Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện thiếu nhi "Hương mùa xuân" của tác giả Bùi Thu Hằng
05/04/2024 08:23:18

Cái Hẹn hết chạy ra, chạy vào con ngõ nhỏ tí, hun hút, nó chăm chú ngắm bức ảnh mẹ nó trên bàn học, rồi lại ra cổng ngóng. Sao hôm nay mẹ về muộn thế nhỉ? Mọi khi giờ này, mẹ đã có mặt ở nhà, giục nó đi tắm, nấu cơm cho nó ăn cơ mà…

Bức ảnh mẹ nó bên cái xe rác cao ngất, chiếc khăn che kín, chỉ hở đôi mắt với ánh cười rạng ngời, lấp lánh dưới vành mũ màu xanh. Mẹ nó mặc trang phục cũng màu xanh với những đường kẻ vàng óng ánh, trông thật gọn gàng, duyên dáng làm sao. Mẹ luôn đẹp trong mắt nó, cho dù mẹ có đứng bên cả núi rác bẩn ngồn ngộn giữa không gian khô cứng của phố phường, tay cầm cái chổi. Mẹ bảo đây là bức ảnh kỷ niệm cái ngày mẹ nó chuyển từ công việc cũ sang công việc mới, công việc của người quét rác ở Công ty vệ sinh môi trường thành phố. Mẹ từng kể không biết bao nhiêu lần về bức ảnh đáng nhớ trong đời với niềm tự hào, mẹ truyền vào con bé cảm xúc khó tả. Là nỗi xúc động trong trẻo khi thấy mình được làm công việc ý nghĩa, cụ thể và có ích… Ðang mải mê ngắm nhìn thì Hẹn nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc của mẹ từ ngoài cổng. Mẹ tắt máy, dắt xe, phía trước là mấy củ su hào, mớ rau cần, dăm quả cà chua cùng một con vịt đồ chơi màu đỏ bằng cao su.

- Mẹ đã về!

Nhưng, ngay phía sau mẹ lại là một chiếc xe máy màu đen bóng loáng, đỗ ập vào sân. Trên xe là người đàn ông lạ mặt. Trên tay lái lủng lẳng túi thức ăn sẵn, vài lon bia. Mẹ nó bỏ mũ bảo hiểm, tháo khẩu trang, tuyệt nhiên không nói một lời. Người đàn ông lạ mặt vẫn theo sau mẹ nó, vừa đi, ông ta vừa hát mấy câu cải lương rồi cười ha hả. Hẹn cũng chả biết ông ta đang hát bài gì và thỉnh thoảng có lời đe dọa mà con bé nghe không rõ.

- Sướng không biết đường sướng, lại thích đi quét bùn, quét rác phỏng? Tao xem được mấy bữa?...

Mẹ nó vẫn không hề nói một câu, vào đong gạo nấu cơm. Con bé ngạc nhiên tột cùng, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra ở trong ngôi nhà của mẹ con nó. Ngôi nhà chỉ có hai người, chưa từng có người thứ ba. Nó nhìn mẹ, mẹ nó thản nhiên thay quần áo, người đàn ông định chạy tới thì bị mẹ nó đẩy ngã. Thấy mẹ như đang gặp nguy hiểm, con bé chạy ra sân, ôm lấy cây chổi dài, giơ vào mặt người đàn ông. Giọng con bé thất thanh:

- Ông không được động vào mẹ cháu, cháu sẽ chạy ra kia, mách các bác trong xóm đi báo công an.

Người đàn ông tỏ ra bất ngờ, điên tiết, ông ta sững lại, rồi gào lên:

- Mày trông cũng chả khác mẹ mày lắm đâu! Cùng lắm thì rồi cũng giống cái con mẹ mày thôi, cứ chờ xem!

Rồi lão ta gườm gườm nhìn Hẹn, sau đó dong xe máy, lảo đảo đi ra khỏi cổng, suýt nữa thì ông ta ngã ở chỗ ngoặt. Cái bóng gù gù, to béo của ông ta khuất dần. Lão đi rồi, mẹ ôm nó khóc nức nở, thấy vậy, con bé hốt hoảng khóc theo, vừa khóc, nó vừa hỏi mẹ:

- Cái ông đó là ai thế mẹ. Sao ông ta lại biết mẹ con mình ở trong này?

- Ăn cơm đi, bé con biết gì mà hỏi vặn, hỏi vẹo!

Mẹ nó gắt với nó, lâu lắm rồi, nó không bị mẹ mắng như thế. Rồi mẹ tắt điện, vào trong giường nằm. Nó biết, mẹ đang khóc một mình. Có bao giờ mẹ như vậy đâu. Nó chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Từ nhỏ tới giờ, chưa một lần nó được nhìn thấy bố. Mẹ bảo bố nó đã có vợ khác rồi, nhưng không hiểu sao nó không tin vì nếu thế, bố nó vẫn phải về thăm nó hoặc gọi điện cho nó chứ. Ðến khuya, nó đóng cửa, lên giường ôm lấy mẹ, mẹ nó quay ra xoa đầu, hôn trán nó, rồi vỗ về “Mẹ xin lỗi con gái, sau này mẹ sẽ kể cho con nghe tất cả, rồi con sẽ hiểu”. Còn lúc đó, nó chả muốn hiểu gì nữa, nó muốn được ngủ một giấc ngon lành bên mẹ. Tự dưng, một nỗi sợ mơ hồ len lỏi trong lòng, nỗi sợ không có mẹ ở bên.

 
 
 Minh họa: Nguyễn Lâm Thao
 
 
 

Buổi sáng, khi mọi người còn đang ngủ thì mẹ nó đã phải dậy lâu rồi. Mẹ phải ra khu tập kết để nhận xe, đi làm công việc quen thuộc hàng ngày trên từng con phố. Tiếng kẻng leng keng reo vang như đánh thức cả thành phố bừng tỉnh, bắt đầu ngày mới. Con bé thức dậy trong tâm trạng mới, quên hết những điều hôm qua. Nó phải tự lo cho bản thân mọi việc mà đáng ra một đứa trẻ ở tuổi nó chưa phải lo: nào gấp chăn màn, đánh răng, quét nhà, làm đồ ăn sáng. Gọi là đồ ăn sáng nhưng chỉ là củ khoai, nắm xôi, bát cơm rang đã nguội. Và nó còn nhiệm vụ bật bếp, đun lại cho nóng. Ăn sáng xong, nó chạy sang hàng xóm, là những người cùng trọ trong dãy nhà lúp xúp trong con ngõ sâu hun hút, tối om om... Hàng xóm rất quý hai mẹ con nó vì bà biết tình cảnh của hai mẹ con. Nó thường được các chị lớn tuổi dạy viết chữ, tô màu, xếp hình. Đáng ra ở tuổi này, nó phải đi học mẫu giáo, nhưng có thật nhiều lý do khiến con đường đến lớp của nó còn quá xa. Bản thân nó cũng không muốn tới lớp. Mẹ nó bảo, ở nhà cho tiết kiệm, số tiền đi học để mẹ nó gom góp trả nợ, để không còn ai biết được quá khứ của mẹ con nó. Nó cũng lờ mờ hiểu ra vài chuyện, rằng ngày xưa mẹ nó phải làm cái nghề không được đàng hoàng, chính đáng, và người đàn ông hôm trước chính là cha đẻ nó. Một người cha say xỉn, vô trách nhiệm, hay cờ bạc. Mẹ đã ôm nó bỏ trốn để không phải làm cái nghề xấu xa… Hơn sáu năm, từ ngày mẹ nó trốn đi. Nó được bà hàng xóm kể rằng, nhiều lần bố nó muốn bắt hai mẹ con về nhưng mẹ nó không chịu. Bố nó điên tiết tìm cách đe dọa, hành hạ mẹ nó…

Lại sắp đến Tết. Con bé háo hức đợi chờ ngày đó. Bà hàng xóm thân thiết bảo Tết đến nhanh quá, bà cũng già lắm rồi. Bà vuốt tóc con bé Hẹn và nhìn nó âu yếm: “Cháu của bà cứ ngoan nhé cho mẹ đi làm kiếm tiền sắm tết, hôm nào, bà về quê cắt, cho hai mẹ con cành đào. Mà không biết năm nay đào có kịp nở hoa không, chứ trời rét quá cơ. Mà thôi, nếu không có hoa đào thì vẫn có Tết cháu ạ”. Con bé nhìn bà với ánh nhìn ngạc nhiên, ngơ ngác. Nó nói với bà:

- Ước gì Tết này cháu được gặp cha thì vui biết mấy, bà nhỉ?

Bà Mùi nhìn nó thở dài. Mùa đông năm nay lạnh, kéo dài hàng tháng liền. Cái rét cắt da, cắt thịt càng làm lộ ra nỗi khổ của kẻ nghèo khó. Mẹ nó chỉ có áo cũ nên không đủ ấm, đành phải mặc lồng nhiều áo cho đỡ rét. Con bé nằm trên giường mà hai hàm răng vẫn va vào nhau lập cập. Căn phòng trọ tuềnh toàng, bị gió lùa qua mái tôn nghe sột soạt. Cứ mỗi lần như thế, thân hình mảnh dẻ của con bé lại run bắn lên, môi nó tím dần đi. Chiều, mẹ nó đi làm về sớm, thấy cửa vẫn mở mà gọi mãi không thấy con bé đáp lại. Dựng xe vào góc sân, mẹ đi vào nhà, con bé Hẹn đang nằm trên giường thiêm thiếp, mê man. Mẹ gọi mà không thấy con bé thức, mẹ chạy vào, sờ lên trán thì thấy nóng bừng bừng. Thì ra Hẹn bị sốt cao. Mẹ vội vàng bế nó ra ngõ, gọi xe ôm đưa đến bệnh viện nhi. Bác sĩ bảo Hẹn bị cảm lạnh, sốt cao gần bốn mươi độ. Họ đưa con bé vào phòng cấp cứu bảo chị ra làm thủ tục nhập viện. Do quá đột ngột nên mẹ chưa chuẩn bị được tiền mà bây giờ cũng không biết lấy đâu ra. Những người trong xóm cũng cho mẹ con nó vay quá nhiều lần rồi. Về đến nhà, đang loay hoay chưa biết xoay xở đâu ra tiền đi nộp viện phí thì cái bóng lù lù khật khưỡng của bố nó bước vào. Lần này, bố của Hẹn trông có vẻ chững chạc, tỉnh táo hơn lần trước. Bảo đến đón hai mẹ con về. Lạ chưa, mẹ vẫn không nói nửa lời với bố, lẳng lặng bỏ vào trong xếp quần áo. Bỗng, bố quẳng ra rất nhiều tiền và bảo với mẹ:

- Mày cứ đưa con bé về với tao, mày muốn gì tao cũng chiều!

Nói đoạn, bố ném xấp tiền vung vãi khắp giường. Hẹn cảm nhận thấy mẹ đang chỉ biết câm lặng, nuốt nước mắt vào lòng. Trước cái nhìn hống hách của bố, mẹ nó biết cần phải làm gì, rồi bố nó tự tin nhắc lại:

- Tuần sau tao sẽ đến đón hai mẹ con mày về!

Mẹ lau nước mắt, cúi xuống nhặt từng đồng tiền, cẩn thận xếp lại. Như bình thường, nó biết mẹ có thể sẽ ném cả xấp tiền vào mặt bố nó, nhưng bây giờ chúng lại rất quan trọng đối với mẹ con nó. Hẹn được mẹ đưa quay lại bệnh viện, ở lại vài hôm. Hẹn thấy trong người nó dễ chịu hơn rất nhiều vì được uống, tiêm thuốc bổ. Hẹn được làm thủ tục ra viện sớm. Hai mẹ con về sắp xếp đồ đạc, sang chào bà chủ nhà trọ. Hẹn thấy mẹ trả nốt số tiền nhà còn lại cho bà thì bà nhẹ nhàng bảo: “Cứ cầm lấy mà lo cho cháu, sau này có thì trả”. Mẹ rơm rớm nước mắt. Nó láng máng hiểu rằng, trên đời này vẫn còn người tốt, cuộc sống của hai mẹ con vẫn chưa phải đường cùng. Nhưng nó cũng láng máng hiểu được sự giằng xé trong lòng mẹ, nếu như hai mẹ con còn ở đây thì mẹ sẽ không được làm công việc lương thiện của người quét rác nữa. Và tương lai của hai mẹ con nó sẽ còn mịt mờ. Mẹ kiên quyết xếp đồ đạc, áo quần vào chiếc ba lô to. Nó hỏi mẹ đi đâu. Mẹ bảo:

- Về quê mẹ ăn Tết.

Hẹn sung sướng reo lên:

- Thích quá. Về quê có được gặp ông bà ngoại không?

Nó thấy mẹ tránh nhìn vào mắt nó, mẹ nhìn về một cõi mênh mông, xa vắng. Nó hiểu mẹ đang nói dối vì nó nghe bà chủ trọ kể mẹ đâu còn quê. Ông bà ngoại đã mất từ khi mẹ tầm tuổi như nó. Nhưng nó thấy sự quyết tâm mà mẹ đang cố gắng để bảo vệ, che chở cho nó, không để cái ác, cái xấu đe dọa, rình rập. Nó biết, mẹ đang gặp khó khăn, nhưng mẹ vẫn lựa chọn việc ra đi.

Tia nắng ấm áp đầu xuân lung linh khắp phố phường. Hẹn cùng mẹ bước trên con phố dài, nó ngoái nhìn những quán hàng Tết rộn rã, người người mua sắm tấp nập. Nó vui sướng nhảy chân sáo lên hai cái bóng in trên nền đường, một dáng người lầm lụi của mẹ, một dáng lẫm chẫm của nó. Qua mảnh vườn nhỏ, con bé Hẹn nhìn thấy những nụ đào hé nở, báo mùa xuân đến. Nó mơ hồ niềm hy vọng, yên tâm khi vòng tay ấm áp, vững chắc của mẹ choàng nhẹ trên đôi vai bé nhỏ của nó, cảm giác như có cánh chim lạc đang chao nhẹ trên mái tóc mềm, mùa xuân mới đang đến thật gần rồi…
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Giấc mơ xưa(05/04/2024)
Tiếng gọi(05/04/2024)
Truyện ngắn "Nhánh lan rừng" của tác giả Trần Quỳnh Nga(05/04/2024)
Tháng Giêng…(04/04/2024)
Về quê(04/04/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na