Trống trường điểm 6 tiếng vào lớp. Lúc này anh Đông (Phụ huynh của em Thành, học sinh lớp 8b) xô cánh cổng nhà trường xông vào.
Đông: Đâu là cô giáo Hạnh, chủ nhiệm lớp 8b? Ra đây tôi nói chuyện!
Bảo vệ: Này anh, không được tự ý vào trường như vậy.
Đông: Tôi không sợ gì hết. Cô giáo Hạnh đâu, ra đây nói chuyện với tôi.
Bảo vệ (Chạy theo): Ấy không được, đề nghị anh từ từ để tôi vào báo cáo cô hiệu trưởng.
- Đông: Tôi không việc gì phải đợi. Đâu, ai là cô giáo Hạnh, chủ nhiệm lớp 8b thì ra nói chuyện với tôi!
- Hiệu trưởng: Thưa anh, tôi là hiệu trưởng nhà trường, anh có việc gì mà bức xúc như vậy ạ?
- Đông: Tôi muốn gặp cô giáo Hạnh, để tôi nói chuyện.
- Cô giáo Hạnh (Bước tới): Dạ, tôi là Hạnh đây, anh là…
- Đông (Xông vào định tát): Này thì…!
- Bảo vệ: Ấy ấy, anh không được hành hung người khác.
- Đông: Tôi là Đông, bố thằng Thành, học lớp cô. Tại sao cô lại dám kỷ luật rồi tát con tôi thế hả?
- Hiệu trưởng: Tôi đề nghị anh Đông vào phòng Giám hiệu để trình bày rõ sự việc. Không thể tùy tiện xông vào định đánh giáo viên của chúng tôi như vậy!
- Đông: Vào thì vào, tôi sợ gì mà không vào. Các người là giáo viên, đi dạy người mà các người dám bạo lực, đánh đập học sinh. Con tôi bị các người đánh. Tôi sẽ tung chuyện này lên mạng để xem các người có bị gánh hậu quả không.
- Cô giáo Hạnh: Mong anh thông cảm, bình tĩnh. Tôi quả thật đã không kiềm chế lúc bực tức, lỡ tát cháu Thành một cái, mong anh…
- Đông: Một cái… (Đông lại lao vào định đánh cô Hạnh).
- Hiệu trưởng: Này anh Đông. Đề nghị anh dừng tay lại. Nếu anh tiếp tục hành động như vậy. Chúng tôi sẽ mời công an xã đến để giải quyết!
- Đông: Á à… Cô lại còn dám đe dọa cả tôi nữa à. Đã bạo lực với con tôi mà còn đe dọa giải quyết nữa. Các người gọi công an đi xem có giải quyết được tôi không? Còn tôi, hôm nay tôi sẽ giải quyết các người.
- Hiệu trưởng: Anh bảo vệ đâu, đưa anh ta ra khỏi trường và báo công an xã. Sự việc này, tôi sẽ giải quyết sau!
- Bảo vệ: Mời anh ra khỏi đây ngay, đi đi đi…
(Bảo vệ lôi Đông ra ngoài, hắn còn lải nhải): Tôi đẻ ra con tôi, nuôi nó lớn, tôi còn chưa dám đánh. Tại sao các người dám hả. Tôi sẽ tung chuyện này lên mạng…!
- Hiệu trưởng: Cô Hạnh! Việc này xảy ra như thế nào mà tại sao cô không báo cáo tôi?
- Cô giáo Hạnh: Dạ thưa hiệu trưởng, em Thành vốn là học sinh ngoan, học khá tốt. Nhưng gần đây, em có những biểu hiện khác thường. Hay nghỉ học, đến lớp thì không học bài và làm bài tập. Tôi đã thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở. Thậm chí còn ghi vào sổ liên lạc, viết giấy mời về gia đình nhưng không thấy hồi âm. Bản thân tôi đã chủ động đến gặp gia đình, nhưng lần nào đến cũng thấy nhà em cửa đóng then cài… Hôm trước kiểm tra bài tập em không làm. Tôi bảo em ở lại viết kiểm điểm, em kiên quyết phản đối, còn vênh mặt lên với tôi nói láo. Thấy hành vi ngang ngược vậy nên tôi đã không kiềm chế.
- Hiệu trưởng: Vậy là cô đã làm lớn chuyện rồi đấy.
- Cô giáo Hạnh: Thưa chị em biết. Nhưng không hiểu sao lúc đó em lại thiếu kiềm chế đến như vậy. Tát em ý xong, em mới thấy ân hận vô cùng.
- Hiệu trưởng: Tôi hiểu cô, nhưng bây giờ ai hiểu cho chúng ta. Nếu anh ta đưa lên mạng xã hội thật thì cô, tôi và cả cái trường này sẽ còn mặt mũi nào nữa không!
- Cô giáo Hạnh: Dạ, Không hiểu tại sao lúc ý em lại làm vậy cơ chứ. Em đáng bị trừng phạt. Hu hu…
- Hiệu trưởng: Thôi đi, bây giờ không phải lúc để khóc lóc và đổ trách nhiệm. May mà anh ta hành động trong phòng của tôi, chứ nếu hành động trước mặt học sinh thì còn tồi tệ mức nào. Cô đi lên lớp đi không kẻo muộn giờ và tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với em Thành trong thời gian vừa qua.
- Cô giáo Hạnh: Dạ vâng, chuyện này tôi đã cho các em trong tổ Cờ đỏ của lớp tìm hiểu nguyên nhân. Bước đầu các em cho biết là Thành đã giao du với nhóm bạn xấu. Chơi điện tử và những trò lố lăng khác. Tôi sẽ báo cáo cụ thể với chị sau.
- Hiệu trưởng: Thế tại sao vừa rồi cô không nói?
- Cô giáo Hạnh: Dạ, anh ta đột ngột đến và làm ầm lên như vậy, tôi chưa kịp phản ứng gì. Và anh ta cũng có để cho tôi được nói đâu.
- Hiệu trưởng: Thôi được, cô lên lớp đi. Chuyện này sẽ giải quyết sau!
*****
(Tại nhà Đông ngay buổi tối hôm đó):
- Đông: Alo em à. Em có khỏe không?
- Vợ Đông: Ui, nhìn em trong hình là anh biết em khỏe, em đẹp rồi còn phải hỏi nữa. Các con có khỏe không anh?
- Đông: À… Khỏe. Nhưng hôm qua, thằng Thành đi học đã bị cô giáo đánh.
- Vợ Đông: Trời ơi thật không? Bị đánh có đau không hả anh?
- Đông: Bị cô giáo chủ nhiệm đánh rồi tát mấy nhát. Anh đang bực đây!
- Vợ Đông: Trời ơi sao cô giáo gì mà ác thế. Thế con có bị thương không? Tội nghiệp con tôi. Hu hu… Anh đã đến làm việc với nhà trường chưa?
- Đông: Sáng nay anh đã đến rồi. Bắt gặp cô ta, nếu không có bảo vệ can ngăn, anh đã dạy cho cô ta một bài học nhớ đời, nghĩ đến con mình bị đánh mà anh điên cả tiết.
- Vợ Đông: Anh làm đúng rồi. Cô ta đáng bị trừng trị. Hừ hừ… Em đã phải tha phương cầu thực đi nước ngoài làm ăn, luôn gửi tiền về lo cho con đầy đủ. Anh có để con thiếu thốn thứ gì không?
- Đông: Em yên tâm đi. Con mình không thiếu thứ gì hết. Nó yêu cầu gì anh đều đáp ứng. Ok. Nào là quần áo đẹp. Xe đạp điện xịn, cặp sách xịn, điện thoại xịn vân vân… Mỗi ngày, anh cho hẳn 50 ngàn đồng tiền ăn sáng. Được chưa!
- Vợ Đông: Thế con đâu hả anh. Em muốn nhìn thấy nó. Hu hu… Tội nghiệp con tôi. Hu hu…
- Đông: Nó vừa xin phép anh sang nhà bạn nó chơi rồi. Em yên tâm, cậu chàng nhà ta năm nay cao lớn, ra dáng đàn ông hẳn hoi nhá.
- Vợ Đông: Hu hu… Anh ở nhà có chăm chút cho con tôi ăn uống cẩn thận không? Hu hu…
- Đông: Đã bảo là yên tâm rồi mà lỵ. Em đi làm xa, anh cũng phải đi làm. Ở nhà, anh đã thuê ô sin. Hàng ngày, tiền mua thức ăn, thức uống anh đều chu tất hết. Quá thoải mái và đầy đủ nữa là đằng khác.
- Vợ Đông: Nhưng anh cũng phải chăm chút để ý đến con. Lỡ nó chểnh mảng việc học hành.
- Đông: Đã bảo yên tâm mà lỵ… Con mình nó rất ngoan, học hành nghiêm chỉnh. Anh có số điện thoại của thằng bạn thân nó, anh điện kiểm tra hàng ngày. Nó đi đâu, làm gì anh đều biết hết. Có chuyện gì là bạn nó lại kể với anh. Còn hàng xóm hả? Thấy nhà ta kinh tế đầy đủ, đàng hoàng, mấy kẻ hay đâm bị thóc, chọc bị gạo anh bỏ ngoài tai. Bọn ghen ăn tức ở, đơm đặt chuyện. Anh không thèm chấp.
- Vợ Đông: Vậy họ nói những gì hả anh?
- Đông: Ừm…. Nào là nhà mình đại gia, con mình ăn diện, toàn dùng đồ hàng hiệu xịn sò các kiểu, "phờ dồ"… vân vân. Thôi em khỏi phải nghĩ đi.
- Vợ Đông: Đúng là toàn bọn người ngứa mép ăn khoai. Thấy nhà người ta hơn là tức điên, nhảy ngược. Anh cứ diện thật nhiều vào cho con, xem có đứa nào tức nổ tim, bục phổi ra không. Hix!
- Đông: Ừm… Thôi, đã bảo là em cứ yên tâm mà lỵ.
- Vợ Đông: Nhưng em không thể yên tâm được. Anh phải làm ra nhẽ chuyện con bị đánh kia kìa!
- Đông: Ừ thì đã bảo là yên tâm mà lỵ. Em biết không, anh đã đăng bài lên mạng xã hội để phơi bày hành động bạo ngược của cô ta. Cư dân mạng đang xôn xao lên. Có rất nhiều người phê phán cô giáo và ủng hộ việc làm đúng đắn của anh.
- Vợ Đông: Vậy tốt quá rồi. Trời ơi, con tôi sao bị đánh chứ. Con ơi, hu hu…
(Vợ chồng Đông đang nói chuyện thì có tiếng gõ cửa):
- Nam: Cộc cộc cộc… Chú ơi, mở cửa cho cháu.
- Đông: Ai đấy, đợi tao mở cửa.
- Nam: Chú. Chú nhanh, xóa ngay cái bài chú đăng facebook sáng nay. Xóa nhanh đi chú.
- Đông: Ô cái thằng này, mày làm gì mà hốt hoảng như cháy nhà, chết người thế hả?
- Nam: Nhanh lên chú. Cháu đã bảo chú xóa ngay đi, rồi cháu nói chuyện.
- Đông: Tao không xóa đấy, mày làm gì được tao.
- Nam (Hét lên): Chú! Chú đưa điện thoại đây mau. Để cháu xóa.
- Đông: Ô mẹ cha thằng này, em mày bị người ta đánh mà mày không xót. Mày lại sợ cái gì. Hay mày lại đi bênh vực người ta.
- Nam: Chú ơi, cháu xin chú. Chú làm lớn chuyện rồi. Cư dân mạng họ đang ầm ĩ lên vì cái việc của chú, của em Thành kia kìa. Cháu thấy chú đăng lên facebook, cháu đã điện mà chú không nghe máy. Cháu phải nghỉ làm chiều nay để về gặp chú. Chú nhanh xóa đi mau…
- Đông: Hê hê… Thế tốt rồi, càng nhiều người xem càng tốt, càng nhiều người chia sẻ càng hay.
- Nam: Chú! Tại sao chú lại làm như vậy. Chú có biết họ đã chia sẻ rất nhiều. Họ đã bình luận rất nhiều rồi không?
- Đông: Tao biết chứ. Đã có rất nhiều người khen tao trượng nghĩa, dám mạnh dạn đấu tranh với cái xấu, cái không đúng đấy thôi. Hay rồi. Ha ha…
- Nam: Chú ơi là chú ơi. Chú điên rồi. Chú xóa đi.
- Đông: Này, mày bảo ai điên hả? Loại con cháu mất dạy. Bố mẹ mày cho mày ăn học. Bây giờ cậy làm giảng viên Đại học rồi về láo với chú thế à. Đồ bất hiếu. Mất dạy!
- Nam: Chú, hôm nay chú muốn bảo cháu là gì cũng được. Là láo, là hư, là bất nhân, bất nghĩa gì cũng được. Nhưng chú hãy làm ơn xóa cái bài viết ấy đi ngay. Chú đừng bôi nhọ các thầy cô như vậy. Cháu van chú…!
- Đông: Tao không xóa là tao không xóa. Xem mày làm gì được tao!
- Nam: Chú, chú đưa điện thoại của chú đây. Con xin chú!
(Hai người giằng nhau điện thoại. Chiếc điện thoại văng mạnh xuống nền nhà).
- Đông: Á à… Mày dám tranh cướp điện thoại của tao. Bây giờ nó vỡ rồi đấy. Mày có biết cái điện thoại này đáng giá bao nhiêu tiền không hả? Mày có tiền để đền cái điện thoại của tao không?
- Nam: Chú ơi, cháu xin lỗi. Cháu không cố ý. Nhưng chú phải làm cách nào xóa nhanh cái bài viết kia đi. Cháu xin chú mà. Chú không hiểu hậu quả nó tồi tệ đến mức nào đâu! Cháu xem facebook của em Thành, cháu thấy nó đang ăn chơi, đàn đúm với bọn xấu kia kìa. Biết đâu cô giáo tát phạt chỉ vì em Thành nhà ta hư?
- Đông: Á à, mày còn nói xấu con tao và bênh người khác. Mày cút. Cút khỏi nhà tao. Mày còn ở đây, tao sẽ đập cái điện thoại vào mặt mày cho coi. Cút!
- Nam: Hu hu… Chú ơi, chú mà cứ bảo thủ, bênh con thế này là chú tự hại em Thành. Chú giết nó đấy, chú có hiểu không? Rồi còn danh dự của cô giáo nữa!!!
*****
(Hội đồng nhà trường họp phiên bất thường ngay buổi sáng hôm sau. Mọi người đang trong không khí trầm lắng).
- Hiệu trưởng: Kính thưa các đồng chí. Hôm nay, hội đồng sư phạm nhà trường họp đột xuất về việc xảy ra sáng hôm qua. Do đồng chí Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 8b đã không kiềm chế mà đã tát em Thành, khiến phụ huynh của em đến nhà trường làm ầm ĩ.
Không chỉ đến có hành động ngang ngược, đòi hành hung cô giáo Hạnh mà anh ta còn đăng bài lên mạng xã hội làm ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh và uy tín của nhà trường chúng ta. Bây giờ tôi xin ý kiến đề xuất của các đồng chí, xem giải quyết việc này như thế nào. Xin mời các đồng chí!
- Giáo viên nam: Thưa chị, chúng tôi cũng cảm thấy rất đau lòng khi sự việc này xảy ra. Chúng ta cũng phải có ý kiến phản hồi bình luận như thế nào trên mạng xã hội, để giải thích việc làm của đồng chí Hạnh chứ. Như các đồng chí thấy, đồng chí Hạnh xưa nay vẫn là một giáo viên mẫu mực. Có chuyên môn tốt, thương yêu học trò. Việc xảy ra kia cũng chỉ là bột phát.
- Giáo viên nữ: Nói thật, việc làm của đồng chí Hạnh quả thực là không nên. Gần đây, hiện tượng đánh mắng học trò đã bị mạng xã hội nhiều người phê phán thậm tệ. Có ít thì xít ra nhiều, nên tránh vẫn là tốt hơn.
- Giáo viên Nam: Thật đáng sợ cho cái mạng xã hội. Đứng trước một hiện tượng, họ chưa suy nghĩ thấu đáo vấn đề mà đã vội quy kết. Các đồng chí thấy không, học sinh của chúng ta bây giờ hầu hết như ông hoàng, bà chúa. Xã hội đã tự trao cho cả phụ huynh lẫn học sinh quá nhiều quyền, trong khi đó, giáo viên chúng ta có những quyền gì nào? Chỉ có cái quyền duy nhất là phải dạy để cho con họ giỏi, con họ ngoan. Nếu không giỏi, không ngoan là họ cho rằng chúng ta không biết dạy.
Bố mẹ chúng thì đi làm tối ngày, mải mê kiếm tiền, vứt vạ con cái cho tự do lêu lổng. Đến trường, thích chơi hơn là thích học. Nếu có trách phạt thì lớn tiếng bênh con, chửi bới giáo viên chẳng ra gì. Các đồng chí thử bị học sinh của mình ngỗ ngược, vênh mặt lên nói láo với thầy, các đồng chí có chịu được không? Tôi cho rằng cái tát của đồng chí Hạnh với học sinh hư là hoàn toàn xứng đáng.
- Giáo viên nữ: Tôi là giáo viên dạy bộ môn ở lớp đồng chí Hạnh. Em Thành trước là học sinh ngoan. Nhưng gần đây học hành sa sút. Đồng chí Hạnh mới tâm sự với tôi là: đã cho tổ Cờ đỏ đi theo dõi và biết em Thành hôm nào cũng cùng bạn bè chơi game. Cậy nhà có nhiều tiền nên đã bị nhóm bạn lớn tuổi ở nơi khác dụ dỗ đi chơi, la cà vào các quán đèn mờ, hay tổ chức đi chơi xa, cách nhà hàng mấy chục cây số. Đã có lần đồng chí Hạnh vào kéo em Thành ra từ quán game, bị nhóm thanh niên đe đánh, rồi ném đá, ném đồ bẩn vào nhà. Đe dọa sẽ khống chế cả con đồng chí Hạnh nữa. Chúng ta cũng cần có biện pháp nào để bảo vệ gia đình đồng chí Hạnh không?
- Hiệu trưởng: Như vậy tình hình đã trở nên rất là nghiêm trọng rồi đấy. Xin đồng chí Hạnh cho ý kiến?
- Cô giáo Hạnh: Thực lòng tôi cảm thấy rất hối tiếc. Khi tôi phát hiện ra em Thành có những biểu hiện xấu, tôi đã gọi em Thành ở lại để nói chuyện, khuyên răn. Nhưng các đồng chí có biết không: Em Thành đã thay đổi như một con người khác. Thái độ bất cần đến kỳ lạ. Kiên quyết phản đối những lời khuyên nhủ của tôi. Không những thế, em còn vênh mặt lên, chỉ vào mặt tôi mà nói rằng: Tôi đi chơi hay đi làm gì thì mặc kệ tôi. Không cần bà phải xía vào. Em còn văng tục ra với tôi nữa, nên tôi mới không kiềm chế được bản thân… Xin lỗi các đồng chí…
(Lúc này chú cháu Đông và Nam bước vào):
- Nam: Thưa các thầy các cô. Em là Nam cháu ruột của chú Đông. Chú cháu em biết lỗi, nay được xin vào trường để nhận lỗi. Ở ngoài chúng em đã nghe được hết câu chuyện… Chú cháu em biết phải làm thế nào đây thưa các thầy cô!
- Đông: Dạ dạ…
- Hiệu trưởng: Đấy. Bây giờ anh đã biết thế nào là: Sai một li nó đi một dặm chưa?
- Đông: Dạ…
- Hiệu trưởng: Các anh cứ tưởng có tiền rồi vứt con đến đây, là muốn làm gì thì làm sao. Chúng tôi muốn tốt cho con anh nên mới lỡ làm như thế. Anh tưởng tát được con anh một cái là chúng tôi sung sướng lắm sao. Thay vì phải cám ơn chúng tôi thì anh lại lấy oán trả ơn như vậy!
Bây giờ cả cái thế giới này họ đã biết câu chuyện của anh và việc làm của chúng tôi. Có người đồng cảm, nhưng có rất nhiều người đang chửi bới chúng tôi kia. Cho rằng chúng tôi hành hung, bạo ngược học trò.
Anh có 2 đứa con thôi, nhưng liệu dạy bảo nó, nó có nghe theo chưa. Huống hồ chúng tôi, mỗi lớp có hàng ba, bốn chục học sinh thì việc dạy dễ hay là khó? Tại sao khi lỡ tay thì lỗi cứ thuộc về thầy cô, về nhà trường mà không phải là của cả gia đình các anh chứ? Các anh, các chị mải mê đi làm kiếm tiền, nhưng nuông chiều con cái, không sát sao quản lý, có phải là tự tạo cho con 1 môi trường nguy hiểm, tự tạo điều kiện để con mình hư hỏng rồi không? Các anh nhiều tiền, nhưng có mua được trí tuệ, đạo đức và nhân phẩm cho con mình không chứ?
- Đông, Nam: Vâng…
- Hiệu trưởng: Khi xem bài đăng của anh, tôi thật buồn bởi có rất nhiều người nông cạn giống như anh: Chỉ "Thấy cây mà không thấy rừng", chỉ "Thấy hiện tượng mà đánh giá bản chất". Chưa suy nghĩ sâu xa đã vội vàng kết luận, chụp mũ đổ hết cái xấu cho người khác. Nhưng tôi cũng rất vui vì đọc được nhiều những dòng comment chí tình, thấu đáo của những người tâm huyết. Họ nói gì anh đã đọc chưa?
Họ nói rằng: Thầy cô cũng là con người, cũng có cả "Hỉ, nộ, ái, ố". Không ai tránh được những cảm xúc bất thường. Nếu các nhà trường mà không còn kỷ cương, kỷ luật. Các thầy cô không còn khắt khe với học sinh nữa thì chất lượng giáo dục và đạo đức học đường sẽ ra sao?
Đấy, anh nghĩ mà xem, khi chúng tôi lờ đi tất cả để con các anh, các chị đến trường muốn học gì thì học, muốn làm gì thì làm, thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao? Nhưng đạo đức nghề nghiệp không cho phép chúng tôi làm như thế. Đội ngũ giáo viên chúng tôi vẫn phải miệt mài, cần mẫn, vẫn phải vất vả, chấp nhận hiểm nguy vì sự nghiệp trồng người anh biết điều đó chưa? Và đến khi, chẳng may có động vào những ông hoàng, bà chúa như con anh thì kết quả sự việc sẽ như thế nào?
Câu nói của người xưa: "Yêu cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi". "Trọng thầy mới được làm thầy". Chẳng những các anh đã quên về lòng "Tôn sư, trọng đạo", chưa sang sông đã "Qua cầu rút ván". Tự do xông vào trường mà gọi thầy cô là thằng này, con nọ được sao?
- Đông: Dạ thưa cô, em biết em sai rồi ạ!
- Hiệu trưởng: Tôi không phải bênh vực hay cổ vũ cho việc làm sai của giáo viên, trái với đạo đức làm thầy; chúng tôi cũng không muốn có những người không có tâm với nghề, với học sinh mà còn đứng trên bục giảng. Nhưng cũng mong các người hãy thấu hiểu cho những khó khăn, áp lực của nghề thầy như chúng tôi. Con em các người đến trường ai cũng muốn phải học thật giỏi, thật ngoan, phải thành nhân tài, xuất chúng. Nhưng lỡ quá tay kỷ luật học trò thì kết quả sao đây? Chúng tôi còn có cái quyền được kỷ luật học trò khi mà trò hư, trò lười và trò láo không nữa?
- Nam: Thưa cô, hôm qua em thấy bài của chú em đăng. Em điện thì chú không nghe máy. Em vội về giải quyết, mãi chú mới chịu nghe. Em thành thực xin lỗi cô Hạnh, xin lỗi tất cả các thầy cô. Em cũng chính là học trò của cô Hạnh. Năm em học lớp 9, bố em gặp bệnh trọng qua đời. Em đã nghỉ học để phụ giúp mẹ, nhưng cô đã đến động viên em tiếp tục đến trường. Em không nghe lời, rồi cô quát: Em hãy nhìn thẳng vào mắt của cô, em có còn là học trò của cô nữa không? Em nói: Dạ thưa cô… có! Rồi sau đó em tiếp tục đến trường. Bao nhiêu năm thời sinh viên khó nhọc, cô đều giúp đỡ mẹ con em, nên em mới được như ngày hôm nay. Em biết ơn cô Hạnh và các thầy cô lắm. Nay chú em để xảy ra chuyện này, em không biết phải chuộc lỗi làm sao…
- Đông: Cô Hạnh! Tôi hiểu biết kém lại nghe con một chiều, không hiểu tình cảm đáng quí của cô nên đã vội vàng làm bậy. Tôi hối hận lắm rồi. Cô tha lỗi cho tôi!
- Cô giáo Hạnh: Thưa cô hiệu trưởng, thưa các đồng chí. Thực lòng tôi cũng rất hối hận. Hối hận cho hành động bột phát, thiếu kiềm chế của mình. Rất tiếc phụ huynh em Thành lại đưa chuyện này lên mạng xã hội, làm ảnh hưởng rất xấu tới hình ảnh của một nhà giáo; làm ảnh hưởng tới thanh danh của trường và của ngành giáo dục…
- Nam: Cô ơi, Em không biết làm thế nào bây giờ. Cô hãy trừng phạt chú cháu em đi. Em sẽ bảo chú em đăng bài xin lỗi cô, xin lỗi nhà trường ngay lập tức ạ.
- Cô giáo Hạnh: Thôi em ạ, bát nước đã đổ đi rồi làm sao vớt lại được. Em cũng không cần phải đăng bài đâu. Đêm hôm qua, cũng như rất nhiều đêm cô thao thức. Cô đã suy nghĩ rất nhiều. Sự nghiệp cuộc đời cô là bục giảng, là các em học sinh, là sự trưởng thành của những lớp học trò như em.
- Hiệu trưởng: Vậy là anh đã thấy chưa? Thấy những trăn trở, suy tư và cả tấm lòng nhân văn, bao dung của những người giáo viên như chúng tôi chưa?
Có thể đâu đó vẫn còn có những hành động bạo lực học trò, hay ác tâm với học sinh này nọ, nhưng đó cũng chỉ là: "Con sâu bỏ rầu nồi canh" mà thôi.
Nếu vì một cái tát mà con anh biết sai, ngoan ngoãn, học tập tốt, trưởng thành thì cái tát ấy có giá trị hay không? Ngược lại, chúng tôi không quan tâm để con anh mặc sức hư hỏng, nghiện ngập thì sẽ ra sao?
Tôi sẽ báo cáo việc này lên cấp trên để xin ý kiến giải quyết. Nhưng dù cô giáo Hạnh trường tôi có bị kỷ luật đi chăng nữa, thì tôi cũng muốn nói với các anh rằng: Chúng tôi không phải là tiên, là thánh mà hóa phép để cho con các anh giỏi và ngoan. Hãy thể hiện tinh thần thượng võ của con người Việt Nam ở trên võ đài, sàn đấu chứ đừng "Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", không "Đáng mặt nam nhi" với người đã dạy dỗ con mình. Đấy là hành động nhẫn tâm chứ không còn là thiếu văn hóa nữa.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói với các anh: Không có những người giáo viên yêu người, yêu nghề, trách nhiệm như chúng tôi, thì lấy đâu ra những kỹ sư, bác sỹ? Chẳng lẽ tất cả những nhân tài trên thế giới này, họ đều không qua trường lớp, không qua kỷ luật hay sao?
- Đông, Nam: Vâng…!