Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Đưa tác phẩm nghệ thuật đến với đời sống
05/04/2024 08:47:03

Họa sĩ Phùng Văn Tuệ (Ban Mỹ thuật)

Nhiệm kỳ vừa qua, Hội VHNT nói chung và ban Mỹ thuật nói riêng gặp nhiều khó khăn do yếu tố khách quan như: đại dịch Covid-19 khiến tất cả các hoạt động của cuộc sống chậm lại, một số họa sĩ tuổi cao sức yếu, một số họa sĩ có nghề nghiệp khác nhau không đủ thời gian chuyên tâm sáng tác. Mặc dù vậy, với sự tâm huyết, linh hoạt của lãnh đạo Hội, nỗ lực, say nghề, các họa sĩ đã vượt qua, trên hết vẫn cùng nhau tích cực duy trì sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm có chất lượng cao, được công chúng đón nhận, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đời sống tinh thần và môi trường thẩm mỹ của nhân dân. Đó là những thành công nhất định được thể hiện qua những vấn đề sau đây:

- Đi thực tế và tham gia trại sáng tác:

Dù trong điều kiện kinh phí hạn hẹp của Hội, nhưng lãnh đạo Hội đã tổ chức cho các hội viên khối nghệ thuật, trong đó có ban Mỹ thuật những chuyến đi thực tế đến các vùng, miền khác nhau. Một số họa sĩ trẻ cũng mạnh dạn cùng nhau tổ chức các chuyến đi thực tế theo nhóm. Từ đó, các họa sĩ có tư liệu để khơi nguồn cảm hứng sáng tác. Sau mỗi chuyến thực tế như vậy, các họa sĩ học hỏi, tích lũy được những trải nghiệm, thêm tư liệu phục vụ sáng tác tốt hơn. Thực tế cho thấy, sau mỗi đợt tham gia trại sáng tác, các họa sĩ đều cho ra đời tác phẩm có chất lượng hơn.

Các họa sĩ xác định quan điểm, định hướng sáng tác chung là: tự do sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật và Điều lệ Hội cho nên không có họa sĩ nào có tác phẩm vi phạm quy định chung. Mỗi họa sĩ đều có phong cách riêng, sử dụng phong phú về chất liệu và chủ đề thể hiện. Dù cũng vẫn trường phái, phong cách, chất liệu ấy, các họa sĩ đã miệt mài, đào sâu khai thác, cho ra đời những tác phẩm chất lượng cao. Tiêu biểu như: họa sĩ Hạ Bá Định, họa sĩ Đặng Việt Cường, họa sĩ Hà Huy Chương, họa sĩ Phạm Văn Trọng, họa sĩ Nguyễn Quang Hoan, họa sĩ Nguyễn Tiến Quân, họa sĩ Phạm Đình Tùng, họa sĩ Lương Văn Tiến, họa sĩ Nguyễn Hùng Cường, họa sĩ Nguyễn Đinh Duy Quyền, họa sĩ Đặng Thành Long (gốm), họa sĩ Mai Anh (gốm), họa sĩ Hạ Quang Long (gốm), họa sĩ Nguyễn Thành Long, họa sĩ Chu Đức Tiến (biếm họa), họa sĩ Đỗ Khải, họa sĩ Phùng Văn Tuệ…

- Tham gia các cuộc thi Mỹ thuật:

Hiện nay, các thông tin trên Internet rất phổ biến, thuận tiện cho việc tra cứu, cập nhật thông tin chính xác. Các cuộc thi có thể lệ theo từng nội dung, chủ đề rõ ràng, cởi mở và phù hợp cho từng thể loại, phong cách, trường phái của họa sĩ tham gia. Các họa sĩ đã hăng hái tham gia và đã đạt được những giải thưởng, như: họa sĩ Hà Huy Chương với các cuộc thi tranh cổ động; họa sĩ Phạm Đình Tùng với giải thưởng Việt Nam-Ba Lan; họa sĩ Phùng Văn Tuệ với giải thưởng Việt- Đức, giải thưởng Việt-Ý; họa sĩ Phạm Văn Trọng với cuộc thi UOB painting of the year; họa sĩ Đỗ Khải với các tác phẩm sơn mài tham gia các cuộc thi triển lãm quốc tế… Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa, lần 1 năm 2023” có họa sĩ: Hà Huy Chương, Nguyễn Quang Hoan, Nguyễn Phương được chọn vào vòng chung khảo. Với “Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2023” có 3 hội viên ban Mỹ thuật có tác phẩm được chọn trưng bày.

- Tham gia triển lãm mỹ thuật:

Triển lãm thường niên khu vực II- Đồng bằng sông Hồng, ban Mỹ thuật tham gia có nhiều tác phẩm được chọn trưng bày. Năm 2023, họa sĩ Nguyễn Tiến Quân đoạt giải B (không có giải A). Triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm được các họa sĩ tự bỏ kinh phí tổ chức thường xuyên hàng năm cho thấy kết quả của sự miệt mài và chuyên tâm sáng tác. Bởi mỗi lần triển lãm là một lần công bố với công chúng về tác phẩm mới, bản thân họa sĩ cũng thấy vững vàng hơn. Triển lãm cũng là cơ hội gặp gỡ, giao lưu học hỏi giữa các họa sĩ để tích lũy thêm kiến thức chuyên môn. Để phù hợp với xu thế phát triển mỹ thuật hiện nay: khi đủ số lượng, chất lượng về tác phẩm thì xin cấp phép triển lãm, nhằm giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật, và có thể bán tác phẩm, điều này chứng tỏ công chúng đón nhận và có kinh phí tiếp tục hoạt động. Tiêu biểu như nhóm họa sĩ trẻ trong ban Mỹ thuật.

- Một số nội dung khác liên quan hoạt động mỹ thuật:

Nhằm động viên, khích lệ các họa sĩ có những tác phẩm xuất sắc, hàng năm Hội VHNT đã xét duyệt, bình chọn, khen thưởng kịp thời ghi nhận sự cống hiến của các nghệ sĩ, tạo điều kiện để các họa sĩ có thêm động lực sáng tác… Ngoài ra, các tác phẩm có chất lượng cao thường xuyên được in đăng trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương, đăng trên trang Web Văn nghệ Hải Dương quảng bá, giới thiệu với bạn đọc…

Một số họa sĩ đã có nhiều cống hiến dù tuổi cao, vẫn miệt mài sáng tạo đầy nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho hội viên trẻ. Tiêu biểu như: họa sĩ Hạ Bá Định, họa sĩ Đỗ Chuyển, họa sĩ Nguyễn Cường Đệ, họa sĩ Đặng Việt Cường, họa sĩ Đặng Thành Long, họa sĩ Hà Huy Chương... Với họa sĩ Mai Anh (gốm) đã có khu xưởng làm việc riêng, là nơi trực tiếp giới thiệu, bán các sản phẩm của họa sĩ… tạo nhiều dấu ấn đến đời sống nhân dân và đồng nghiệp. Gần đây, ban Mỹ thuật đã kết nối với công ty Babeeni Việt Nam mở trại sáng tác mỹ thuật tại Sapa, thu được nhiều tác phẩm chất lượng (trong 2 tuần có 8 họa sĩ đã sáng tác được hàng trăm bức tranh). Hay như Trung tâm Nghệ thuật Thành Đông Babeeni – đường Trường Chinh, phường Tân Bình, thành phố Hải Dương đã hoạt động gây tiếng vang trong giới nghệ thuật và các văn nghệ sĩ. Nhóm câu lạc bộ anh em Nam Sách đã tự tổ chức triển lãm nhóm tại Hà Nội, trong 10 họa sĩ có 7 hội viên ban Mỹ thuật tham gia.

Trong ban Mỹ thuật có nhiều hội viên là giáo viên giảng dạy mỹ thuật tại các trường tiểu học, THCS ở các địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để các họa sĩ truyền tải kiến thức nghệ thuật, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật đến các em học sinh. Hàng năm vào dịp hè, ban Mỹ thuật cũng đã mở lớp năng khiếu mỹ thuật, tuyển chọn và bồi dưỡng các em học sinh tiếp cận thực hành chuyên sâu hơn về việc sáng tác.

Với những thành tựu trên, trong nhiệm kỳ qua, nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật có chất lượng ra đời. Đội ngũ họa sĩ ban Mỹ thuật thực sự là lực lượng nòng cốt để xây dựng đời sống thẩm mỹ lành mạnh, tích cực, nhân văn, đưa tác phẩm nghệ thuật đến gần với đời sống hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động chuyên môn của ban Mỹ thuật còn gặp phải những khó khăn:

Một số họa sĩ còn chưa chuyên tâm đầu tư cho sáng tác, do thời gian phải làm công việc khác để đảm bảo cuộc sống, hoặc do tuổi cao, sức yếu… nên tác phẩm chưa đạt chất lượng cao. Các văn nghệ sĩ chủ yếu tự thân vận động quảng bá giới thiệu, triển lãm... Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà có hỗ trợ cho các tác phẩm chất lượng cao, nhưng với kinh phí hạn hẹp nếu so sánh công sức, tâm huyết, tiền bạc mà một nghệ sĩ bỏ ra từ khi sáng tác cho đến khi đưa tác phẩm đến công chúng thì chưa thấm vào đâu; kinh phí đầu tư cho hoạt động mỹ thuật và triển lãm còn hạn chế so với nhu cầu. Đặc biệt, Hải Dương chưa có bảo tàng tư nhân nào chuyên về mỹ thuật. Không có gallery nào bày bán các tác phẩm của hội viên - nơi mà các tác phẩm nghệ thuật được trao đổi, mua bán một cách chính thức, công khai. Không có các chuyên gia thẩm định giá trị tác phẩm, thiếu vắng hệ thống thống kê cập nhật thông tin về tác giả, tác phẩm. Không có các nhà môi giới nghệ thuật. Thực tế hiện nay, việc mua bán các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao số ít là khách nhỏ lẻ, manh mún của thị trường nghệ thuật. Mặt khác thị hiếu về thẩm mỹ của người dân với nghệ thuật chưa nhiều, nếu có chăng thì gia đình và tổ chức, cơ quan mua các tranh để trang trí như: tranh in, tranh sao chép… hoặc các sản phẩm ít giá trị nghệ thuật.

Để đẩy mạnh việc đưa tác phẩm nghệ thuật đến với đời sống trong thời gian tới, việc đưa tác phẩm nghệ thuật đến với đời sống phải được thực hiện ngay trong mỗi gia đình, trong mỗi cơ quan. Bởi nhu cầu thẩm mỹ cảnh quan luôn tồn tại ngay trong các cơ quan, công sở, cũng như trong các công trình công cộng. Một mặt, để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, đưa nghệ thuật tiệm cận với đời sống xã hội, nhằm kích cầu thị trường mỹ thuật; mặt khác là cơ sở khẳng định và tôn vinh giá trị sản phẩm nghệ thuật của các họa sĩ. Các họa sĩ cần tích cực tham gia các cuộc triển lãm, các cuộc thi trong nước và quốc tế. Tận dụng các trang mạng xã hội để trao đổi, kết nối với các thành viên, giới thiệu tác phẩm đến các nhà sưu tập, công chúng yêu nghệ thuật… để các tác phẩm được quảng bá rộng rãi đến đời sống nhân dân. Mạnh dạn kết nối với các doanh nghiệp, tranh thủ sự ủng hộ, đầu tư kinh phí cho họa sĩ sáng tác và triển lãm để công chúng yêu nghệ thuật được tiếp cận, thưởng thức và sở hữu các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, mỗi họa sĩ phải coi hoạt động sáng tạo nghệ thuật có tính chuyên nghiệp như một nghề nghiệp. Họa sĩ hay nghệ sĩ cũng đều là một chức danh nghề nghiệp như mọi ngành nghề khác.

Tổ chức triển lãm mỗi năm 1 lần sau khi đi thực tế, trước khi triển lãm khu vực… với không gian thích hợp để trưng bày các tác phẩm mới, sau đó hội thảo tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn để những lần sau chất lượng các tác phẩm tốt hơn, cũng là để các họa sĩ có nơi hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Mặt khác, các cấp lãnh đạo, ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn nữa và cải thiện cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo và triển lãm các tác phẩm mỹ thuật để thu hút đông đảo họa sĩ và nhân dân tham gia.
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện thiếu nhi "Hương mùa xuân" của tác giả Bùi Thu Hằng(05/04/2024)
Giấc mơ xưa(05/04/2024)
Tiếng gọi(05/04/2024)
Truyện ngắn "Nhánh lan rừng" của tác giả Trần Quỳnh Nga(05/04/2024)
Tháng Giêng…(04/04/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na