cố lớn của đất nước, họ mới nhận ra bản chất của người nhà quê, mới nhớ đến quê.

Người nhà quê phần lớn tuy nghèo nhưng tự trọng, ít khi nói thẳng điều mình nghĩ với mọi người, ai cho cái gì thì nhớ để có cơ hội thì báo đền, cho ai cái gì thì cố quên để tránh phiền hà, đó là lẽ sống được thừa kế truyền đời từ ông cha, được giáo dục qua thực tế. Người nhà quê chữ không nhiều nhưng nghĩa lại hiểu. Thời phong kiến, nhiều bà mẹ không biết chữ nhưng nuôi dạy con đỗ ông cống, ông nghè là thường.

Trong chiến tranh vệ quốc, triều đình nước ta nhiều lần phải rút khỏi kinh đô, khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng, tránh thế mạnh ban đầu của giặc, thực hiện kế thanh dã, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, dựa vào dân, tin ở dân, đó là phương châm muôn thủa của ông cha ta. Ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, rồi Minh, Thanh đều như vậy. Thậm chí trong chiến tranh chống Pháp, Chính phủ ta cũng phải rút khỏi Hà Nội, lên Việt Bắc hơn bảy năm mới trở về trong niềm vui chiến thắng.

Trong kháng chiến chống Pháp, không ít người thành phố về nông thôn, tức nhà quê tản cư, hòa bình lập lại mới trở về thành phố. Trong chiến tranh chống Mỹ, hầu hết người thành phố về nhà quê sơ tán. Người nhà quê nghèo là phổ biến, nhưng tấm lòng rộng mở. Họ quan niệm rằng, đêm nằm, năm ở, có khi cả đời, người ta mới nhờ mình một lần. Cho nên, nhà gian nào tốt nhất nhường cho đồng bào tản cư, sơ tán, không ai lấy tiền nhà của người sơ tán khi lánh nạn, kể cả ở hàng năm. Chủ nhà đi làm, giao hết tài sản cho bà con sơ tán, coi họ như người thân trong nhà. Gạo nước, rau quả, củi rác còn cứ việc dùng, mọi việc tính sau. Chúng ta biết rằng trong chiến tranh, ở nông thôn miền Bắc, lương thực, thực phẩm và chất đốt là vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Thời chống Mỹ, thị dân được nhà nước bao cấp những mặt hàng thiết yếu, quan trọng nhất là lương thực, thực phẩm, còn nông thôn không chỉ tự túc mà còn đóng góp cho chiến trường với khẩu hiệu: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.

Người thành phố thường chê người nhà quê nói thô thiển thậm chí ngọng ngịu. Thực chất chỉ là một cách nói của vùng miền, là phương ngữ, là thổ âm. Cách phát âm người Hà Nội tuy hay, nhưng không phải từ nào cũng chuẩn, kể cả trên thông tin đại chúng, nhất là những từ có chữ s, r, tr... Cái gọi là ngọng ấy nhiều khi là điều kiện cần để nhận đồng hương khi xa quê. Không nên vì cái ngọng ấy để đánh giá văn hóa vùng miền. Nhiều cán bộ, chiến sĩ nói ngọng, thậm chí còn viết ngọng mà trở thành anh hùng. Trong một đất nước bị chia cắt, bị đô hộ, ít được giao lưu, lại nhiều dân tộc, ở khắp các vùng miền, cách đò, cách sông hàng nghìn cây số thì phương ngữ phát triển và tồn tại là bình thường. Nam Bắc mới bị chia cắt 20 năm mà đã biết bao từ ngữ khác biệt về cách viết và cách nói. Hiện nay cách phát âm đã chuẩn mực nhiều, nhất là trong giáo dục, nhưng phương ngữ, thổ âm sẽ không bao giờ mất, bởi vì đó là văn hóa, là truyền thống của cư dân vùng miền cần được tôn trọng. Dân gian thường nói, chửi cha không bằng pha tiếng. Hải Dương, là một trong những tỉnh phát âm hơi nặng và ngắn gọn do ảnh hưởng vùng cư trú và duyên hải, thường sai một số âm chuẩn, nhất là n thành l, người khác tỉnh gọi là nói ngọng, coi như một sự yếu kém về văn hóa. Thực tế vùng miền nào cũng có những từ phát âm không chuẩn với tiếng phổ thông mà nơi khác gọi là ngọng, là sai. Cách nay nửa thế kỷ, có giai thoại rất hay về vấn đề này. Bấy giờ người nào có bằng Phó Tiến sĩ ở nước ngoài về thì dân quê kính nể lắm, được tôn làm thày. Có một ông Phó Tiến sĩ ngôn ngữ trẻ học ở nước ngoài về thăm quê ở Hải Dương, trong lúc chờ đò, thấy ông lái đò nói ngọng, đảo lộn hết các từ, ví dụ Hà Nội thì nói thành Hà Lội, đi làm lại nói là đi nàm. Thầy ngôn ngữ bức xúc hỏi ông lái đò:

- Khi còn đi học, bác có bao giờ được học cách phát âm và ngữ pháp không?

Ông lái đò biết ý, trả lời ngay:

- Bố mẹ em lói thế nào, em lói thế, học thấp nắm. Thày hẳn ở lước ngoài về?

- Đúng thế! Ông Phó Tiến sĩ cũng trả lời ngay và nói thêm: nói mà sai ngữ pháp đối với chúng tôi như mất nửa đời người. Ông lái đò im lặng, biết mình ít học.

Thế rồi đò rời bến, ra đến giữa sông thì sóng to, gió lớn, thuyền lại cũ rách. Ông lái đò hỏi thày ngôn ngữ một cách chân thành:

- Thày có biết bơi không?

- Tôi không, vì ở xứ người nhiều năm, lại ở vùng lạnh giá, chỉ tập trung học tập, ít để ý đến bơi lội.

Ông lái đò nói ngay:

- Em không biết ngữ pháp thì chỉ mất nửa đời người thôi, còn thày mà không biết bơi có thể mất cả đời người, nếu thuyền đầy nước.

Trước tết năm kia, ở Vũ Hán Trung Quốc sinh ra con Covid, thật khó trị. Nó mượn phương tiện hiện đại của con người đi từ châu lục nọ sang châu lục kia chỉ vài tiếng, thế là hầu hết các nước và vùng lãnh thổ mắc Covid. Chúng ta đang chống tiêu cực và tham nhũng không có vùng cấm. Riêng Covid đúng là không có vùng cấm thật, bất kể thể chế chính trị, vùng miền, lãnh thổ, biên giới, sắc tộc, tôn giáo, đẳng cấp, giầu nghèo, sang hèn, khỏe yếu, già trẻ, nếu không thực hiện 5K là mắc. Đã mắc không chết thì cũng mệt mỏi dài ngày, chữa trị tốn kém. Mới chưa đầy hai năm, nhân loại đã mất 5 triệu người. Bệnh nhân chết một cách đau thương và cô đơn nhất, người thân không được đến gần.

Từ chuyện Covid mới sinh ra chuyện hàng triệu đồng bào ra phố làm ăn chạy về quê tránh. Quê ở đây chính là nông thôn, là nhà quê. Chưa bao giờ từ quê hương lại đằm thắm đến thế. Trẻ em sơ tán về nông thôn, về nhà quê, rồi đi học trường làng, chờ thời về phố. Công nhân về quê để tránh Covid, giúp gia đình làm nông nghiệp, chờ thời, còn công ty mong họ sớm trở lại, vì tự động hóa chưa thay được lao động nhà quê. Tình cảnh làm chúng ta nhớ đến thời chống máy bay Mỹ oanh tạc. Các đại dịch từng có trong thế gian này thường phát ra từ vùng nông thôn nghèo đói, lạc hậu, họ hàng nhà Covid này lại khác người, cứ tấn công vào chỗ đông người, nơi nhiều giao tiếp, những chỗ biểu trưng cho văn minh, đó là đô thị. Nghề lái máy bay là cao quý thế, thu nhập cao, thế mà Covid làm cho thất nghiệp, máy bay nằm dài ở phi trường hàng năm không cất cánh được. Nhiều công ty lớn, tuyên bố phá sản. Con Covid mắt thường không nhìn thấy mà gớm thế.

Rất may, nông thôn Việt Nam thời Covid đã khác xưa trên nhiều phương diện nhờ chính sách tam nông và xóa đói giảm nghèo, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, chỗ dựa vững chắc cho công nhân. Sau nhiều năm ra phố kiếm sống, nay hãy bình tĩnh xem lại nhà quê xem sao, trước hết là nhà quê Hải Dương.

Muốn biết cái bụng của người nhà quê hiện nay thế nào hãy ra thăm các chợ. Thành phố có món gì, nhà quê có món ấy, trên rừng, dưới biển đủ loại, chỉ kém thành phố vài thứ nhập ngoại trong siêu thị, những thứ đó nhà quê lại không ưa. Cá thịt đã không thiếu lại tươi và rẻ. Rau củ quả, thì quá thỏa mãn, chỉ có xuất ngoại, còn ăn sao hết. Gạo thì thừa lại ngon. Bánh kẹo đủ loại trong và ngoài nước, dù ngon vẫn khó bán.

Mặc thì đủ mốt, đủ loại, đủ màu. Trẻ em mà đã mặc quần bò xơ gấu, rách gối, trông thật phong sương hơn cả cao bồi Nam Mỹ. Lễ tết thì khỏi chê, phụ nữ váy cộc quần chùng, áo ngắn, khăn dài mỏng dầy đủ mốt, đủ màu, thị tứ nào cũng có cửa hàng thời trang, làm đẹp.

Nhà ở và phương tiện sinh hoạt quan trọng bậc nhất, nay đổi mới thật phi thường. Sau giải phóng miền Nam, nhiều chiến sĩ xa nhà hàng chục năm, trở về quê chẳng khác ngày ra đi, rất dễ nhận ra làng mình, mái rạ bạc mầu thân quen từ đầu làng cuối xóm, vài mái ngói rêu phong của những đình chùa, nhà thờ họ còn sót lại trong chiến tranh, đâu đâu cũng xanh ngắt lũy tre, đây đó còn ngọn tháp nhà thờ Thiên chúa giáo đơn độc xa xa.

Nông thôn Hải Dương đã hoàn thành kiên cố hóa và ngói hóa nhà ở. Đâu đó nếu có một mái nhà tranh thì không phải nhà của người nghèo mà là nhà của các đại gia làm để ăn chơi hay dịch vụ. Cả làng là nhà xây mái ngói hoặc mái tôn đủ loại trong và ngoài nước. Năm 1915, nhà công sứ Pháp ở Hải Dương lợp bằng ngói từ Mác-xây chở sang dân ta thấy lạ, bây giờ nông thôn lợp ngói Hàn, ngói Nhật, không chuộng ngói Pháp, mà ngói Việt cũng chẳng kém gì ngói nước ngoài. Cửa gỗ lim không thiếu, nhưng kính nhôm hợp thời hơn. Nhà một hai tầng, diện tích hàng trăm mét vuông mọc lên hàng loạt, kiểu ta, kiểu Tây, kiểu Trung Đông, kiểu Thái đa phòng nhiều mái, đua nhau kiến thiết, mỗi phòng trang thiết bị một kiểu, giường cải tiến, tủ đứng tủ ngồi, ti vi màn hình rộng, máy lạnh hai chiều. Hè ốp đá màu, nền lát gạch men cỡ lớn, vách dán tranh xứ. Bếp rộng, chạn dài, tủ lạnh đa năng. Góc sân không phải những bụi tre lả lơi kẽo kẹt mà là những cây cảnh gốc đã vài chục năm, ít ra là những chậu hoa rực rỡ, vài giò phong lan. Những ngôi nhà như thế chưa nhiều nhưng đã thành phổ biến. Tre bị đẩy lùi ra tận chân đê gác sóng. Năm 1923, trị sở tỉnh Hải Dương được Toàn quyền Đông Dương đề bạt lên đô thị loại ba, khi đó chỉ có hơn 500 ngôi nhà xây từ 1-2 tầng đã là một trong ba thành phố lớn nhất Bắc Kỳ. Nếu lấy tiêu chí ấy mà xếp hạng thành phố thì xã nào của Hải Dương nay cũng xứng danh thành phố. Nhà cấp bốn, tức nhà xây, mái tre gỗ, lợp ngói còn nhưng không nhiều, đó là nhà của những gia đình ra phố làm ăn, hoặc đi nước ngoài chưa về, chỉ còn ông bà già ở lại chưa có nhu cầu xây dựng nhưng tiền đã có tích lũy, hoặc những gia đình còn khó khăn, gọi là hoàn cảnh, tỷ lệ chỉ vài phần trăm. Cũng không ít ngôi nhà cấp bốn bỏ hoang, dù là khang trang, vì chủ đã đi xa.

Tiền ở đâu mà xây dựng nông thôn như thế, thật dễ hiểu, hãy xem người nhà quê làm gì và chi tiêu thế nào.

Học hành và việc làm là vấn đề căn bản của cuộc sống. Mong muốn của Bác Hồ sau Cách mạng tháng Tám là ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, nay đã tiến tới. Ba thứ giặc sau Cách mạng là đói, dốt và ngoại xâm, cũng đã được thanh toán. Ngày nay học không chỉ chống mù chữ mà phấn đấu lấy bằng Cử nhân, Tiến sĩ, Kỹ sư, đó là trách nhiệm, danh dự, là mức sống. Nếu sau chống Mỹ ra ngõ gặp anh hùng thì nay ra ngõ không gặp Tiến sĩ thì cũng Cử nhân. Một thời hỏi thăm nhau bằng cấp nào, chức vụ gì, thì nay hỏi thăm thu nhập thế nào, làm ăn ở đâu, nghề gì, vào biên chế nhà nước không phải mục tiêu hàng đầu như thời bao cấp. Ước mơ gần đây của thanh niên là một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh, bây giờ cũng chẳng có gì cao xa.

Thông tin, giao thông, điện khí hóa, tự động hóa, dịch vụ các kiểu có mặt ở miền quê. Cách đây 40 năm, trên bàn có chiếc điện thoại quay số thì không thủ trưởng cũng là chuyên viên bậc cao, nay nhà quê không dùng, phần lớn dùng điện thoại thông minh, giao tiếp khắp thế giới, không những có tiếng mà còn cả hình. Xem phim, nghe nhạc, đọc báo, tra từ điển, học ngoại ngữ, thanh toán tài chính, tư vấn nông nghiệp, y tế... một điện thoại là xong. Khi học sinh phải học trực tuyến, nông thôn Hải Dương không đến nỗi xôn xao, vì phần lớn gia đình có mạng, đã đầu tư sớm phương tiện học từ xa cho con cháu.

Hãy nhìn trên đường giao thông liên xã, chợ phiên, mấy ai còn gánh gồng, chí ít cũng xe đạp, xe điện. Sáng sáng, mỗi xã hàng trăm xe thồ, ô tô chở hàng đến thành phố, đến chợ đầu mối, mua và bán. Đường nhựa đường bê tông đã đến từng nhà, tiến dần ra đồng ruộng. Mua bán gì, xe chở đến tận nơi. Taxi thôn xóm nào cũng có, gọi là đến ngay. Trước ngõ, xưa thường buộc một con trâu những tháng nông nhàn, thì nay là nơi đỗ ô tô các kiểu, tùy theo nhu cầu từng nhà, tuy chưa nhiều nhưng cũng không ít. Nông thôn chả mấy nhà đun bếp củi, phần lớn dùng bếp ga, bếp điện, lò vi sóng.

Việc làm là nguồn gốc của thu nhập của mọi nhà. Hiện nay ở nông thôn Hải Dương, mỗi xã có hàng nghìn người đi làm công ty, hàng trăm người đi lao động nước ngoài, còn lại tham gia các dịch vụ, làm nông nghiệp, gian nan, vất vả vô cùng ở xứ người, ở công ty này nọ, làm việc cả ngày, thậm chí cả đêm. Một thời để có suất đi làm ăn ở nước ngoài, mất vài trăm triệu, có khi mất trắng mà về không. Giờ đi làm hai ba chục cây số, tối vẫn về kèm con học tập. Ngày nghỉ ở phố vợ chồng rủ nhau du lịch, nhà quê làm vườn, đi chợ cóp thêm tiền nuôi con đi học, mấy ai thấu hiểu nỗi gian truân thầm kín đó của người nhà quê. Đổi lại mỗi năm, mỗi nhà thu vài chục triệu, rồi vài trăm triệu, đủ trang trải cuộc sống thường ngày, lại còn tích lũy. Ai cũng có việc làm, ai cũng có thu nhập, chỉ sợ nghiện hút, cờ bạc, lười biếng hoặc bệnh tật. Người cao tuổi không có lương hưu thì có bảo hiểm xã hội, cuộc sống cũng ổn. Người nghèo, người cô đơn đã có chính sách an sinh. Xã mỗi tháng cũng thu về hàng tỷ lương hưu, phụ cấp xã hội tạo cho đời sống ổn định. Theo tiêu chí mới, người nghèo ở Hải Dương cũng chỉ vài phần trăm. Nghèo nay khác xưa, nghèo mà ở nhà ngói; điện, nước máy đủ dùng, ăn no, mặc ấm, chữa bệnh có bảo hiểm, không nhiều cũng đỡ khó khăn. Việc sinh đẻ tiến bộ nhiều, trẻ em không đông nhưng được chăm sóc chu đáo. Điện đường trường trạm là mục tiêu phấn đấu một thời, nay đã xong, bắt đầu nâng cấp. An ninh được đảm bảo, nhất là khi công an được biên chế đến tận xã.

Hay theo dõi nhà quê Hải Dương trong một ngày. Buổi sáng, làng xóm vắng lặng, người lớn đi làm, đi chợ, trẻ em đến lớp, đường thôn chỉ thấy vài con bướm lượn trên những luống hoa ven đường. Năm giờ chiều, loa phóng thanh rộn rã đưa tin từ làng đến nước, rồi cả thế giới. Tối đến đèn điện sáng trưng đường xóm, điện chẳng ai cho mà do dân tự đóng góp. Trong sân đội sản xuất xưa hay sân nhà rộng hiện nay, người ta nhẩy múa, chơi thể thao, tập thể dục. Hai năm chống chọi với Covid, đất nước biết bao khó khăn, nhưng kinh tế vẫn âm thầm phát triển, riêng Hải Dương vẫn ổn định. Tích lũy một năm, 10 năm, rồi 20 năm. Thu không cao nhưng nhưng tiệm tiến, lại tiết kiệm. Không ai đếm tiền được trong túi người nhà quê, ngày nào họ cũng kiếm ra tiền, dù không nhiều, lại được hỗ trợ của chính sách nhà nước, tích tiểu thành đại, từ vài chục đến vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. Tiền ấy để làm gì nếu không xây nhà, tậu xe, nuôi con đi học. Mỗi năm tích cóp một chút, nhưng không ngừng nghỉ, từ đói nghèo, nhà tranh vách đất, 40 năm sau trở thành tỷ phú. Ước mơ xưa nay không chỉ thành hiện thực mà còn làm nhiều người xa quê ngỡ ngàng trước cảnh đổi thay nhất là những người vượt biên, di tản đi tìm đất hứa, không ngờ hạnh phúc lại chính ở quê mình.

Nông thôn Việt Nam chưa giầu, nông thôn Hải Dương cũng vậy, còn nhiều việc phải làm, phải khắc phục, phải phấn đấu, nhưng thực tế đã bước vào ngưỡng cửa của xã hội văn minh.

Nhà quê ngày ngay đã khác xưa, khoảng cách về chất lượng cuộc sống đã được rút ngắn so với đô thị, tương lai đầy hứa hẹn, bởi thế nên hiểu đúng về người nhà quê, chớ có coi thường nhà quê. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn: "Kẻ lập dị" của tác giả Trần Thúy Lành(30/08/2022)
Tản văn "Xôn xao hương rừng" của tác giả Đào An Duyên (30/08/2022)
Âm nhạc: Hải Dương - mảnh đất tình đời(29/08/2022)
Truyện ngắn: "Châng lâng" của tác giả Út Ninh Ninh(29/08/2022)
Trăng nghiêng(29/08/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na